Nguyễn Duy Thức tên húy là Bút, tự là Nhân Quý, Hiệu Phù Trai, sinh ngày 23 tháng 11 năm Giáp Dần – 1734, quê xã Vọng Nguyệt, nay là thôn Vọng Nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Quê hương tiên sinh là nơi có truyền thống khoa bảng vẻ vang, tiêu biểu của huyện Yên Phong và Bắc Ninh – Kinh Bắc với 8 vị đỗ đại khoa, hàng chục vị đỗ cử nhân, tú tài, có gia tộc năm đời liền đăng làng Tiến sỹ trong thời kỳ phong kiến.
Tiên sinh là con trưởng trong một gia đình nông dân nghèo, đời đời tích đức làm việc thiện để phúc cho con cháu dài lâu. Thân phụ tiên sinh tên Húy là Đoát, Tự Nhân Gia, Hiệu Hạo Nhiên, làm quan tri huyện Khang Lộc, Tán Thị Thừa Chánh sứ - xứ Tuyên Quang được thăng đặc Đặc Tiến Kim Tử Vinh Lộc Đại Phu, Tước Kiều Nhạc Hầu. Thân mẫu tiên sinh, tên húy là Ngâu, hiệu Nhân Hậu, con gái tướng công họ Ngô làm quan hiến sát phó sứ - xứ Sơn Tây.
Từu thời niên thiếu, tiên sinh đã có tư chất thông mẫn hơn người. 5 tuổi đã hay chữ, 7 tuổi thuộc nhiều kinh sử, 14 tuổi đã ứng thí. Bấy giờ có quan Hình Bộ Thượng Thư họ Trần ra đề thi thấy tiên sinh có tướng mạo khôi ngô tuấn tú đã nhận làm con nuôi, tạo điều kiện học hành tiến đạt rồi gả con gái là Trần Thị Phương Chính cho.
Năm 26 tuổi, tiên sinh thi đỗ Tứ Trường khoa Kỷ Mão. Đến năm Tân Tỵ, vì gia cảnh khó khăn, tiên sinh đã sớm ra nhậm chức làm quan Tri huyện Võ Nhai – Thái Nguyên. Tới năm 30 tuổi (1763), tiên sinh dự kỳ thi Hội và thi Đình đều đỗ vào hàng cao nhất. Sử chép: Nguyễn Duy Thức đỗ Hội Nguyên (đỗ đầu kỳ thi Hội). Thi Đình đỗ Đệ Tam Giáp Đồng Tiến sỹ xuất thân – tên đứng thứ 2, khoa Quý Mùi, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 24, đời vua Lê Hiến Tông (1763). Khoa thi này triều đình chỉ lấy đỗ 5 vị đồng Tiến sỹ xuất thân, không tuyển Tam Khôi và Hoàng Giáp.
Sau khi thi đỗ đại khoa, tướng công lại tiếp tục được triều đình bổ nhiệm làm quan, gia phả họ Nguyễn ghi: Ngày 15 tháng 10 năm Quý Mùi, quan tân khoa Nguyễn Duy Thức được vua triệu về Kinh nhậm chức Lễ Bộ Cấp Sự Trung, Hành Hải Dương đạo, giám sát khanh lại nhưng tướng công từ chối rồi về mở trường dạy học. Học trò trong vùng theo học tới hơn 500 nho sinh, khi đi thi có 5 vị đỗ Tiến sỹ và hơn 100 vị đỗ cử nhân, tú tài.
Năm Nhâm Thìn 1772, vùng Cao Bằng có giặc phiến loạn, triều đình lại triệu Hồi Tướng công về Kinh, bổ nhiệm chức Đốc Đồng Trấn thủ Cao Bằng và ông đã dẹp yên giặc phiến loạn. Do chiến tích to lớn ấy, ông được triều đình phong chức – Hàn Lâm Viện Thị Chế nhưng sau đó ông lại xin về phụng dưỡng cha già không màng vinh hiển.
Tới năm Mậu Tuất 1778, vùng Hải Dương, Thái Nguyên, Tuyên Quang có giặc phiến loạn, triều đình lại triệu hồi ông về Kinh, phong chức, cử đi dẹp loạn và tướng công đã lập được chiến tích hiển hách. Sau đó, tướng công không may mắc bệnh hiểm nghèo rồi tạ thế ngày mồng 5 tháng 1 năm Nhâm Dần 1872, thọ 49 tuổi.
Phần mộ tướng công được an táng ở cánh đồng Ngòi tại quê hương Vọng Nguyệt. Từ đường thờ tướng công vốn xưa là Vinh Quy Từ Đường – tức ban đầu là Nghè, do triều đình sức về cho "Hàng huyện làm tổng, hàng tổng làm nhà" để đón quan tân khoa Nguyễn Duy Thức về vinh quy bái tổ. Trải qua bao bước thăng trầm của lịch sử quê hương và đất nước, Từ đường thờ Tướng công vẫn được các hậu duệ hương khói, phụng thờ. Công trình tín ngưỡng này không chỉ là nơi thờ bậc khởi tổ mở đường khoa bảng vẻ vang cho con cháu mà còn tôn thờ các bậc liệt tổ, liệt tông của Nguyễn tộc. Trong đền hiện còn lưu giữ được nhiều cổ vật và tư liệu có giá trị lịch sử và nghệ thuật vô cùng đặc sắc.
Cuộc đời, sự nghiệp vẻ vang, quan lộ hiển hách của Tướng công từ xưa tới nay được nhiều tư liệu, sử sách biên chép: bia đá ở Văn Miếu Quốc Tử Giám – Hà Nội, Văn Miếu Bắc Ninh – Kinh Bắc, Văn chỉ huyện Yên Phong đều ghi khắc lưu danh. Gia phả Nguyễn tộc là tư liệu ghi chép rất sâu sắc về Tướng công.
Với giá trị lịch sử sâu sắc đó, từ đường thờ Tướng Công đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa ngày 8 tháng 2 năm 2012, Quyết định số 16/QĐ-CT.
Từ xưa tới nay, các hậu duệ của Tướng công vẫn tích cực phát huy truyền thống vẻ vang của gia tộc.
Thời kỳ lịch sử hiện đại đến nay (2018), gia tộc đã có rất nhiều người thành đạt với 6 vị Tiến sỹ, 14 vị Thạc sỹ, hàng chục vị Cử nhân, Tú tài và 8 vị cấp tá Quân đội./.
LÊ VIẾT NGA