Trang chủ VĂN HIẾN BẮC NINH - KINH BẮC

VỊ HOÀNG ĐẾ CUỐI CÙNG CỦA TRIỀU LÝ
14:56 | 06/12/2021

Cách đây gần 800 năm, từ cuối mùa Đông năm Giáp Thân (1224) đến đầu mùa Xuân năm Ất Dậu (1225), lịch sử đất nước đã chứng kiến cuộc chuyển giao vương triều giữa nhà Lý với nhà Trần. Tình hình nước Đại Việt khi đó hết sức phức tạp: Phía Bắc, giặc Nguyên Mông đang đe doạ xâm lược, trong nước, những cuộc khởi nghĩa nông dân nổi lên như ong. Triều Lý, đến Lý Huệ Tông đã tỏ ra suy yếu, không đủ sức gánh vác nhiệm vụ lịch sử đặt ra. Sau khi Lý Huệ Tông rời bỏ triều chính, ra chùa sống cuộc đời tu hành, đã để ngôi cho con gái là Lý Phật Kim. Sau Trưng nữ vương, Phật Kim - Lý Chiêu Hoàng là vị vương nữ thứ hai thời phong kiến Việt Nam. Với vị Hoàng đế này, triều đại Lý đã kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình sau 216 năm tồn tại. Bởi sau khi lên ngôi chẳng bao lâu, Lý Chiêu Hoàng đã quyết định nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, mở đầu cho triều đại Đông A lừng lẫy võ công văn trị không thua kém vương triều mà nó kế tục. Nhưng với Lý Chiêu Hoàng, những hào quang được tạo dựng bởi cả hai triều đại Lý - Trần dường như không toả ánh tới bà. Thậm chí, hình ảnh của bà còn bị phủ mờ trong con mắt và những phẩm bình của nhiều người đương thời cũng như hậu thế.  

 

 

Sáu thế kỷ sau sự kiện Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh, thi sĩ Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu đã chua cay nhận định câu chuyện bằng những vần thơ có phần khắt khe của mình:

Quả núi Tiêu Sơn có nhớ không

Mà em bán nước để theo chồng?

Ấy ai khôn khéo tài dan díu

Những chuyện huê tình có biết không?

Một gốc mận già thôi cũng phải

Hai trăm năm lẻ thế là xong.

Hỏi thăm sư cụ chùa Chân Giáo

Đám cưới nhà ai mũ áo đông?

