Có lẽ, với mỗi người yêu thơ Việt Nam, chẳng mấy ai không biết tới tác phẩm Cung oán ngâm khúc của tác giả Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều - một người con của đất Bắc Ninh. Tìm hiểu về ông, ta càng ngạc nhiên hơn, khi biết ông thuộc dòng dõi quan lại, mà gia thế mấy đời là tướng trụ cột triều đình. Bản thân ông vốn xuất thân từ võ tướng, nhưng lại gắn với văn chương, nghệ thuật và để lại cho đời nhiều công trình quý giá, đậm chất tài hoa của một nghệ sỹ lớn.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà tôi gọi ông là "Người chép chuyện mùa thu", mà chính bởi cái vị sầu buồn đến hiu hắt như lá vàng lìa cành, như sương chiều gọi lạnh chầm chậm sơn khê, như sợi mưa dầm thấm đến sương tuỷ từng cành cây, ngọn cỏ, như tiếng tơ đàn hờ hững chập chờn trong cõi mê của ánh đèn bạch lạp nơi góc phòng cô quạnh từ những câu thơ của ông viết, đã cho ông cái tên như vậy.
Lớp hậu sinh như tôi, dẫu chẳng được học những bài văn về tác phẩm của ông, nhưng may mắn được bập bõm đôi câu trong khúc ngâm bất hủ về thân phận người cung nữ qua ầu ơ ngân nga của mẹ thuở tôi còn bé tí; rồi bảng lảng những vần từ chẳng đầu cuối, lớn lên…
Rồi trong những lần tình cờ hay sắp đặt trước, tôi đã có mặt tại Liễu Ngạn - Ngũ Thái - Thuận Thành quê hương ông, gặp gỡ những người trong dòng tộc của Ôn Như Hầu, để cứ ngấm dần cái cảm xúc nhân văn của ông qua những trang viết về người cung nữ than oán nơi lầu gác kinh thành, với những cảm nhận về kiếp người trong cuộc đời trần thế cất lên từ tâm hồn thi nhân đa sầu đa cảm của ông.
Trăm năm nào có gì đâu
Chẳng qua một đám cỏ khâu xanh rì
Những cảm nhận về kiếp phù sinh qua câu thơ Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã viết lúc sinh thời, mặc lòng ai đó có thể cho là bi quan, yếm thế; nhưng ta chỉ có thể hiểu được tâm trạng và nỗi lòng ấy khi đặt nó vào thời khắc, hoàn cảnh lịch sử của một giai đoạn đầy những biến động sâu sắc cả về chính trị lẫn xã hội mà Ôn Như Hầu đã sống lúc đó.
Nguyễn Gia Thiều sinh ngày mồng 6 tháng 2 năm Tân Dậu (22/3/1741) trong gia đình quý tộc phong kiến, nối đời làm tướng trụ cột triều đình, từng được Vua Chúa phong 4 chữ: Tứ trụ tướng môn. Ông nội Nguyễn Gia Thiều là Siêu quận công Nguyễn Gia Châu, cha là Đạt vũ hầu Nguyễn Gia Ngô, mẹ là Quỳnh Liên quận Chúa Trịnh Thị Ngọc Tuân, con Chúa Trịnh Cương. Bà là chị của Trịnh Doanh, em của Trịnh Giang - những tên tuổi đại diện cho quyền lực nhà Chúa đương thời trong quá trình phân chia quyền lực hai bên Vua - Chúa thế kỷ 17, 18. Bản thân Nguyễn Gia Thiều là bạn học của Hoàng tử Lê Duy Vỹ và Vương Tử, sau là Chúa Trịnh Sâm. Con đường công danh của Nguyễn Gia Thiều khá hanh thông. Năm 1759, khi 19 tuổi, ông được Chúa Trịnh triệu về Kinh, phong làm Hiệu uý quản trung mã tả đội. Năm 1761, ông làm tuỳ viên quân sự tham gia đánh giặc Thành, giặc Chất ở Hưng Hoá, sau chiến thắng, được thăng chỉ huy thiêm sự chỉ huy sứ ty, cai quản đội Thị trạch hữu thuyền. Năm 1771, do có công trong chiến đấu ở biên giới phía Tây, ông được phong tước Hầu, gọi là Ôn Như Hầu… Lần lượt, ông cứ thăng tiến trên đương công danh với nhiều chức vụ, cương vị khác nhau. Kể cả khi Tây Sơn Nguyễn Huệ ra Bắc phò Lê diệt Trịnh, rồi tiến quân đánh quân Thanh xâm lược… Nguyễn Gia Thiều đều được coi trọng… Nhưng dường như con người ông không nhiệt tâm với chốn quan trường, mà luôn dành phần lớn thời gian cho hoạt động văn chương nghệ thuật. Điều này được ghi nhận ngay từ khoảng những năm 1770, khi được phong Hầu, giữ chức Tổng binh đồng tri, ông đã thường xuyên bỏ khiếm việc binh về nhàn cư ở Tây Hồ - Thăng Long; thành lập Tao đàn tứ trai cùng anh em làm thơ, ngâm vịnh, dành thời gian tâm sức cho các hoạt động nghệ thuật, như nghiên cứu âm nhạc, hội hoạ, kién trúc, điêu khắc nghệ thuật. Sau những lần tham dự việc quân cơ, lãnh binh đánh dẹp loạn, hứng chịu những bão táp của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn khi Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc tôn lập lại Vua Lê, rồi bắt Nguyễn Hữu Chỉnh, đánh quân nhà Thanh… Nguyễn Gia Thiều đã càng trở nên chán ghét chốn quan trường, đến mức ngày ngày uống rượu giả điên, rồi thác vào năm Mậu Ngọ (1798).
