Trang chủ VĂN HIẾN BẮC NINH - KINH BẮC

XUÔI DÒNG SÔNG TRĂNG - NHỮNG ĐỊA CHỈ GẮN VỚI TÍN NGƯỠNG MẪU VEN SÔNG CẦU
16:01 | 28/04/2021

Dòng sông Cầu gắn bó với cuộc sống của hàng triệu con người. 

Ngay từ thuở hồng hoang, cư dân Việt cổ đã chọn đôi bờ sông làm nơi sinh sống. Dòng sông trở thành nơi đi lại, giao lưu kinh tế, là nơi đánh bắt tôm cá và bồi tụ cho những bãi bờ ăm ắp phù sa, làm nên những cánh đồng tốt tươi. Đặc biệt, vùng đất ven sông luôn hiển hiện chân dung những người phụ nữ hiền thục, đảm đang, những người giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong cộng đồng dân cư vùng đất này. Họ được tôn gọi là những bà chúa và đi vào tín ngưỡng dân gian đặc trưng của người Việt: Tín ngưỡng Mẫu.

Từ buổi bình minh lịch sử dân tộc, người Việt cổ đã tôn thờ Mẹ (sau gọi là Mẫu). Truyền thuyết về con Rồng cháu Tiên, với người mẹ có công sinh thành Âu Cơ là biểu hiện rõ nhất của tinh thần đó. Trải qua quá trình bồi đắp về văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh, người Việt và một số tộc người khác hình thành nên tục thờ Nữ thần, thờ Mẫu và Tam phủ - Tứ phủ (gọi là Đạo Mẫu). Tại các ngôi đền, miếu đã và đang tồn tại nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh cộng đồng ở mọi vùng miền tổ quốc, bao giờ cũng có nơi linh riêng thờ Mẫu. Đó là nét độc đáo riêng có của người Việt, nhằm ghi nhớ công lao trời biển của Mẫu - Mẹ; giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc; đồng thời cũng là để cầu cho quốc thái dân an, bách gia trăm họ an khang, thọ trường). Hiện tại, ở nhiều nơi trên đất nước ta nói chung, địa bàn tỉnh Bắc Ninh nói riêng, đặc biệt là dọc theo sông Cầu còn khá nhiều đền, chùa gắn với sinh hoạt tâm linh thờ mẫu.