Núi Tiêu Sơn xứ Bắc - địa danh kề cận Đình Bảng quê hương của dòng họ Lý - là nơi Thiền sư Vạn Hạnh - người cha tinh thần của Thái Tổ Lý Công Uẩn từng trụ trì và trù liệu đại nghiệp cho nhà Lý; cũng là nơi Lý Công Uẩn từng được rèn rũa thuở thiếu thời để chuẩn bị hành trang cho con đường đế vương sau này. Đó cũng có thể coi là điểm khởi đầu một câu chuyện, một triều đại. Còn chùa Chân Giáo đất Thăng Long chính là chốn dừng chân lánh khỏi đời trần thế của Lý Huệ Tông - cha của Chiêu Hoàng, sau khi đưa con gái mới 7 tuổi của mình lên vị trí quyền lực cao nhất quốc gia trong cơn khủng hoảng triều chính lúc mạt vận. Đó là quãng đường hơn 200 năm lịch sử mà Tản Đà khâu lại trong mấy câu thơ của mình. Nhưng liệu vị nữ vương họ Lý có đáng chịu sự đánh giá như thế của thi sĩ? Trong sách Đại Việt sử ký toàn thư, sử thần Ngô Sĩ Liên viết: “Đến thời Huệ Tông, cái độc hại cho thiên hạ đã ăn sâu lắm, mà Vua không phải người giỏi giang cứng cáp, bề tôi giúp nước thì nhu nhược hèn kém, muốn chữa cái độc đã sâu thì làm thế nào được. Huống chi Vua lại bị chứng hiểm, chữa không khỏi, lại không có con trai để nối nghiệp lớn, thế là điểm nguy vong đó hiện ra rồi. Tục truyền rằng Lý (Thái) Tổ khi mới được thiên hạ, xa giá về Cổ Pháp ngự chơi chùa ở hương Phù Đổng, có thần nhân đề thơ ở cột chùa rằng: “Nhất bát công đức thủy, Tuỳ duyên hoa thế gian. Quang quang trùng chiếu chúc. Mộ ảnh nhật đăng san”. (Một bát nước công đức (của Phật), theo duyên sinh hoá ở thế gian. Sáng rực hai lần đuốc rọi, mặt trời gác núi là hết bóng). Sư chùa là Vạn Hạnh đem bài thơ ấy dâng lên, Lý Thái Tổ xem xong rồi nói: “Việc của thần nhân không thể hiểu được”. Người đời truyền tụng, không ai biết thơ ấy nói thế nào. Đến khi nhà Lý mất, mới cho bài thơ ấy là nghiệm. Vì từ đời Huệ Tông trở lên đến Thái Tổ là tám đời, mà Huệ Tông tên là Sảm, tức là mặt trời gác núi, hết bóng”. Có thể như bài thơ nọ đã ứng chiếu, Triều Lý, đến Huệ Tông - Lý Hạo Sảm cũng là lúc mặt trời gác núi, và ánh hào quang nhà Lý cũng hết bóng từ đó. Như vậy, Lý Chiêu Hoàng đã được biệt xử ngay trong sấm thi, cũng như trong đối xử của hậu thế với các vị Vua nhà Lý tại quê nhà Cổ Pháp (thuộc xã Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh ngày nay), khi bà không có trong tẩm điện thờ cùng  “Bát diệp trùng quang” - 8 Vua nhà Lý tại Đền Đô. Ngôi đền Rồng là chốn riêng thờ bà. Trái với sự tấp nập nơi đền Đô thiêng thờ tám Vua Lý trước đó, ngôi đền này lại thường mang vẻ tĩnh lặng, đầy chất suy tư. Và dường như, cảnh vật, cũng như con người mà oai linh toả ánh nơi điện thờ - chẳng khi nào hết mang nỗi niềm riêng. Nỗi niềm ấy được kết từ câu chuyện xảy ra cách đây cả nghìn năm lịch sử, với những xoay vần thế cuộc, mà vị nữ vương đất Kinh Bắc - vị Hoàng đế cuối cùng của triều Lý - Lý Chiêu Hoàng là người đương đầu và gánh chịu. 

Sử chép: Lý Huệ Tông - vị Vua thứ 8 triều Lý lấy Trần Thị Dung, con của Trần Lý, sinh được hai công chúa là Thuận Thiên và Chiêu Thánh. Chiêu Thánh sinh năm Mậu Dần, niên hiệu Kiến Giang thứ 9, tên là Phật Kim, sau đổi làm Thiên Hinh. Phật Kim lên ngôi lấy niên hiệu là Thiên Chương hữu đạo, phong Trần Thủ Độ làm Điện tiền chỉ huy sứ, tri thành thị nội ngoại chư quốc sự, Trần Thừa - cha của Trần Cảnh làm Thái uý, Trần Tự Khánh - anh trai của mẹ bà được phong làm Thượng tướng, Trần Cảnh (khi này mới 8 tuổi) cũng được phong làm Chánh thủ. Trần Cảnh thường ngày vẫn ra vào cung hầu Lý Chiêu Hoàng. Vị nữ vương nhỏ tuổi cũng tỏ ra quý mến, cả hai thường cùng nhau đùa nghịch. Trần Thủ Độ nhân đó, một mặt dùng lực lượng gia tộc thân thích khống chế, cấm cung; một mặt vận động triều đình tổ chức cuộc hôn nhân giữa Chiêu Hoàng và Trần Cảnh. Theo Đại Việt sử ký toàn thư: Tháng 10, ngày 21 năm Ất Dậu (1225), Lý Chiêu Hoàng xuống chiếu rằng: “Trẫm là nữ chúa, tài đức đều thiếu, không người giúp đỡ, giặc cướp nổi lên như ong, làm sao mà giữ nổi ngôi báu nặng nề? Trẫm dậy sớm thức khuya, chỉ sợ không cáng đáng nổi, vẫn nghĩ tìm người hiền lương quân tử để cùng giúp chính trị, đêm ngày khẩn khoản đến thế là cùng cực rồi... Nay trẫm suy đi tính lại một mình, duy có Trần Cảnh là người văn chất đủ vẻ, thực thể cách quân tử hiền nhân, uy nghi đường hoàng, có tư chất thánh thần văn võ, dù đến Hán Cao Tổ, Đường Thái Tông cũng không hơn được. Sớm hôm nghĩ chín, từ lâu nghiệm xem, nên nhường ngôi báu, để thỏa lòng trời, cho xứng lòng trẫm, mong đồng lòng hết sức, cùng giúp vận nước, hưởng phúc thái bình. Vậy bố cáo thiên hạ để mọi người điều biết”. Ngày 11 tháng 12 năm đó, Chiêu Hoàng mở hội lớn ở điện Thiên An, ngự trên sập báu, các quan mặc triều phục vào chầu, lạy ở dưới sân. Chiêu Hoàng trút bỏ áo ngự mời Trần Cảnh lên ngôi Hoàng đế, đổi niên hiệu là Kiến Trung năm thứ nhất, phong Trần Thủ Độ làm Quốc thượng phụ, nắm giữ mọi việc cai trị trong nước. 

