Trang chủ

QUÊ HƯƠNG - BẾN ĐÒ VÀ NGƯỜI ANH HÙNG
15:33 | 30/11/2018

Làng Bút Tháp - quê tôi - là ngôi làng cổ. Cư dân nơi đây chẳng biết đích xác có từ bao giờ. Song chắc hẳn chỉ sau thời kỳ các Vua Hùng dựng nước.

Lăng mộ Kinh Dương Vương, Đền thờ Thủy Tổ nước Nam, và Âu Cơ - Lạc Long Quân ở làng Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, cách làng tôi chưa đầy hai cây số. Ở đấy đang lưu giữ các chứng tích lịch sử về Ông nội Vua Hùng. Và mấy năm gần đây nhà nước tổ chức ngày giỗ Tổ: Kinh Dương Vương to lắm.

Vậy hiển nhiên là con, cháu, chắt…các ngài có sinh sống ở nơi đây. Và còn biết bao huyền thoại, truyền thuyết, dã sử…cho thấy Bút Tháp là vùng đất cổ. Thiên nhiên, con người được mở mang từ sớm nhất, một vùng lúa nước, dâu tằm, tơ lụa và nhiều nghề nuôi sống con người. Sông Đuống “nằm nghiêng nghiêng” kéo dài dọc đê Đuống, lưu thông từ sông Hồng tới Lục đầu giang. Và khu rừng rậm, lau sậy, bãi bờ… mãi những năm gần đây vẫn còn nhiều dấu tích.

Ngày nay Bút Tháp vừa đậm nét cổ kính, vừa sáng bừng “Nông thôn mới” muôn màu muôn vẻ.

Chỉ xin điểm qua là vậy. Còn đây là nhân kỷ niệm 73 năm ngày Truyền thống CAND và 70 năm ngày mở lại bến đò Bút Tháp - Dền, phục vụ cho sự nghiệp đánh Tây. Bài viết này dựa theo câu chuyện do các cán bộ lão thành kể lại, nói về cái bến đò, dòng sông Đuống, về những cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân nơi đây, về ông Tô Quyền - nguyên là cán bộ Công an tỉnh Bắc - Ninh “nằm vùng”. Sau là Đại tá, Cục trưởng và được Nhà nước phong tặng danh hiệu AHLLVTND. Tất thảy gọi nhớ thương da diết, gợi niềm tự hào mãnh liệt và hơn cả là gợi lại truyền thống đánh giặc, giữ nước, nhắc nhở đạo lý "Uống nước nhớ nguồn"…

Bút Tháp thuộc xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh). Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều gian nan, đau thương, mất mát suốt chín năm dòng. Họ đã làm nên những sự tích phi thường, dẫu kẻ thù đóng ngay bên cạnh. Bốt Á Lữ, bốt Đậu ngày đêm đàn áp, o ép nhiều bề. Song họ nhất định không nhường bước, không chịu lập “Tề”, không chịu xây lô cốt Bảo an dưới bất kỳ hình thức nào, nhất định ngăn chặn âm mưu “dùng người Việt trị người Việt”. Ý chí kiên cường ấy đã làm nên giá trị quý hơn vàng: Đỡ tổn hại máu xương cán bộ, đảng viên và quần chúng yêu nước, để cả xã trở thành địa bàn vững mạnh, giúp cho huyện và các xã bạn có nơi trú chân, làm bàn đạp giành lại đất mình.