Theo dòng chảy gấp khúc uốn lượn của dòng sông Cầu, từ Ngã Ba Xà qua các xã Tam Giang, Đông Tiến, Yên Trung, ta sẽ đến làng Chóa, xã Dũng Liệt - nơi có đến thờ mẫu nổi tiếng: Đền Chóa. Dũng Liệt nay là một trong các xã, thị trấn của huyện Yên Phong. Trong đó, Chân Lạc - Lạc Trung - nôm na gọi là làng Choá - là trung tâm của xã. Theo truyền tích dân gian và lời kể của dân làng, gốc làng Chóa xưa vốn là trang ấp của bà Chúa Thánh nương, hiệu là Hoàng hà long khiết phu nhân, một bộ chúa thời Hùng Vương. Bà vốn là Công chúa con Vua Thủy tề. Hàng năm, vẫn hay du ngoạn dọc theo dòng sông, men theo những hồ đầm, làng mạc. Thấy dân lam lũ cực nhọc, bà đã truyền dạy cho dân làng nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải và cho phép dân làng đánh bắt tôm cá trên sông. Bà còn dạy cho dân làng biết đoàn kết nhau lại để chống thú dữ, làm nhà để ở, đóng thuyền để đi lại trên sông. Sau nhiều năm sống với dân làng, đến ngày phải trở về, bà đã hóa tại vị trí đền Chóa bây giờ. Khi ấy hồ nước trước cửa đền vẫn là dòng sông. Tưởng nhớ công lao, ân đức của bà, dân làng đã lập đền thờ phụng, hương khói quanh năm, lấy uy đức của bà làm mẫu mực để duy trì nền nếp, phong tục, tập quán truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác. Trong nhiều chi tiết thuộc truyền thuyết về bà đều nhắc tới sông nước, mây trời và những linh vật của sông hồ. Nhiều sắc phong đều tôn vinh bà là Thánh Mẫu nương thần tựa như một nhân vật tối linh tối thượng. Khu vực trang trại của Thánh nương gồm 12 làng ngày nay. Khi bà hóa, dân kiêng chữ Chúa - đọc chệch là Choá.Đền Chóa - Chân Lạc là công trình kiến trúc tín ngưỡng đồ sộ, tiêu biểu cho phong tục thờ thần hoàng của tập đoàn cư dân Việt cổ sống ở Chân Lạc nói riêng, vùng 12 làng Choá nói chung. Các cụ cao niên trong làng vẫn bảo, ngôi đền là báu vật của làng, gắn liền với lịch sử, tín ngưỡng, đời sống, phong tục tập quán, là không gian tối linh, tối thiêng được nhân dân kính cẩn đời nối đời. Ngôi đền ban đầu chỉ là một nơi thờ đơn giản trên quả đồi nhỏ ven sông. Cách đây chừng 300 năm, một vị quan của làng Chóa đã hưng công xây dựng đền có quy mô lớn, gồm 5 tòa nhà kết cấu kiểu chữ Đinh. Đó là hai nhà Giáp cỗ, một tòa Tiền tế, một tòa đền Trung và đền Thượng. Các công trình đến nay vẫn hiện hữu trong không gian di tích, dưới bóng xanh cổ thụ của những cây sanh, cây sưa đã mấy trăm năm tuổi. Đền được nhà nước ta công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ những năm cuối thế kỷ 20. Các công trình hiện lưu vẫn giữ được khá nhiều nét phong cách kiến trúc thời Lê - Nguyễn. Trên các bộ phận kiến trúc như câu đầu, rường, cốn, bảy.. đều được chạm khắc trang trí tinh xảo, nghệ thuật. Tại đây còn bảo lưu được nhiều cổ vật quý hiếm như: Tượng Long Vương, 19 đạo sắc phong (niên đại từ 1740  đến 1924), 2 bia đá (được khắc năm 1704 và 1714), hoành phi, câu đối, hương án, sập đá, hạc gỗ, phỗng gỗ, chấp kích, bát bửu… Song giá trị nổi bật của đền được sử sách và dân gian biết đến lại thuộc về tín ngưỡng và lễ hội. Các sách cổ như Đại Nam nhất thống chí, Bắc Ninh địa dư chí, Bắc Ninh toàn tập dư địa chí có ghi chép về tín ngưỡng đền Chóa: “Đền  thờ 3 vị thủy thần: Thủy tộc Long quân; Hoàng Hà Long Khiết phu nhân và Tam Giang công chúa”. Tín ngưỡng thờ thần nước còn được biểu hiện rõ nét trong tục Cầu đảo mỗi khi hạn hán tại đền Chóa. Đó là tín ngưỡng Mẫu điển hình phản ánh văn hóa của cư dân nông nghiệp ven sông Cầu.  