Sử thần Ngô Sĩ Liên - với nhãn quan phong kiến chính thống, phê phán triều đình khi đó chẳng noi gương Thuấn - Vũ (những vị Vua hiền Trung Quốc) mà chọn tìm con trai trong tôn thất để nối ngôi mà giữ nghiệp lớn. Còn “Các quan bấy giờ không ai nghĩ gì đến xã tắc, để cho Phùng Tá Chu viện dẫn việc Lã Hậu và Võ Hậu làm cớ mà thành việc Chiêu Hoàng nhường ngôi cho họ Trần, ấy là người có tội với họ Lý”.  Với Lý Chiêu Hoàng, sử thần Ngô Sĩ Liên cũng chỉ coi là nạn nhân của những mưu toan sắp đặt của họ Trần, đứng đầu là Trần Thủ Độ. 

Nhưng liệu có điều gì đáng trách trong việc làm của vị Thái sư họ Trần? Chúng ta đều biết, Triều Lý cũng được xây dựng trên cơ sở một cuộc vận động bất bạo động từ nền vương triều Tiền Lê mục nát, với người trù liệu mọi việc là Thiền sư - sau này là Quốc sư Lý Vạn Hạnh. Và khi ấy, Lý Công Uẩn đã là một mệnh quan lớn của triều đình, giữ chức Tả thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ, quyền binh trong tay và được mọi quần thần suy tôn một cách nghiêm cẩn. Lý Công Uẩn lên ngôi được coi là sự việc thuận ý trời, hợp lòng dân. Còn đến triều Trần, cuộc đảo chính cung đình kín bưng đó cũng bắt đầu từ những suy vi của nhà Lý, nhưng việc cậu bé Trần Cảnh lên ngôi dường như cơ sở không thể vững vàng như triều đại trước đó. Bởi với văn chất, bản lĩnh và sự tinh tường việc quốc gia đại sự đã không có được ở vị Vua lên 8 tuổi Lý Chiêu Hoàng, thì cũng có vẻ như không nằm trong trí tuệ của người chồng cùng tuổi mà bà đã nhường ngôi. Và như thế, đương nhiên, việc chuyển giao ngôi Vua ở đây chính là nhằm mục tiêu củng cố quyền lực về tay người họ Trần. Đó là điều khác nhau trong sự hình thành của hai vương triều mà lịch sử sẽ còn nhiều kiến giải khác nhau. 

Cuối năm Bính Tuất (1226), Lý Huệ Tông bị bức tử, Trần Thủ Độ lấy Trần Thị Dung, vợ của Lý Huệ Tông. Tháng Giêng năm Đinh Dậu (1237), vẫn do sức ép của Trần Thủ Độ, Thái Tông Hoàng đế Trần Cảnh phải giáng Chiêu Thánh xuống làm công chúa (vì lấy nhau đã 12 năm mà Hoàng hậu không sinh nở). Thái Tông lấy Thuận Thiên - chị ruột của Chiêu Thánh và là vợ của Trần Liễu, anh ruột của Trần Cảnh (lúc này đã có thai 4 tháng). Cũng theo một số tài liệu, Trần Thủ Độ còn ép Chiêu Thánh làm phu nhân Trần Liễu, nhưng bà không chịu cảnh trái đạo đó, bỏ ra ở chùa Trấn quốc - Tây Hồ. Năm 1258, sau chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ nhất, bà đã gặp tướng Lê Phụ Trần (Lê Tần), người có nhiều công lao phò Vua giúp nước trong cuộc chiến này, và đồng ý kết duyên cùng ông. Hai người đưa nhau về sống ở trang ấp riêng tại Thanh Hoá, sinh được hai người con. Tương truyền, năm Mậu Dần (1278), Lý Chiêu Hoàng về thăm quê nhà là hương Cổ Pháp, ngày 23 tháng 9 năm đó, bà qua đời, thọ 61 tuổi, được táng ở bìa rừng Báng, phía Tây Thọ lăng Thiên Đức quê nhà. Tưởng nhớ bà, nhân dân dựng miếu thờ, mà nay gọi đền Rồng.

