Trang chủ VĂN HIẾN BẮC NINH - KINH BẮC

VAI TRÒ CỦA NGHỆ NHÂN TRONG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG DÂN CA QUAN HỌ BẮC NINH TRONG NHÀ TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH
15:14 | 19/09/2019

Trong những năm gần đây, giáo dục nghệ thuật trong nhà trường phổ thông đã trở thành một môn học không thể thiếu trong sự nghiệp giáo dục con người mới Việt Nam phát triển toàn diện. Cùng với các môn học chính khóa trong chương trình đào tạo ở bậc học Trung học cơ sở, bộ môn Âm nhạc góp phần quan trọng trong việc giáo dục học sinh các giá trị thẩm mỹ, đạo đức và hình thành nhân cách. Thông qua những lời ca ca ngợi cảnh sắc thiên nhiên, vẻ đẹp của quê hương đất nước, tinh thần yêu lao động, đức tính cần cù, sáng tạo, tình yêu thương gia đình, thầy cô, bè bạn… các em học sinh không những được giáo dục về truyền thống đạo đức, được nâng cao hiểu biết về vốn văn hóa truyền thống của dân tộc, bộ môn Âm nhạc trong nhà trường phổ thông còn góp phần làm phong phú hơn đời sống tinh thần, giúp các em phát huy năng lực cảm thụ Âm nhạc, bộc lộ năng khiếu và phát triển toàn diện cả về đức - trí - thể - mỹ…).

Nhằm góp phần vào việc thực hiện mục tiêu chung của giáo dục là giúp học sinh phát triển toàn diện cả về đạo đức, trí tuệ, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước... Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp”. Nghị quyết cũng đề ra nhiệm vụ phát triển văn hóa trong đó có “Huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khích lệ sáng tạo và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc”. Thấy được tầm quan trọng của việc gìn giữ và phát huy những giá trị tinh hoa văn hóa truyền thống của nhân loại, các ngành, các cấp, những nhà nghiên cứu về di sản và đặc biệt là những người đang công tác trong ngành giáo dục đã có sự quan tâm sâu sắc trong việc tìm ra những giải pháp để Dân ca Quan họ có thể trường tồn và lan tỏa.

Có thể nói, trong kho tàng dân ca Việt Nam thì Dân ca Quan họ Bắc Ninh (DCQH) là thể loại phong phú và đặc sắc về mặt giai điệu. Mỗi một bài DCQH đều có những giai điệu riêng. Bản chất của Quan họ là thú chơi dân dã nên người ta thường gọi là “chơi quan họ” chứ không chỉ đơn thuần là “hát quan họ”. Do vậy mà việc truyền dạy DCQH cho học sinh không chỉ đơn thuần là dạy cho học sinh biết hát Quan họ mà việc làm quan trọng là “truyền lửa”, truyền tình yêu Quan họ, văn hóa, sinh hoạt Quan họ, kỹ năng trình diễn, thực hành Quan họ để đào tạo những thế hệ kế cận nắm giữ được di sản Quan họ, để từ đó nâng cao hơn nữa nhiệm vụ bảo tồn, gìn giữ, phát huy và quảng bá sâu rộng DCQH đến cộng đồng trong nước và thế giới. Để thực hiện có hiệu quả việc truyền dạy, bồi dưỡng DCQH trong trường học có rất nhiều vấn đề được đặt ra như: nghiên cứu phương pháp, giáo trình, cơ sở vật chất, đạo cụ, kỹ năng của giáo viên… Tuy nhiên có một vấn đề cần được chú ý quan tâm đó chính là vai trò của nghệ nhân Quan họ trong công tác bồi dưỡng DCQH cho học sinh. Bởi nghệ nhân là nhân chính là những nhân chứng sống cho sự lan tỏa và phát triển, họ là những người có kiến thức và kỹ thuật ở cấp độ cao, xuất sắc trong việc áp dụng những tri thức và kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng truyền dạy, biết “thổi hồn” DCQH cho các thế hệ kế tiếp.

