Trang chủ

THÀNH HOÀNG LÀNG BẾN
09:45 | 22/06/2018

 HOÀNG TIẾN

 

 

Làng Bến làm kỵ nhật Đức Thành Hoàng khá linh đình. Từ xưa, việc lễ nghi, cư xử... làng Bến có tiếng là "Đất lề", cốt cách, gia phong.

Chỉ hơn ba trăm người, làng Bến vẫn sừng sững một ngôi đình 5 gian ngoại cỡ, gỗ lim, bề thế, không kém gì các làng đông dân gấp 10 lần. Đình tọa lạc trên một khu đất đẹp, cao ráo, phong quang, nhìn hướng đông tít tận chân mây. Hồi “thằng Tây” triệt phá... nhưng không dám đụng đến đình này, sợ “ngài vật chết”. Vậy mà vào những năm sáu mươi của thế kỷ trước, người ta phá... may còn gian hậu cung. Những năm đổi mới, dân làng Bến mới gom góp xây dựng lại. Làng Bến còn cả Lăng, Miếu, Đền chùa, tuy nhỏ nhưng cổ kính, lặng lẽ bên những cây cổ thụ to, cao, tỏa bóng xum xuê, ngày đêm như ôm ấp dân tình.

Ông giáo Tiên, xong đánh Mỹ, phục viên về làm nghề dậy học. Kỵ nhật Thành Hoàng, dân làng giao ông đọc văn tế.

Sau hồi trống kết thúc “lễ tất” là mục “ẩm thực”. Rượu vào, lời ra, sôi nổi. Mấy ông trẻ nói nhiều hơn các cụ già, làm như họ biết cả: Văn tế nói vậy chứ cộng tích của Thành Hoàng là do Pháp Thông hóa phép, không phải do người bán nước uống vạch kế bôi phân gà sáp vào lưỡi kiếm mới chém đứt đầu Phạm - Nhan. Thế hội chùa Phương lan thì sao? Họ tranh cãi, ầm ĩ. Mấy cụ cáo lui sớm.

Cụ thượng mới nói!

- Tôi xin có lời với dân làng: Văn tế ông giáo đọc hay lắm. Nhưng tôi biết nhiều người chưa hiểu, nhất là các trai đinh. Xưa tôi được nghe một nhà nho nói chuyện, tôi đã kể với ông giáo, ông giáo là người đọc nhiều sách, sử. Vậy các cụ và các ông trẻ bằng lòng, xin nhờ ông giáo nói chuyện về Thành Hoàng làng cho mọi người cùng nghe.

- Đồng ý...Đồng ý.

Trưởng ban khánh tiết đứng lên: Cháu hoan nghênh ý tưởng của cụ Thượng. Xin mời ông giáo bớt chút thời giờ...

Ông giáo khiêm nhường: Xin phép được biết đâu thưa đấy. Xin cụ Thượng và các cụ chỉ giáo thêm. Các ông trẻ cũng nên luận bàn.

Thành Hoàng làng ta, tên thật là Trần Hưng Hồng, con trai Hưng Đạo Đại Vương. Theo các cụ ta xưa lưu truyền lại và các sắc phong. Hoành phi, Câu đối; Thần phả. Văn tế, huyền thoại... ta có thể hiểu đôi phần.

Bà Quế - Hoa nương, con một thầy thuốc người làng Tứ Kỳ. Siêu loại, nhan sắc tuyệt vời nên được Trần Hưng Đạo lấy làm vợ thứ. Song bà vừa là người ngoại tộc, vừa xuất thân nơi quê mùa, lại là vợ lẽ Quế hoa nương sinh được Trần Hưng Hồng, ngay từ nhỏ đã rất thông minh, thiên tư khác lạ, người đời khó sánh, bộc lộ những tài năng thiên bẩm, nhiều người yêu quí. Lớn lên gặp khi trong nước có bọn phản loạn.

Trần Hưng Đạo sai đi tiễu phản vùng Phủ Thuận An. Ông đã dẹp xong, lại vỗ yên trăm họ vùng này. Ông được phong chức Tham tri mưu sự.

