Ai về Bắc ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng…
(Huỳnh Văn Nghệ)
1. Nợ duyên với người "làng đại học"…
Hiếu kì, muốn có một lần về Bắc Ninh thăm quê hương Quan họ; thăm đền thờ Lý Bát Đế nơi thờ tám vị Vua triều Lý. Còn nữa; thăm con sông Đuống trong thơ Hoàng Cầm… Chờ mãi, sắp bước qua ngưỡng "lục thập", gần hết một đời người vẫn chưa có cơ hội mà đi. Lần này Hội Văn nghệ địa phương kết hợp cùng Bộ Văn hóa mở trại viết tại Tam Đảo. Bạn hỏi: đi không? Còn hỏi; sao không đi? Tam Đảo (Vĩnh Phúc) không xa Bắc Ninh; cách chỉ độ gần trăm cây số, 2 giờ ô tô. Quan trọng hơn, tôi có ông thầy cũ người Bắc Ninh mà tôi rất quí: thầy Vũ Đăng Diệp. Thầy vào Nam công tác những năm cuối cùng của thập niên bảy mươi, dạy Toán - Lý cho tôi chỉ năm lớp 7. Vậy nhưng kí ức, ấn tượng về thầy mạnh đến nỗi mãi mấy mươi năm sau này tôi vẫn không quên. Kí ức thôi thúc tôi viết nên bài kí chân dung: "Thầy ơi, giờ thầy ở đâu?". Kí sự lên báo, thầy đọc được, chủ động tìm cách liên hệ với tôi. Thầy trò lại kết nối cùng nhau sau hơn bốn mươi năm biệt vô âm tín. Hóa ra thầy quê Thuận Thành - Bắc Ninh, xóm Lũy, xã Mão Điền - cái xã một thời rầm rộ tiếng tăm trong giới truyền thông, tự hào với danh xưng "Làng Đại Học"! Hàn huyên non buổi cùng nhau, thầy tha thiết dặn: em có việc ra Bắc nhớ ghé thăm thầy một chuyến… Trời đất! Thầy ơi, đâu cần thầy dặn; từ lúc nghe được giọng thầy qua điện thoại học trò đã quyết tâm: có cơ hội sẽ đi ngay, tìm về Bắc Ninh, về làng đại học để được gặp thầy…
Một ngày một đêm vạ vật trên tàu hỏa; thêm hai giờ ô tô Hà Nội lên Tam Đảo. Nhận phòng, quăng chiếc ba lô xuống tôi lấy điện thoại gọi ngay cho thầy. Em ra Bắc, đang ở Tam Đảo thầy nhé. Nhờ thầy hướng dẫn giúp em đường sá, phương tiện để mai em qua Bắc Ninh. Khỏi cần; em đang ở Tam Đảo phải không? Cho thầy địa chỉ chính xác để thầy qua đón. Ôi, không được, xa lắm thầy ơi, em không dám làm phiền thầy đâu, để em tự đi. Không phiền! Thầy giáo nói không có cãi! Quyết định vậy nhé, trưa mai thầy qua. Ừ; thì không dám cãi; nhưng... áy náy quá thầy ơi. Thầy cao tuổi, đường sá lại xa xôi. Biết vầy thà cứ im lặng tự tìm đường đi, đỡ phiền thầy! Có điều chuyện chưa phải tới đó đã dừng. Trên đường đi, thầy hỏi tôi có muốn ghé thăm đâu không. Sực nhớ tới cái khát vọng ngày xưa cộng với gợi ý của bạn, tôi rụt rè: dạ, nếu tiện đường thầy cho em ghé thăm Đền Đô (đền thờ Lý Bát Đế) và chùa Phật Tích. Nhưng không tiện thì thôi ạ! Được được, tiện đường mà, thầy sốt sắng. Rốt cuộc, cái "tiện đường" ấy nuốt mất nguyên cả buổi chiều khiến lúc xe đưa về tới nhà thầy trời đã nhá nhem tối! Chưa hết, đêm thầy còn dắt tôi ra nhà hàng chiêu đãi, hồ hởi giới thiệu với gia đình, bằng hữu của thầy - cứ như thể ông học trò đất phương Nam đang mang nghiệp cầm bút là… thượng khách! Ngượng lẫn cảm động, thiếu điều muốn khóc. Nhưng tôi không biết rồi mình sẽ còn phải đối diện thêm nhiều pha muốn khóc khi đêm ấy thầy vui tới mức uống cùng tôi "tới bến" (cho dù thầy bị tiểu đường, sức khỏe không tốt); đã vậy về nhà còn tự tay đi mắc mùng dọn gối, sắp xếp chỗ ngủ cho tôi! Hôm sau thầy lại giữ thêm buổi sáng, thuê xe tiếp tục đưa tôi đi thăm vài di chỉ văn hóa thầy cho là quan trọng trên địa bàn Bắc Ninh: chùa Dâu, chùa Bút Tháp, lăng Sĩ Nhiếp, lăng Kinh Dương Vương... Quan trọng thật; đặc biệt đối với người chuyên hoạt động văn hóa văn nghệ như tôi. Vậy nên không có can đảm chối từ để thầy lại không vui. Kết thúc chuyến "hành trình di sản" buổi mai, thầy cho xe… chở thẳng tôi xuống Hà Nội, "giao" tận nơi ông bạn chờ đón mới chịu quay về! Từ biệt; thầy dúi vào tay tôi chiếc phong bì dán kín. Thầy gửi quà cho các cháu… Từ chối sao cũng không được, tôi đành nhận; chợt nhớ đến câu ca: Người Bắc Ninh vốn trọng chữ tình…
Lần này không chỉ "muốn khóc" mà thực sự bật khóc!