Từ xã Dũng Liệt, sông Cầu tiếp tục hành trình theo hướng Đông Nam và Nam giữa hai vùng quê Tam Đa, Yên Phong, Bắc Ninh (hữu ngạn) và Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang (tả ngạn), về làng Diềm, phường Hòa Long, TP Bắc Ninh, ta gặp huyền tích cá vàng giếng Ngọc, nghe chuyện bà chúa - Thủy tổ Quan họ vẫn được người địa phương truyền kể, sách vở lưu truyền. Làng Diềm là nơi sơn thủy hữu tình, với sông Cầu, sông Cổ Ngựa, Ngũ Huyện uốn lượn bao quanh; núi Kim Sơn - Quả Cảm soi mình; xóm thôn trù mật từ ngàn xưa với dâu xanh ngoài bãi, lúa mướt trong đồng, mía lan điền đi vào câu hát.. Là một làng Việt cổ, Viêm Xá là nơi con người sớm quần tụ từ hàng nghìn năm trước công nguyên, thuộc nền văn hoá Đông Sơn. Các di chỉ khảo cổ về nơi cư trú, mộ táng, đồ đồng, đồ gốm tìm thấy tại vùng núi Quả Cảm là những minh chứng cho điều đó. Cuộc sống lao động sản xuất, đấu tranh với thiên nhiên, chống giặc ngoại xâm đã hình thành mối đoàn kết cộng đồng làng bền chặt; cũng như tính hòa hợp trong các sinh hoạt văn hóa tinh thần, tín ngưỡng tự ngàn xưa. Truyền rằng, Công chúa con Vua Hùng sau khi được trời giáng xuống ấp Viêm Trang cùng 7 người khác đã lập ra làng xóm giữa vùng cây nước um tùm, rậm rạp. Bà cho khai phá đất hoang, dạy dân cách làm ruộng, cấy lúa, trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, trồng mía kéo mật. Trên đất làng, những chùa Diềm, Đền Cùng, đình Diềm, đền Vua Bà và các nghè... là nơi con người chung lòng khói hương tưởng nhớ những người có công lao khai làng lập ấp, dạy dân nghề nghiệp, bảo hộ cuộc sống cộng đồng. Trong đó, bao trùm nhất chính là tín ngưỡng Mẫu - một trong những đặc trưng đã thành hợp phần di sản phi vật thể của nhân loại.

Làng Diềm xưa nay là nơi chứa đựng rất nhiều di tích, thắng cảnh hùng vĩ, lạ kỳ, có lịch sử lâu đời. Một trong số đó là cụm di tích Đền Cùng, Giếng Ngọc. Đền Cùng vốn là một ngôi đền có từ thời nhà Lý thờ “nhị nhân thần nữ” là hai nàng Công chúa Tiên Dong (hoặc Tiên Dung) và Thủy Tiên, con của Vua Lý Thánh Tông. Tương truyền, vào một đêm trời trong xanh gió mát, Hoàng hậu đang nằm ngủ chợt thấy có ánh hào quang rọi sáng khắp nhà. Từ trong ánh hào quang ấy, có hai con cá chép vàng hiện ra xin được đầu thai làm người. Chẳng bao lâu sau đó, Hoàng hậu có thai rồi sinh hạ được hai quý nữ, đặt tên là Ngọc Dong và Thủy Tiên. Hai nàng càng lớn càng xinh đẹp, lộng lẫy. Khi tới tuổi xuân sắc hai nàng không những nổi tiếng trong đám hồng quần về yểu điệu thục nữ; mà còn vang truyền thiên hạ về tài trí của bậc quân tử.  Bấy giờ ở vùng núi Kim Lĩnh của làng Diềm còn hoang sơ, có nhiều thú dữ. Hai nàng liền xin phép vua cha cho về đây để diệt trừ thú dữ, giúp dân làng tránh tai họa. Sau này, khi vua cha tận dụng một hang động lớn dưới chân dãy núi Kim Lĩnh để làm “thủ khố ngân sơn”, hai nàng liền tự nguyện xin được trông nom, quản lí kho quân lương này. Rồi nhằm ngày tiết Thanh minh (3/3 âm lịch) một năm nọ, hai nàng cùng hướng về kinh thành lạy ba lạy khấn “Chúng con xin mãi mãi ở lại chốn này để phù giúp dân lành”, rồi cùng hóa bên nguồn nước trong mát dưới chân núi Kim Sơn. Dân làng tri ân công ơn hai nàng liền lập đền thờ và đặt tên đền là Đền Cùng. Theo một số ngọc phả hiếm hoi còn sót lại trong làng trước đây, thì khi dân làng lập đền thờ, trước đền đã có Giếng Ngọc. Giếng lúc đó chưa rộng lớn và sâu như bây giờ, nhưng nước rất trong, ngọt và mát nên dân làng Diềm vẫn thường hay dùng nước ở đây ăn uống. Trong dân gian còn truyền tụng rất nhiều huyền thoại về lai lịch, nguồn gốc của Giếng Ngọc - chiếc giếng được dân làng Diềm tôn là “Bầu sữa mẹ vĩ đại” của cả làng bao đời nay. Nhiều người cho rằng Giếng Ngọc chính là hiện thân của hai nàng công chúa Ngọc Dong và Thủy Tiên. Đền thờ nhị vị nương thần Ngọc Dung và Thủy Tiên còn được gọi là đền thờ Bà chúa Giếng.