Một hôm trời nắng đẹp, mây từ từ bay, gió nhè nhẹ thổi, nàng  Quỳnh Vân, thân hình nở nang, mày ngài, mắt phượng, đôi môi tươi hồng, tay bưng tráp lớn, dáng điệu thướt tha, e lệ vào dinh tướng trẻ: “Thưa tướng quân: Được tin tướng quân thắng trận trở về, cha em sai em mang chút quà mừng”. Tướng Hồng mới bước vào đời, gặp thời loạn lạc, chinh chiến. Nay đứng trước người con gái đẹp như tiên sa. Vị tướng trẻ tần ngần ngắm nhìn. Quỳnh Vân đầu hơi cúi xuống. Hưng Hồng nói: “Hồng này mới lần đầu lập công, có đáng gì so với các bậc cha, anh và các tướng lĩnh của triều đình. Xin đa tạ cha nàng. Cảm ơn nàng. Nàng là nữ tử của Tả Thiên Vương Trần Đức Việp?” Quỳnh Vân ngước nhìn vị tướng trẻ, bàng hoàng, run rẩy: “Dạ! tướng quân đã nhận ra". Vị tướng trẻ reo lên: “Ôi! Nàng người trong họ Trần ta". Quỳnh Vân cười trong trẻo: “Tướng quân vì mải việc quân cơ. Còn em - Em biết tướng quân qua mấy lần tập võ”. Hai người chuyện trò hồi lâu. Quỳnh Vân xin lui gót. Trần Hưng Hồng tiễn nàng một đoạn. Lúc chia tay Hưng Hồng khen: “Nàng! Nàng đẹp lắm”.

Sau lần ấy Hưng Hồng năng đến thăm Tả Thiên Vương và bén duyên Quỳnh Vân, đôi trai tài, gái sắc hân hoan trong tình yêu đầu đời, nồng cháy của tuổi trẻ.

*    *

*

Quân Nguyên Mông vẫn cay cú về lần thua trước của Tướng Ngột Lương Hợp Thai, nay rắp tâm sang đánh nước ta lần thứ hai. Cậy đông quân, mưu đồ bắt sống hai vua, thôn tính Đại Việt. Vua Trần và các tướng lĩnh phải đương đầu với những thử thách hiểm nghèo. Vì sự tồn vong của Đất nước, đòi hỏi bách tính đồng lòng. Cả già trẻ, gái trai, con em các gia thần, gia tướng, các công tử, công nương, công chúa, đều nhất tề dấn thân báo đền nợ nước ơn vua.

Trần Hưng Hồng ra trận thường dùng Trường Thương, cưỡi ngựa bạch xông xáo khắp trận tiền. Có lúc gặp những con ngựa chiến Mông cổ cao, to; tướng sĩ của họ cưỡi ngựa giỏi; bắn cung tài, gây cho ta lúng túng, ông Hồng dùng kế lui binh, tạm cho chúng chiếm được “Vườn không, nhà trống” rồi tìm cách đánh lại. Dần quân giặc bao vây tứ phía, ông Hồng với ngọn Trường Thương quay tít như hoa rơi, tuyết rụng, xác giặc chồng chất lên nhau. Ba quân theo chủ tướng hăng lên quyết chiến. Quân Nguyên đứa chết, đứa bị thương, đứa bị bắt sống, số còn lại tháo chạy.

Thăng Long, Gia Lâm, Phủ Thiên Trường tạm thời không còn bóng giặc.

Một người lính vào bẩm ông Hồng: “Thưa! Có một người con gái xin gặp  Tướng quân”.         

Trần Hưng Hồng hồi hộp. Đã nhiều ngày tháng không gặp Quỳnh Vân. Chiến trận liên miên, tình yêu hình như đã theo ông vào trận đánh, giúp ông thêm sức mạnh. Người con gái quì xuống: “Thưa Tướng quân! Bà...bà Quỳnh Vân mất rồi” “Nàng nói sao”? người nữ binh òa khóc, ông Hồng thấy hoa cả mắt, người như say nắng. Một phút sau ông bừng tỉnh đỡ người nữ binh dậy: “Nàng mau nói lại ta nghe”.

