Chùa Hồng Phúc thuộc khu phố Xuân Ổ A, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh. Hiện nay bên dưới gác chuông chùa Hồng Phúc còn bảo lưu được 09 tấm bia đá cổ tạo tác từ thế kỷ XVI - XVIII, trong đó đặc biệt giá trị nhất là tấm bia “Hồng Phúc tự hồng chung bi” dựng khắc vào thời Mạc (năm 1586), nội dung văn bia do Tiến sĩ Mai Công người xã Đào Tai, huyện Quế Dương (nay là thôn Cổng, xã Đào Viên, huyện Quế Võ) đăng khoa năm 1553 soạn.
Chùa Hồng Phúc tương truyền được khởi dựng từ thời Trần nằm ở khu bãi Hồ, phía Tây làng Xuân Ổ. Trải qua các triều đại phong kiến chùa được trùng tu, sửa chữa nhiều lần với quy mô khang trang rộng lớn có nhiều hạng mục kiến trúc như: tòa tam bảo gồm 7 gian tiền đường, 3 gian thượng điện, gác chuông, đài kính thiên và hai dãy hành lang mỗi bên 6 gian... Chùa nổi tiếng được mệnh danh là đại danh lam bậc nhất xứ Kinh Bắc vào giai đoạn thế kỷ XVI - XVII. Đến năm 1949, chùa bị giặc Pháp phá huỷ hoàn toàn. Năm 1995, nhân dân xây dựng lại ngôi chùa mới trên nền đất cũ, công trình kiến trúc chính là tòa tam bảo có mặt bằng hình chữ Đinh gồm 5 gian tiền đường và 3 gian thượng điện, khung nhà làm bằng gỗ, kết cấu vì kèo theo thể thức truyền thống, đục chạm “tứ linh”, “tứ quý”, hoa lá, vân mây cách điệu. Ngoài ra còn nhiều đơn nguyên kiến trúc khác là nhà tổ, nhà khách, nhà mẫu, gác chuông...
Giá trị nổi bật của chùa Hồng Phúc tập trung chủ yếu ở hệ thống cổ vật hiện còn lưu giữ tại di tích, tiêu biểu như: 5 pho tượng đá niên đại thời Mạc (thế kỷ XVI), 09 tấm bia đá dựng khắc vào các năm 1586, 1594, 1612, 1626, 1627, 1638, 1670, 1697, 1753, cây hương đá khắc năm 1652, chuông đồng đúc năm 1826... Trong đó đặc biệt giá trị nhất là tấm bia “Hồng Phúc tự hồng chung bi” khắc vào niên hiệu Đoan Thái 1 (1586) đời vua Mạc Mậu Hợp. Tấm bia hiện được dựng bên dưới gác chuông phía trước nhà tam bảo, bia cao 110cm, rộng 68cm, dầy 17cm đặt trên lưng rùa. Trán bia mặt trước trang trí chạm nổi đề tài “lưỡng long chầu nhật”, mặt trời chính giữa hình tròn, mỗi bên có 5 đao lửa, đôi rồng chầu dáng hình yên ngựa đặc trưng nghệ thuật thời Mạc. Trán bia mặt sau trang trí chạm nổi đề tài “phượng chầu mặt nguyệt”. Diềm bia phía trên trán, hai bên cạnh và phía dưới (giáp lưng rùa) cả hai mặt như nhau đều trang trí đề tài hoa cúc dây, cánh sen đứng gồm nhiều lớp xếp chồng nhau được tạc bằng kỹ thuật chạm nổi rất điêu luyện. Lòng bia khắc chữ Hán cả hai mặt (mặt trước 26 dòng, mặt sau 22 dòng) thể chữ chân phương còn khá rõ nét, tất cả khoảng trên 1500 chữ, tên bia mặt trước khắc kiểu chữ triện, mặt sau khắc kiểu chữ chân đều có chung tiêu đề là “Hồng Phúc tự hồng chung bi” nghĩa là (bia ghi chép việc đúc chuông chùa Hồng Phúc). Nội dung văn bia phần đầu cho biết diễn biến quá trình đúc chuông chùa Hồng Phúc như sau: “...chùa Hồng Phúc ở xã Xuân Ổ, huyện Tiên Du là danh lam bậc nhất ở xứ Kinh Bắc, chùa có chuông nhưng do nạn binh đao mà bị phá hủy... đến tháng 4 năm Diên Thành 6 (1583) Lễ bộ Tả thị lang Xuân sơn Bá Trần Cự Công cùng với các vị lớn nhỏ trong các giáp mua đồng đúc chuông. Ngày 18, tháng 2 năm Diên Thành 8 (1585) hoàn thành việc đúc chuông...”, phần sau ghi chép toàn bộ tên họ những người cung đức đúc chuông, đứng đầu là Lễ bộ Tả thị lang, Xuân sơn Bá, tặng Lễ bộ Thượng thư, Xuân sơn Hầu Trần Cự Công (tức Tiến sĩ Trần Đạo Tiềm người làng Xuân Ổ đăng khoa năm 1556). Bia khắc vào ngày 25, tháng 10 năm Đoan Thái 1 (1586), nội dung văn bia do Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Lễ bộ Thượng thư, Hàn lâm viện thị độc, chưởng Hàn lâm viện sự, An thường Hầu Mai Công soạn (tức Tiến sĩ Mai Công (1530 - ?) đăng khoa năm 1553, ông là người xã Đào Tai, huyện Quế Dương - nay thuộc thôn Cổng, xã Đào Viên, huyện Quế Võ).
Tấm bia “Hồng Phúc tự hồng chung bi” chứa đựng giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học và mỹ thuật. Tấm bia góp phần phục vụ công tác nghiên cứu, tìm hiểu về nghệ thuật điêu khắc đá vào thời Mạc còn tồn tại trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện nay. Đối với Tiến sĩ Mai Công bài văn bia này là di văn quý hiếm còn lại của một nhà khoa bảng tiêu biểu trong dòng họ Mai ở xã Đào Viên có tới 4 vị đăng khoa nổi tiếng đất Kinh Bắc dưới triều Lê - Mạc. Văn bia còn cung cấp thêm nhiều thông tin chính xác về khoa danh, chức tước, địa vị của Tiến sĩ Mai Công và Tiến sĩ Trần Đạo Tiềm người làng Xuân Ổ vào giai đoạn cuối thế kỷ XVI./.
NGUYỄN VĂN AN