2. Văn hóa một vùng đất
Trong số khách mời cơm của thầy Diệp đêm ấy có anh Vũ Đăng Kháng, người cùng họ, cũng là bạn đồng môn, đồng tuế của thầy. Anh Kháng gốc bộ đội, sau nghỉ hưu về làm cán bộ xã Mão Điền, nhiều năm giữ chức Bí thư Đảng bộ xã. Nghề nghiệp không dính gì nhiều đến hoạt động văn hóa; nhưng tầm hiểu biết, tình yêu và niềm tự hào của anh đối với những trầm tích văn hóa của Bắc Ninh quả đáng nể. Ngồi chơi, anh kể tên vanh vách các đền chùa miếu mạo trên địa bàn - những di chỉ văn hóa gắn với thành Luy Lâu xưa và Bắc Ninh nay. Giới thiệu tổng quan đặc điểm, yếu tố nổi bật của từng di chỉ cho tôi và khuyên nên cố gắng đến thăm, đừng bỏ lỡ. Chưa hết; nhiệt tình đến mức sáng hôm sau anh còn tự nguyện đồng hành cùng thầy Diệp đưa tôi đến từng nơi, tận tụy thuyết minh, giải đáp thắc mắc cho tôi bằng vốn kiến thức văn hóa - tâm linh tích lũy được của riêng anh. Mà anh biết nhiều thật. Nghe giọng thao thao, cứ tưởng đang nghe một… chuyên gia Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Bắc Ninh thuyết trình chứ không nghĩ đó chỉ là một cựu chiến binh - cán bộ xã về hưu. Thêm nữa; cái giọng đầy "lửa", nhiệt tình khi giới thiệu những đền chùa miếu mạo trên đất Bắc Ninh cùng khách phương xa chứng tỏ một tình yêu vô bờ đối với những trầm tích văn hóa của quê hương. Tôi khen: đáng ra ngày xưa anh nên đi làm… hướng dẫn viên du lịch! Anh Kháng nghe, cười tít mắt…
Về Bắc Ninh, khám phá thêm một loạt di chỉ văn hóa - tâm linh ngoài những kiến văn nghèo nàn trong trí tưởng xưa nay tôi mới vỡ ra một điều: mình còn quá dốt! Cho dù diện tích không lớn; nhưng trầm tích văn hóa Bắc Ninh lại nhiều tới mức đáng nể. Đền Đô; ngôi đền thiêng thờ bài vị tám đời Vua Lý như biểu tượng cho một thời cực thịnh, hùng cường của Đại Việt. Đền thờ Thái úy Lý Thường Kiệt biểu trưng cho tinh thần bất khuất trước ngoại xâm. Lăng Kinh Dương Vương - dù cho tính huyền sử nặng hơn chính sử - vẫn như một biểu tượng hết sức nhân văn về lòng biết ơn của cả dân tộc đối với Thủy Tổ cội nguồn. Không ai có thể từ… lỗ nẻ chui lên; vậy thì một vị Thủy Tổ của cộng đồng (cho dù có thể không chính xác cái tên Kinh Dương Vương) đương nhiên phải tồn tại. Lăng tẩm, tế lễ hàng năm chắc chắn là chính đáng; đâu nhất thiết cứ phải vin vào cái cớ "không đủ chứng lí" để gạt đi, bảo chuyện hoang đường???
3. Chuyện về "Nam Giao Học Tổ"
Vậy nhưng, nếu ai vẫn còn chưa đủ tự tin để vượt qua cảm giác "hoang đường" khi đứng trước lăng Kinh Dương Vương chắc sẽ thấy thuyết phục hơn khi đến thăm Đền thờ Sĩ Nhiếp!