Thưa Tướng quân! Bà chỉ huy Đội quân tiếp lương cho đoàn quân của tướng Trần Bình Trọng, không may bị trúng tên độc. Trước lúc lâm chung bà thều thào, bảo chúng con nhắn lại với tướng quân: “Cầu mong tướng quân giết được nhiều giặc. Em có lỗi: Em không còn được làm vợ tướng quân" người nữ binh nức nở.

Ông Hồng nghe như đất sụt dưới chân.

- “Ôi! Vợ chưa cưới của ta, Quỳnh Vân đáng thương biết bao. Ta sẽ làm theo lời Quỳnh Vân, dù phải mài thân nghiền cốt ta cùng báo đền nàng. Thôi! Em về đi. Giờ Dậu hôm nay ta đi viếng mộ Quỳnh Vân”.

Mặt trời đã lặn, những áng mây vàng trước mặt đã trôi về phía xa tít tắp. Vị tướng trẻ quì trước mộ Quỳnh Vân. Ông thầm thì: “Ta vô cùng thương tiếc nàng. Ta không được gặp nàng lần cuối, lòng ta đau xót lắm. Non sông đất nước này sẽ nhớ ơn em, nhớ ơn các binh sĩ đã sả thân vì nước".

Giặc Nguyên đến lúc lương cạn, quân ốm, lại thương vong nhiều. Thoát Hoan nhăn nhó rút quân về Bắc quốc.

Ông Hồng đóng quân ở Siêu loại. Thuận - An. Người đi tuần tiễu quanh vùng, đến làng Bến, nhân dân ra nghênh tiếp rất đông. Ông dừng lại trò chuyện, vui vẻ, ông khen bà con làng Bến và làng Tứ Kỳ lễ phép, thuận hòa lại giàu lòng yêu nước. Ông khen nơi đây đất bằng đẹp đẽ, nhiều sinh khí, có Kim tinh ứng mạch. Ông chỉ khu gò nhỏ trước đồng làng: “Gò ấy quay về chính cục, tầm nhìn mênh mông, trước có minh đường bảng bút, tả hữu long chầu hổ phục an nhiên". Một cụ cao niên đứng lên “thưa tướng quân: Xin mời tướng quân dừng chân nghỉ lại ăn bữa cơm đạm bạc với dân làng Bến...”. Ông Hồng vui vẻ nhận lời. Ông gọi một số binh sĩ vào giúp bà con. Còn ông được cụ cao niên mời về tư gia.

Cụ cao niên ấy là Thầy đồ Đặng  Thành. Thầy dậy học tại nhà. Trong số học trò có cả Phương Dung con gái của Thầy.

Phương Dung cúi chào vị tướng, pha trà mời khách.

Thầy Đồ thưa về chuyện dậy chữ, dậy người. Học trò được học: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Con gái còn học: Công, dung, ngôn, hạnh. Phương Dung học gần xong Tứ thư, Ngũ kinh. Ông Hồng nghe trong lòng thán phục “con gái mà học đến Tứ thư. Ngũ kinh. Đúng là con cụ Đồ”. Ông ngắm nhìn thấy nàng có thân hình thon thả, đôi mắt dịu hiền, môi như tô son, nước da trắng hồng. Bất giác lại nôn nao nhớ Quỳnh Vân...

Thăm làng Bến và trò chuyện với cụ đồ Thành, ông hiểu về đời sống nơi thôn dã, dẫu mẹ ông cũng từ nơi thôn dã. Nơi đây nghèo khó nhưng giản dị, đậm đà tình nghĩa. Cụ Đồ là người đĩnh đạc. Các bậc túc nho thường là những người có tiết tháo, phẩm cách cao quí, trọng nghĩa khinh tài. Nghĩ tới Phương Dung lòng ông dịu lại: “Nàng kém gì con gái nhà Trần”.

Mấy ngày sau ông tìm người mai mối, sắm sanh lễ vật, chọn ngày cùng gia thần, gia tướng, binh sĩ bưng đến nhà Thầy Đồ.

Trước bàn thờ nhà Thầy nghiêm trang, Hưng Hồng thành kính thưa: “Con xin kính dâng lễ vật”, ông hơi ngập ngừng “xin được phép làm “Tế tử” Thầy. Xin Thầy cho Phương Dung làm vợ”.

Phương Dung - Trần Hưng Hồng yên bề gia thất.

