Xã Yên Phụ là một trong mười bốn xã, thị trấn của huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Yên Phụ nằm ở phía Tây của huyện; Là đơn vị hành chính nhất xã, nhất thôn. Đất đai cao ráo, người Việt cổ đến đây cư trú từ 2000 năm trước. Nơi đây có 7 ngọn núi đẹp gọi là Thất Diệu Sơn, ứng với 7 vì tinh tú trên trời. Người dân làm nghề nông, trước đây có nghề dệt vải rất phát triển. Yên Phụ bây giờ là đất đa nghề, nhân dân năng động, đổi mới bậc nhất của Yên Phong. Cuộc sống khá giả, văn hóa, giáo dục phát triển hơn các địa phương khác trong vùng.
Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống ở thế kỷ XI, Thái úy Lý Thường Kiệt đã đặt bản doanh ở đây. Những địa danh như Cầu Gạo, Núi Đồn, Cánh đồng Dinh, Đền Núi, Điếm Trung Quân... đã cùng với quân dân triều Lý làm nên chiến thắng Như Nguyệt vĩ đại trong lịch sử dân tộc, là niềm tự hào của nhân dân ta. Bởi vậy, Nhà nước đã công nhận xếp hạng 3 di tích lịch sử trong cuộc kháng chiến chống quân Tống ở nơi đây là di tích lịch sử cấp quốc gia.
* *
*
Cụ Chu Văn Nghị (1785 -1840) sau khi thi đỗ Tiến sỹ, không ra làm quan, ở nhà mở trường dạy học và trở thành danh sư nổi tiếng cả một vùng. Sinh thời Tiến sỹ đã soạn và khắc nhiều bia đá, nổi bật nhất là 2 bia:
Bia 1: Hoàng triều Minh Mệnh bát niên xuân (1827). Bia này ghi khoa bảng của xã Yên Phụ gồm: Tiến sỹ 3, tiến triều 4, Cử nhân 62,Tú tài 252 vị, khắc bia đá, dựng vào năm Minh Mạng thứ 8 (1827). Bia này còn có tên phụ là văn phái bi ký.
Bia 2: Có tên là Yên Phụ văn phái bi ký dựng năm 1837. Văn bia kê họ tên, quê quán, khoa thi đỗ của các vị Tiến sỹ huyện Yên Phong. Từ thời Lê sơ đến hết thời Lê Trung hưng, không chỉ bó hẹp trong phạm vi xã Yên Phụ, gồm: Thời Lê sơ - 16 vị, thời Mạc - 13 vị, thời Lê Trung hưng - 6 vị.
Nếu so sánh với đăng khoa lục và bia Văn Miếu (Hà Nội) cho thấy, cụ Chu Văn Nghị đã thống kê khá đầy đủ các Tiến sỹ của huyện. Từ đó về sau Văn chỉ Yên Phụ dùng làm Văn từ của huyện. Hàng năm, huyện lệnh các bậc khoa danh của huyện đều tổ chức tế lễ. Văn chỉ Yên Phụ bị tàn phá trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Bia Yên Phụ văn phái bi ký dựng ở cửa Đền xã Yên Phụ, năm 2001, Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh làm việc với xã, xin chuyển bia xuống Bảo tàng nhằm trưng bày, giới thiệu, quảng bá truyền thống hiếu học, khoa bảng của huyện Yên Phong.
* *
*
Đôi điều về Yên Phụ văn phái
Ta có thể hiểu “văn phái” ở đây là môn phái của những người theo nghiệp “bút nghiên” ngày xưa. Học để đi thi, thi đỗ làm quan. Đây là con đường tiến thân của “sĩ tử”. Người nào khoa cử lận đận thì làm “ông đồ” dạy học ở các làng quê.
Đến thời của Tiến sỹ Chu Văn Nghị, Yên Phụ đã có một “văn phái” thực sự, mà Tiến sỹ đã khảo cứu, sưu tầm, khắc bia để lưu truyền hậu thế. Đấy là việc nêu cao truyền thống hiếu học và đặt nền móng cho việc khuyến học tại quê hương.
1. Tiến sỹ Chu Xa (1407 -?) tự là Khí Phủ, năm Quý Sửu (1433) đời Lê Thái Tổ, cụ thi đỗ Tiến sỹ, làm quan đến chức Ngự sử. Cụ đã làm Phó sứ đi sứ nhà Minh (Trung Quốc). Cụ là người viết tiếp bộ Việt âm thi tập của Phan Phu Tiên.
