Trang chủ VĂN HIẾN BẮC NINH - KINH BẮC

XUÔI DÒNG SÔNG TRĂNG - THƯỢNG NGÃ BA XÀ
16:00 | 17/11/2020

Người xưa gọi sông Cầu là Như Nguyệt. Tên sông ứng với một tinh tú trên bầu trời. Có lẽ đó là bởi vẻ đẹp của dòng sông sánh ngang vầng trăng trải ánh mềm mại, huyền diệu trong đêm. Những ai từng yêu mến dòng sông chắc đều nằm lòng câu ca: Sông Cầu nước chảy lơ thơ - Đôi ta thương nhớ bao giờ cho nguôi. Còn tôi thì nhớ tới câu chuyện một lần đã nghe về cô gái miền Quan họ theo chồng lên mạn ngược đẵn tre nứa để mưu sinh. Tre nứa chặt được kết thành bè, xuôi dòng mang về miền Kẻ Chợ để bán. Người chồng theo bè. Người vợ ở lại, đợi chờ, nhớ thương thành câu hát Quan họ xuôi về da diết.

Xuôi về cũng là xuôi theo dòng chảy con sông. 

Và xuôi dòng sông Cầu cũng là xuôi suốt chiều dài 290 km từ chân Phia Booc của đất Bắc Kạn, qua 6 tỉnh thành từ núi rừng, trung du, đến đồng bằng, nơi con sông hợp cùng dòng Thái Bình trước khi hòa vào biển cả. Đó là hành trình bồi tụ, làm nên lai lịch của mỗi vùng đất đôi bờ mà sông Cầu đã đi qua. Còn tôi - cùng bao người sống nơi hạ nguồn dòng sông - bằng cố gắng nhỏ nhoi của mình, rất muốn ngược dòng con sông để hiểu hơn về nó, cũng như để kể với các bạn những cảm nhận và suy nghĩ về con sông đã dung dưỡng những vùng đất, con người và bao giá trị vật chất, tinh thần trên mỗi chặng đường mà nó đi qua. Đó như thể là một trong những nỗ lực để giữ mãi hình ảnh, vẻ đẹp của dòng sông trong ký ức của tương lai.

Sông Cầu bắt đầu từ những mạch nhỏ nơi chân dãy Phia Booc  xa xôi của đất Bắc Cạn, rồi mới lớn dần trên đường ra biển, như đứa trẻ lớn dần theo mỗi bước chân đi. Phia Booc là đâu? Tôi đã cố hình dung. Và hình dung đó là chốn hoang sơn khí chướng, nơi mù giăng dìm ngập dáng người. Tuy nhiên đến tận bây giờ, việc thực mục khởi nguyên con sông với tôi vẫn là điều nan khó. Đành lòng chỉ dám đi theo dòng chảy con sông từ điểm đầu vào địa phận Bắc Ninh - khu vực ngã ba Xà.

Ngã ba Xà thuộc địa phận xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Đây là nơi hợp lưu của sông Cầu với sông Cà Lồ. Từ đây sông chảy giữa hai tỉnh Bắc Ninh - Bắc Giang, đến khu vực Lục đầu giang thì hợp thành dòng vào sông Thái Bình để ra bể.

Lưu vực sông Cầu, đoạn qua tỉnh Bắc Ninh là nơi sớm hội tụ của người Việt cổ. Qua trường kỳ lịch sử, cư dân sống ven sông đã tạo nên bao giá trị văn hoá vật chất và tinh thần vô cùng phong phú và đặc sắc. Ngay bên thềm phù sa ngã ba Xà, bãi sông ngoại đê đại hà, có ngôi đền cổ với lịch sử cả ngàn năm tuổi. Đó là đền Xà. Ngã Ba Xà và Đền Xà thuộc địa phận thôn Đoài (hay Xà Đoài), xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Ngày trước, đền Xà thuộc tổng Hương La, huyện Yên Phong. Tại đây - điểm quyết chiến chiến lược trọng yếu của chiến tuyến Như Nguyệt - mùa xuân 1077, quân dân Đại Việt dưới sự chỉ huy của Thái uý Lý Thường Kiệt đã đánh tan 30 vạn quân Tống xâm lược, giữ vững nền độc lập dân tộc, thái bình nước nhà. Trong cuộc chiến hào hùng đó, có một câu chuyện vẫn được dân gian truyền tụng. Đó là trong đêm trước ngày quân dân nước Việt tổng phản công diệt địch, tại đền Xà chợt vang lời thơ - lời tuyên ngôn bất hủ: 

Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư. 