Người con gái đẹp sẽ không ít chàng trai bám đuổi, người làm tướng quân cũng đắm đuối, mê say. Người giàu có nhiều ghen tị, rình mò. Kẻ bất tài thường hèn hạ, bất nhân. Đất nước tươi xanh, thiên nhiên ưu đãi, tài nguyên quí giá sẽ lắm lân bang thèm khát, mộng tưởng.

Quân Nguyên Mông đã hai lần thua cay đắng, vẫn không chừa.

Hốt Tất Liệt bảo thủ: “Mạnh Hoạch thời Tam Quốc 7 lần thua. Nay nhà Nguyên mới thua hai lần. Dẫu có chết vài, ba chục vạn quân, nhưng nước mình nước lớn, bõ bèn gì. Vả lại một nước đã từng chinh phục gần khắp thế giới chả lẽ không làm gì nổi cái nước An Nam bé tý này. Vua Mông lại thiết triều, định việc đánh An Nam lần thứ ba". Lập tức mấy quan văn: “Tâu bệ hạ! xứ ấy qua hai phen cố sức chống lại ta, đã cạn kiệt rồi. Thời cơ ta hỏi tội đã đến” Hốt Tất Liệt lại chỉ Thoát Hoan: “Ta ủy thác cho ngươi lần nữa”. Thoát Hoan tuân lệnh, nhưng trong lòng lo lắng lắm. Đã thua người Việt, Thoát Hoan hiểu thế mạnh của người Đại Việt. Ấy chính là sự gắn bó Vua - Tôi, triệu người như một. Dẫu phải chết, dẫu nhà tan cửa nát, vẫn chỉ một lòng trung. Tướng sĩ Đại Việt chẳng may bị bắt họ giơ thẳng cánh tay chỉ vào hai chữ “Sát Thát” hiên ngang chết. Cả những người con gái xinh đẹp, gọi là liễu yếu tơ đào cũng cung dao, đao kiếm, tiếp lương, cứu thương... Mấy lão quan văn biết gì trận mạc, chỉ dẻo mồm tâu trình cha ta. Họ chẳng lo gì, họ có chết đâu. Mà nếu chiếm được An Nam họ lập tức thành phe, nhóm, xâu xé lợi quyền, phụ công người khác.

Quốc công tiết chế mỉm cười: Lần này thế giặc hoang mang, ta đánh dễ.

Đánh giặc lần này dễ đấy là chiến lược, đánh một kẻ đã thua hai lần “đo ván” nhưng trong chiến tranh không hoàn toàn trận nào, mũi nào cũng dễ.

Trận đánh mạn cửa ngõ thành Thăng Long, tướng Hồng gặp một kẻ địch khá lợi hại. Chiến thuật “nhử giặc - đánh phản” của ông đã mấy phen không thành công, dùng cây Trường Thương cự phách cùng võ thuật siêu phàm cũng chưa hạ gục được đối phương. Ông cho binh sĩ tạm nghỉ, trú quân trong vùng Siêu loại.

Ông đi bách bộ, vừa đi vừa suy nghĩ mông lung. Tới ngôi chùa làng Phương Lan, cây xanh um tùm che phủ, bên trong tiếng chuông, tiếng mõ khi khoan, khi nhặt, lòng ông như được lúc thảnh thơi. Đến một quán nước bên gốc đa cổ thụ, thân to áng chừng hai người ôm không kín, hẳn phải đến mấy trăm năm tuổi. Bỗng tiếng người trong quán: “Xin mời ngài dừng chân xơi nước”.

Cô gái trẻ cổ cao ba ngấn, tai to, mặt trái xoan, vẻ cứng cỏi, đôi mắt sắc lẹm nhìn người đối diện, nàng nhanh nhẹn, pha trà nước: “Mời ngài”. Ông Hồng uống nước. Ngồi im lặng. Cô gái hỏi: “Ngài có điều chi phiền muộn mà nét mặt rầu rầu”?. “Sao nàng biết?” “Dạ cũng là phán đoán. Nếu quả có nỗi buồn... Tiện nữ sẵn lòng chia sẻ”. “Chả dấu gì nàng - Ta là Tướng đang tạm thời chưa thắng trận. Cha ta đang quở trách”. Ông Hồng thành thật kể lại. Cô gái mỉm cười: “Tướng quân có cần đến kẻ hèn mọn này?” “sao nàng hỏi vậy! Ta sẵn sàng nhờ mọi người trợ giúp, nếu nàng giúp được ta thì còn gì bằng, ta chỉ thương nàng...” ông định nói: “ta thương nàng như Quỳnh Vân”. Nhưng ông ghìm lại.