2. Bảng nhãn Nguyễn Chiêu Huấn (1494 -?). Cụ thi đỗ Bảng nhãn Khoa Giáp Tuất niên hiệu Hồng Thuận thứ 6 (1514), làm quan tới chức Công bộ Thượng thư và từng được cử đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc) tới 2 lần.
3. Tiến sỹ Nguyễn Khắc Khoan (1563 - ?) là cháu nội cụ Nguyễn Chiêu Huấn, đỗ Tiến sỹ khoa Mậu Tuất 1598 thời vua Lê Thế Tông, làm quan tới chức Tả thị lang và được cử đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc) 1605.
4. Về Tiến sỹ Chu Văn Nghị: Cụ sinh trưởng trong dòng họ có truyền thống hiếu học và khoa bảng ở thôn Cầu Gạo. Cội nguồn họ Chu là họ Nguyễn cùng xã với những tên tuổi vẻ vang như Bảng nhãn Nguyễn Chiêu Huấn, Tiến sỹ Nguyễn Khắc Khoan. Sở dĩ từ họ Nguyễn đổi sang họ Chu là do có người họ Nguyễn được cậu ruột nhận làm con nuôi, sau đó làm người thừa tự mà đổi sang họ Chu .
Xuất thân trong gia đình tuy làm nghề nông nhưng khá giả, nền nếp, dòng dõi thi thư. Ngay từ khi còn thơ ấu đã được cha cho theo nghiệp bút nghiên và nổi tiếng thông minh. Đồng thời chính người cha quan tâm dạy bảo, giúp đỡ nên tiến bộ không ngừng. “Lên 4 tuổi, biết làm câu đối quốc âm, thích nghe chuyện, có khi ngồi suốt đêm không ngủ”. Lên 9 tuổi học đến đâu, biết đến đó. Có vị Tiến sỹ triều Lê sơ đến nhà chơi, ra đầu đề để thử tài. Chu Văn Nghị đối đáp xuất sắc. Tiến sỹ nghe xong, cười mà bảo rằng: “Cậu này có khẩu khí Tiến sỹ về vùng này, tôi chỉ thấy có một vậy .Tôi quyết về sau sẽ thành đạt”.
Chu Văn Nghị có thuật lại việc học của mình “… Có một ngày ta đọc cuốn Nho học mà nghiêm phụ ta yêu thích, bỗng thấy lòng khẳng khái muốn quyết chí ngay.Ngày ngày vào lúc rỗi, ta thường đem sách của người ra đọc, vì thế mới đến học các trường gần làng như Quan Độ, Mẫn Xá, Thọ Khê, nho sinh đến học các bậc tiên sinh, văn chương tiến tới nhiều lắm” (Chu tộc thế phả).
Ngày xưa, các nhà quyền quý, các gia đình giàu có gửi các sĩ tử vào trường Giám để ôn luyện văn bài với các danh sư nổi tiếng, mới mong tên đề ở “bảng vàng, bia đá”. Cụ Chu Văn Nghị có cách học mới phù hợp với hoàn cảnh của mình. Đó là tự học, đọc sách, học các bạn nho sinh, học các bậc đàn anh, tìm học các thầy nổi tiếng ngay quanh vùng. Phải chăng đó là điểm đặc sắc của Văn phái Yên Phụ.
Học hành như vậy, thi cử rất gian nan. Cụ bắt đầu khoa thi Hương năm Đinh Mão (1807), thi đến tam trường thì bị hỏng. Hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Vợ ốm, con nhỏ mất sớm, rồi khi lại chịu tang bố,thành thử tuy đã đậu Cử nhân năm 1819. Mãi đến năm Bính Tuất 1826, cụ mới vào Huế thi Hội “Ta thấy tên ta được vào hạng thứ 8 trong 10 người, thực là không dám nghĩ tới”. Tiếp theo, cụ tham gia thi Đình tổ chức ngay trong cung điện nhà Vua và Vua làm Chủ khảo. Mặc dầu “thể trạng ốm yếu như tầu lá héo, bải hoải toàn thân” nhưng cụ vẫn quyết tâm “làm bài một mạch thiên kim cổ” khi ra bảng đỗ Đồng Tiến sỹ.
Sau khi đỗ Tiến sỹ, cụ nhận được ân tứ của triều đình và vinh quy bái tổ. Được nghỉ ngơi 2 tháng lại phải tiến kinh để nhậm chức Vua ban. Tự nhận thấy vì mang bệnh đã lâu, cụ xin ở lại nhà dưỡng bệnh và lấy việc dậy học làm vui thú.