Từ năm 1953 đến 1954, nơi này đã luôn làm cho giặc khốn đốn. Có trận cùng Bộ đội Chủ lực đánh tan cả Tiểu đoàn quân Cơ động tinh nhuệ của địch đến càn, diệt hàng trăm tên (ngày 20 tháng Giêng  năm 1954). Cái phi thường, kỳ lạ còn ở chỗ những người Đảng viên và quần chúng trung kiên dẫn đầu là ông Hùng - Khánh, Bí thư chi bộ xã Đình Tổ dám làm kiến nghị với “thượng cấp”: “Chúng tôi xin lấy máu mình đảm bảo không cho địch chiếm chùa Bút Tháp”, kiến nghị tâm huyết và đầy táo bạo ấy được “thượng cấp” đồng ý. Họ reo lên vừa sung sướng, vừa lo lắng: Lời hứa là lời thề. Nhờ lời thề sáng tạo và quả cảm không chấp hành lệnh “Tiêu thổ kháng chiến” một cách dập khuôn ấy, ngày nay chùa Bút Tháp vẫn nguyên vẹn là ngôi chùa cổ, đẹp “độc nhất vô nhị” của non sông đất nước ta, lưu giữ cho cả nhân loại một công trình văn hóa kiến trúc làm say đắm lòng người. Năm 2013 Nhà nước phong tặng “Chùa Bút Tháp - di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt”. Hàng năm từ 22 đến 24 tháng 3 (âm lịch) Bút Tháp mở hội chùa (Ninh Phúc Tự) vui vẻ lắm, thu hút hàng vạn khách thập phương và quốc tế đến tham quan, lễ phật. Đặc biệt chiến công âm thầm phục vụ hữu hiệu cho tác chiến thắng lợi, song ít được nói tới, bởi không nhiều người biết là việc mở lại bến đò Bút Tháp - Dền, đánh thông đường dây liên lạc giữa Nam - Bắc phần sông Đuống. Khi ấy hầu hết các xã và các cơ quan đầu não của Thuận Thành phải sang tạm lánh bên Tiên Du. Quế Dương. Võ Giàng, chỉ đêm đêm những con đò lầm lũi đưa, đón cán bộ, qua sông về các làng, xã bám đất, bám dân, tạo dựng cơ sở, chờ thời cơ giải “tề”, phá giặc. Bến đò Bút Tháp và dòng sông Đuống đã lập một đường giao thông huyết mạch nối các tỉnh đồng bằng (khu III) với xứ sở cách mạng Việt Bắc. Họ đã đưa đón cả các cán bộ cao cấp như Văn Tiến Dũng. Lê Quốc Thân. Ngô Minh Loan*. Nguyễn Ly qua lại. Sau này khi làm lịch sử cấp huyện, xã, không nêu được những công trạng có giá trị đặc biệt ấy. Cán bộ, Đảng viên kháng chiến nhiều người băn khoăn, tiếc… trong đó có ông Tô Quyền - Công an Tỉnh người nhiều năm nằm vùng tại nơi đây. Ông Nguyễn Văn Hậu - Công an xã. Ông Hậu kể: “Hôm chúng tôi ra Hà Nội thăm Đại tướng Văn Tiến Dũng (1992) ông vui vẻ tiếp: “Ở đấy có Đội bạch binh”, ông gọi chúng tôi là đội bạch binh - nghĩa là “lính chân trắng” không lương, không phụ cấp, chỉ tự nguyện dấn thân đi bảo vệ cán bộ, không nan từ nguy hiểm”. Đại tướng hỏi: “Đồng chí Bí thư ngày ấy?” “Thưa Đại tướng: Cụ mất năm ngoái rồi ạ”. “Ngày ấy đồng chí Bí thư và anh em đi đón chúng tôi, họ chỉ mặc áo lương, khăn xếp mà trời thì rét căm căm”. Đưa đón ông Văn Tiến Dũng là trách nhiệm hệ trọng. Cụ Khánh - Bí thư triệu cán bộ nòng cốt bàn bạc: “Lợi dung đêm tối mịt mùng, bất ngờ và táo bạo đưa một chiếc thuyền sang tận mé làng Phú Mỹ (gần bốt Á Lữ hơn), đánh lừa kẻ địch, phòng chúng sẽ bao vây bến đò Bút Tháp”. Và hôm ấy ngay từ 12 giờ trưa, cụ Khánh, ông Tô Quyền cùng tôi và mấy anh em đóng áo lương, khăn xếp, với hành lý: Vàng, hương, cau, thong dong, lảng vảng qua các cung đường từ trưa đến chiều, theo dõi địch tình các bốt Á Lữ, Đậu, đến tận tối đưa đón ông (VTD). Khi tiếng súng nổ chát chúa trên đoạn đường Bút Tháp xuống bến đò thì ông Văn Tiến Dũng đã qua hết cả làng Dền, Xộp (huyện Tiên Du). Chuyến công vụ ấy đã xuôi chèo, mát mái. Sau này các ông Văn Tiến Dũng. Lê Quốc Thân. Ngô Minh Loan*. Nguyễn Ly… đều có văn bản xác nhận công tích của Bút Tháp, Đình Tổ.