Nữ chủ quán cười: “Tiện nữ có thể cùng tướng quân đi đánh giặc” “Ôi! Thật thế ư?”. Nàng quay gót vào buồng trong, lấy ra một chùm dao găm nhọn hoắt: “Tướng quân hãy xem”: Chủ quán phi 5 mũi dao găm cắm phạp vào cây đa khoảng cách chừng 30 - 40m. Vị tướng nhìn thấy thân cây đa phác thảo một hình người đang tư thế đứng và những mũi dao găm kia đều trúng vào những nơi ác tử. Ông vội vàng chắp tay kiểu nhà võ, xá chủ quán một xá: “Xin bái phục. Nàng giỏi lắm” chủ quán vái lại hai vái: “Tiện nữ xin đi tiếp ứng”. “Hoan nghênh nàng. Ta ưng thuận”. Tức thì hai người chụm đầu vào nhau, bàn bạc.

Hôm sau, ông Hồng tập hợp quân sĩ đi phá giặc. Lần này Quốc công tiết chế cho ông Hồng thêm một phó tướng. Quân Nguyên sau mấy ngày chờ đợi, đứa thì ngạo mạn: “Quân Trần sợ rồi” đứa mệt mỏi bơ phờ: “Chắc gì đã thắng người ta”. Đứa thì sợ: “Quân Trần lắm mưu nhiều kế”.

Ông Hồng chễm chệ trên mình ngựa bạch. Tay kẹp cây Trường Thương, dõng dạc: “Bớ quân Nguyên, nếu không phải hạng hèn mạt hãy ra đây tỷ thí”.

Tướng Nguyên là Nguyễn Nhan và Trình Bằng Phi cưỡi ngựa lao ra. Như mấy lần trước, Nguyễn Nhan mặc bộ giáp dày, nặng gần một yến, đã hạn chế binh khí của ta, hạn chế cả ngọn Trường Thương uy dũng của Hưng Hồng. Lần này chiến trận đang hăng, vó ngựa hai tướng đang tung hoành, đao, thương tóe lửa. Quân sĩ hai bên lao vào nhau hỗn chiến. Bỗng ông Hồng quát: “Nguyễn Nhan - tên đê tiện - hãy nhìn ta”. Ồng vung cây Trường Thương đâm thẳng. Nguyễn Nham vội giơ đao gạt thì: Phịch, một mũi dao găm nhanh hơn cả một mũi tên, cắm phập vào bắp tay phải tướng giặc. Nhan đau đớn, tay kia định dứt chuôi dao ra thì nhanh như cắt ngọn thương của Hưng Hồng đã thọc đúng sườn trái, hắn ngã ngựa.

Nữ tướng cúi chào Hưng Hồng, nói nhỏ với ông điều gì đấy, phi ngựa biến.

Bên kia, Trình Bằng Phi đang giao chiến với phó tướng của ông Hồng, thấy thế vội vàng quay đầu chạy.

Nhan là tên tướng có phép phù thủy, đã gây tổn hại rất nhiều cho quân sĩ của ông. Ông cả giận sai đem chém.

