Trang chủ

GIA THẾ HÀN THUYÊN
15:51 | 03/01/2019

Hàn Thuyên là danh sĩ nổi tiếng trong lịch sử nước ta. Ông là người phụng mệnh vua Trần Nhân Tông dùng văn ném xuống sông Phú Lương đuổi được cá sấu đi giống việc Hàn Dũ đời Đường nên được vua cho đổi thành họ Hàn. Ông cũng là người khai sáng ra thể loại thơ Nôm luật Đường nên về sau được tôn vinh là Hàn luật.

Tuy nhiên, gia thế Hàn Thuyên còn ít được biết đến. Hiện ở Lai Hạ (Lương Tài - Bắc Ninh) có đền thờ nên người ta chỉ biết ông quê ở đó mà thôi. Nguồn tư liệu “Gia phả” hiện có bản A2351 lưu trữ ở Viện Hán Nôm (Thạch Can dịch) có ghi chép về gia thế Hàn Thuyên. Gia phả chép đời thứ nhất là cụ thủy tổ Nguyễn Bặc, khai quốc công thần nhà Đinh, làm quan chức Thái tể, Định quốc công. Ông có công đánh dẹp loạn Đỗ Thích và chống lại Lê Hoàn bảo vệ vương triều nhà Đinh. Đời thứ hai là Nguyễn Đê, chức Đô hiệu điểm nhà Lê, người có công ủng hộ Tả thân vệ Lý Công Uẩn lên ngôi vua, lập ra nhà Lý. Cụ Nguyễn Đê sinh ba con trai và đều thành đạt:

- Con trưởng Nguyễn Quang Nghĩa làm quan chức Đô chỉ huy sứ, Á khanh, tước hầu. Sau có công cùng Lê Phụng Hiểu dẹp loạn tam vương, được vua Lý Thái Tông phong chức Thái úy, tước Hòa quốc công.

- Con thứ hai Nguyễn Viễn làm quan các triều Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, chức Tả tướng quốc, Tham tri chính sự

- Con thứ ba Nguyễn Phúc làm quan triều Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông chức Thái bảo. Thái bảo Nguyễn Phúc sinh một trai là Nguyễn Dương. 

Nguyễn Dương là đời thứ tư, thi đỗ võ cử đời Lý Thần Tông, giữ chức quan coi hỏa đầu cung Tả Hưng Thánh, phong Thái bảo. Đời Lý Anh Tông vua còn nhỏ, Thái úy Đỗ Anh Vũ chuyên quyền, ông cùng một số quan đại thần (trong đó có phò mã Dương Tự Minh) khởi binh bắt giam lại. Sự việc xảy ra vào tháng 9/1150. Nguyễn Dương đòi giết ngay, nhưng Thái úy Vũ Đái không chịu, muốn chờ lệnh Thái hậu. Ông biết việc sẽ hỏng liền mắng Vũ Đái rồi nhảy xuống giếng tự vẫn. Quả nhiên Thái hậu xuống chiếu thả ngay Đỗ Anh Vũ, và các quan đại thần kia đều bị trả thù dã man. Thái bảo Nguyễn Dương sinh ba trai, con cả là Nguyễn Thuyên, hai con thứ gia phả không ghi chép. Bấy giờ họ Nguyễn còn nhiều người làm quan đại thần trong triều, nhưng đều bị Thái úy Đỗ Anh Vũ tìm cách hãm hại. Tả đô đốc Nguyễn Phụng phải xin nghỉ trí sĩ. Binh bộ Thượng thư Nguyễn Quốc bị lưu vào Thanh Hóa, vua cho triệu về thăng chức Đại tư đồ nhưng vẫn bị Thái úy Đỗ Anh Vũ đầu độc giết chết.

 Nguyễn Thuyên là đời thứ năm tính từ Định quốc công Nguyễn Bặc. Sau sự biến Đỗ Anh Vũ, ông còn bé nên theo anh họ Nguyễn Nộn ở ẩn vùng Kinh Bắc. Nhà Lý suy vong, Nguyễn Nộn chiếm cứ Bắc Giang cùng Đoàn Thượng ở Hồng Châu chống lại Trần Thủ Độ. Sau nhà ông quy phục nhà Trần, được phong chức Hoài Đạo vương. Nguyễn Thuyên chuyên cần học tập, thi đỗ Tiến sĩ năm Đinh Mùi, niên hiệu Thiên ứng thứ 16 đời Trần Thái Tông (1247). Ông làm quan đến chức Hình bộ Thượng thư đời Trần Nhân Tông. Gia phả ghi rõ không khảo cứu được con cháu. Năm sinh, năm mất và phần mộ “Gia phả” cũng không ghi chép được. 

Tuy nhiên, theo “Gia phả” ghi chép gia thế Hàn Thuyên là rõ ràng, nhưng có một số điều tồn nghi, nhất là về tuổi thọ Hàn Thuyên. Cụ thân sinh là Nguyễn Dương tuẫn tiết vào tháng 9/1150, cứ cho khi đó thân mẫu còn mang thai thì Hàn Thuyên cũng sinh năm 1151. Vậy khi đỗ Tiến sĩ năm 1247 ông đã gần 100 tuổi. Đến năm 1282 ông làm bài văn tế cá sấu thì đã là 131 tuổi.

Hàn Thuyên là người khai sáng thể thơ Nôm luật Đường, tác phẩm để lại có tập thơ “Phi sa tập”, tuy nhiên số lượng cụ thể không rõ. Sau đây là hai bài thơ của ông do Ngô Văn Phú giới thiệu trên báo Văn nghệ trẻ:

Xuân

"Hoa nở, lộc hường, xuân lại xuân,

Cỏ cây mơn mởn đón đông quân.

Bướm ong bay rộn. Trời đang ấm

Mừng mảng trăng xuân sáng bội phần".


Gió nồm

"Ra Tết hây hây gặp gió nồm

Cỏ loang mặt đất. Lúa xanh om

Người hòa tươi tốt. Cảnh hòa lạ

Biếc một ngàn xa. Biếc núi non..."

Đánh giá công lao Hàn Thuyên với sự phát triển chữ Nôm và thơ ca Việt, vua Tự Đức viết:

"Quốc ngữ văn chương thùy nhiễm hàn

Bất vong đôn bán bị nham khan

Lư giang di ngạc hà thần tốc

Bác đắc quân vương tứ tính Hàn".

Dịch:

"Quốc ngữ văn chương mới nhúng tay

Chẳng quên tiếng mẹ khá khen thay

Sông Lư đuổi sấu in Hàn Dũ

Nên được nhà vua đổi họ ngay".

(Theo Nguyễn Quyết Thắng - Nguyễn Bá Thể - Từ điển nhân vật lịch sử VN - NXB Văn hóa 1993 - Trang 654)

Ở Bắc Ninh, tên danh nhân Hàn Thuyên được đặt cho trường Trung học phổ thông thành phố Bắc Ninh từ lâu, Trường Trung học sơ sở huyện Lương Tài và nhiều đường phố trong tỉnh./.

                                                                                                                                                                      PHẠM THUẬN THÀNH