Gốc Mận già.. Hai trăm năm lẻ… Những câu thơ của thi sĩ Tản Đà quả có phần khắc nghiệt về lẽ thịnh suy của một vương triều. Nhưng lịch sử và hậu thế mãi ghi nhận, trong hơn 200 năm tồn tại, nhà Lý đã để lại dấu ấn vô cùng sâu sắc trong lịch sử phát triển đất nước, khi thiết lập được những cơ sở, nền móng vững chắc cho một quốc gia Đại Việt tự chủ và cường thịnh. Còn vương triều Đông A, dẫu được coi là xây dựng trên nền của khá nhiều mưu tính, thậm chí mang cả những mảng tối của xung đột nội tộc, đã kế tục một cách xuất sắc cơ nghiệp nhà Lý khi tiếp tục làm nên một giai đoạn huy hoàng trong lịch sử quốc gia Đại Việt, với ba lần đánh tan xâm lược của đế quốc Nguyên Mông hùng mạnh từng làm mưa làm gió khắp lục địa Á - Âu, xây dựng quốc gia Đại Việt tự chủ và cường thịnh. Chính Trần Cảnh - Trần Thái Tông - vị Vua đầu triều đại Đông A là người tích cực cải cách hành chính, tuyển chọn và sử dụng nhân tài  thông qua thi cử và thực tiễn; phát triển kinh tế, mở mang bờ cõi. Chính sự hưng thịnh của đất nước, với võ công văn trị lẫy lừng của triều đại Đông A đã xoá đi bao mặc cảm của hậu thế về một triều đại được dựng trên khá nhiều nỗi oán thù.  

Sen tàn cúc lại nở hoa... như câu thơ của Đại danh nhân họ Nguyễn - Tiên Điền về sự chuyển tiếp của thời gian, của mùa sang mùa. Sự nở tàn xem ra cũng là sự thuận lẽ tự nhiên, mà những số phận trong cuộc đời trần thế cần biết đón nhận. Và điều đó cũng có vẻ tương đồng với những việc mà người nữ vương cuối cùng của triều Lý khi ấy phải đón nhận. Câu chuyện về việc Trần Thủ Độ ép Trần Cảnh bỏ Chiêu Thánh, lấy chị của vợ - là phu nhân của anh trai Trần Liễu, khi đó đã mang thai quả là một sự động trời. Nhưng những cố gắng của Thái sư họ Trần và những cống hiến của nhà Trần với lịch sử đất nước là vô cùng lớn lao. Còn Chiêu Thánh, chút duyên cuối mùa với tướng quân Lê Phụ Trần dường như là an ủi của số phận, để bà đi qua hơn 60 năm cuộc đời trần thế, với đầy đủ cả vinh quang, cay đắng, tủi nhục, và niềm hạnh phúc giản đơn của một gia đình… 

Câu chuyện về vị Vua cuối cùng triều Lý - Lý Chiêu Hoàng là nhân vật của cuộc chuyển giao vương triều để lại còn nguyên giá trị. Chính từ những vật lộn lịch sử ấy là sự ra đời, phát triển của một triều đại kế tục xuất sắc vương triều của Vua cha bà, làm nên tên tuổi nước Đại Việt nghìn thuở vững âu vàng. Và dân tộc ta, nhân dân ta đã hiểu, đã biết trân trọng tất cả những ký ức lịch sử như thế - dẫu rằng có cả những mảng tối bên ánh hào quang chói lọi đã ánh xạ đến hôm nay./. 

                                                                                                                                                                                                                         LÊ THỤ ÂN