*   *

*

Trời mây lơ lửng xanh, gió quẩn quanh tâm tình bay lượn. Tướng quân trở lại quán nước, chắp tay xá chủ quán: “Hồng này xin tạ ơn nàng. Ta sẽ trình lên vua - Cha kỳ tích của nàng”. Chủ quán vái: “Thưa tướng quân! Được phô bầy chút tài mọn cùng tướng quân trừ giặc, tiện nữ lấy làm sung sướng. Tướng quân chớ bận lòng. Vả lại đánh giặc là bổn phận của con dân, chỉ mong tướng quân nhớ tới quán nước đơn sơ này thôi ạ!” Nói rồi mang rượu, hoa quả mời: “Tiện nữ mừng tướng quân”. Hai người vui vẻ uống rượu. Hồi lâu ông nhìn nàng, cảm động. Người con gái hiền dịu, nết na, yêu kiều, khác hẳn lúc xung trận phi dao. Nàng nhìn ông đắm đuối. Ông đứng dậy, tiến lên một bước, dang tay ôm vai chủ quán: “Ôi! Thiên thần quí hóa của ta. Ta nguyện ơn nàng mãi mãi”. Chủ quán gục đầu vào ngực Hưng Hồng. Nàng để rơi những giọt nước mắt khát khao, nóng bỏng: “Tướng quân! Tướng quân! Em. Em… Thương…”. Hưng Hồng ghì chặt chủ quán “Ta yêu nàng! Ta yêu nàng lắm lắm”.

Họ ôm nhau hồi lâu. “Tướng quân” “Nàng” Tiếng nói nhỏ dần: “Dạ! Tướng quân” “Nàng” Họ ôm nhau nồng nàn, say đắm. Tay chân quấn lấy nhau. Áo quần tuột ra… mây mưa, hiến dâng, trao gửi.

Họ ngồi dậy, hổn hển, thở, cười, nhìn nhau: “Dễ đến nửa canh giờ”  “Nàng! Nàng thật tuyệt vời. Ta yêu nàng mãi mãi”. “Cảm ơn tướng quân. Em được hưởng hạnh phúc đầu đời. Thế là đủ. Xin vĩnh biệt.” “Sao vậy? Ta sẽ cưới nàng...” “Không! Tướng quân còn có vợ, bà Phương Dung..” “Không sao! Các đấng quân vương còn tam cung, lục viện, hàng trăm mỹ nữ...các quan, năm thê, bảy thiếp, lẽ nào ta...” “thường là vậy nhưng em, em khác”. Nàng dí ngón tay trỏ vào trán Hưng Hồng: Thưa! Người mà em yêu quí! Em đã hiến thân và được yêu chiều. Người hãy bằng lòng để em tạo lập thân em, dẫu rằng: “Chữ trinh đáng giá ngàn vàng” “Ôi! Nàng, nàng thương ta. Ta yêu nàng. Ta không muốn xa nàng”.

Chủ quán đưa ông về gần làng Bến. Nàng nhìn ông thăm thẳm: “Vĩnh biệt Tướng quân” rồi đi thẳng.

Hôm sau ông Hồng đến quán nước.

Vẫn quán nước, cây đa, nguyên vẹn. Nhưng không thấy chủ quán. Không ai biết nàng đi đâu, đến phương trời nào và căn do vì sao.

Ông sửa lễ vào chùa Phương Lan xin được thắp hương cầu phật, cầu trời phù hộ cho chủ quán - nữ tướng bình an, may mắn, hạnh phúc. Rồi ông làm tờ trình, bẩm báo với Vua và Quốc công tiết chế, kể rõ sự tình. Xin nhà vua ghi công, vinh danh người chủ quán.

Phía dưới nhiều tiếng nói: Vị Thánh không hề tranh công. Hay! Hay thật!

Dân làng được nghe ông giáo nói mới tỏ tường, thấy lắm điều thật lạ, còn muốn nghe nữa. Một "ông trẻ" đứng dậy, khoa tay:

- Sai bét. Tôi nghe chuyện rằng: ông Hồng gặp tên tướng giặc biết hóa phép. Cứ chém rơi đầu, hắn lại mọc đầu khác. Chán nản trở về, ngồi nghỉ tại quán nước. Người chủ quán mách cho: “Lấy phân gà sáp bôi vào lưỡi kiếm”. Ông Hồng nghe theo, quả nhiên chém rụng đầu tướng giặc, hết mọc. Hắn là Phạm - Nhan. Khi trở về chủ quán biến mất. Đấy là Phật Pháp Thông.

Mấy người nhìn “ông trẻ” đầy nghi ngờ.

