Trang chủ VĂN HIẾN BẮC NINH - KINH BẮC

NHÀ THỜ TỔ CA TRÙ
11:39 | 28/11/2023

Ca trù là một loại hình nghệ thuật có từ lâu đời, độc đáo và có ý nghĩa đặc biệt trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, văn chương, âm nhạc, tư tưởng, triết lý sống của người Việt. Nghệ thuật hát ca trù xuất hiện ở Tiểu Than từ rất sớm và dòng họ Nguyễn Thiết có nhiều người theo nghề đi biểu diễn khắp nơi, cho đến nay vẫn còn lưu giữ những minh chứng liên quan đến nghệ thuật ca trù, trong đó có nhà thờ Tổ nghề.

Nhà thờ Tổ ca trù họ Nguyễn Thiết vốn được được khởi dựng từ lâu đời, nguyên xưa chỉ là một cái miếu nhỏ (vì dòng họ có nghề ca hát gia truyền) nên đã lập miếu để thờ cụ tổ nghề. Sau có bà Nguyễn Thị Dính là con gái của dòng họ đã công đức tiền của để xây dựng mở mang nhà thờ như ngày nay. Nhà thờ Tổ ca trù họ Nguyễn Thiết hiện nằm ở vị trí giữa làng, quay hướng Nam, xung quanh giáp khu dân cư đông đúc, kiến trúc kiểu chữ Nhất gồm có một gian quá giang gác tường, vì kèo bằng gỗ đơn giản bào trơn, phía trước cửa xây hai cột trụ trên đắp con nghê, phía dưới đắp chữ Hán. 

Nhà thờ họ Nguyễn Thiết thờ cụ tổ của nghề hát ca trù là Đinh Dự “Thanh Xà đại vương” và vợ là“Mãn Đường Hoa Công chúa”. Các cụ cao niên của dòng họ cho biết: Theo thần phả nhà thờ Ca Công tại làng Lỗ Khê, xã Liên Hà, (huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội), Tổ Ca trù là Đinh Dự, sinh ngày 6/4/1413, con của Đinh Lễ, quê ở Động Hoa Lư (huyện An Khánh, phủ Trường Yên, đạo Thanh Hóa) theo Lê Lợi chống giặc Minh, từng đóng quân ở Lỗ Khê. Thân mẫu của ngài là bà Trần Minh Châu, theo chồng đi đánh giặc, sinh con trai ở Lỗ Khê. Từ nhỏ Đinh Dự đã say mê đàn hát dân ca, sớm trở thành người có tài cao trí lớn trong hoạt động văn hóa. 

Năm 12 tuổi, Đinh Dự về thăm quê cha đất tổ. Trong một ngày chơi xuân, chàng đến trang Đông Cứu, huyện An Bình, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc nơi có thắng cảnh chùa Thiên Thai, Đinh Dự gặp một cô gái tên là Đường Hoa Thiên Hải có sắc đẹp “trăng thẹn hoa ghen” lại có tài đàn hát. Hai người ý hợp tâm đầu, kết duyên cùng nhau về Lỗ Khê sáng tạo ra hát ca trù. Vào những đêm trăng thanh, hai vợ chồng cùng nhau ôn luyện và thưởng thức ca trù. Quá say mê, hai vợ chồng Đinh Dự quyết định mở giáo phường dạy ca trù. Khi ấy Đinh Dự 13 tuổi, tức là vào khoảng năm 1426.

Ngay từ đầu, vợ chồng Đinh Dự đã tổ chức truyền nghề chặt chẽ theo mô hình giáo phường. Học trò trong làng và các nơi khác như Hồi Quan, Tương Giang, Tam Sơn, Châu Khê, Động Hội, Tam Sơn… theo học khá đông. Mỗi họ cử một Trùm họ, 12 Trùm họ cử một Quản giáp. Quản giáp do quan tỉnh Kinh Bắc cấp bằng công nhận. Những năm đầu, đối tượng phục vụ chủ yếu của ca trù Lỗ Khê là Vua quan, tướng lĩnh, binh sỹ nhà Lê, trong những dịp mừng công danh, mừng thọ, khao vọng của Vua quan, hát giải sầu, giải bệnh cho gia đình Vua chúa. 

Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Vua, triệu vời vợ chồng Đinh Dự về kinh đô để ban thưởng. Sau đó vợ chồng Đinh Dự lâm bệnh ốm nặng. Trước khi từ trần, Đường Hoa có làm thơ được dịch giả Hoàng Đức Kỷ dịch là: “Nén lòng tâu đến cửu trùng thiên/ Rời chốn thành môn khá nhớ thương/ Nghĩa chúa sinh ca trọn đời tiết/Người về gắn mãi giáo phường hiền”. Ngài Đinh Dự trước khi mất cũng làm bài thơ bày tỏ nỗi lòng, tuy đi xa nhưng còn gắn bó mãi mãi với giáo phường, với quê hương đã gắn bó phát triển văn hóa ca trù của dân tộc.