Với Nguyễn Gia Thiều, chúng ta tìm thấy ở ông một con người tài hoa, một nghệ sỹ lớn đa tài kiểu những nghệ sỹ Phục hưng ở Châu Âu thế kỷ 16, khi ông chính là tác giả của hàng loạt những tác phẩm, công trình nghệ thuật được người đương thời ghi nhận, đánh giá cao. Có thể kể: về Hội hoạ, ông là tác giả bức tranh Tống sơn đồ nổi tiếng. Về âm nhạc, ông có Sơn trung âm, Sở từ điệu. Về kiến trúc, chính ông đã chỉ huy xây cất ngôi tháp chùa Tiên Tích - một thắng cảnh đất Thăng Long thời Lê - Trịnh. Những quãng thời gian về nghỉ ẩn ở Tây Hồ, ông đã thiết kế, vẽ kiểu, thi công nhiều công trình đền đài, chùa tháp nơi Hoàng thành, đẹp đến mức Chúa Trịnh ban cho hiệu "Sơn thuỷ nhân hoa" - con người tài hoa của sông núi.
Nhưng vượt lên tất cả, và được người đời sau ghi nhớ nhất về một Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều tài hoa chính là trong lĩnh vực thi ca. Đây là lĩnh vực mà ngay từ thuở nhỏ, ông đã chứng tỏ được phẩm chất vượt trội của mình.
Trong Thế phả dòng họ Nguyễn Gia viết: Ngài (Nguyễn Gia Thiều) vốn thông minh từ nhỏ. Lúc còn ít tuổi đã theo việc cung kiếm. Khi lớn lên lại ham đọc sách, gẩy đàn và có tài xem Càn Tượng. Tuy rằng sinh trưởng ở nơi quyền quý, nhưng tính tình ngài rất dễ dãi nhàn nhã, thường lấy Tiên Phật làm thú tiêu giao. Tự hiệu là Hi tôn tử, Như ý Thiền. Các thứ đàn, cờ, thơ, vẽ đều thông hiểu, nhưng ngài sở trường nhất về những lối ca tán như Sở từ điệu, Sơn trung âm, mọi lối, mọi cách ngài sáng tác ra càng hay lắm. Còn thơ Quốc âm thì ý tứ mới mẻ và sâu thẳm, lời văn tuyệt diệu, tân kỳ. Trong quãng thời gian ở Tây hồ, Nguyễn Gia Thiều lấy tự hiệu là Tâm thi viện tử, Sưu chân, Phật Như ý Thiền và cùng ba người em trai là Nguyễn Gia Cơ, Nguyễn Gia Diễm, Nguyễn Gia Tuyên lập Tao đàn gọi là Tứ Trai. Họ đã cho ra mắt bộ Tứ Trai thi tập nổi tiếng với đương thời, bởi tính triết lý, suy ngẫm, chiêm nghiệm theo vũ trụ quan Kinh Dịch, pha lẫn triết học Phật - Lão, và được viết bàng chữ Nôm. Ngoài những sáng tác được tập hợp trong Tứ trai thi tập, Nguyễn Gia Thiều còn lưu với hậu thế tên tuổi một nhà thơ lớn với tác phẩm Cung oán ngâm khúc được viết bằng chữ Nôm, bằng tiếng Việt, một thứ tiếng Việt rất đài các hàn lâm, thâm sâu thông tuệ: "Trải vách quế gió vàng hiu hắt"; và nó được kết hợp với tiếng Việt bình dân, vừa hoa hèn cỏ nội, vừa muối mặn gừng cay, rất đời thường dung dị : "Lau nhau ríu rít cò con cũng tình". Thời gian của câu chuyện là mùa Thu, cái mùa mà trong văn chương thường gắn nặng với nỗi buồn, tâm trạng cô đơn sầu muộn; và không gian câu chuyện trải tràn suốt 356 câu thơ song thất lục bát, diễn tả nỗi lòng ai oán của cung nữ mà tỏ bày chuyện nhân tình thế thái, chuyện trời đất, tử sinh của thân phận làm người.