Nét đặc trưng của Quan họ là ở chỗ: DCQH là một loại hình sinh hoạt văn hóa tổng hợp với sự cấu thành của 5 hoạt động: Tục kết bạn Quan họ, văn hóa hành vi ứng xử Quan họ, DCQH, lễ hội Quan họ và văn hóa tín ngưỡng Quan họ. Năm mặt này hòa quện và thống nhất với nhau, chi phối lẫn nhau, mặt này là điều kiện và môi trường của mặt kia và ngược lại… Tất cả tạo nên một không gian văn hóa rất quy chỉnh. Quá trình bồi dưỡng Âm nhạc DCQH cho học sinh các trường Trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh không thể thiếu vắng đi vai trò, bóng dáng của những nghệ nhân Quan họ. Bởi họ chính là những người có kiến thức, nắm vững và chắc nhất 5 hoạt động của Quan họ vừa nêu ở trên. Thông qua những bài giảng lý thuyết có sự đan xen kết hợp những buổi thực hành, những chuyến tham quan thực tế, khả năng “chơi Quan họ” tốt, biểu diễn thành thạo các làn điệu Quan họ, có khả năng truyền lời, đặt lời, các nghệ nhân Quan họ bằng vốn hiểu biết và những kiến thức mà mình tích lũy được sẽ “truyền lửa, truyền các nghề ngón Quan họ” cho học sinh. 

Nền Giáo dục nước ta đang thực hiện chuyển biến từ giáo dục tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực người học, nghĩa là từ chỗ quan tâm người học học được cái gì đến chỗ quan tâm người học vận dụng được cái gì thông qua việc học. Để đảm bảo được điều đó, việc đổi mới phương pháp giảng dạy là việc làm quan trọng và cần thiết. Vận dụng việc đổi mới phương pháp giảng dạy trong quá trình tiến hành hoạt động bồi dưỡng Âm nhạc DCQH cho học sinh các trường THCS gắn với việc đề cao hơn nữa vai trò của nghệ nhân trong quá trình tiến hành hoạt động bồi dưỡng. Với vai trò là lực lượng nắm giữ vốn tri thức dân gian, có năng lực thực hành, sáng tạo, truyền dạy các di sản văn hóa của dân tộc, với vốn hiểu biết về những tinh hoa văn hóa mà họ tích lũy được, người nghệ nhân Quan họ sẽ giúp cho học sinh tiếp thu các kiến thức về văn hóa Quan họ; riêng về phần hát, học sinh sẽ được học hệ thống các bài bản, lề lối, làn điệu Quan họ cổ, bên cạnh đó thông qua hoạt động bồi dưỡng còn giúp học sinh thấy được những nét đẹp trong ý nghĩa của lời ca, phong tục, tục kết chạ của người Quan họ. Thông qua đó, giúp các em có cái nhìn toàn diện, hiểu sâu hơn về giá trị di sản văn hóa, giáo dục tình yêu đối với di sản để việc học tập đạt kết quả cao. 

Quá trình bồi dưỡng dưới sự tham gia cộng tác của các nghệ nhân còn có tác dụng lớn trong việc giúp học sinh tiếp cận với cách giao tiếp, ứng xử trong Quan họ, cách têm trầu cánh phượng, cách trang điểm và mặc trang phục Quan họ sao cho đẹp, cho đúng, từ cách thắt bao, chít khăn mỏ quạ, cách cầm ô, mặc áo the, đội khăn xếp chuẩn xác nhất đối với người Quan họ xưa; giúp các em làm quen với kỹ thuật biểu diễn và làm quen với dàn nhạc dân tộc, thực hành hát với dàn nhạc qua đó nâng dần tính biểu diễn chuyên nghiệp cho học sinh… 

Để hoạt động bồi dưỡng DCQH cho học sinh với sự góp mặt và tham gia của các nghệ nhân Quan họ thì sự quan tâm và chỉ đạo sát sao từ phía các ngành, các cấp, các cơ quan liên quan, đặc biệt phải kể đến các cơ quan, đơn vị trực tiếp có liên quan như Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Nhà hát DCQH, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh…. Việc ban hành các Quyết định, Nghị quyết về những chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân DCQH mà UBND tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện trong những năm qua cũng đã có những tác dụng và chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện có hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng hoạt động bồi dưỡng DCQH cho học sinh khối THCS.

Các nghệ nhân Quan họ với sự tâm huyết, lòng nhiệt tình và tình yêu đối với Quan họ trong việc lưu truyền, truyền dạy DCQH cho học sinh sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị đặc sắc của DCQH.

Trước ngưỡng cửa hội nhập, yêu cầu đổi mới, đồng thời với đó là việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống, công tác đào tạo văn hóa, nghệ thuật nói chung và các môn nghệ thuật truyền thống nói riêng ngày càng có vị trí và ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” theo đường lối chiến lược của Đảng đã đề ra./. 

                                                                                                                                                                                             HOÀNG YẾN