Ngày 13/11/1428, vợ chồng ngài Đinh Dự từ trần, Vua Lê Thái Tổ đã triệu vời Quản giáp về kinh đô nhận mỹ tự “Sinh từ tự điển” (Điển lễ thờ cúng) giao cho giáo phường lập đền thờ phụng. Mùa xuân mở lễ hội cầu phúc, buộc tất cả các họ xa gần đều phải về nhà thờ tổ. Khi về các họ nộp tiền đèn hương cả năm cho Quản giáp. Nhà thờ Ca Công do 12 họ góp tiền xây dựng xong vào năm 1430. Vua Lê Thái Tổ gửi đến Lỗ Khê bài thơ ca ngợi vợ chồng Đinh Dự được dịch giả Vũ Phong Tạo dịch là: “Đường lên cổ miếu ngút trời cây/ Trung thần báo quốc nhớ tháng ngày/ Ai bảo được trung thì mất hiếu?/ Hết lòng vì nước hiếu trung thay”. Năm Canh Thìn 1460, Vua Lê Thánh Tông lên ngôi, xét công trạng đã phong cho Đinh Dự là “Thanh xà Đại vương” và phong cho bà vợ là “Mãn Đường Hoa công chúa”. Vợ chồng ngài đã được giáo phường tạc tượng từ thời Lê sơ giữa thế kỷ XV, nay vẫn bảo tồn nguyên vẹn ở nhà thờ Ca Công.

Ca trù có thể sử dụng nhiều thể văn chương như thể phú, thể truyện, thể ngâm, nhưng phổ biến nhất là hát nói. Một chầu hát cần có người chính: một “đào” hay “ca nương” sử dụng bộ phách gõ lấy nhịp, một “kép nam” chơi đàn đáy phụ họa theo tiếng hát, một “quan viên”, thường là tác giả bài hát đánh trống chầu chấm câu và biểu lộ chỗ đắc ý bằng tiếng trống. 

Không gian trình diễn ca trù có phạm vi tương đối nhỏ. Đào hát ngồi trên chiếu ở giữa. Kép và Quan viên ngồi chếch sang hai bên. Khi bài hát được sáng tác và trình diễn ngay tại chỗ thì gọi là “tức tịch” (nghĩa là ngay ở chiếu).

Sáng tác ca trù đã khó, để hát được ca trù còn khó hơn. Người hát phải biết nghe đàn, người đàn phải biết thể cách về phách, vừa hát vừa đánh phách, khi hát phải biết gằn giọng. Lối ứng xử linh hoạt trong ca trù khiến giữa người hát và người nghe không có khoảng cách, ranh giới. Nội dung của ca trù xuất phát từ chính cuộc sống của những người nông dân, gắn với đồng ruộng, nên ca từ cũng mộc mạc, giản dị. Khi giai điệu ca trù cất lên đã cuốn hút tâm hồn của những người yêu, say mê ca trù, đưa họ xích lại gần nhau hơn.

Hoạt động của giáo phường Nguyễn Thiết chủ yếu là hát cửa đình ở các tỉnh Bắc Ninh, Phúc Yên, Vĩnh Yên, Hưng Yên. Ngoài ra, giáo phường còn hát phục vụ khao cưới, mừng thọ. Thế kỷ thứ XIX là thời kỳ phát triển mạnh mẽ nhất của ca trù Tiểu Than. Đỉnh cao là cụ Nguyễn Thiết Vinh (1847 - 1902) là một danh cầm nổi tiếng cùng một ca nương được Tổng đốc Bắc Ninh cử vào kinh đô Huế đàn, hát mừng thọ Vua Tự Đức, được Vua phong là “Giáo phòng quản chánh”, ban thưởng nhiều bổng lộc. Sau đời cụ Nguyễn Thiết Vinh, dòng họ Nguyễn Thiết ở Tiểu Than cũng xuất hiện nhiều kép đàn, ca nương giỏi, thông thạo hầu hết các giọng của ca trù. Nghề hát ca trù ở Tiểu Than phát triển đến khoảng giữa thế kỷ thứ XX thì mai một, đến nay đã vận động thành lập CLB ca trù với gần 30 thành viên gồm cả nhạc công, trống và hát. 

Nhà thờ họ Nguyễn Thiết là nơi thờ phụng Tổ nghề hát ca trù, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và là nơi gắn kết tình cảm của các thành viên trong dòng họ. Tại nhà thờ, vào ngày 03 tháng Giêng (ngày giỗ hậu cụ Nguyễn Thị Dính) và ngày 03 tháng 10 âm lịch (ngày giỗ Tổ họ), các con cháu trong dòng họ lại tập trung về dâng hương lên tổ tiên để tỏ lòng biết ơn. Đây cũng là một trong những di tích góp phần vào sự nghiệp phát triển văn hóa chung của quê hương, đất nước. Đặc biệt hơn nữa, khi ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp thì nhà thờ Tổ ca trù họ Nguyễn Thiết thôn Tiểu Than, xã Vạn Ninh, huyện Gia Bình cần được trân trọng và gìn giữ. /.

 
                                                                                                                                                                                                                                                        PHAN THỊ AN NGỌC