Con đường khoa bảng của cụ thật là chông gai đầy thử thách. Về thời gian phải kéo dài 19 năm từ năm 1807 đến năm 1826. Đã thế, đi thi Hội phải vào kinh đô Huế để thi. Đường xa dặm thẳm, gần ngàn cây số, đi bộ, vượt qua bao sông suối, núi đèo rồi thì trộm cắp, dịch bệnh luôn rình rập. Người đi thi có sức khỏe đã đành, lại phải thuê ít nhất 2 lực điền làm vệ sĩ và gánh đồ đi cùng. Hành trình đi thi kéo dài ba, bốn tháng hoặc hơn nữa. Phải những gia đình khá giả, mới có thể theo nghiệp “bút nghiên” được. Cái giá phải trả cho học vị Tiến sỹ thời xưa thật đắt đỏ, nhưng cũng thật tự hào. Những người thi đỗ Tiến sỹ được yết kiến nhà Vua, được Vua ban mũ áo, cờ biển, được tổ chức lễ Vinh quy “đón rước tận cổng thành, các bậc tân khách và hàng tổng đón rước hai bên đường cờ trống đầy dãy”. Rồi sau đó, tên tuổi các Tiến sỹ được khắc vào bia đá đặt tại Văn Miếu, lưu truyền mãi cho hậu thế. Người thi đỗ được nhà vua bổ đi làm quan chức, đó là cách tiến thân của các nho sinh ngày xưa. Cụ Chu Văn Nghị lại vào đời bằng con đường dạy học, bốc thuốc và chăm sóc gia đình. Triều đình còn vài lần triệu, cụ vào kinh nhậm chức nhưng cụ đều khéo léo từ chối và lấy việc dạy học làm vui thú “Thú vui làm danh sư phần nào đem lại cho ta niềm an ủi”, bỏ hẳn việc “võng anh đi trước võng nàng theo sau”, không màng danh lợi ở chốn quan trường, đó là nét đắc sắc của Văn phái Yên Phụ.
Vì đỗ Tiến sỹ nên dân gian gọi là ông Nghè. Trường của ông Nghè đông sĩ tử đến tập văn bài lắm. Học trò chẳng đâu xa, chỉ quanh vùng Từ Sơn, Đông Anh, Sóc Sơn, Hiệp Hòa, chủ yếu vẫn là Yên Phong. Vốn thông minh lại trải qua “trường văn, trận bút”, thời gian ông Nghè dạy học không dài, chỉ có 16 năm nhưng kết quả thật rạng rỡ:
- Tiến sĩ có Phan Đình Dương, người xã Trang Liệt huyện Đông Ngàn, đỗ năm 1842, làm quan được thăng tới chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám.
- Phó bảng Ngô Quang Diệu, đỗ năm 1849, người thôn Vọng Nguyệt, huyện Yên Phong, làm quan đến chức Tham chính.
- Giải nguyên (đỗ đầu thi Hương) có Nguyễn Hiệp người xã Phù Khê, Thị xã Từ Sơn, đỗ năm 184, làm quan tới chức Thị Độc học sĩ.
- Cử nhân có Nguyễn Thuật, Nguyễn Viện, Đồng Danh Vọng, Nguyễn Đạo Mạch, Ngô Vương Tú, Dương Quang Thanh, Trần Văn Năng, Chu Văn Viên, Nguyễn Văn Bái.
- Tú tài thì không kể hết (Theo bia đá Từ đường thờ Tiến sỹ).
Danh sư Chu Văn Nghị là người Thầy đạo cao, đức trọng, người thầy uyên bác, người thầy mà người đương thời đánh giá “tạo ra văn phái” riêng, đào tạo nhiều nhà khoa bảng của Bắc Ninh nói riêng và khoa bảng của cả nước nói chung. Vì vậy khi Tiến sỹ mất, các học trò đã dựng bia đá để ghi chép công đức của Thầy.
Đối với gia đình, Tiến sỹ là người con hiếu thảo, đã phải lỡ một kỳ thi vì phải để tang cha. Đối với vợ khi ốm đau, thai sản thì “ngày đêm lòng ta buồn bực, chẳng quản nhọc nhằn tốn kém đi tìm thuốc thang, nên không còn bụng dạ nào dùi mài đèn sách được”. Tiến sỹ rất quan tâm dạy bảo con cái. Do vậy con trai thứ là Chu Văn Giảng đỗ Cử nhân khoa Giáp Tý 1864. Chăm lo nơi thờ cúng tổ tiên, Tiến sỹ tu tạo từ đường ở thôn Cầu Gạo, từ đường cũng là nơi thờ Tiến sỹ Chu Văn Nghị. Ngày 22 tháng 10 năm 2013, UBND tỉnh Bắc Ninh có quyết định số 1196 QĐ-UBND công nhận Từ đường Tiến sỹ Chu Văn Nghị là Di tích lịch sử văn hóa.