Trải ngàn năm Bắc thuộc, những ông "Toàn quyền" phương Bắc được cử sang cai trị Giao Châu chắc đa phần đều tham lam độc ác. Vậy nhưng, đa số không phải là tất cả. Ngày nhỏ tôi học Việt sử, vẫn được dạy: Trong 1000 năm tăm tối ấy có 3 viên Thái thú hiền đức, được người Giao Chỉ ghi ơn, đó là: Tích Quang, Nhâm Diên và Sĩ Nhiếp. Về thân phận hai nhân vật Tích Quang (Thái thú quận Giao Chỉ), Nhâm Diên (Thái thú quận Cửu Chân) có thể còn những tồn nghi lịch sử chưa giải quyết xong; vậy nhưng Thái thú Sĩ Nhiếp với công lao xây dựng lại thành cổ Luy Lâu; công lao giữ yên bờ cõi, biến Giao Châu thành một quốc gia gần như độc lập suốt thời Tam Quốc; công lao mang ánh sáng văn hóa (Hán): lễ nghĩa, chữ viết… đến với người dân bản địa là điều được ghi rõ ràng trong chính sử, không thể phủ nhận. Ấy vậy nhưng, một thời gian dài, tên tuổi người từng được nhà sử học Ngô Sĩ Liên gọi "Sĩ Vương"; được cộng đồng Việt hậu thế tôn xưng "Nam Giao Học Tổ" đã bị… làm lơ; thậm chí còn bị xem như có tội tiếp tay cho mưu đồ "xâm lăng văn hóa" của láng giềng phương Bắc chỉ vì ông là người gốc Hán (cách 6 đời) nhận chức Thái thú (danh nghĩa) của triều đình Hán và truyền bá văn hóa... Hán. Thử hỏi: buổi bình minh lịch sử ấy nơi đất Giao Châu - khi tộc Việt bản địa còn chưa có một nền văn hóa cho riêng mình; khi những nền văn hóa cùng thời trên trái đất muốn tiếp cận là điều bất khả thi bởi cự li địa lí quá xa xôi - còn có thứ "văn hóa" nào khác để Sĩ Vương đem truyền bá cho cộng đồng thay vì văn hóa Hán?
May thay, thời gian đã trả lại sự công bình cho lịch sử để hôm nay đất nước - đặc biệt thị xã Thuận Thành, Bắc Ninh - vinh dự có ngôi đền Nam Giao Học Tổ Sĩ Nhiếp được trùng tu, xây dựng khang trang, thể hiện đúng mức lòng biết ơn của hậu thế đối với vị tiền nhân đã có công to với nước…
Trước lúc tới thăm đền Sĩ Nhiếp, tôi được thầy Diệp cùng anh Kháng "bật mí" cho một thông tin thú vị: nơi tương truyền là mộ Sĩ Nhiếp vẫn còn; đặc biệt trên mộ không bao giờ mọc cỏ (!). Ngạc nhiên xen lẫn tò mò, bước vào lăng, tôi háo hức hỏi đường đi ngay ra mộ. Thật; giữa đơn sơ ba bức tường vây, mộ Sĩ Vương đổ vun bằng thứ đất vàng nâu, lổn nhổn sạn ruồi, quả thật chỉ lơ thơ vài ba cây cỏ lá mềm mới mọc, hệt như cỏ gấu (cú)! Sự thật khó tin; nhưng ngẫm lại cũng hay hay. Nghe nói các bậc hiền nhân chết đi thường "Thánh hóa", đôi khi hiện ra những tướng trạng siêu nhiên tại nơi thờ tự. Mà Sĩ Vương chắc chắn cũng là một người hiền…
4. Cổ xưa Phật tích
Gọi "Phật tích" không phải… để chỉ riêng ngôi chùa Phật Tích; cho dù chỉ riêng ngôi chùa ấy (tọa lạc trên núi Lạn Kha thuộc địa phận xã Phật Tích, Tiên Du, Bắc Ninh) - với pho tượng phật A Di Đà cao 27m, lớn vào bậc nhất khu vực Đông Nam Á đã đủ tự hào cho người Bắc Ninh. Ngoài Phật Tích; trên địa bàn Bắc Ninh còn hiện diện rất dày một hệ thống chùa chiền - những di chỉ văn hóa tâm linh "cỡ bự" thuộc hàng độc đáo và cổ xưa nhất nước. Chùa Bút Tháp; ngôi chùa cổ còn tương đối nguyên vẹn nhất sau bao chiến tranh dâu bể với tháp đá Bảo Nghiêm cao 13,05m, sừng sững như cây bút khổng lồ hướng thẳng trời xanh; với tượng Phật bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay (thiên thủ thiên nhãn) phiên bản cổ nhất được xếp hàng bảo vật quốc gia; được đem làm mẫu gốc cho những phiên bản chế tạo về sau