PHẠM THUẬN THÀNH
Danh nhân khoa bảng, trạng nguyên Nguyễn Quang Bật người làng Ngo, nay thuộc thôn Thường Vũ (An Bình - Thuận Thành - Bắc Ninh). Ông sinh năm 1464 trong gia đình nông dân nghèo. Thời trẻ ông phải mở quán nước ở cầu Khoai trên đường kinh lí từ Phả Lại qua Gia Bình về kinh đô Thăng Long (nay là đường quốc lộ 17). Vừa làm vừa học, vậy mà mới 21 tuổi ông thi đỗ trạng nguyên khoa thi Giáp Thìn đời vua Lê Thánh Tông (1484), thời kì học nghiệp phát triển, người tài xuất hiện khắp nơi. Cũng năm ấy nhà vua cho dựng bia Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Sau khi thi đỗ được tuyển làm quan ở Viện hàn lâm, chức Hàn lâm viện thị thư, thành viên hội “Tao Đàn nhị thập bát tú”, đứng tên thứ 7. Thời Lê Hiến Tôn phong chức Đô ngự sử đài, phụng mệnh cùng thượng thư Đàm Văn Lễ phò lập Túc Tông. Khi Hiến Tông ốm nặng, bà Kính phi, mẹ nuôi hoàng tử Tuấn mưu lập tranh thái tử Thuần nhưng bị hai ông không nhận. Không may Túc Tông lên ngôi vài tháng thì qua đời, hoàng tử Tuấn kế vị, tức vua Uy Mục Đế đã biếm chức hai ông vào Quảng Nam giữ chức Thừa tuyên sứ. Khi hai ông vào đến huyện Chân Phúc (nay là Nghi Lộc) vua sai người đuổi theo bắt tự xử trên sông Lam.
Do trạng nguyên Nguyễn Quang Bật bị triều Lê Uy Mục bắt tội, lại trải thời gian trên 500 năm nên dấu tích về ông không còn nhiều. Sách “Đại Việt sử kí toàn thư” thì có một số đoạn viết về ông. Theo đó được biết ông đỗ trạng là do bài thi đình xuất sắc trả lời vua về nhà Triệu Tống. Ông tham gia làm sách “Quỳnh uyển cửu ca”, vâng họa 9 bài thơ của vua Lê Thánh Tông. Ông giữ khí tiết trung thần phò lập Túc Tông nên bị Uy Mục đế bức hại năm 1505, sau đó đời Hồng Thuận (1509) vua Tương Dực đế khôi phục danh vị. Sách “Bắc Ninh dư địa chí” có chép bài thơ tuyệt mệnh của ông từ nguồn gia phả như sau:
"Trời, trời xanh. Nước, nước xanh
Ai đem người ngọc đến nam Ninh
Nào chàng Liễu Nghị đi đâu tá
Sao chẳng đưa thư tới Động Đình".
Sách “Hoàng Việt thi tuyển” có chép lại hai bài thơ của ông. Đó là hai bài vâng họa thơ vua trong sách “Quỳnh uyển cửu ca”. Đây là một bài:
THƯ THẢO HÍ THÀNH
(Phụng họa Ngự chế)
"Bút thế tung hoành tuyệt khả nhân
Nha tiêm ngọc trục ánh dư huân
Huyền hùng đối cứ tàng đan lĩnh
Tử yến tương truy nhập bích vân
Dương giám cửu truyền, Trương Húc thể
Đắc thư hưu thác Bá Anh cân
Tiểu thần hà hạnh chiêm y cận
Khoái đổ văn chương Khuê bích văn".
Dịch thơ:
ĐÙA VUI VIẾT THẢO THÀNH THƠ
(Vâng họa thơ Đức Vua)
"Vượt hẳn muôn người, bút lực dư
Câu ngà chữ ngọc ráng vàng mơ
Ngồi trong núi đỏ. gấu đen ẩn
Lướt giữa mây xanh, én tía đua
Trương Húc, mãi truyền trang bút pháp
Bá Anh, đâu kém nét thi thư
Tiểu thần may được hầu minh chúa
Vui thấy sao Khuê rạng chiếu thơ..."
Duy Phi dịch
Gần đây, hậu duệ Trạng nguyên Nguyễn Quang Bật đã tìm thấy một bài văn bia do ông soạn năm 1505, bia hậu đặt ở chùa Hòa Lạc, thị trấn Như Quỳnh, địa danh thời xưa thuộc xã Hành Lạc, tổng Như Quỳnh (Văn Lâm, Hưng Yên). Bài văn bia còn sao chép được 332 chữ Hán kể về nhân vật võ quan (không rõ họ tên vì chữ bị mờ không đọc được, chỉ biết mẹ họ Vũ, vợ họ Phạm, sinh 4 trai 2 gái, con trai trưởng cũng là võ quan), người xã Hành Lạc, làm đến chức Đô tổng binh xứ Thanh Hóa thời Lê Thánh Tông, thường làm việc thiện, từng xây cầu qua sông Nghĩa Trụ 9 nhịp và làm chùa 32 gian. Ông mất ngày 6/5, niên hiệu Đoan Khánh thứ nhất (1505), thọ 71 tuổi. Đoạn cuối bài văn bia có dòng lạc khoản ghi rõ: “Đoan Khánh nguyên niên, tứ Giáp Thìn khoa Tiến sĩ cập đệ, Lại bộ Hữu thị lang, Trung Trinh đại phu, Khuông thiếu doãn, Gia Định Nguyễn Quang Bật cẩn chí”. Qua dòng lạc khoản này cho biết một số thông tin quan trọng: Địa danh huyện thời đó là Gia Định, chức quan của trạng nguyên Nguyễn Quang Bật khi soạn văn bia là Hữu thị lang bộ Lại (trước đó là Đô ngự sử đài), thời gian soạn văn bia là năm đầu thời Đoan Khánh (Lê Uy Mục), điều đó chứng tỏ khi hoàng tử Tuấn kế vị Túc Tông chưa biếm chức và điều đi Quảng Nam ngay.
Tại quê hương thôn Thường Vũ hiện có nhà bia Trạng nguyên Nguyễn Quang Bật bảo tồn tấm bia tại nhà thờ ông dựng năm 1937 nhưng bị hư hại trong kháng chiến chống Pháp. Ngay sau khuôn viên nhà bia là Trường tiểu học của xã An Bình mang tên Nguyễn Quang Bật. Dòng họ Đỗ, hậu duệ trạng nguyên có đặt giải thưởng trạng nguyên Nguyễn Quang Bật để thưởng cho một học sinh xuất sắc nhất năm học. Cháu Nguyễn Thị Hoan người thôn Nghi Khúc giành giải thưởng năm đầu tiên. Trường trung học cơ sở xã An Bình có thư viện mang tên trạng nguyên Nguyễn Quang Bật. Ngoài ra, trạm y tế xã An Bình nằm trên khu đất xưa là dinh cụ trạng, nay dân gọi là Khu Dinh và Khu Sau Dinh./.