1. Yên Phụ và sự tích chè đất sét
Yên Phụ là làng cổ của huyện Yên Phong, có cả ngàn năm rồi. Nay - một làng xưa ấy lại trở thành một xã có đến 5 thôn: An Ninh, Cầu Gạo, Cầu Giữa, An Tập, Đức Lân. Một dòng họ có thân nhân ở khắp 5 thôn. Các công việc như cưới hỏi, ma chay, việc họ… đều có người của các thôn cùng tham gia. Bởi vậy việc tổ chức hội lệ ở đình hay ở chùa Yên Phụ đều quy củ, theo đúng luật tục của người xưa và người của 5 làng đều tham gia, trở thành lễ hội lớn, tiêu biểu của huyện Yên Phong.
Yên Phụ xưa có tên là Yên Khang hay An Khang. Sau chiến thắng Như Nguyệt 1077 của quân và dân triều Lý, do có nhiều công lao với nhà Vua, với đất nước, mới đổi thành Yên Phụ, nghĩa là nhân dân ở đây đã phụ giúp nhiều công sức cho Vua tôi triều Lý đánh thắng 30 vạn quân Tống, mở nền thái bình thịnh trị mà sau hơn hai thế kỷ, phong kiến phương Bắc không dám bén mảng đến.
Yên Phụ nằm ở phía Tây huyện Yên Phong, địa hình cao ráo, được coi là mái nhà của huyện. Làng xóm của Yên Phụ cơ bản nằm trải dài trên 7 ngọn núi thấp, như chuỗi ngọc giữa vùng đồng bằng, người xưa đặt một cái tên rất đẹp là Thất Diệu Sơn, ứng với 7 vị tinh tú trên bầu trời. Vua quan thời phong kiến đã có chế độ cắt cử binh lính đến đồn trú, lập doanh trại, gọi là núi Đồn. Nhiều người lính đến đồn trú lấy vợ rồi sinh con đẻ cái, lâu dần thành những dòng họ lớn. Núi Chợ có chợ Núi, họp một tháng 12 phiên, là chợ đầu mối của cả 3 huyện Yên Phong (Bắc Ninh), Sóc Sơn, Đông Anh (Hà Nội). Hàng hóa nhiều, do có nghề dệt vải nên có nhiều mặt hàng vải và sợi. Chợ có bán cả trâu bò. Núi Chùa, có chùa Phúc Sơn là chốn danh lam. Chùa có 100 gian, đẹp nổi tiếng cả một vùng. Núi Đền có đền thờ thánh Cao Sơn Đại Vương. Thái úy Lý Thường Kiệt chỉ huy cuộc kháng chiến chống Tống, đặt đại bản doanh ở Yên Phụ. Ngài đã ăn chay, nằm mộng ở đền được linh ứng, Thánh Cao Sơn chỉ đường cho Thái úy vào cầu Thánh Tam Giang sẽ phá được giặc này. Núi Tuần Phiên là vọng gác, quân lính đi tuần và thay phiên canh gác. Núi Dụp ở cách xa làng nhất, đấy lại là địa điểm tướng sĩ nhà Lý mai phục đánh thắng mở màn, khi Phó tướng giặc Miêu Lý liều lĩnh chọc vào phòng tuyến Như Nguyệt, đánh vào bản doanh Yên Phụ. Còn một ngọn núi nằm giữa các ngọn núi kể trên gọi là núi Giữa.
Lễ hội ở Yên Phụ xưa được tổ chức từ 16 đến 20 tháng Giêng, còn được gọi một tên khác là Hội Du xuân Tứ Yên. Ngày nay được tổ chức từ ngày 16 đến ngày 18 và trong lễ hội ấy, từ trong mỗi gia đình đến chốn thờ cúng linh thiêng bao giờ cũng có “Chè đất sét”.