Lời thơ đã có sức lay động ngàn vạn quân sĩ nước Việt, truyền vào họ tinh thần quyết thắng giặc hừng hực để tất cả đồng sức đồng lòng vào trận với khí thế cao ngàn trượng đè bẹp quân thù. Dẫu lịch sử đã chứng minh bài thơ đó là của vị tướng quốc Lý Thường Kiệt, nhưng dân gian thì không ít người vẫn tin rằng đó chính là lời Thánh Tam Giang cảm ứng âm phù - truyền qua vị tướng quốc - để khích lệ tinh thần ba quân tướng sĩ. Trong lần đến đền Xà, thăm di tích, hầu chuyện các bô lão làng Xà Đoài, tôi được nghe kể: Khi Lý Thường Kiệt lập chiến tuyến Như Nguyệt kháng Tống, trong lần kiểm tra chiến tuyến, ngài đến Phương La thấy có ngôi đền lớn bên ngã ba Xà, hỏi ra mới biết đây là đền thờ nhị vị Đại vương tôn thần họ Trương (tức Đức Thánh Tam Giang Trương Hống, Trương Hát). Lý Thường Kiệt bèn truyền quân sửa lễ vào đền thắp hương bái yết, cầu xin âm phù hộ quốc. Đêm ấy, Lý Thường Kiệt nghỉ ở đình Xà - Ngọt, đang lúc chập chờn nửa tỉnh, nửa mơ, bỗng thấy hai vị thần nhân cao lớn lẫm liệt khác thường, mũ áo chói loà hiện ra. Một vị mặt đen, mắt xanh, mặc áo bào trắng. Một vị mặt trắng, râu dài, mình khoác bào đỏ. Các ngài bảo rằng: Lũ giặc Tống kia chỉ cần làm bạt hồn vía chúng thì chúng sẽ tan. Anh em chúng tôi xin mang thần binh đến giúp ngài quét sạch lũ giặc... Dứt lời liền ngâm bài thơ Nam quốc sơn hà. Bấy giờ Lý Thường Kiệt mới biết đấy là hai vị thần thờ ở đền Xà. Tiếng ngâm vừa dứt, bỗng hai vị thần nhân hoá thành đôi rắn có mào trườn về phía sông Cầu. Lý Thường Kiệt liền truyền quân đốt đèn, lấy bút nghiên và ông tự chép lại bài thơ Thần trong trí nhớ. Sau đó, sai quân chép lại làm nhiều bản, gửi tới tướng sĩ khắp chiến tuyến. Hôm sau ông bí mật đưa đại quân vượt sông sang bờ Bắc, mở trận tập kích vào đồn lũy giặc Tống. Lý Thường Kiệt đứng trước cửa đền Xà, bỗng nghe từ trên không trung có tiếng hò reo, ngựa người rầm rập, khí giới loảng xoảng cùng âm vang tiếng chiêng, tiếng trống theo nhịp bước quân đi. Ông ngửa mặt nhìn lên, thì thấy hai vị thần họ Trương áo mũ xanh đỏ tề chỉnh ngự trên đám mây trắng, quân sĩ đứng hai bên giáo mác tua tủa. Biết có thần binh trợ giúp, quân sĩ đều háo hức muốn xông ngay vào đồn giặc. Liền đó, từ trên cao xanh trước cửa đền vọng xuống tiếng ngâm bài thơ thần “Nam quốc sơn hà Nam đế cư...”. Bài thơ được ngâm đi ngâm lại nhiều lần. Càng về sau tiếng ngâm càng sang sảng. Nghe tiếng thơ rền vang, tinh thần quân ta phấn chấn ào ạt xông lên giết giặc. Bên kia bờ Bắc, quân Tống nghe tiếng thơ ngâm mà hoảng sợ, bạt vía kinh hồn. Trước sức tiến công như vũ bão của quân ta, quân giặc tan vỡ thành từng mảng, bỏ chạy toán loạn, dẫm đạp lên nhau. Xác giặc ngổn ngang trên cánh đồng Mai Thượng (nay vẫn còn in dấu địa danh cánh đồng Xác và ngôi chùa Xác, sau đổi lại là An Lạc Tự). Quân Tống đại bại, sau trận ấy vội vàng rút quân về nước. Tính xác tín của câu chuyện trên đây - dù thế nào đi nữa, thì vẫn được dân gian thừa nhận. Đó chính là huyền thoại đẹp về những con người khi sống trực tiếp đánh giặc giúp nước, khi thác uy linh đã đi vào tín ngưỡng dân gian, biến thành sức mạnh trừu tượng của thần linh mà phù trợ con người sau này chiến đấu thắng giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Và trong vùng tâm thức của nhân dân các vùng Đồng bằng Bắc Bộ, việc tôn thờ Thánh Tam Giang đã trở thành một hiện thực đẹp. Thánh Tam Giang (Trương Hống, Trương Hát) là bậc tướng chí dũng song toàn, phò Triệu Việt Vương, cầm quân đánh thắng quân nhà Lương phương Bắc vào năm Canh Ngọ (550), giải phóng đất nước Vạn Xuân khỏi ách áp bức, được nhiều triều đại tặng phong mỹ tự: “Đại vương thượng đẳng thần”. Dọc đôi bờ chiến tuyến Như Nguyệt ngày nào - “thượng ngã ba Xà - hạ Lục đầu giang” có tới gần 400 làng quê giờ vẫn giữ lệ hương khói thờ phụng Thánh Tam Giang. Và ánh xạ của câu chuyện, hay huyền thoại về ông cha ta thủa bình minh dựng nước và giữ nước ấy, đã truyền lại qua năm tháng lịch sử, đến tận hôm nay. Đó là nét đẹp trong đời sống văn hoá tinh thần của cộng đồng dân tộc Việt Nam. 

