TRẦN ĐÌNH LUYỆN
Hàn Thuyên tên thật là Nguyễn Thuyên, quê làng Lai Hạ, nay thuộc xã Lai Hạ, huyện Lương Tài. Ông thi đỗ Thái học sinh Khoa thi năm Đinh Mùi (1247), làm quan tới chức Thượng thư Bộ hình.
Vì có tài làm thơ Nôm đuổi được cá sấu trên sông Thái Bình, vua Trần thấy giống hiện tượng tài năng siêu việt của nhà thơ Hàn Dũ đời nhà Đường (Trung Quốc), bèn cho đổi sang họ Hàn.
Tại quê làng Lai Hạ còn di tích đền thờ Hàn Thuyên, trên khu vực đồng có tên Đồng Bến. Truyền rằng đền vốn chính là nhà ở của Hàn Thuyên lúc sinh thời. Sau khi ông qua đời, dân làng đã “hóa gia vi từ” (biến nhà thành đền) để thờ phụng danh nhân Hàn Thuyên.
Đền đã qua nhiều lần trùng tu, sữa chữa. Mới đây, nhân dân Lai Hạ đã tu dựng lại theo kiểu thức truyền thống gồm 5 gian tiền tế, 2 gian hậu cung dạng “chuôi vồ”. Trung tâm thờ tự đặt ở gian hậu cung với nhiều đồ thờ tự cổ và tài liệu quý. Đó là bức tượng Hàn Thuyên đặt ở giữa, trong tư thế ngồi, một tay cầm bút, một tay cầm sách dáng vẻ thư sinh, đầu đội mũ cánh chuồn. Trước tượng là bài vị bằng đá khắc 13 chữ Hán: “Binh bộ thượng thư ngụ tứ tính tự Hàn tướng công tiên sinh”; phía trên là bức cuốn thư sơn son thiếp vàng ghi ba chữ Hán: “Thiên mỗ từ”, cùng nhiều hoành phi câu đối ca ngợi công đức của Hàn Thuyên và nguyên văn bài “văn tế cá sấu” bằng chữ Nôm của Hàn Thuyên.
Đặc biệt, đền còn lưu giữ 10 tấm bia đá niên đại hai thời Lê – Nguyễn khắc việc thờ phụng Hàn Thuyên và những lần tu sửa đền; những viên gạch thời Trần tìm được trong những lần tu sửa gần đây. Đó là những cổ vật, tài liệu lịch sử quý cho thấy đền thờ Hàn Thuyên có từ rất lâu đời, được nhân dân bảo tồn, tu bổ qua trường kỳ lịch sử để thờ phụng, nhớ ơn một danh nhân lịch sử-văn hóa tiêu biểu của quê hương đất nước.
Đền thờ Hàn Thuyên ở Lai Hạ được Nhà nước ra quyết định cấp bằng di tích lịch sử-văn hóa quốc gia năm 1995./.