Sử cũ còn ghi, vào cuối năm 1076, Thái úy Lý Thường Kiệt về lập bản doanh ở Yên Phụ, xây dựng Phòng tuyến Như Nguyệt bên bờ Nam sông Cầu và chỉ huy cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống. Chọn vùng đất Yên Phụ làm đại bản doanh vì nơi đây nằm trên con đường thiên lý Thăng Long - Lạng Sơn, chốt giữ ở đây đảm bảo cho Thăng Long yên ổn. Yên Phụ cách bến đò Như Nguyệt chừng dăm cây số, là vùng đông dân cư, nhiều thóc gạo, lại có nghề đúc đồng, nghề rèn sắt, nghề dệt vải tinh xảo, được ca ngợi là nơi “đất bụt người tiên”. Về Yên Phụ, Thái úy cắt đặt đâu ra đấy: Nơi này là dinh của chỉ huy, sau này là cánh đồng Dinh. Nơi kia là kho lương thảo sau này có tên là Cầu Gạo. Nơi cao ráo lưng đồi, tổ chức cho quân sĩ làm lễ với lời thề Trung quân trước khi mở chiến dịch phản công vào ngày 18 tháng 2 (âm lịch) năm 1077nơi ấy bây giờ là điếm Trung Quân…
Bấy giờ là cuối mùa khô, Thất Diệu Sơn cùng với làng xóm xanh tươi um tùm. Quân lính các địa phương,các ngả kéo về ngày đêm luyện tập. Quân lính đông tràn xuống các cánh đồng quanh làng. Tết sắp đến, mùa xuân đã gõ cửa. Sẵn có gạo nếp, lại có mật mía trong nhà, bà con tổ chức gói bánh chưng, nấu chè để khao quân sĩ ăn tết. Bánh chưng gói dài như kiểu bánh tét, bà con bảo như thế dễ chia, còn chè nấu theo kiểu chè con ong, chè bà cốt bây giờ. Chè nấu xong đổ ra mâm, không có mâm rải lá chuối mà đổ. Chè còn dùng làm lương khô cho những ngày sắp tới,chiến dịch tổng phản công vào giữa mùa xuân 1077. Chè nấu nhiều như “đất” lại có màu vàng như đất sét, nên cứ nôm na gọi là chè đất sét vậy.
Cũng đã gần ngàn năm rồi, chè Đất sét vẫn là thứ đặc sản của Lễ hội Yên Phụ, ai đã một lần được ăn, cái vị ngọt, thơm, thanh thảo của chè vẫn cứ vương vấn mãi không thôi. Cũng giống như bánh tẻ làng Chờ, bánh phu thê làng Đình Bảng đều là sản phẩm tinh hoa của mỗi địa phương. Bánh phu thê, bánh tẻ đều đạt tiêu chuẩn OCOP, hàng hóa được giao bán khắp nơi. Yên Phụ là đất đa nghề, con người tài hoa, lẽ nào lại để chè “đất sét” chưa có thương hiệu, dẫu ngàn năm rồi? Nếu ai còn cho cái tên gọi thô mộc thì cứ địa danh mà gọi cho tiện là chè Yên Phụ.
2. Lễ hội du xuân Tứ Yên:
Từ xa xưa, làng Yên Phụ đã kết Chạ (Chạ là từ cổ có nghĩa là Chung) với 3 làng của xã Hòa Tiến là Yên Hậu, Yên Vỹ, Yên Tân nên gọi là chạ Tứ Yên,
Trong dân gian vẫn lưu truyền câu chuyện: Sông Cà Lồ ranh giới giữa Yên Phong và Đông Anh là vùng đất dữ, lắm trộm cướp. Thời phong kiến, lắm bè đảng khi thất thế cũng tìm về nơi này làm chốn nương thân để chờ cơ hội. Vì vậy, các toán cướp ở vùng núi Sóc Sơn hay tràn xuống vượt sông Cà Lồ sang cướp phá vùng biên viễn Yên Phụ - Đò Lo.
Chính vì vậy nhân dân 4 làng tổ chức kết Chạ với nhau, trước là chống cướp bóc rồi bảo vệ đồng điền cho nhau, đảm bảo đường tiêu nước khi úng, dẫn nước vào khi hạn, sau nữa là bảo vệ trật tự an toàn thôn xóm theo quy ước của làng phù hợp luật pháp của nhà nước.
