Trang chủ VĂN HIẾN BẮC NINH - KINH BẮC

TRẠNG NGUYÊN, THƯỢNG THƯ NGUYỄN NGHIÊU TƯ
14:56 | 23/09/2022

Nguyễn Tiên Sinh (1383 - 1471) tự là Quân Trù, hiệu Tùng Khê, sinh ngày 8 tháng 10 (tháng Hợi, năm Hợi) trong một gia đình nông dân nghèo; cha là Nguyễn Quang Bật, mẹ là Trần Thị Bộc, quê đều ở làng Hiền Lương, xã Phù Lương, huyện Quế Võ. 

Truyền kể: Từ thời niên thiếu, Tiên Sinh đã nổi tiếng “thần đồng”, học thầy đồ cùng quê với nhiều giai thoại ca ngợi. Nhưng vì cha mẹ mất sớm, nên tiên sinh phải nghỉ học, đi làm mướn xa nhà để kiếm sống ở làng Đông Sơn, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du. Nhờ thông minh ham học, nên từ lúc phải “học lỏm” đến khi được thày Vũ Mộng Nguyên (đỗ tiến sỹ năm 1400) nhận nuôi ăn học, tiên sinh đều đạt kết quả xuất sắc. Để không phụ lòng thầy, mặc dù tuổi đã ngoài 60 nhưng tiên sinh vẫn quyết  chí dùi mài kinh sử, đỗ xuất sắc kỳ thi Khảo hạch và Hương thí.

Đến năm Mậu Thìn niên hiệu Thái Hòa thứ 6 thi Điện. Khoa ấy kẻ sỹ trong nước đỗ Hương cống đến dự thi Hội ở bộ Lễ hơn 750 người, quan hữu ti chọn hạng xuất sắc được 27 người. Mùa thu, ngày 23 tháng 8 Hoàng Thượng ngự ở điện Tập Hiền, đích thân ra đề văn sách. Sai Đặc tiến nhập nội tư khấu Đồng bình chương sự Trịnh Khắc Phục làm Đề điệu, Ngự sử trung thừa ngự sử đài Hà Lật làm Giám thí, Môn hạ sảnh tả ty tả nạp ngôn tri Bắc đạo quân dân bạ tịch Nguyễn Mộng Tuân, Hàn lâm viện thừa chỉ học sĩ Trình Thuấn Du, Quốc Tử Giám tế tửu Nguyễn Tử Tấn làm Độc quyển. Lấy những bài thi có văn phong khí cốt đáng khen, cho từ Nguyễn Nghiêu Tư trở xuống, ban cho đỗ Tiến sỹ cập đệ và xuất thân có thứ bậc khác nhau: Nguyễn  Nghiêu Tư đỗ Trạng nguyên, Trịnh Thiết Trường đỗ Bảng nhãn, Chu Thiêm Uy đỗ Thám hoa, Nguyễn  Mậu cùng 12 người đỗ Tiến sỹ; Đoàn Công Nhân cùng 12 người đỗ Phó bảng. Tổng số có 27 vị đỗ khoa này; Bắc Ninh - Kinh Bắc  duy nhất chỉ có Nguyễn Nghiêu Tư . Mọi nghi thức ban cấp áo mũ, yến tiệc đều tuân theo lệ cũ. Duy có việc dựng bia đá đề tên thì lúc đó chưa kịp cử hành.

Truyện ký: Trước ngày yết bảng kỳ Hội thí, Vua Lê Nhân Tông mộng thấy thần nhân bảo rằng: Khoa này, Lợn trúng Trạng nguyên. Đến khi Điện thí, tên người trúng Trạng nguyên lại là Nguyễn Nghiêu Tư. Vua lấy làm lạ, bèn hỏi quần thần, nhưng không ai biết. Hỏi đến Nguyễn Nghiêu Tư, ông thưa rằng: “Thuở bé, bố mẹ đặt tên là Lợn!”

Ngay tháng 12 - năm thi đỗ (1448), triều đình lấy Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư và Tiến sỹ Trịnh Kiên làm Hàn lâm trực học sỹ; Bảng nhãn Trịnh Thiết Trường vàThám hoa Chu Thiêm  Uy làm Trung thư xá nhân.

