Trang chủ VĂN HIẾN BẮC NINH - KINH BẮC

ĐÌNH LÀNG LAM CẦU
14:20 | 05/02/2024

Đình làng Lam Cầu nay thuộc địa phận xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đây là một ngôi đình còn bảo lưu được khá nguyên sơ nghệ thuật kiến trúc cùng nhiều di vật cổ niên đại tạo tác dưới thời Lê - Nguyễn. 

Căn cứ vào dòng chữ Hán khắc trên cột quân phía Bắc tòa đại đình ghi “Cảnh Hưng nhị thập tam niên tam nguyệt sơ nhất nhật Thuận An phủ, Siêu Loại huyện, Thượng Mão tổng, Đại Mão xã, Lam Cầu thôn, Quan viên kỳ lão thượng hạ đẳng tạo tác đại đình dĩ cung phụng sự” cho biết chính xác đình làng Lam Cầu được xây dựng vào ngày mồng 1 tháng 3 năm Cảnh Hưng thứ 23 (1762). Năm Giáp Thìn niên hiệu Thành Thái thứ 16 (1904) đình được trùng tu mở rộng với quy mô to lớn. Trải qua thời gian một số hạng mục công trình bị phá hủy chỉ còn tòa đại đình, mặt bằng kiến trúc kiểu chữ Đinh. Toàn bộ khung đình được làm bằng gỗ lim, trên các cấu kiện gỗ như cốn, đầu bẩy, đầu dư và con chồng được chạm lộng, chạm bong kênh đề tài “rồng cuốn mây”, “phượng vũ”, “lân chầu”, “quy đồ thư” và “tứ quý” mang phong cách nghệ thuật tạo hình thế kỷ XVIII - XIX, các họa tiết hoa văn trang trí đều được sơn son thiếp vàng. Theo nội dung thần tích, sắc phong thì đình làng Lam Cầu thờ vị thần Đông Hải vốn là một danh thần triều Lý có công lao to lớn trong việc bảo vệ đất nước, phù giúp dân chúng được các triều đại phong kiến sắc phong là Thượng đẳng thần.

Bên cạnh giá trị về mặt nghệ thuật kiến trúc, hiện nay tại đình làng Lam Cầu còn bảo lưu được hệ thống di vật cổ khá đa dạng và phong phú có niên đại tạo tác vào thời Lê - Nguyễn, tiêu biểu như: 2 bức đại tự, 2 bức cuốn thư, 3 đôi câu đối, long đình, ngựa thờ, hương án, siêu đao, bát bửu, 7 đạo sắc phong sớm nhất là năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), muộn nhất năm Khải Định thứ 9 (1924), 11 tấm bia đá nội dung chủ yếu ghi chép việc lập hậu thần ở đình và gửi giỗ hậu hội tư văn của làng vào các năm 1676, 1807, 1825, 1841, 1868, 1883, 1908, 1909, 1914... Trong đó đặc biệt giá trị nhất là 2 tấm bia “Từ chỉ bi ký” do Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở (1754 - 1840) người làng Hương Triện, xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình đăng khoa năm Đinh Mùi (1787) soạn nội dung vào năm 1825 và “Hậu thần bi ký” do Giải nguyên Nguyễn Cao (1837 - 1887) đăng khoa năm Đinh Mão (1867) người làng Cách Bi, nay thuộc phường Cách Bi, thị xã Quế Võ soạn nội dung vào năm 1883. 

Ngoài ra tại gian giữa tòa đại đình còn lưu giữ được bức cửa võng niên đại thời Nguyễn. Cửa võng hình chữ nhật, dài khoảng 3,85m, cao 1,70m toàn bộ bề mặt được sơn son thiếp vàng, chia làm 3 tầng. Tầng dưới cùng chia làm 3 ô, ô chính giữa chạm nổi hình hổ phù cùng dây lá cách điệu, 2 ô bên cạnh chạm hình long mã. Tầng thứ hai chia làm ba băng hoa văn: băng dưới cùng gồm 5 ô trang trí chạm nổi, chạm kênh bong đề tài “long cuốn thủy”, nghê chầu, ô chính giữa chạm hình đôi lân chầu mặt trời; băng hoa văn ở giữa chia làm 9 ô, 4 ô lớn hình vuông khắc nổi 4 chữ Hán “Thần chi cách tư”, 5 ô nhỏ xen kẽ các ô lớn, 3 ô giữa chạm “trúc, cúc, mai”, 2 ô ngoài cùng chạm hình đôi hạc chầu đứng trên lưng rùa; băng hoa văn trên cùng chia làm 5 ô, ô chính giữa chạm hổ phù, 2 ô bên cạnh chạm hình chim phượng hoàng, 2 ô ngoài cùng chạm hình long mã. Tầng trên cùng chạm nổi đôi rồng chầu mặt trời xung quanh quấn mây dải, đao lửa, đuôi xoắn tổ tò vò, diềm hai bên hồi sát cột cái phía trên trang trí rồng chầu, phía dưới chạm nổi đường hồi văn chữ triện. Cửa võng đình làng Lam Cầu là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo chứa đựng giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học và mỹ thuật. Thông qua bức cửa võng này góp phần nghiên cứu, tìm hiểu về nghệ thuật trang trí chạm khắc trên các loại hình đồ thờ tự truyền thống bằng gỗ của người Việt dưới thời Nguyễn còn tồn tại trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện nay.

Với những giá trị to lớn nêu trên đình làng Lam Cầu được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa - Quyết định số 61/QĐ-UBND, ngày 15/1/2009./.

                                                                                                                                                                                                                                          NGUYỄN VĂN AN