Cùng với truyền tích về bà chúa Giếng - một biểu hiện của tục thờ Mẫu trên đất Viêm Xá, làng Diềm còn được coi là quê hương xuất phát của làn điệu Dân ca Quan họ. Tại đây còn đền Thủy tổ Quan họ, gọi là đền Vua Bà. Cùng với đền là hàng chục giai thoại khác nhau kể về vị khai sinh ra sinh hoạt văn hoá Quan họ. Theo ký ức dân gian, đền được xây dựng từ xa xưa, tới năm Khải Định thứ chín (1924) thì được trùng tu. Đền trước kia ngoảnh mặt hướng tây, gồm hai công trình chính là toà tiền tế và toà hậu cung. Tại gian giữa toà tiền tế treo bức hoành phi “Vương hậu giới phúc” được tạo tác vào năm Khải Định thứ chín (1924). Đền có bức bài vị đề “Đương cảnh Thành hoàng, Quốc vương thiên tử, Nhữ Nương nam nữ, Nam Hải đại vương”. Tòa hậu cung còn lưu 3 quả cầu bằng gỗ sơn đỏ để dùng vào lễ hội cầu đảo. Năm 2000, nhân dân địa phương đã đại tu đền, mặt quay về hướng đông. 

Tôi đã từng nhiều lần đến với quê hương Vua Bà - Thuỷ tổ Quan họ, thắp hương trước nhang án thờ Mẫu tại đền thờ; thăm ngôi đình cổ nổi tiếng, đem lại sự "vẻ vang" cho làng và vùng Kinh Bắc; lang thang nơi ao làng ngăn ngắt xanh màu ngọc - nơi những ngày hội lệ đầu xuân vẫn sóng sánh câu Quan họ của các liền chị liền anh trên thuyền; thăm cây cầu mái cột đá trước cổng Đền Cùng, Giếng Ngọc; ngắm làn nước giếng trong vắt hiện rõ đôi chép vàng mà người trong vùng bảo đó là hiện thân của nhị vị Công chúa triều Lý ngày nào bơi lội... Mỗi lần đến đều có những cảm nhận mới lạ. Nó khiến cho tôi hình thành bao suy cảm về vùng đất bên sông Cầu này. Vùng đất quá nhiều trầm tích chứa đựng cả chiều sâu lịch sử văn hoá mà con người đương đại dẫu cố công đến mấy cũng chưa chắc đã hiểu hết.

