Trang chủ VĂN HIẾN BẮC NINH - KINH BẮC

VỀ NƠI ĐÓN DÒNG SÔNG ĐUỐNG VÀO ĐẤT BẮC NINH
11:19 | 25/07/2023

Bắt đầu tách dòng sông Cái (sông Hồng) từ ngã ba Dâu (xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội), sông Đuống trải dài 68 km, nối sông Hồng với sông Thái Bình. Con sông là tuyến giao thông thủy quan trọng nối cảng biển Hải Phòng với Hà Nội và các tỉnh ở phía bắc Việt Nam. Tự bao đời, dòng sông đã ôm ấp chở che, bồi đắp nên cuộc sống cùng những tầng nền văn hóa, văn hiến mỗi vùng đất nó đi qua. Với chúng tôi, trong những chuyến điền dã dọc theo con sông, luôn gặp bao vẻ đẹp cảnh sắc cùng những câu chuyện lịch sử cũng như đời sống cư dân đôi bờ.

Sông Đuống vào địa phận tỉnh Bắc Ninh ở 2 xã Phù Chẩn, huyện Tiên Du (bờ bắc), và xã Đình Tổ, thị xã Thuận Thành (bờ nam). Đây đều là những vùng đất, vùng văn hóa mang nhiều dấu ấn, giá trị đặc sắc, được con người bảo tồn gìn giữ đến ngày nay. Chuyến điền dã của chúng tôi nhằm tới địa bàn xã Đình Tổ, nơi đầu tiên ở bờ Nam được đón dòng sông Đuống vào địa phận tỉnh Bắc Ninh, với mong muốn giới thiệu đến các bạn vẻ đẹp mang chiều sâu lịch sử, văn hóa nơi địa danh này. Chuyến đi có sự tham gia của ông Nguyễn Nho Thuận, nguyên Phó Trưởng phòng VHTT&DL huyện Thuận Thành.Ông Thuận đã nghỉ công tác từ nhiều năm nay, nhưng cũng chẳng dư dả thời gian bởi ông vẫn đi, vẫn nghiên cứu và viết, cộng tác với nhiều báo, tạp chí chuyên ngành lĩnh vực văn hóa. Mấy mươi năm làm công tác văn hóa, chuyên sâu lĩnh vực di sản, nên vốn liếng của ông đủ dày cho các bài nghiên cứu không chỉ về văn hóa vùng đất Thuận Thành quê ông, mà còn cả nhiều vùng miền trong cả nước.

Ông Thuận dẫn chúng tôi đến khu vực xóm Sông của thôn Đình Tổ, xã Đình Tổ - nơi có bến đò nối sang xã Tân Chi bờ Bắc - và là điểm tiếp nguồn sông Đuống vào Bắc Ninh. Theo ông Thuận, chính sông Đuống từ xa xưa - khi vào đây - đã bồi phù sa, lấp dần cửa dòng sông Dâu từng chảy trôi trên vùng Luy Lâu, khiến con sông xưa cổ ấy đã dần mất dấu. Nhưng dấu vết cửa sông xưa vẫn tồn tại ở khu vực sông Đuống này. Chắp nối từ câu chuyện của ông cũng như từ những tìm hiểu về đất Đình Tổ, thấy rõ đây là vùng đất cổ nằm trong phạm vi ảnh hưởng của nền văn hoá Luy Lâu, có truyền thống lịch sử và văn hoá lâu đời, với hệ thống di tích vật chất, giá trị văn hóa tinh thần phong phú. Ngoài chùa Bút Tháp được nhiều người gọi là “quốc bảo thiền tự” đã nổi danh cả nước, được đông đảo bạn bè quốc tế biết tới; thì trên địa bàn các thôn Bút Tháp, Đại Trạch, Đình Tổ, Phú Mỹ của xã còn cả hệ thống di tích lịch sử văn hóa, thuần phong, sinh hoạt lễ nghi tín ngưỡng, và những sản vật hàm chứa bao giá trị văn hóa... được người trong vùng cũng như trong cả nước biết tới. Trong đó, làng Đình Tổ (tên xưa gọi là làng Điềng - nơi có chợ Điềng - nhiều lều quán buôn bán nhộn nhịp), cùng ngôi đình Đình Tổ và những di tích liên quan tới việc thờ phụng Khai khoa Đại Việt - Thái sư Lê Văn Thịnh là địa danh và những công trình tiêu biểu.

