Trang chủ

NHẤT GIA - NHẤT QUỐC THÁI PHU NHÂN TỨ QUẬN CÔNG
08:24 | 26/01/2018

 HOÀNG TIẾN

 

Đầu xuân! Tôi hành lễ xong ở đền thờ danh nhân văn hóa Nguyễn Gia Thiều, ngôi đền ở một làng cổ, thuộc vùng đất cổ: Liễu Ngạn, Ngũ Thái, Thuận Thành, Bắc Ninh, đang hòa nhập cùng khách hành hương trong nắng xuân ấm áp, gợi suy tư tưởng nhớ cội nguồn thì gặp Nguyễn Gia Luống - Cán bộ hưu trí, là hậu duệ dòng họ Nguyễn - Gia... quí phái. Ông tính tình sôi nổi, mến khách, thích sưu tầm tư liệu. Ông đưa cho tôi tập “Nguyễn Gia phả ký”: “Nhờ nhà văn giới thiệu đôi điều”. Từ lâu tôi đã biết mảnh đất Liễu Ngạn không chỉ là quê gốc Nguyễn Gia Thiều mà còn là cơ sở đỏ - An toàn khu của Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ. Nhân dân nơi đây và dòng họ Nguyễn Gia có những đóng góp đáng kể. Tôi vui vẻ nhận lời.

Cuốn sách dầy 500 trang, khổ lớn, lướt qua các chương mục, sơ đồ, tôi từ lạ lùng đến say mê với những công trạng đích thực của một gia đình được Nhà nước ghi nhận, nhân dân trọng vọng hiếm thấy ở Bắc Ninh và cả nước Việt Nam.

Xưa kia, khoảng cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ thứ VXII thời kỳ Nam - Bắc triều, rồi Trịnh - Nguyễn phân tranh, dòng họ Nguyễn Gia từ Gia Miêu, Tống Sơn (Thanh Hóa) bị làn gió chiến tranh tản mát nhiều nơi, một số vào Nam, một số ra Bắc, trong đó một số về làng Liễu Chử (hay còn gọi là Khe Chợ thuộc Tổng Liễu Lâm, huyện Siêu Loại, Phủ Thuận Thành (nay là thôn Liễu Ngạn, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh). Dòng họ Nguyễn Gia... là một nhánh của dòng họ Nguyễn, có từ rất sớm trên đất nước ta được lưu truyền trong lịch sử liên tục và thuộc hàng quí tộc, danh gia vọng tộc và giỏi cả văn lẫn võ.

1. Đầu tiên là cụ Cao Tổ Nguyễn Gia Đa. Là một võ tướng, có nhiều công tích, xông pha trận mạc, giúp nước, cứu dân, linh ứng tỏa rạng, được tới 8 sắc phong (nay còn giữ được 7 đạo nguyên vẹn). Xin dẫn một sắc phong của Triều Lê: “Nguyễn Gia Đa có công giúp vua Lê dẹp giặc, nay phong “Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân Thái Bảo. Gia tặng Thái phó Bỉnh Quận công, Nguyên phủ tôn thần, gia phong Lương trung bảo hộ, Dưỡng chính Đại Vương”.

Cụ sinh giờ Sửu, ngày 6/6 năm Nhâm Thìn (1652), mất giờ Tỵ ngày 17/7 năm Nhâm Ngọ (1702), thọ 51 tuổi, sắc phong ban cho làng Liễu Ngạn thờ làm Thành hoàng.

