Trang chủ VĂN HIẾN BẮC NINH - KINH BẮC

Độc đáo nghi lễ đón tiếp chạ làng Tam Tảo
14:21 | 05/02/2024

Tam Tảo là một làng cổ, xưa thuộc phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc. Ngày nay Tam Tảo thuộc xã Phú Lâm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Người dân Tam Tảo không chỉ tự hào là một làng quê văn hiến có lịch sử lâu đời với một hệ thống các di tích lịch sử phong phú đa dạng, mà còn lưu giữ nhiều phong tục đẹp, trong đó có tục kết chạ giữa hai làng Tam Tảo và Xuân Dục. Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, Xuân Dục và Tam Tảo cùng thuộc vùng Kinh Bắc - Bắc Ninh. Trải qua hơn hai thế kỷ, Xuân Dục, Tam Tảo đến nay đã có nhiều biến đổi. Địa dư hành chính hai nơi cũng đã khác xưa: Xuân Dục về thành phố Hà Nội và Tam Tảo thuộc huyện Tiên Du - Bắc Ninh, song mối ân tình sâu nặng của hai làng vẫn thủy chung son sắt như một mối lương duyên mà trời đã định sẵn. 

Truyện kể rằng: Vào thời Nguyễn Gia Long thứ 14, năm Ất Hợi (1815), làng Tam Tảo đi mua gỗ ở kinh đô Thăng Long về làm đình. Khi bè gỗ lớn xuôi đến địa phận làng Xuân Dục (nay là xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội) thì bị mắc cạn. Thấy vậy, dân làng Xuân Dục đã hết lòng giúp đỡ tạo điều kiện vận chuyển bè gỗ về Tam Tảo thuận lợi. Đến khi khánh thành đình Tam Tảo, dân làng Tam Tảo nhắc lại chuyện cũ và thống nhất cử một đoàn đại biểu  mang lễ vật đến đình làng Xuân Dục tạ ơn và xin được làm lễ kết chạ. Kể từ đó, hai làng gắn bó thân thiết đi lại với nhau, coi nhau như anh em ruột thịt, giúp đỡ nhau, quan tâm đến nhau trong mọi hoàn cảnh. Mối quan hệ này được biểu hiện tập trung trong những lúc hoạn nạn, khó khăn và vào dịp lễ hội hàng năm. Đặc biệt người dân hai nơi Xuân Dục - Tam Tảo vẫn giữ gìn và lưu truyền nhiều bài thơ phản ánh về nghi lễ phụng sự Thành hoàng, nghi lễ tiếp đón chạ trong ngày hội làng. Chẳng hạn, như lời ca đón chạ anh sau:

Hoa cỏ níu mừng đón chào anh

Chúng em ngả ô chào mời anh

Cuộc gặp thật vui vẻ chí thành

Nhớ buổi đầu gặp nhau 

Thuở giúp nhau chuyển gỗ sửa đình 

Tình hai dân đẹp vui như lời thơ phạt mộc.

Tình ấy không vui sao được

Nghĩa ấy không bền sao được.

Vĩ đại lắm thay!

Anh em đức hợp tâm đồng

Chia bùi sẻ ngọt nguyện cùng có nhau

Đón anh dâng hộp trầu cau

Vật sơ mời nặng mà sâu nghĩa tình

Bên nhau nếp cũ đinh ninh.

Và đây là nội dung lời ca khi chủ - khách đã yên vị:

Anh em ta gắn bó đã lâu

Nhưng gặp gỡ nhau cùng chung vui phải đâu chuyện dễ

Vời vợi đường xa, quan san cách trở

Gặp nhau tay bắt mặt mừng mới vơi đi nỗi nhớ

Hôm nay, đến hẹn lại lên

Chúng em đón anh, trầu nghĩa trầu tình

Cùng đối mặt chung vui thụ hưởng

Tình ấy mãi mãi tạc lòng

Nghĩa ấy lời nào tả xiết.

Theo tục lệ, trước ngày mở hội, làng Tam Tảo cử người đến mời làng kết nghĩa Xuân Dục sang dự. Đúng ngày giờ đã hẹn, dân làng Tam Tảo cử đoàn đại biểu đi đón “chạ anh” tập trung tại đền Hộ quốc từ chiều hôm trước ngày mở hội. Trong ngày hôm đó, các gia đình ở đầu ngõ, xóm, miếu đều phải treo mành, thắp hương khi đoàn đại biểu chạ đi qua. Những người đi đón phải là người cao tuổi, có chức sắc, khăn áo chỉnh tề cùng với một số trai đinh cầm cờ biểu, rước kiệu Long đình và phường bát âm đi đón chạ anh. Làng sở tại Tam Tảo còn cử người trải chiếu, pha trà, têm trầu để đón chạ. Sau khi chạ anh uống nước, ăn trầu và thay mũ áo chỉnh tề thì một vị đại diện làng Tam Tảo có nhời mời các chạ về hội sở. Khi chiêng, trống nổi lên, phường bát âm cử nhạc, cờ quạt, long đình bắt đầu diễu hành đi thành hai hàng: chạ anh Xuân Dục một hàng, chạ em Tam Tảo một hàng theo trình tự: Long đình - lễ vật - các vị tế đám - kỳ lý - phụ lão và các đại biểu, sau cùng là người đi phòng. Đám rước đi khoảng một giờ đòng hồ mới về đến đình Tam Tảo. Tại đình các nghi lễ được diễn ra, như sau:  Các cụ Tam Tảo dâng lễ vật xôi, gà lên điện thờ xong, các vị tế đám của chạ Xuân Dục cùng với các vị quan viên ở địa phương sở tại hợp tế (Sở tại đứng hàng trên, chạ Xuân Dục đứng hàng dưới). Hành lễ xong, chạ Xuân Dục ngồi vào vị trí trang trọng đã được bố trí từ trước, hướng mặt vào gian giữa đình để dân Tam Tảo tiếp đón mời tiệc. Một vị đại diện làng Tam Tảo có nhời mời, kiểu như : 