Ngày ấy ta đối mặt với kẻ thù đã từng hơn tám mươi năm đô hộ nước ta, chúng giàu mạnh, lại mưu thâm, kế hiểm. Thường phục kích bến đò, tuần tra hành lang giao thông, gây cho ta không ít khó khăn, nguy hiểm. Máu xương anh em ta đã thấm đẫm đường dây, hòa cùng sông nước, có thi thể vĩnh viễn trôi theo dòng sông Đuống quanh co này. Làng Dền - Cảnh Hưng - Tiên Du nằm sát bờ sông, dẫu vẫn là vùng tự do, nhưng nhiều người xung phong lái đò đưa, đón Việt minh, có người đã bỏ mình nằm lại bên cánh bãi bờ Nam. Dòng sông Đuống, bến đò Bút Tháp, bãi bờ lau sậy và những con người quên thân vì nước đã làm nên những sự tích phi thường. Nhắc đến những năm tháng Thuận Thành mất đất, cụ Hậu thường cảm động kể: “Xã mình còn khá, chứ anh em các xã bạn khổ lắm, các gia đình tiếp tế ít ỏi, hoặc không kịp, ban ngày anh em phải đi làm mướn, đi đánh dậm, mò cua, bắt ốc, kiếm cái ăn. Ban đêm từ Xuân Hội (Tiên Du) đi bộ, có hôm nhỡ đò phải bơi qua sông, rồi lại đi bộ về Mãn Xá. Đông Cốc. Trà Lâm. Tư Thế… gặp cơ sở bàn bạc một lúc rồi lại đi, sáng bảnh mới tới Xuân Hội. Chủ nhà đãi vài củ khoai luộc (để phần từ tối). Vậy mà vẫn vui. Những khi gặp anh em Trí Quả, Hà Mãn nói những chuyện để đời ấy, vẫn cười ra nước mắt. Tôi nói xã mình còn khá là vì xã mình còn đất, còn xoay xỏa được. Việc lo lương ăn dễ dàng hơn, hoặc có những hôm cụ Nam - Chủ tịch huyện về xã, ra bến đò, chúng tôi khéo léo xin cụ “duyệt” cho “buôn” vài đôi tiểu từ bên Nam sang Bắc bán, kiếm ít lãi, nuôi anh em được dăm ngày.

Thế đấy! Làm sao giữ vững được tinh thần để anh em không nao núng, để ngày đêm vẫn một lòng một dạ đau đáu tìm phương kế giữ đất, giành dân, tìm hiểu địch tình, hướng dẫn, vạch kế cho dân chống lại sự kìm kẹp của địch. Còn dân ta, họ vốn giàu lòng yêu nước, ghét tây, làng quê họ đang bị xâm lăng đe dọa thì mỗi con người có một cách để thể hiện lòng mình. Gặp được cán bộ ta là họ có niềm tin, cách mạng đang bên cạnh họ, có người đưa đường chỉ lối, họ không sợ lẻ loi. Còn Bút Tháp và cả xã Đình Tổ, được tai mắt của quần chúng, không một tên phản động nào nhăm nhe xuống bốt, cầu thân, xin làm tay sai cho giặc, mong được vinh thân phì gia. Cũng có vài kẻ cố tình “thích đi hầu thằng Tây” liền bị cách mạng trừng trị.