2. Phu nhân Nguyễn Thị Mễ (tức Cảo vợ Bỉnh quận công Nguyễn Gia Đa). Người làng Thanh Tương, tổng Khương Tự, Thuận Thành, Bắc Ninh. Cụ có công nuôi dưỡng Hy Tổ Nhân Vương (chúa Trịnh  Cương) được phong Quốc Thái phu nhân. Trinh Uyển Dực bảo Trung hưng Tôn thần. Là người hiền thục, có tâm và sùng đạo. Bà đã cấp tiền của cho 12 xã trong Tống Liễu Lâm (mỗi xã một giành bạc và năm mẫu ruộng) để làm đình. Được cả 12 xã thờ làm Hậu thần (Bà Hậu Khe). Lại thường xuyên cung cấp cho các nơi xây dựng đình, chùa, tô tượng, đúc chuông và trong suốt 12 năm (1702 - 1714) xây dựng chùa Hàm Long (Hà Nội) để nơi này trở thành danh thắng nổi tiếng đất Đế Đô. Bà còn chu cấp cho trùng tu, tôn tạo chùa Dâu (Thuận Thành) được nhân dân coi như Phật sống, tạc tượng thờ (gọi là bà Đỏ). Ngày Hội Dâu được rước sau tượng Pháp Vân.

Cụ sinh giờ Tý, ngày 25 tháng 11 năm Canh Tý (1660), mất giờ Thìn, ngày 16 tháng 9 năm Bính Thìn (1736), thọ 77 tuổi, sắc phong ban cho làng Liễu Ngạn thờ làm Thành hoàng.

Mộ của hai cụ táng tại bản xã (Ngũ Thái, huyện Thuận Thành). Đặc biệt hai cụ sinh 5 người con, trong đó 3 người con trai đều được phong Quận công.

Hiếm có một nhà - cha và ba con đều là Võ tướng chỉ huy Quân đội, đều có những công tích lớn lao nên dù không thuộc huyết thống Hoàng Tộc, vẫn được triều đình ban tặng tước bậc cao.

“Ai về Liễu Ngạn mà trông

Một nhà có bốn Quận Công triều đình”.

3. Con trưởng: Nguyễn Gia Châu.

Là võ quan đủ đức, đủ tài, đã kinh qua nhiều cấp, chức vụ, công tích xuất sắc, trấn thủ nhiều nơi như Hải Phòng, Yên Quảng, Kinh Bắc, Sơn Nam, Thanh Hóa, Nghệ An... người đời gọi cụ là “Chúa lưu đồn”.

Cụ chỉ huy Quận đội tới 3 triều. Các quan trong triều đã tặng cụ đôi câu đối:

“Nhất đại tôn thần thiên hạ hữu

Tam triều thống xuất thế gian vô” Dịch nghĩa:

(Một đời phụng sự hoàng gia thì có)

Ba triều tổng chỉ huy quân đội thì không)

Nay còn treo ở đình Liễu Ngạn. Cụ được ban 24 chiếc áo bào xanh, 18 chiếc lọng xanh, vẽ rồng và đủ các đồ nghi trượng như bậc vương giả.

Đời Cảnh Hưng thứ 13 được phong từ Thự phủ Đại tư mã lên Đại Tư đồ, đứng đầu Ban Vũ giai. Phong tặng Siêu Quận Công và gia tặng 5 tước bậc “chi thần” khác: Hiển Liệt chi thần. Chương Trung chi thần. Mậu Tích chi thần. Đoan Túc chi thần và Dục Bảo trung hưng chi thần.

Cụ sinh ngày 21 tháng 8 năm Mậu Ngọ (1678), mất ngày 3 tháng 3 năm Đinh Sửu (1757). Thọ 80 tuổi.

Ban cho làng Liễu Ngạn thờ làm Thành hoàng.

Ngoài võ tướng, có thời kỳ được làm quan Đề Điệu (Chánh chủ khảo các Trường thi cao cấp). Cụ đã tuyển chọn được rất nhiều nhân tài cho triều đình. Cụ còn dùng nghĩa cử thu phục nhân tâm, khi 5 chiếc thuyền khách buôn bị bão đắm ngoài biển, vài trăm người dạt vào nước ta kêu cứu. Cụ cấp tiền, gạo, thức ăn và đóng thuyền, lại cho mua sản vật mang về nước. Nhiều người can ngăn là vô ích và phí phạm. Cụ bảo: “Họ là người dân...”. 5 năm sau, họ quay lại tạ ơn, biếu vàng, bạc rất hậu hĩnh. Cụ từ chối. Họ nói mãi cụ mới nhận chút “gọi là” nhưng dâng Chúa thượng hết. Bấy giờ mọi người càng thêm khâm phục đạo đức và tài năng của cụ.