Ông giáo: - Có huyền thoại tương tự, nhưng không tin được, bởi đơn giản là đầu rơi khỏi cổ sao còn mọc lại. Truyền thuyết Nguyễn Nhan bị “Nữ tướng” phi dao găm và ông Hồng lao Trường Thương hạ thủ hợp lý hơn, thật hơn. Ban nãy có ai đó nói: “Vị thánh không tranh công” đúng thế. Thói đời đã tranh công thường đi đôi với đổ lỗi. Có những người còn dấu nhẹm công lao của đồng đội, nhận hết về mình. Ngài Hồng thật sự là Thánh. Ngài được nhân dân tận tình giúp đỡ, trong số ấy có những người tài giỏi. Nhưng vì lẽ gì mai danh ẩn tích, lánh xa thế cuộc, gặp việc nghĩa lại ra. Chuyện ông Hồng với nữ chủ quán mới thực, mới chính là con người. Con người với những nhu cầu tình cảm nguyên thủy, đó là tình yêu, hơn cả là tình yêu trong chiến đấu, tình yêu của những trái tim lớn gặp nhau. Song bởi không có chính sử, nên lâu ngày thành huyền thoại.

Vậy sao không có trong chính sử? Một người hỏi.

Cụ Thượng đứng lên: Đúng như ông giáo nói. Khi toàn thắng giặc Nguyên, vua Trần làm cuộc định công, phạt tội. Cứ trong ý tứ mà suy Trần Hưng Hồng có nhiều công tích. Trong chiến thắng có công của nữ tướng, nhưng rõ ràng ông có tài thuyết phục cả những người tài. Liệu có kẻ gian manh, xảo trá, tâu bầy sai lạc, xuyên tạc sự thật, làm mờ nhạt chiến công của ông, lập lờ hư ảo “Siêu nhân cứu giúp, hóa phép thần thông, không đánh giặc tan” hoặc “bôi phân gà sáp vào lưỡi kiếm..." khi Thượng cấp bị lừa sẽ sinh điều tai hại, hoặc giả ông dám tự tiện lấy vợ ngoài họ Trần, mà họ Trần có lệ “Kết hôn trong họ”. Ta không lên án người xưa, nhưng cứ ngẫm ngày nay - ngày nay mà trái ý trên dẫu đúng hậu quả cũng khôn lường. Nước mình chả đã có cán bộ cao cấp vì thương dân làm trái ý trên mà khổ đấy thôi. Trải qua bao đời, bao năm tháng, bao biến động thăng trầm, dân ta vẫn thủy chung như nhất, giữ tiết lễ uy nghi. Lăng mộ Thành Hoàng làng được gìn giữ và tu bổ, mãi mãi Người yên nghỉ trên vùng đất bằng ở làng Bến - nơi lúc sinh thời Người khen đẹp. Làng Bến, làng Tứ Kỳ và chùa Phương Lan có Lễ hội Tạ ân tháng tư hàng năm, chính là truyền thuyết như ông giáo kể:

- Người chủ quán tài ba, không màng danh lợi, giúp đời giúp người... Nhà vua quên thì dân ta vẫn nhớ. Dân ta vẫn tôn vinh. Có gì vinh hạnh bằng tiếng thơm còn mãi trong lòng dân”. Dân làng im lặng, nghe cụ nói tiếp:

- Song ngang trái, tị hiềm, hèn mạt thời nào chẳng có. Cứ xem ngay làng ta, cũng có người như con tằm rút ruột vì dân. Tôi xin kể câu chuyện để các cụ suy ngẫm:

Có một nhà Nho - người đi tìm cách mạng từ đầu những năm bốn mươi của thế kỷ trước. Nghe phong thanh làng Liễu Khai có phong trào Việt minh, làng Trung Mĩ có cờ đỏ Cách mạng, nhà Nho đã lặn lội đi tìm đến hai nơi ấy. Thì ra Việt minh và Cách mạng đều đi theo lý tưởng đánh đuổi Nhật Tây. Ông kiên trì đi tuyên truyền, giác ngộ và bí mật tập hợp trai tráng ra đình làng.