Những năm 1991 - 1992 Hoàng Giá một sĩ quan Quân đội nghỉ hưu về thôn Bút Tháp, nghe kể lại, vốn là một Chính trị viên Tiểu đoàn, chiến đấu ở miền Nam nhiều năm, lòng dạ không yên, mới xung phong ra làm Bí thư Chi bộ. Ông nêu ý định xin làm thêm hai việc:

1. Viết thành tích làng Bút Tháp.

2. Làm thủ tục đề nghị Nhà nước truy phong danh hiệu AHLLVTND cho một liệt sĩ.

Vì những năm còn ở chiến trường, ông đã được nghe thời sự nói về Vũ Tử Luận. Báo Nhân dân - Quân đội Nhân dân - Đài Tiếng nói Việt Nam đã tuyên truyền.Sư đoàn 2 đã đề nghị phong tặng. Không hiểu vì sao dừng lại.

Cả hai việc Chi bộ đều hoàn toàn nhất trí: Thành lập một Ban công tác đặc biệt…Họ chỉ “cơm nhà, việc làng” ngày đêm đi gặp gỡ những người trong cuộc, những người am hiểu, hỏi han, ghi chép, xác minh, đi gặp cả Cục chính sách… dẫu gặp không ít khó khăn. Cuối cùng trái chín không phụ công người. Thành tích làng Bút Tháp viết xong, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng hai (1993). Liệt sĩ Vũ Tử Luận được Nhà nước truy phong danh hiệu AHLLVTND (1998). Chi bộ, quê hương vui như mùa xuân, gia tộc và những người thân chan hòa nước mắt.

Nói về Tô Quyền và các “trợ lý” của ông gần như một đồn Công an đặc trách bảo vệ bến đò. Ông là người làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang (Hưng Yên) quê hương ông có nhiều vị cách mạng tiền bối như Tô Hiệu. Lê Văn Lương. Tô Chấn, nhà văn Nguyễn Công Hoan, nhất là có Tô Giản, Giám đốc Nha Công an Bắc Việt (như là Bộ trưởng Công an bây giờ). Những chi tiết chói ngời ấy có ảnh hưởng rất lớn với ông. Tô Quyền có vóc dáng tầm thước, đôi mắt tinh nhậy, tư cách chan hòa, để thực hiện nghiệp vụ ngành, ông thích dùng Văn nghệ, giúp dân ta nhận mặt kẻ gian. “Việt gian nó cũng như ai/ Có mồm có mũi có tai có đầu/ Có khi nó có cả râu/ Nhưng mà nó thích đi hầu thằng Tây…”

Chẳng biết của ai sáng tác, hay là chính ông. Nhưng ông thường đọc để nhắc nhở ý thức tiễu trừ những kẻ “thích đi hầu thằng tây…”. Ông Tô Quyền luôn sát cánh cùng Đảng viên và cán bộ Đình Tổ, đặc biệt là Bút Tháp, cùng nhau chia sẻ gian truân, ngọt bùi suốt từ 1948 đến đầu 1951. Chỉ một lòng gắn bó, thân thương.

Ông Dương Hữu Nam - Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Hành chính huyện cũng luôn về đây. Ông Nam vốn là “Thừa phái” trong chế độ cũ, sớm theo cách mạng. Ông đã từng là người đánh trống chầu hát ca trù, người cao ráo, mạnh mẽ, đẹp. Ông rất tâm đắc với người Bí thư Chi bộ xã Đình Tổ - là một nhà Nho, thông minh, uyên thâm. Những hôm trăng sáng, bàn bạc công việc xong, hai ông trao đổi cả chữ Hán, tiếng Pháp… Ông Nam mơ mộng: “Đứng trên phần sáu địa cầu/ Một mình nước mạnh dân giàu không hai… Bầu trời trái đất/ Thứ Liên Xô ao ước bấy lâu nay…”.

Những người cách mạng hồi ấy tin tưởng mãnh liệt vào Liên Xô. Ông Bí thư hát tiếp: “Hô khẩu hiệu muôn năm Xô Viết/ Thú Cộng hòa vui biết nhường bao…”. Ông Nam: “Tình tính tinh…tình. Tom. Tom…chát”. Ông Nam thường biểu dương trong các hội nghị: “Đình Tổ giữ được đất là nhờ người đứng đầu xã, có uy tín đặc biệt, nắm được và thuyết phục được giới Thân hào, Thân sĩ, Chánh, Phó tổng, Lý Bá Hộ, Lý trưởng, Phó lý… trong chính quyền cũ, người thì kính nể, người thì quy phục. Họ chính là cái loa hai mặt: một mặt khéo léo trí trá với Tây: “Việt minh ở đây mạnh lắm. Xin dần dần”, một mặt bảo nhau: “Chớ chống lại Cách mạng mà mất mạng”. Cả huyện chỉ còn Đình Tổ tròn vẹn địa chỉ đỏ.