Ngay từ buổi sơ khai, nhờ có vị trí địa lý thuận lợi, đất Đình Tổ đã là nơi gặp gỡ tụ cư của cư dân Việt cổ từ miền núi cao tiến xuống, từ ven biển ngược lên trong quá trình khai phá đồng bằng dựng làng lập xóm. Dấu tích ra đời và tồn tại của miền quê nơi đây trong lịch sử còn để lại khá nhiều những tên gọi của các xứ đồng cổ như: Cút Râu, Đồng Dòng, Nẫy Lai, Ngàn Điềng, Ngàn Cừ, Ngàn Lống, Lẩy Vậy. Và trong tầng nền phù sa sông Đuống nơi đây, các nhà khảo cổ học đã phát hiện những di chỉ gồm nhiều tầng văn hoá, mà cơ bản là thuộc văn hoá Đồng Đậu (tức khoảng 3500 năm cách ngày nay). Căn cứ vào số lượng di tích và tính chất của các di vật, cho phép nhận định rằng Đình Tổ là nơi tập trung dân cư với mật độ cao, ven đô thị lớn. Các hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hoá ở Đình Tổ cũng phát triển và nhộn nhịp trong suốt thời kỳ dài giai đoạn Bắc thuộc. Điều này góp phần khẳng định tính cổ xưa và vị trí của địa bàn Đình Tổ trong hình thành văn minh Việt cổ. Đồng thời, khẳng định tầm ảnh hưởng trực tiếp quan trọng của Đình Tổ tới người dân quanh khu vực Dâu - Luy Lâu; với diễn trường diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng và gắn liền với những cuộc đấu tranh giành lại nền độc lập cho dân tộc ta. 

Về Đình Tổ, đi dọc triền đê sông Đuống, ngắm nhìn làng xóm, bờ bãi bát ngát màu xanh của ngô, lúa và hương đồng gió nội mênh mang, nỗi ai hoài câu chuyện về nhân vật lịch sử - danh nhân khoa bảng Lê Văn Thịnh - bỗng tự về chiếm trong suy nghĩ và câu chuyện chúng tôi muốn kể. Bởi theo dân gian truyền lại, Đình Tổ chính là nơi quan Thái sư Lê Văn Thịnh đã trút hơi thở cuối cùng trên hành trình tìm về quê cha đất tổ là Bảo Tháp, thuộc xã Đông Cứu, huyện Gia Bình. Và sau khi nhân dân nơi đây chôn cất ông, đã được triều đình sắc giao công việc phụng thờ ông là thành hoàng. Theo đó, cái tên làng Điềng cổ xưa đã được chuyển gọi bằng tên Đình Tổ. 

Ngôi đình Đình Tổ - công trình tâm linh, cũng là một trong những thiết chế trong sinh hoạt văn hóa của người dân bản địa tự xa xưa - chính là nơi trong tâm thức người làng, thành hoàng Lê Văn Thịnh vẫn hiển linh bảo trợ, phù trì cho cuộc sống con người được bình yên, phát triển. Đình nằm trên mặt bằng rộng rãi, thoáng mát, quay theo hướng Bắc. Bình đồ kiến trúc tổng thể gồm: Nghi môn, sân đình, tòa Đại đình. Tòa đại đình kiến trúc kiểu chữ đinh gồm 5 gian 2 dĩ, có kích thước 19,9m x 11,4m, gồm dọc 4 hàng cột và ngang 6 hàng cột; vì theo kiểu con chồng trụ giá chiêng. Chiều cao tính từ thượng lương đến nền là 6,2m; phía trước là hệ thống cửa ván ghép, xung quanh có tường xây gạch bao. Phần mái lợp ngói mũi, giữa bờ nóc có trang trí hình nậm rượu. Hai bên bờ nóc có hai con kìm hướng vào trong, trên bờ guột và bờ chẩy không trang trí các con xô. Xung quanh các đầu đao có trang trí hình rồng nhỏ, trên là hình lá và sen cách điệu. Hậu cung được nối với tòa Tiền đường bằng hệ thống kẻ góc. Vì kèo Hậu cung theo kiểu chồng rường, gồm hai hàng cột, diện tích Hậu cung dài 8,5m, rộng 7,5m. 