Lúc ấy tôi còn nhỏ, song tò mò nghe được: “Thằng Tây ức hiếp dân mình khổ cực, nay thêm thằng Nhật... dân ta càng vô cùng điêu đứng. Lúa, ngô đang xanh non mơn mởn, chúng bắt phá để trồng đay, gây nên nạn chết đói khủng khiếp. Mình muốn không chết đói thêm, muốn thoát ách nô lệ chỉ có một con đường là đi theo Cách mạng lật đổ chúng”. Và họ đứng nghiêm: “Xin thề”! nghe hùng tráng, thiêng liêng lắm. Những ngày sau đó họ lặng lẽ tìm chặt những cây tre đực, rắn chắc, uốn thẳng, buộc bẹ chuối, đốt, chuốt dóng... đêm đêm tập võ, hội họp, hát ca. Tiến tới sắm giáo mác như là sắp làm việc gì lớn lắm. Quả nhiên hôm 19-8. Đoàn người rầm rộ đi tham gia giành chính quyền Phủ, hôm sau lại kéo quân lên tỉnh. Người chỉ huy chính là nhà Nho ấy. Những người “gậy tre, giáo mác” cùng ông xây dựng chính quyền Cách mạng và làm cuộc kháng chiến chín năm. Hơn một vạn dân xã này tin yêu và đi theo ông cho đến kháng chiến thắng lợi, dẫu phải trải qua muôn vàn gian lao nguy hiểm.

Công lao là vậy, nhưng rồi oan khuất, rồi hồi phục, rồi lại oan sai... Những kẻ vô nhân, thất đức, manh tâm hãm hại ông. Vậy mà họ hưởng thái bình, xâu xé lợi quyền, to mồm, bẻm mép.

Đình làng ồn lên.

- Chuyện về đức Thành Hoàng còn là xa, là truyền thuyết. Chuyện cụ Thượng vừa kể mới là sự thật. Chúng tôi đã nghe nhiều lời bàn luận, nay cụ Thượng nói thật rõ ràng, minh bạch. Cuộc Cách mạng tháng 8 và kháng chiến 9 năm mới như hôm qua, hôm kia. Người như thế thật xứng đáng lưu danh trân trọng. Xin cụ cho biết quí danh.                 

Một người khác:

- Thế hệ chúng tôi đi sau một bước nay nghe chuyện mà ngậm ngùi. Tại sao người ta lại quên đi công tích của những người đã dìu dắt dân ta, đã góp phần xứng đáng để dân ta được sống sung sướng như ngày nay?

Từ chiếu dưới ông trẻ đứng bật dậy, nghiêm trang: Nghe cụ Thượng nói tôi thấy đây là một người tài, đánh giặc giỏi, biết vì dân, thương dân, giống như Thành Hoàng. Thật là đáng tôn vinh. Chấp gì những kẻ hèn hạ, ích kỷ, ghen ghét người hiền.

Bấy giờ cụ Thượng phải vỗ tay 3 cái rõ to:

- Vâng cảm ơn các cụ, các ông, xin thưa đấy chính là cụ Bí thư xã đầu tiên, người làng ta. Dân vẫn gọi bằng cái tên kính trọng: Cụ Hoàng. Cụ mất cách đây mấy chục năm. Mà lạ, từ khi cụ mất, con cháu cụ ngày càng phát đạt, học hành giỏi giang, đời sống sung túc, ấm êm, cứ y như được Thành Hoàng che chở vậy. Nhân dân thương xót, có nhiều kiến nghị, cấp trên mới thưởng Huân chương bậc cao cho cụ và cả huyện, xã khi làm lịch sử mới ghi một phần công tích của cụ, lấy lại lòng tin của mọi người và cũng là truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt.

Vì vậy với ngài Thành Hoàng đã hơn 700 năm và cụ Bí thư xã cách đây hơn 70 năm... muốn nhờ cậy ông giáo viết cho thành văn, nhằm lưu truyền vạn đại.

Tiếng vỗ tay hoan nghênh rầm rộ.

Trưởng ban khánh tiết nét mặt hân hoan, cảm ơn lời chỉ dẫn của cụ Thượng. Xin ông giáo quan tâm.

Ông giáo không ngờ chuyện xưa mà lay động sâu sa tâm trạng con người thời đại ngày nay đến vậy. Ông thấy những gì là quí yêu, đáng trân trọng. Những gì là xấu xa, cần thải loại, sớm muộn người đời cũng nhận ra. Ông thong thả bước đến gian giữa, thành kính, suỵt soạt vái lạy trước cung đình, xin nhận lời./.