Ông Hậu kể tiếp: “Trong buổi lễ đón nhận Huân chương Kháng chiến hạng nhì của Bút Tháp ông Tô Quyền về rất sớm: “Cho mình lên thăm gia đình bác Khánh”. Tôi lựa lời: “Hay là để sau buổi lễ”. Ông Quyền lặng đi, chắc là những ký ức xa xăm về Bí thư Hùng Khánh đang tái hiện trong ông. Tôi tâm tình: “Thời ấy cụ Khánh là người vất vả gian truân nhất, nhưng cuộc đời cụ lại gặp nhiều bất hạnh nhất. Hết làm Bí thư xã, lại lên huyện. Xã khó khăn, huyện lại điều cụ về làm Bí thư. Nhưng ở đời…”. Tôi như tắc nghẹn. Ông Quyền giục: “Nói tiếp đi”. Ở đời lắm trái ngang, dối trên, lừa dưới. Sau năm 1975 người ta “khai trừ cụ…”.  Ông Quyền ủ rũ: “Xưa nay người quân tử thường chết vì kẻ tiểu nhân”. Đúng là ở đời chữ Nhân, chữ Nghĩa, chữ Lễ, chữ Tín… lắm khi thua bọn  bất nhân, vô học. Tôi quên sao được bác Khánh, dáng nho nhã, da trắng, mắt sáng, lộ hầu, bơi sông giỏi lắm. Có lần nhỡ đò, nước sông to, bác ấy vừa bơi vừa dìu mình qua sông đấy. Nhìn bác ấy luôn toát nên một con người chân chính. Chỉ thương… những ngày gian khổ, hiểm nguy…”. Khi được mời phát biểu, ông Tô Quyền nói những lời gan ruột: “Cảm ơn Đảng bộ Đình Tổ. Đặc biệt xin tạ ơn các Cán bộ, Đảng viên và Nhân dân Bút Tháp đã không nề gian lao, nguy hiểm, tận tâm với cách mạng, trong đó có ngành Công an. Cảm ơn những con người đã góp phần tô thắm cho tấm Huân chương kháng chiến cao quí này. Tôi bùi ngùi nhớ bác Hoàng Đình Khánh Bí thư, nhớ các đồng chí Xã đội, Công an và những con người trong thời khắc gian truân ấy. Nhiều đồng chí đã về nơi thiên cổ. Ôi! Thật cảm động, ông quay lên đoàn Chủ tịch “Tấm Huân chương kháng chiến hạng hai là ngang với Huân chương thưởng cho Đình Bảng quê hương cách mạng vào loại sớm nhất của Bắc Ninh đấy”.

Cuối buổi lễ mọi người quây quần xung quanh vị Đại tá - người anh hùng…và thân mật gọi ông bằng cái tên “Bác Tô Quyền”, “Anh Tô Quyền”, “Chú Tô Quyền” trìu mến.

Năm 1996 - vì một cơn bạo bệnh Đại tá qua đời. Ông Nguyễn Văn Hậu cùng lãnh đạo xã Đình Tổ, thôn Bút Tháp đã đến viếng người Anh hùng tài ba, thân thương, kính trọng. Người con trai ông là Tô Lâm lúc ấy là Thứ trưởng Bộ công an thay mặt gia đình nồng hậu cảm tạ: “Cảm ơn các chú… đến với bố cháu./.

(Ghi theo lời kể của các cán bộ lão thành cách mạng. Hiện còn cụ Nguyễn Văn Hậu - 92 tuổi đang hưu trí tại Bút Tháp).

                                                                                                                                                                                     HOÀNG TIẾN