được thờ trên hệ thống chùa chiền khắp nước. Vậy nhưng độc đáo nhất phải tính đến chùa Dâu; ngôi chùa cổ nhất nước; nơi đặt nền móng cho Phật giáo Việt được trực tiếp truyền thừa từ Ấn Độ chứ không qua ngả Trung Hoa. Tương truyền chùa Dâu do Sĩ Nhiếp xây dựng lần đầu khoảng thế kỉ thứ 2 sau CN và sau này nhiều lần được trùng tu. Cùng với một hệ thống chùa "vệ tinh" từng được xây dựng gần như cùng thời trên đất cổ Luy Lâu (chùa Đậu, chùa Tướng, chùa Dàn và chùa Tổ), chùa Dâu không chỉ thờ Phật mà còn thờ Tứ Pháp; tín ngưỡng độc đáo chỉ riêng hệ thống chùa Dâu mới có. Tứ Pháp hiện thân bằng bốn vị thần: Pháp Vân (thần mây), Pháp Vũ (thần mưa), Pháp Lôi (thần sấm sét) và Pháp Điện (thần chớp) do Phật Mẫu Man Nương sinh ra. Dường như chính là biểu tượng kết hợp độc đáo giữa tư tưởng Phật giáo Ấn Độ truyền sang đã hòa quyện, giao thoa với tín ngưỡng (thờ Mẫu) của cộng đồng cư dân Việt cổ bản địa sống chủ yếu bằng canh tác lúa nước. Còn nữa; kiến trúc của chùa (được Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi thừa lệnh Vua Trần Anh Tông xây dựng lại quãng thế kỉ 14) cũng thuộc hàng độc đáo không nơi đâu có với "nhà trăm gian, tháp chín tầng, cầu chín nhịp". Ngày nay, cầu chín nhịp không còn do sông trước mặt chùa đã bị bồi lấp; nhưng ngọn "tháp chín tầng" tên gọi Hòa Phong (dẫu đã bị đổ 6 tầng chỉ còn sót 3) vẫn sừng sững vút cao như một tòa nhà 3 tầng (17m) trước sân chùa, uy nghi vững chãi thế đứng nghìn năm. Nội điện, tam quan cùng các gian phụ bên trong chùa cũng được phục dựng theo kiến trúc trăm gian thời Mạc Đĩnh Chi khá tinh xảo, công phu. Lúc vào trong tôi đã chịu khó đi vòng, tỉ mỉ đếm hết các tòa ngang dãy dọc để xem thật sự ngôi chùa liệu có đúng trăm gian? Đếm lại đếm đi; chắc ít nhiều cũng bị nhầm nhưng con số chắc chắn không thể nào ít hơn 80 gian. Xem như lời truyền tụng không ngoa! Trước lúc rời chùa, tôi kính cẩn chắp tay cúi đầu đảnh lễ trước chư Phật, chư Bồ Tát. Đảnh lễ trước Tứ Pháp. Đảnh lễ kính cẩn không kém trước ban thờ Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi - Người Hiền đã có công không ít với chùa cũng như đối với non sông…
Tôi rời Bắc Ninh xuôi Hà Nội khi thời gian và những lịch trình sắp xếp không cho phép nấn ná lâu hơn. Chia tay mà lòng luyến tiếc khi còn chưa kịp ghé qua làng tranh Đông Hồ; chưa xem pho tượng rồng độc đáo "miệng ngoạm thân chân xé mình" có một không hai nói về oan khuất của Trạng nguyên khai khoa Lê Văn Thịnh thời Lý; chưa thăm khu di tích Lệ Chi Viên, nơi diễn ra vụ án oan vào hàng "kinh thiên động địa" như một vết nhơ muôn đời không thể rửa của triều Lê sơ. Lê Văn Thịnh mới chỉ chịu đi đày nhưng Nguyễn Trãi, vị khai quốc công thần, nhà chính trị, quân sự, văn hóa đại tài của dân tộc thời Lê Sơ đã bị giết; hơn nữa giết cả nhà, ba họ! Người chết không thể sống lại; tuy nhiên những bài học lịch sử muôn đời không bao giờ cũ. Nhưng thôi; hãy dành những chiêm nghiệm xa hơn cho lần sau. Chợt nhớ: về Bắc Ninh lần này vẫn chưa được nghe làn điệu Dân ca Quan họ Bắc Ninh do chính người Bắc Ninh hát trên quê hương Kinh Bắc! Cầm lòng vậy. Chia tay thầy Diệp, chia tay anh Kháng, lưu luyến hứa một ngày trở lại. Không phải hứa "xã giao" để thầy vui, anh vui mà thật tâm định thế. Nhất định sẽ có một ngày tôi trở lại, Bắc Ninh ơi…
NGUYỄN VĂN DANH