Phần chạm khắc trang trí ở đình Đình Tổ không nhiều, chủ yếu tập trung trên một vài cấu kiện gỗ tại tòa Đại đình, như ở các kẻ, bẩy hiên, các bức cốn, trên cửa cấm… với đề tài chính thống là tứ linh, tứ quý. Tuy nhiên, với một số ít tác phẩm chạm khắc, có thể thấy nghệ thuật trang trí, điêu khắc trong kiến trúc đình Đình Tổ khá chất lượng. Trên các bẩy hiên, đặc biệt là chiếc bẩy ở gian giữa đình đều được trang trí rồng rất tỉ mỉ, công phu với thân mình to khỏe lực lưỡng, toàn thân được chạm lớp vẩy đơn và hình mây lưỡi mác, mắt to tai thú, phía trên là các tố nữ đang xòe tay múa rất sinh động. Mô típ trang trí của các bức cốn trong đình Đình Tổ chủ yếu là rồng ổ, các thiếu nữ đang nhẩy múa và hình các con thú lạ. Bức cốn bên phải của đình, làm theo kiểu chồng tam khép kín, kích thước dài 2m, cao 1m, được tạo từ rường cụt chồng lên nhau. Là nơi các nghệ sĩ dân gian đặt tổng cộng 17 con rồng với nhiều tư thế và vẻ mặt khác nhau, được chạm khắc công phu tỉ mỉ. Phần rường trên gồm 4 đầu rồng, kiểu thức tương đối giống nhau, mắt to mồm há vừa phải, tóc và râu bay hất ngược lên về phía trên. Phần rường giữa gồm 6 con rồng, mỗi bên 3 con ngăn cách nhau bởi một trụ giữa, kiểu thức khác nhau. Ở giữa là một đầu rồng to đang ngoái cổ nhìn thẳng, hai bên là hai rồng con đang chầu nhau kiểu thức như đang bay. Phía dưới của đầu rồng này là một bàn tay dài và thon thả, hình búp măng, trong lòng bàn tay có một viên ngọc to, tròn như đang toả sáng xung quanh. Phía bên đối diện cũng kiểu thức như vậy, nhưng khác nhau về kích thước. Phần dưới cùng giáp với xà hạ được trang trí rồng mặt giáp nhau như đang cười, tóc bay hai phía, ở dưới có một con thú chân trước quỳ gập xuống, chân sau đứng thẳng theo kiểu dáng sống động. Ở giữa của hai bức cốn là một trụ gỗ đỡ phần rường cụt phía trên, được các nghệ nhân xưa khéo tạc và trở thành một tác phẩm hoàn thiện cho cả một bức cốn đó. Phần trụ gỗ này cũng được chạm thủng hình rồng, bố cục dọc từ trên xuống dưới, các chân của rồng đều được tạc cách điệu thành bàn tay người con gái. Bức cốn bên trái thì lại trang trí hoàn toàn khác với bức cốn bên phải. Đề tài ở đây không phải là rồng mà toàn bộ là hình các con thú và hình mặt nửa người nửa thú trông rất đa dạng và đẹp mắt. Các bức cốn còn lại phía trong cũng được trang trí công phu, tỉ mỉ, mỗi một bức là một đề tài về rồng khác nhau, không bức nào giống bức nào, tạo cho ta cảm giác khi vào đình như đi vào một nhà trưng bày các tác phẩm nghệ thuật chạm khắc gỗ. Mà đặc biệt các tác phẩm nghệ thuật chạm khắc gỗ này đã tồn tại từ cuối thế kỷ XVII đến nay.

Trước kia, đình Đình Tổ có sàn lát toàn bộ bằng gỗ lim, bức cửa võng chạm khắc rất đẹp, trên gian giữa của đình trang trí hình màn giếng, 4 góc chạm 4 con hạc bay, hai gian bên cạnh treo hai bức hoành phi “Khai quốc Trạng nguyên” và “Tiền triều lương xứ”; ở giữa là “tối linh từ”, hai bên cột là bộ câu đối: “Đông nhạc giáng thần vi lương xứ, vi tướng, vi sư, quán cổ nguy khoa truyền lý sử/ Nam thiên hiển thánh, như tường vân, như tinh, như nhật, ức niên linh tính trấn liên đàn”. Tuy nhiên, qua thời gian, nhiều hiện vật kể trên chỉ là điều được chép trong lý lịch khảo tả di tích và trong tiềm thức của người dân địa phương (bởi các hiện vật đã bị thất lạc hầu hết trong trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp). 