Năm sau - 1449  triều đình lại bổ nhiệm Hàn lâm viện trực học sĩ Nguyễn Nghiêu Tư làm An phủ sứ lộ Tân Hưng; Thượng trung thư xá nhân Trịnh Thiết Trường làm An phủ sứ lộ Thanh Hóa Nam; Chu Thiêm Uy làm An phủ sứ lộ Tân Hưng hạ.

Tháng 10 năm 1459 Vua Lê Nghi Dân cử Nguyễn Nghiêu Tư, Lê Cảnh Huy, Nguyễn Như Đổ và Hoành Thanh đi sứ sang nhà Minh nộp cống hàng năm và xin bỏ việc mò ngọc trai.

Sau khi đi sứ về An phủ sứ Nguyễn Nghiêu Tư được triều đình phong chức Thượng thư, Chưởng Hàn lâm viện sự.

Đến tháng 10 năm 1462 Vua ra sắc chỉ cho cả nước rằng: “Từ nay về sau các quan viên văn võ làm việc đến 65 tuổi, người nào muốn nghỉ việc, và các lại điền, giám  sinh, nho sinh, sinh đồ, người nào 60 tuổi trở lên, muốn về làm dân , thì đều cho người ấy nộp giấy ở bộ Lại , theo loại tâu lên để thi hành”. Khi đó Quan Trạng 79 tuổi rồi nên đã cùng một số quan văn võ khác làm đơn xin về trí sĩ.

Truyền ký dân gian:

Trong thời gian về trí sĩ, ông vẫn sống thanh bạch, hết lòng vì dân, hiến ruộng học điền nhằm khuyến khích việc học trong địa phương, được bà con trong họ ngoài làng đều quý trọng, nể phục. Cho nên sau khi tạ thế - ngày 05 tháng 08 năm 1471, Tướng  công được  nhân dân địa phương lập đền, tạc tượng thờ phụng  trang nghiêm từ xưa tới nay.

Nhà Vua thấy ngài vốn trước đây có nhiều công lao to lớn với xã tắc, nên gia phong là Thượng quốc công. Triều đình các thời đều ban tặng sắc phong cho Tướng công, sức cho nhân dân địa phương  tòng tiền phụng  sự tôn thờ mãi mãi về sau.

Văn Chỉ tổng Phù Lương, huyện Võ Giàng; Văn Miếu Bắc Ninh - Kinh Bắc và Văn Miếu Quốc Tử Giám Thăng Long - Hà Nội, mãi mãi là nơi bảng vàng bia đá ghi danhTrạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư và các nhà khoa bảng của quê hương đất nước.

Cuộc đời khoa bảng và sự nghiệp quan chức vẻ vang của quan Thượng thư còn để lại nhiều giai thoại  nổi tiếng; đặc biệt là tài ứng xử ngoại giao khi đi sứ cũng như khi tiếp các sứ thần phương  Bắc sang Đại Việt.

Tướng công là vị Trạng nguyên tài năng xuất chúng, một quan triều xuất sắc, là sứ thần ứng đối giỏi - để lại nhiều tư liệu lịch sử và giai thoại ca ngợi hàng nhất trong lịch sử Việt Nam.

Trong số 47 vị Trạng nguyên của Việt Nam, không có ai lại chịu tiếng oan bởi một vết đen không có thật trong cuộc đời như Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư.

Đền thờ Quan Trạng xưa (phối thờ thầy Vũ Mộng Nguyên) ở Gò Tổ Mối, phía Đông Nam làng Hiền Lương, sau chuyển lên sườn phía Nam núi Tam Điệp (nay là Núi Đền) rồi chuyển về cạnh đình làng vào xóm Trong phía Tây núi Vĩnh. Thời kỳ chống Pháp, các công trình tín ngưỡng văn hóa của địa phương đều bị tàn phá, Tượng quan Trạng được lưu thờ trong dân, sau mới chuyển lên thờ tại Đền Tiên. Năm 2004 đền được xây dựng khá khang trang trên Núi Đền. Năm 2012 đền thờ Quan Trạng được Nhà nước xếp hạng - Di tích lịch sử văn hóa.

Tấm  gương sáng ngời về đức độ, tài năng của Tướng công mãi mãi xứng danh khắc vào bia đá để truyền lại muôn đời cho các thế hệ học tập noi theo./.

                                                                                                                                                                                                         NGUYỄN DUY NHẤT