“Văn phái Yên Phụ” không chỉ thể hiện ở việc mở trường đào tạo nhân tài cho đất nước mà còn ở việc xây dựng nếp sống văn hóa thuần hậu của Yên Phụ và huyện Yên phong. Đối với gia tộc, Tiến sỹ sưu tầm biên soạn cuốn Thạc sĩ Chu Quang Thắng, Trưởng họ Chu đã dịch, chú khảo và in năm 2013. Tuy là cuốn gia phả ghi lại lịch sử dòng tộc nhưng Tiến sỹ rất chú trọng giáo dục đạo đức, bài học làm người cho con cháu các đời sau. Bản thân Tiến sỹ nêu tấm gương sáng: “Đối với việc của làng cư xử như người trưởng lão. Đối với hàng xóm phải đến nha môn, cụ đem tiền nhà cùng hương lão tới nha môn xin cho. Khi thôn có đại dịch Tiến sỹ đem thuốc của nhà cứu chữa nhiều người”.
Yên Phụ là làng đồng thời cũng là xã luôn, quản lý công việc ở một làng lớn về diện tích, đông về nhân khẩu rất phức tạp. Tiến sỹ đã soạn Hương ước để làng thực hiện. Khi thấy đình làng xuống cấp dột nát, Tiến sỹ đã bàn với dân Yên Phụ và dân Yên Hậu (vốn thờ chung Thành hoàng) sửa chữa đình làng từ tháng 8 năm 1831 đến tháng 2 năm 1832. Gia đình Tiến sỹ cũng ủng hộ nhiều nhất, gồm 120 quan tiền 2 xúc gỗ, 50 công thợ. Tiến sỹ đã soạn “Song Yên bi ký” vào tháng 5 năm 1835 để ghi lại sự kiện này. Trước đây, bia đặt ở đình làng, nay đặt phía bên phải cửa Đền Núi.
Gắn cả cuộc đời với nghiệp trồng người, nói theo ngôn ngữ hiện nay, Tiến sỹ rất ham làm khuyến học khuyến tài. Ngày xưa các làng lập Văn chỉ, Văn từ biểu tượng cho tinh thần hiếu học ở làng quê. Ở đó thờ Khổng Tử, Tứ phối (Tăng Tử, Mạnh Tử, Nhan Tử, Tử Tư) cùng các tiên hiền của Nho giáo. Đó thường là một hoặc hai ngôi nhà, bên trong đặt bài vị của các bậc Tiên thánh, Tiên nho và do Hội Tư văn địa phương quản lý, lo liệu tổ chức tế lễ vào ngày Đinh của tiết Xuân, Thu trong năm.
* *
*
Trong cuốn “Gia phả Chu tộc Cụ Nghè” đã có những lời vàng ngọc đánh giá cuộc đời và sự nghiệp của Tiến sỹ Chu Văn Nghị “Cụ là một bậc nho học uyên thâm, ngạch trực, nhân hậu, đồng thời cũng nổi tiếng là người đức độ, nghiêm khắc. Cụ là tấm gương sáng về tinh thần hiếu học, có nhiều đóng góp cho quê hương bản quán, tận tâm cứu chữa, bảo vệ giúp đỡ những người nghèo khó. Cụ còn là người con hiếu thảo, có tinh thần trách nhiệm cao với gia đình, gia tộc, chăm lo chu đáo nơi thờ cúng, phần mộ tổ tiên, nuôi dậy con cái lớn khôn, thành đạt. Sau khi đỗ đạt vinh quy, do điều kiện sức khỏe không ra làm quan, Cụ dồn tâm, dốc sức đến tận cuối cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục đào tạo nhân tài, xứng đáng người thầy mẫu mực”.
Danh sư Tiến sỹ Chu Văn Nghị đã để lại cho Yên Phụ nói riêng, Yên Phong nói chung một “văn phái’’nêu cao truyền thống hiếu học, đặt nền móng cho việc khuyến học và học suốt đời hiện nay. Di sản tinh thần ấy là tài sản quý giá cho chúng ta hôm nay và mai sau.
Danh sư Tiến sỹ Chu Văn Nghị đã được tên cho một đường phố rất đẹp ở đô thị mới, huyện lỵ Yên Phong...
NGHIÊM ĐÌNH THƯỜNG