Không gian tối linh của đình Đình Tổ là Hậu cung, nơi đến nay còn lưu giữ nhiều các đồ thờ quý như sắc phong, hương án, các đồ thờ bằng gốm… đặc biệt còn một khám thờ mui luyện chạm khắc rất đẹp và tinh vi có kích thước dài 1,2m, rộng 0,86m, cao 1,56m, bên trong đặt tượng Thái sư Lê Văn Thịnh. Đây là pho tượng mới được tạo tác trong thời gian gần đây dựa trên các pho tượng chân dung quan Thái sư tại quê hương Bảo Tháp và Chi Nhị, huyện Gia Bình. 

Trong chuyến đi trên đất Đình Tổ, chúng tôi cũng được ông Nguyễn Nho Thuận dẫn thăm những di tích Nghè của làng, đặc biệt là thăm phần mộ của Thái sư Lê Văn Thịnh, nằm cách đình làng không xa. Đây là công trình mới được cư dân địa phương xây dựng lại trong thời gian gần đây, bằng tấm lòng sùng kính, tri ân với bậc danh thần đất Kinh Bắc.

Cho đến hôm nay, cuộc đời Khai khoa Đại Việt Lê Văn Thịnh - với cả những vinh quang và bi thương - vẫn hiển hiện trên trang sử và cả trong những câu chuyện còn lưu trong dân gian. Tích xưa được dân Đình Tổ kể lại: Sau vụ án hồ Dâm Đàm, quan Thái sư Lê Văn Thịnh được Vua tha tội chết và bị đày lên Thao Giang. Ở nơi lam chướng, cô đơn với bao tâm tư giấu kín trong lòng, ông vẫn làm tròn bổn phận. Cho đến ngày đổ bệnh, ông lần tìm về quê hương. Nhưng đến làng Điềng, ông ốm nặng. Ông được một lão nông mời ăn bát cháo thái (khác với cháo hoa, cháo thái được làm từ gạo ngâm, xay lấy bột, nấu bột dẻo quánh, cho lên phên tre phơi, rồi thái nhỏ thành sợi, sau đó lấy nước dùng, như nước luộc gà, nấu sợi cháo chín, trong suốt, nên gọi là cháo thái). Lão nông lại hỏi ông có thèm ăn thứ gì nữa không? Ông trả lời muốn ăn một khúc cá nướng. Lão nông nướng con cá mè hoa, đem biếu Lê Văn Thịnh. Ông nằm nghỉ và mất tại đó. Dân làng Điềng đưa ông ra một gò nổi bên bờ sông Dâu. Xác ông được mối đùn kín, dân làng thấy lạ liền chôn cất và lập đình thờ, tôn ông làm Thành hoàng làng. Cũng từ đó, đình làng Điềng đổi tên thành Đình Tổ - đình thờ vị Tổ của nền khoa bảng nước Nam và làng Điềng rất vinh dự, tự hào được đổi tên thành làng Đình Tổ. Hàng năm, dân làng lấy ngày 12 tháng 8 âm lịch làm ngày lễ hội Làng và tế lễ Ngài. Lễ hội có tục lệ “Nướng cá tế thần” và nấu cháo thái dâng cúng Thành hoàng và ông bà tổ tiên.

Lang thang bờ bãi dọc triền sông Đuống trên đất Đình Tổ, ngắm dòng nước đỏ nặng phù sa vẫn miệt mài xuôi về phía biển, hay cả con đò ngang chở khách qua sông vẫn hiện diện trên nền bức tranh thanh bình... tất cả những hình ảnh thu vào tầm mắt đã cho tôi bao suy ngẫm về cuộc sống bên sông. Cả nghìn năm đã trôi qua, bao dòng nước đã trôi đi, bao giọt nước theo mưa trở về bên sông Đuống? Sẽ còn rất nhiều đổi thay rồi sẽ diễn ra trên mỗi vùng quê như Đình Tổ. Nhưng từ câu chuyện các thế hệ dân làng Đình Tổ luôn hướng về cội nguồn vẻ vang, về truyền thống khoa bảng của cha ông... ta đã thấy sự tiếp nối, khích lệ con người trong suốt chiều dài thời gian; để mỗi con người hôm nay luôn biết phát huy những giá trị truyền thống được ông cha tạo dựng; để trong mọi hoạt động của mình, luôn biết vì quê hương, đất nước không ngừng đổi mới, phát triển./.

 

                                                                                                                                                                                                         QUANG THUẬN