- Tiểu đệ Tam Tảo cảm túc trình chư tôn huynh Xuân Dục, bên ấy ạ!

Sau đó cỗ chạ được bầy lên mâm vuông có chân do các thanh niên bưng ra. Mỗi mâm có một thanh niên được làng cử ra phục vụ (Các thanh niên mặc trang phục áo dài, đội khăn, thắt lưng bỏ múi cạnh bên sườn, quỳ bên cạnh xới cơm, lấy nước mời chạ anh). Chạ anh ăn xong thì ngồi xem hát cho đến 12 giờ đêm mới đi nghỉ. Sáng hôm sau đại biểu chạ anh, chạ em lại tập trung tại hội sở hợp tế, rồi xơi cơm. Ăn xong, chạ em (sở tại) đưa chạ anh (khách) đi xem hội, xem các trò chơi ở trung tâm hội, như: Tổ tôm điếm, chơi cờ, xem dệt vải... cho đến chiều thì chia tay ra về. 

Các bậc cao niên trong làng Tam Tảo vẫn còn nhớ vào năm Kỷ Tỵ (1929) Tam Tảo hoàn thành Tam quan chùa, xây dựng trường học đầu tiên của tổng Ân Phú và đúc chuông chùa. Vì vậy Tam Tảo xin phép Tổng đốc Bắc Ninh mở hội lớn và mời chạ Xuân Dục về dự hội, đoàn đại biểu Xuân Dục đã công đức 400 đồng. Khi chia tay ra về, hai bên chủ - khách tiễn đưa nhau đều bằng thơ:

Mừng anh mở hội mùa xuân

Khánh thành họp xá đúc chuông cửa thiền.

Trước hợp tế dâng hương lễ thánh

Sau anh em hội yến hưởng xuân

Cùng anh nhóm lửa nung gang

Tham quan cờ tướng, nấu cơm mọi trò

Luống tiếc thay thời giờ quá ít

Vầng ô đã quá ngọ sang mùi

Chúc anh ngày hội càng vui

Cáo qui có đôi lời nôm na.

Chạ Xuân Dục túc trình xong, chạ em Tam Tảo đáp lại, chúc chạ anh thượng lộ bình an bằng lời thơ:

Cuộc vui ngắn chửa tày gang

Tiễn anh luống những dùng dằng bước chân

Tay nắm tay ngập ngừng không dứt

Phút chia tay dạ sắt bùi ngùi.

Quan san muôn dặm xa xôi

Kim ô ngả bóng non đoài chếch xa

Chúc chạ huynh bình an thịnh lộ

Cho phép em qui gót hồi đình

Cơi trầu tiễn biệt kính dâng.

Sau đó chạ em Tam Tảo mới cử người đưa chạ anh lên ga Lim lấy vé xe hỏa ra về. Ngày nay, tục “kết chạ” là tài sản quí báu của hai quê hương Tam Tảo- Xuân Dục và luôn được các thế hệ tiếp nối nhau giữ gìn và phát triển. Hàng năm vào dịp hội Tam Tảo mùng 10 tháng hai âm lịch, Tam Tảo cử đoàn đại biểu ra Xuân Dục mời đại biểu về dự lễ hội. Đến hội Xuân Dục ngày 10 tháng ba âm lịch, dân Tam Tảo về Xuân Dục dự hội. Đây là dịp hai làng cùng nhau ôn lại lịch sử kết chạ Tam Tảo- Xuân Dục, đánh giá những kết quả mối quan hệ thân thiết gắn bó của hai địa phương, giúp cho nhân dân hai nơi nhận thức đầy đủ sâu sắc mối quan hệ gắn bó với nhau như anh em ruột thịt để cùng nhau, tay nắm tay, chung sức chung lòng xây dựng quê hương, xây dựng đất nước phát triển, đời sống nhân dân ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc. Việc đón tiếp chạ của hai làng được diễn ra qui củ, trang trọng, đặc biệt là những nghĩa cử cao đẹp trong mối quan hệ giữa Tam Tảo và Xuân Dục cứ nối tiếp từ thuở ông cha tới bao đời con cháu ngày nay trở thành một tấm gương trong lấp lánh muôn đời ./.

 

Tài liệu tham khảo:

- Hồ sơ di tích thôn Tam Tảo, xã Phú Lâm.

- Tập thơ “Người Xuân Phong”.

                                                                                                                                                                                                                                          LÊ THỊ CHUNG