Trang chủ VĂN HIẾN BẮC NINH - KINH BẮC

ĐỒNG NGƯ - MÃN XÃ KẾT CHẠ ĐẦU XUÂN
14:25 | 05/02/2024

Kết chạ đầu xuân là một tập tục đẹp, rất phổ biến ở vùng Kinh Bắc xưa - Bắc Ninh nay. Nhưng mỗi huyện (thậm chí mỗi xã, mỗi làng) lại có những cách kết chạ rất khác nhau, mang dáng vẻ, đặc trưng của mỗi miền quê.

Vùng đất Thuận Thành có khá nhiều làng kết chạ. Nhưng (có lẽ) lâu đời và bền chặt nhất là chạ hai làng Mãn Xá (tục gọi là làng Mèn) thuộc xã Hà Mãn và làng Đồng Ngư thuộc xã Ngũ Thái. Hai làng cùng chung một cánh đồng màu mỡ, mùa xuân đều có những lễ hội nổi tiếng và đều tôn những vị tướng tài, yêu nước, yêu dân làm Thành Hoàng.

Chuyện xưa kể rằng: Do có chung cánh đồng nên dân hai làng thường xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp đất đai, dẫn tới xô xát. Năm ấy, Đông Hải Đại vương Đoàn Thượng hành quân qua, chứng kiến cảnh trai hai làng gậy gộc chuẩn bị đánh nhau, Ngài bèn dừng lại, hỏi rõ sự tình. Biết chuyện, Đại Vương cho mời bô lão, chức sắc, lực điền, dân hai làng  khuyên răn, hòa giải và đề nghị hai làng kết chạ anh em. Ngài đặt ra quy ước: Hàng năm, cứ vào đầu xuân, làng này chọn một ngày tốt, cử một đoàn gồm các bô lão, chức sắc, nam thanh, nữ tú tới thăm làng kia. Các làng không gọi nhau bằng tên làng mà gọi nhau bằng chạ trên, chạ dưới. Ở nơi công cộng, chợ búa dân hai làng phải nhường nhịn nhau, không được tranh mua, tranh bán. Trong lao động sản xuất hoặc trong sinh hoạt hằng ngày nếu có khó khăn, vướng mắc thì cùng nhau giải quyết…

Nhưng… hai làng thì làng nào là chạ trên, làng nào là chạ dưới?

Suy nghĩ một lúc, Đại Vương vui vẻ bảo:

- Ta cắm cây đại kỳ ở gò đất này. Mỗi làng chọn ra ba chàng trai. Nếu làng nào có hai người chạy tới đại kỳ trước thì làng đó là chạ trên.

Cuộc ấy làng Mèn thắng. Số thanh niên hôm ấy đều theo Đại vương đi dẹp loạn, ở làng còn lại toàn người già, phụ nữ, trẻ con. Thế mà năm ấy được mùa to. Năm sau hai làng mở hội, mời nhau như anh em một nhà.

Tục ấy, có từ cuối đời nhà Lý. Sau này Đồng Ngư tôn Đông Hải Đại vương làm Thành Hoàng, mở hội vào ngày 15/4 âm lịch. Mãn Xá tôn đức Cao Minh Đại vương làm Thành Hoàng, mở hội vào ngày 12/3 âm lịch.

Từ đó, cứ đến ngày 12/3 hàng năm, làng Đồng Ngư lại rước kiệu Đông Hải Đại vương lên đình Mãn Xá bái tế, xem hội, uống rượu và tham gia những trò chơi dân gian lành mạnh, bổ ích.

Còn đến ngày 15/4 thì làng Mèn lại rước Đức thánh Cao Minh Đại vương xuống đền Đồng Ngư tế bái, xem Tổ tôm điếm, Tam cúc điếm, kéo co, đánh vật và đặc biệt là xem múa rối nước trước đền.

Vào những dịp hội xuân như thế, dân hai làng lại nhắc lại những quy ước xưa, trai thanh gái lịch tha hồ tìm hiểu. Đấy cũng là sự khác biệt giữa chạ bên bờ Nam  sông Đuống với chạ bên bờ Bắc ở các làng Quan họ. Mối quan hệ kết chạ lại càng bền vững khi có thêm quan hệ thông gia, huyết thống.

Kết chạ đã trở thành nét văn hóa độc đáo, bền chặt, nhân văn, chứa đựng tình người, tình đất, vừa văn minh, vừa truyền thống…

                                                                                                                                                                                                                                          HOÀNG GIÁ