Ngôi đền thờ Thánh Tam Giang - những vị Thánh của lòng dân - nằm trên gò đất cao, quay mặt hướng Bắc, trước mặt là ngã ba gặp gỡ của hai con sông Cầu và sông Cà Lồ. Tương truyền, đền Xà có từ thời tiền Lý, qua năm tháng, cùng với những biến cố lịch sử và thiên nhiên, đền được trùng tu nhiều lần. Thời Nguyễn - niên hiệu Minh Mạng, đền Xà được tu tạo lớn, gọi là Hương La chính tự, do nhân dân hai xã Phương La Đông và Phương La Đoài phụng thờ. Đến đầu những năm 40 của thế kỷ 20, đền vẫn còn nguyên với quy mô lớn, gồm 4 toà, với nghệ thuật chạm khắc trang trí khá đẹp. Tuy nhiên, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đền đã bị phá huỷ nhiều. Những năm từ 1990 - 2000, đền Xà đã được nhân dân địa phương từng bước phục hồi trên nền xưa cũ với hai toà chính: Tiền tế 5 gian và hậu cung 3 gian nối với nhau bằng nhà chuyển bồng, tạo thành kết cấu hình chữ Công. Các toà nhà đều được xây dựng theo phong cách truyền thống. Trong không gian tối linh nội đền, nhân dân đã dựng thờ Thánh mẫu và Đức Khước địch đại Vương Tam Giang Trương Hống. Khu vực đền còn có các công trình: Cổng nghi môn, nhà bia với tấm bia khắc bài thơ thần Nam quốc sơn hà. Đền là nơi lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật vật có giá trị nghiên cứu và bảo tàng như nền móng, chân cột; hai pho tượng thần bằng đá và hai bộ long mã đá xanh, bia đá, ngai thờ, bài vị, hoành phi, câu đối… 15 đạo sắc do 15 triều vua phong kiến ban tặng. Trong đời sống tinh thần, di tích này là nơi gắn với những sinh hoạt tín ngưỡng của người dân trong vùng. Hàng năm, làng Đoài xã Tam Giang đều đặn tổ chức hai ngày lễ lớn tại đền: Mùng 5 tháng Giêng và mùng 8 tháng Tư âm lịch.

Tôi đã có nhiều khoảng thời gian lang thang bờ bãi ngã ba Xà, ngắm con đò ngang chở khách qua sông. Dưới gốc gạo bến đò, đã có bao mùa hoa tháng Ba, tôi cùng anh em nghệ sĩ nhiếp ảnh vùng đất Quan họ Kinh Bắc đã dắt díu nhau đến chụp ảnh, ghi hình. Cũng như thế, bao lần gặp gỡ người địa phương, họ đều trăn trở một điều, đền Xà là di tích cấp Quốc gia, có giá trị lịch sử và văn hóa tiêu biểu, nơi ghi dấu son chói lọi trong thiên anh hùng ca chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Để gìn giữ và phát huy những giá trị to lớn của di tích lịch sử văn hóa này, họ rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc tôn tạo, quảng bá giới thiệu, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, giáo dục truyền thống đoàn kết, yêu nước, khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ đặc biệt là thế hệ trẻ ngày nay.

Cả nghìn năm đã trôi qua, hôm nay, thăm lại ngã ba Xà - đền Xà, nhớ về một thủa ông cha ta đánh giặc, tôi bỗng bồi hồi liên tưởng: Như đời người, đời sông cứ lớn dần theo dòng chảy. Và càng xa nguồn thì sông càng lớn, càng dài rộng và mạnh mẽ. Hầu hết mọi điều trong cuộc sống, trong tự nhiên cũng thuận theo lẽ đó. Và dân tộc ta, đất nước ta cũng từ nhỏ bé thủa bình minh, bằng sức lực, mồ hôi, máu và nước mắt, theo dòng lịch sử đã khẳng định sức vươn, sự lớn mạnh không ngừng. Đó là điều cho ta tin tưởng vào những gì tốt đẹp nhất sẽ còn tới với quê hương, đất nước mình ở phía trước; như con sông Cầu khi tiến về xuôi, nó dường như cũng cảm nhận được: Phía trước là mênh mông biển cả./.

                                                                                                                                                                                                                                          LÊ THỤ ÂN