Ngày nay, ta được chiêm ngưỡng di tích lịch sử Văn hóa Đình và Đền Liễu Ngạn là nhờ ân đức của Nguyễn Gia Châu. Cụ là người cung đức và đứng ra xây dựng Đình, Chùa, Đền thờ họ. Công trình đồ sộ kéo dài tới mười năm. Mùa xuân năm Đinh Mùi (1727) khánh thành được vua Lê Dụ Tông cùng chúa Trịnh Cương về dự và đề thơ chúc mừng. (Nay còn lưu giữ ở đình Liễu Ngạn). Hàng năm nhân dân tổ chức lễ hội trang nghiêm từ ngày 3 đến ngày 6 tháng 3 (hội này đến nay vẫn còn).Tiếc thay các công trình này bị giặc Pháp đốt phá năm 1947. Sau hòa bình có tu sửa lại nhưng không còn được như xưa. Dẫu vậy đình Liễu Ngạn vẫn được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh thờ ba Thủy thần: Phổ Tế, Chính Tế, Cứu Tế. Và ba nhân thần: Nguyễn Gia Đa, Nguyễn Thị Mễ, Nguyễn Gia Châu. Thật hiếm có nhà nào được nhân dân tôn sùng như vậy.

Nhà thờ họ được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia thờ tổ tiên dòng họ Nguyễn Gia nổi tiếng triều Lê - Trịnh và thờ danh nhân Văn hóa nổi tiếng Nguyễn Gia Thiều.

4. Người con thứ Nguyễn Gia Chân làm quan đến chức: Đô chỉ huy sứ. Được phong Kỳ Quận Công. Còn người con út Nguyễn Gia Kiên làm đến Bộ Công Thượng Thư. Được phong Thuận Quận Công.

Đến đây bạn đọc sẽ hỏi: “Thế còn hậu duệ Bỉnh Quận công?”. Vâng! Hậu duệ cụ có tới 17 người được phong Hầu. Trong đó có Ôn Như Hầu - Nguyễn Gia Thiều - danh nhân Văn hóa nổi tiếng. Ôn Như Hầu ngoài võ quan, ngoài kiệt tác Cung Oán Ngâm Khúc còn nhiều tài năng đặc biệt như: ngoại giao, kiến trúc, nhạc, họa... và hậu duệ Bỉnh Quận Công còn nhiều người được phong tước bậc: Bá, Tử khác.

Sang thế kỷ XIX - XX, đất nước ta bị thực dân Pháp xâm lược, trong đêm trường nô nệ dân ta chịu nhiều khổ đau, tăm tối. Song dòng họ Nguyễn Gia vẫn phát huy truyền thống: Thương dân - Yêu nước. Rất sớm đi theo con đường cách mạng của Bác Hồ. Đầu xuân Mậu Dần, ngày 5/2/1938 tại căn nhà Nguyễn Gia Cần làng Liễu Ngạn hậu duệ dòng đích Bỉnh Quận Công, Chi bộ Cộng sản Nam Bắc Ninh và Bắc Hưng Yên được thành lập. Số đảng viên có 5 người thì 2 là người họ Nguyễn - Gia (tức: Nguyễn Gia Cần, Nguyễn Gia Ấu, cũng hiếm thấy lúc bấy giờ. Sau này Nguyễn Gia Ấu làm đến chức Chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên, rồi Bí thư tỉnh ủy Lạng Sơn. Người đưa tôi tập “Phả ký” chính là con trai nhà cách mạng Nguvễn Gia Ấu.

Cho đến hôm nay hậu duệ Nguyễn Gia Đa vẫn đang nở hoa trên nhiều phương diện.

 

Một đất nước mạnh phải có những dòng họ mạnh. Một dòng họ mạnh gồm nhiều gia đình mạnh. Một gia đình mạnh cần có nhiều thành viên đức lớn tài cao và đích thực. Chân lý ấy đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị./.