Có thể nói, Cung oán ngâm khúc quả là một kiệt tác được thể hiện với một nghệ thuật thơ trác việt, xuất chúng, mang tính tư tưởng và thẩm mỹ vào loại cao sang nhất, sâu sắc nhất, mỹ lệ nhất trong kho tàng văn học cổ Việt Nam.
Nguyễn Gia Thiều mượn tâm trạng cung nữ mà nói chí hướng mình; mượn mình mà đối chất; mượn thời thế mà vẩn vơ nghĩ ngợi kiếp người; mượn kiếp người mà đối thoại, ầu ơ cùng trời đất; mượn trời đất mà rong ruổi nỗi hư không; mượn hư không mà an ủi, xẻ chia nỗi buồn cung nữ. Chính vì vậy, mỗi câu thơ của bậc thiên tài "không chỉ đa ngữ nghĩa, đa tầng đa vỉa, mà còn nghĩa ở ngoài nghĩa, chữ ở ngoài chữ, tư tưởng ngoài tư tưởng, như khói sương ngoài lại khói sương".
Từng câu thơ của bậc thi hào là một khối thống nhất các mâu thuẫn lớn trong quy luật đồng nhất, phản phục, thoắt có, thoắt không, vừa có nghĩa lại vừa phản nghĩa.
Trong 356 câu thơ song thất lục bát, ta thấy hiện lên cả một thế giới người khổ ải xin tan hòa vào thế giới thần thánh như mực mong hòa trong nước để được sống đời chữ nghĩa.
"Phong trần đến cả sơn khê/ Tang thương đến cả hoa kia cỏ này". Câu lục bát hay đến rớm lệ hai thế kỷ thi ca; mượn nỗi đau cung nữ mà hát lên tiếng thơ Nôm tuyệt diệu, vừa cao siêu đỉnh trời tư tưởng, vừa diễm lệ tận cùng tình cảm cỏ hoa, vừa quý phái hàn lâm, vừa nâu sồng dân dã. Danh sỹ đương thời Lý Văn Phức từng phải thốt lên: "Mỗi câu đọc lên nghe đến kinh người". Có người đã nói: Cung oán ngâm khúc quả tình có thể xếp ngang hàng với hai kiệt tác Chinh phụ ngâm và Truyện Kiều, như tam vị nhất thể, như ba đỉnh núi thi ca trong một quần thể tinh thần văn hóa Việt cuối thế kỷ thứ XVIII, đầu thế kỷ thứ XIX còn sừng sững giữa trời.
Tìm hiểu cuộc đời, gia tộc của Nguyễn Gia Thiều, ta được biết, ông có hai bà cô ruột là Cung phi của Chúa Trịnh, chị ruột của ông là Nguyễn Thị Cung suốt đời không lấy chồng, đem tài sắc mà chôn vùi nơi cửa Phật; còn em gái ông là Nguyễn Thị Hiên, lấy Vua Cảnh Hưng, khi Vua chết, đã tự nguyện là người coi sóc lăng Vua đến hết đời. Trong gia đình, dòng họ có những người thân chịu số phận lẻ loi lạnh lùng giam hãm ở chốn tiêu phòng như thế, ngoài xã hội đầy rẫy cảnh phụ nữ bị đày đoạ ức hiếp, đã là nguồn cơn cho những hiểu biết tường tận của Nguyễn Gia Thiều về những kiếp má hồng phận bạc, chết dần chết mòn trong phủ Chúa, điện Vua. Hơn thế nữa, chính cuộc đời ông cũng bao phen nổi chìm, thất sủng, ngán ngẩm cảnh quan trường, tìm thú tiêu giao trong bầu rượu túi thơ, nơi cửa Phật, để thoát ly bể khổ kiếp người. Vậy nên, với Cung oán ngâm khúc, Nguyễn Gia Thiều đã phần nào bộc bạch được câu chuyện - có phần hiu hắt như mùa Thu - của cuộc đời mình.
Lớp hậu sinh như tôi, sống cách ông cả mấy thế kỷ, chẳng dám luận gì về những quan điểm, hay tinh thần văn học của ông, mà chỉ chắp nối được đôi dòng vắn ngủi về một danh tài văn học của đất quê hương, người đã góp phần nuôi dưỡng và làm sống dậy nhiều cảm xúc cho con người - điều rất cần có trong thời đại hiện nay./.
(Bài viết có tham khảo và sử dụng nguồn tư liệu, bài viết trên sách, báo, tạp chí và mạng xã hội)./.
QUANG THUẬN