Cách làng Diềm không xa, về phía Tây Nam, còn có vùng đất với truyền thuyết về Bà Chúa Sành ở vùng ven cửa sông Ngũ Huyện Khê, nơi đổ vào sông Cầu. Truyền thuyết xuất xứ gốc tích từ làng Đương Xá, thuộc phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh. Làng quê này nằm trên đỉnh các mỏm núi thấp như Càn Sơn, Chiềng Sơn, Ba Lăm và vắt ngang con sông cổ Ngũ Huyện Khê. Nơi đây vừa có núi, có sông, trên bến dưới thuyền nên từ ngàn xưa cư dân Việt cổ đã về đây sinh cơ lập nghiệp. Đến ngày nay, dấu ấn về làng Đặng Xá trù mật, văn hiến vẫn còn đó ở tên đất, tên làng, di tích lịch sử, những thuần phong mỹ tục. Đó là quần thể di tích đình, đền, chùa từng được dân gian biết đến: Đình thờ thần Cao Sơn đại vương (thần Núi); phối thờ đức Vua Bà. Đền (nghè) thờ Vua Bà. Chùa Linh Quang nổi tiếng với hội hát Quan họ. Chùa Thanh Lãng còn bảo lưu nguyên công trình kiến trúc thời Nguyễn chạm khắc đẹp lộng lẫy. Đặc sắc hơn cả về văn hiến của Đặng Xá là truyền thuyết Bà Chúa Sành được nhiều thời truyền tụng. Qua trường kỳ lịch sử, câu chuyện về bà chúa Sành được phủ nhiều lớp tín ngưỡng với sự hoà trộn của huyền thoại, lịch sử và dã sử. Nhưng nổi bật nhất vẫn là hình tượng ngượi phụ nữ hiền thục, tài đảm, là anh hùng văn hoá, có công lao dạy dân nghề gốm, trông coi lương thảo, tham gia kháng chiến chống ngoại xâm, bảo hộ cuộc sống an bình cho cộng đồng... Mãi cho tới gần đây, truyền thuyết Bà Chúa Sành đã được soi sáng bằng việc các nhà khảo cổ học phát hiện và khai quật khu lò gốm cổ thuộc thôn Đương Xá. Khu lò gốm cổ nằm trên Bãi Lăm, ngay sát mép nước sông Ngũ Huyện Khê. Tại khu lò gốm này, các nhà khảo cổ học đã phát hiện thấy dấu tích của 9 lò gốm, trong đó 2 lò còn nguyên hình. Đó là loại lò “cóc” được khoét thẳng vào lòng núi đất, lấy tre, gỗ chống và lấy đất trát bên ngoài vòm lò. Trong một số lò còn nguyên các chồng bát đĩa, vò, lọ, chậu, âu... với nhiều kiểu dáng khác nhau. Phần lớn là đồ sành, xương gốm dày, chưa có men; có hoa văn hình sóng nước và văn thừng. Một số sản phẩm có men màu xám tro, vàng ngà. Qua kết quả nghiên cứu của các nhà khảo cổ học thì gốm Đương Xá có niên đại vào thế kỷ IX và kéo dài đến thế kỷ X (tương đương với thời Đinh - Lê) và là một trung tâm gốm cổ rất lớn của xứ Kinh Bắc. Nghề gốm cổ Đương Xá không còn nữa, nhưng di sản văn hóa vật chất và tinh thần còn để lại. Đó là dấu tích khu lò gốm cổ được xác định là một di tích khảo cổ học quý hiếm ở tỉnh Bắc Ninh và đặc biệt truyền thuyết Bà Chúa Sành chính là dấu ấn của nghề làm gốm Đương Xá. 

Tiếp tục cuộc hành trình dọc theo sông Cầu - ta sẽ đến một địa danh nổi tiếng trên đất phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh, nơi thờ một nhân vật lịch sử, nhưng được thời gian và dân gian phủ lên bao huyền thoại, trở thành một vị thần Mẫu cai quản khố ngân lượng. Đền thờ Bà Chúa - một Mẫu điển hình được lịch sử hóa - toạ lạc trên lưng chừng ngọn núi Kho, tại khu Cổ Mễ, xã Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh. Đây là địa chỉ tâm linh thu hút khách hành hương hàng năm cùng về, với tâm nguyện cầu phúc, cầu tài, cầu lộc, cầu con, cầu của, cầu bình an và sống hướng thiện... những mong “sở cầu đắc cầu, sở nguyện đắc nguyện”. Đền vốn được khởi dựng từ lâu đời, nhưng đã bị tàn phá nặng nề rồi được khôi phục dần. Năm 1989, đền Bà Chúa được Nhà nước xếp hạng di tích cấp quốc gia và được Nhân dân địa phương trùng tu tôn tạo, mở rộng với quy mô rất lớn. Hiện, đền là hệ thống công trình khá quy mô với nhiều hạng mục công trình kiến trúc như: Cổng Tam môn, Tiền tế, cung Đệ tam, cung Đệ nhị, cung Thượng (cung Bà Chúa), tòa Sơn Trang, Lầu Cô, Lầu Cậu, ban thờ “Cửu trùng thiên” và một số công trình phụ trợ khác. Phần lớn các hạng mục công trình được khôi phục, tôn tạo trong thời gian gần đây, nhưng cơ bản vẫn đảm bảo dáng vẻ truyền thống và làm tôn vinh giá trị của di tích. 