Để duy trì mối kết Chạ được lâu dài bền chặt, hàng năm 4 làng Yên tổ chức lễ hội xuân từ ngày 16 đến 20 tháng Giêng. Ngày hội ấy, ai nấy đều ăn mặc đẹp đi hội chơi xuân nên còn có tên gọi là Hội du xuân Tứ Yên.
Lịch trình của hội đại để như sau :
- Ngày 16 các làng mở cửa đình chuẩn bị đồ tế lễ, tổ chức đoàn đại biểu, tập dượt các nghi thức, sắm sanh mũ áo để dự hội Tứ Yên.
- Ngày 17 các làng Yên Tân, Yên Hậu, Yên Vỹ tổ chức đoàn rước bài vị Thành hoàng về đình Yên Phụ.
Tại các đình làng, dân chúng tập trung đông vui tấp nập. Họ cùng tiến hành các đám rước: Kiệu vàng, lọng tía, cờ quạt, ngựa xe, chiêng trống khua vang, cờ xí rợp đồng… Tất cả đều hướng về nhà Hội của đình Yên Phụ nằm trên một ngọn Thất Diệu Sơn. Mỗi đám rước đủ cả Quan đám chủ lễ, đoàn bồi tế, phường bát âm, trai đinh phục dịch và dân chúng đi xem hội. Vật phẩm để cúng lễ có cau trầu, rượu, hoa quả, xôi bánh và “chè đất sét”. Riêng làng Yên Phụ tổ chức kiệu rước bài vị Thành hoàng từ Đền về Đình. Về gần đến nhà Hội các làng buộc phải đi và xếp theo thứ tự: Yên Phụ đi đầu, sau đến Yên Hậu, Yên Tân và cuối cùng là Yên Vĩ. Bài vị được chuyển vào ban thờ.
Từ đây diễn ra các cuộc tế lễ ở trong đình. Buổi chiều các trò vui chơi được tổ chức như chọi gà, tổ tôm điếm, bắt chạch trong chum, kéo dây lấy lửa, đập niêu, chơi đu, nghe hát ả đào… ở các thửa ruộng trước đình, khi gặt lúa xong còn trơ gốc rạ. Buổi tối diễn tuồng cổ, phường tuồng cổ của Yên Phụ vốn nổi tiếng từ trước cách mạng tháng Tám cho đến những năm tám mươi của thế kỷ XX.
- Ngày 18 tháng Giêng, các làng tổ chức lễ Minh Thệ. Đây là dịp dân Tứ Yên kiểm điểm lại “những điều giao ước” đã làm được những gì, thiếu sót ra sao, cần bổ sung những điều gì vào trong giao ước. Sau đó Lễ Minh thệ được tổ chức trang nghiêm, có kèn trống, phường bát âm phụ họa. Chủ tế là 4 quan đám của 4 làng Yên, mặc quần áo thụng đỏ, chít khăn nhiễu điều. Người xướng tế và bồi tế là những người có học, gia đình nền nếp, hiếu thuận do Yên Phụ cắt cử ra đảm trách. Người xướng tế và bồi tế mặc quần áo thụng xanh,mũ quan văn ,chân đi hia .
Lễ diễn ra suốt ngày đêm. Từ các cụ thượng làng đến dân chúng thập phương, khi có lòng ngưỡng mộ đều có thể đến làm lễ Thánh. Mỗi cuộc tế, lễ đều có kèn trống, phường bát âm phụ họa.
- Ngày 19 tháng Giêng: Các làng tổ chức làm lễ để rước bài vị Thánh về đình làng mình. Yên Phụ cắt cử đoàn đại biểu về dự hội với các làng. Đi đến đâu, hai bên đường, nhân dân áo quần tươm tất chào đón những người anh em, các ngõ còn bày mâm lễ vái vọng. Về đến đình làng, tổ chức giới thiệu quan viên làng bạn, tổ chức tế l, có kèn trống, bát âm phụ họa, có tiệc để khoản đãi mọi người.