Trong tín ngưỡng người Việt, hình tượng Bà Chúa rất độc đáo. Bà vừa là một nhân vật huyền thoại, vừa là một nhân vật lịch sử. Việc suy tôn bà có sự hội tụ của truyền thống sùng bái nữ thần và sự tôn vinh người anh hùng có công khai phá đất đai, gây dựng cộng đồng, hy sinh để bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, Bà Chúa thực sự là ai? Thư tịch sử sách cổ không thấy ghi chép. Thần tích, sắc phong, bia đá phản ánh về người được thờ tại di tích này cũng không bảo lưu được, nên lai lịch, công trạng của người được thờ vẫn chủ yếu dựa trên những truyền thoại dân gian và lòng sùng kính vốn có của cư dân địa phương với người được thờ tại đền từ xưa đến nay. Theo những kiến giải khoa học lịch sử và văn hóa tâm linh, đền Bà Chúa là một trong những ngôi đền cổ nằm trong vùng đất cửa sông Ngũ Huyện Khê - nơi có đậm đặc các ngôi đền thờ “Mẫu”. Căn cứ vào tấm bia đá của đình Thượng Đồng (thuộc phường Vạn An) có tên “Thượng đẳng tối linh”, niên đại “Bảo Đại 3” (1850) thì 72 trang ấp vùng ven sông Ngũ Huyện Khê giữ tục thờ “Bà chúa Quả Cảm”, vợ của một vua Trần làm phúc thần. Quả vậy, một số ngôi đền của các làng xã ven cửa sông Ngũ Huyện Khê như: Quả Cảm, Xuân Viên, Đặng Xá, Thượng Đồng đều thờ “Vua Bà” tức “Bà Chúa Quả Cảm”. Đồng thời, căn cứ vào hiện tượng tín ngưỡng đang diễn ra tại đền Bà Chúa, ngoài thờ “Bà Chúa”, còn thờ “Tam tòa Thánh Mẫu”, thờ Cô, thờ Cậu, thờ Sơn Trang... thì đền Bà Chúa từ lâu đã được phủ lên một lớp tín ngưỡng “thờ Mẫu”. Theo các nhà nghiên cứu thì tín ngưỡng thờ Mẫu vốn là tín ngưỡng của người Việt cổ có từ lâu đời và ngày càng phát triển. 

Những chuyến điền dã dọc con sông Cầu luôn miên man bao câu chuyện không chỉ riêng với tôi, mà sẽ là điều có trong mỗi ai từng trải nghiệm như thế. Bởi vùng đất ấy chính là vùng văn hóa dân gian đầy ắp những huyền tích, truyền thuyết, giai thoại kể về con người, những thần mẫu... đã từng khai ấp lập làng, làm ruộng, làm nghề thủ công, đánh giặc giữ nước; hay khởi sinh những làn điệu Dân ca Quan họ - di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tất cả đều mang những nét văn hiến tiêu biểu của địa phương và làm nên văn hiến vùng Kinh Bắc - Bắc Ninh./.

                                                                                                                                                                                                                                                LÊ QUANG THUẬN