Buổi chiều các làng trở về Yên Phụ, xem hội vật và hát tuồng, hát ả đào.
- Ngày 20 tháng Giêng, Yên Phụ tổ chức lễ rước Thánh từ đình về đền, làm lễ mãn hội và đóng cửa đình,đền.
Sau cách mạng tháng Tám 1945, rồi đến kháng chiến chống thực dân Pháp, lễ hội xuân Tứ Yên không tổ chức nữa nhưng hội làng Yên Phụ vẫn được tổ chức thường niên vào các ngày 16, 17 và 18 tháng Giêng. Tuy nhiên, ngày này các làng Yên Tân, Yên Hậu, Yên Vĩ vẫn cử đoàn đại biểu mang lễ về đền, đình Yên Phụ làm lễ Thánh.
3. Lời kết:
Trong ký ức của người dân Tứ Yên cũng chỉ hình dung được những nét chính yếu của lễ hội như trên. Những người tổ chức, bây giờ ta gọi là xây dựng “kịch bản và đạo diễn chương trình” đã về với tổ tiên cả rồi. May mắn lắm gặp được cụ Kiều Lương ở thôn Yên Tân sinh năm 1931, năm nay đã 93 tuổi, vốn là kỹ sư vẫn còn minh mẫn. Tuy sống ở Hà Nội nhưng cụ lại là người mong mỏi làm sao tổ chức khôi phục lại Lễ hội xuân Tứ Yên. Cụ còn cho biết năm 1945 Lễ hội Tứ Yên được tổ chức lần cuối cùng, lần ấy do làng nhỏ thiếu người, mới 14 tuổi cũng được đi vác cờ hội. Hình ảnh của Lễ hội Tứ Yên thôi thúc cụ, để năm 2010 cụ viết tập tài liệu, muốn khôi phục lại Lễ hội Tứ Yên để gửi đến lãnh đạo địa phương và các thôn làng. Được từ biết năm 1997, bốn làng Yên đã họp bàn nhưng không thành và ý kiến của kỹ sư Kiều Lương cũng lại chìm trong quên lãng.
Người viết bài này thiết nghĩ, bàn về chuyện Lễ hội Tứ Yên thời điểm bây giờ mới đúng thời cơ, bới mấy lẽ sau đây:
- Thứ nhất là: Kinh tế phát triển, nhân dân no đủ, đình chùa, nhà thờ được tôn tạo, xây dựng to đẹp gấp năm gấp mười ngày xưa, lại được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh. Trong lòng dân có sự ngưỡng mộ, tôn kính.
- Thứ hai là: Ở tỉnh Băc Ninh có nhiều hoạt động tôn vinh quảng bá giới thiệu tiềm năng, thế mạnh du lịch của các di tích lịch sử,trong đó có các di tích liên quan đến cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống của nhân dân ta. Đền thờ Thái úy Lý Thường Kiệt ở Tam Giang đã đượcxây dựng to đẹp. Hằng năm mở hội vào ngày 18 tháng 2 âm lịch. Nằm trong chuỗi sự kiện này có hội Tứ Yên được mở vào các ngày 16, 17 và 18 tháng Giêng. Ngày tương truyền Thái úy ăn chay nằm mộng tại đền Yên Phụ, góp phần làm cho hào khí Như Nguyệt thêm toả sáng.
- Thứ ba là: UBND 2 xã Yên Phụ và Hòa Tiến làm Tờ trình BQL di tích lịch sử tỉnh Bắc Ninh để làm hồ sơ trình các cấp thẩm quyền phê duyệt, khi ấy Hội xuân vùng đất Tứ Yên chắc lại được mở ra.
Tôi thành thật chúc Kỹ sư Kiều Lương sức khỏe, ngày một ngày hai sẽ sớm được dự Lễ hội xuân Tứ Yên cùng với bao người khác để cho thỏa nỗi chờ mong./.
NGHIÊM ĐÌNH THƯỜNG