Trang chủ VĂN HIẾN BẮC NINH - KINH BẮC

SÂN KHẤU TUỒNG SÁNG ĐÈN TRỞ LẠI
14:10 | 19/08/2022

Trong đời sống hiện đại, nghệ thuật truyền thống Tuồng tuy không còn ăn khách như xưa, song vẫn còn những nghệ sĩ đam mê luôn đau đáu gìn giữ, phát huy bộ môn nghệ thuật này. Hơn 2 năm qua, do dịch Covid-19, sân khấu Tuồng gần như vắng bóng thì nay bắt đầu hoạt động trở lại làm cho phong trào văn hóa địa phương sôi nổi hơn.

Trò chuyện với Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Đức Tú, Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh) chúng tôi hiểu hơn về tâm tư, tình cảm của những nghệ sĩ, diễn viên ở các đoàn Tuồng quần chúng hiện nay. Ông chia sẻ: Thời gian dài do dịch không được biểu diễn, nhiều diễn viên gọi điện nói với tôi rằng nhớ nghề, có người bật khóc qua điện thoại. Mặc dù nghệ thuật truyền thống bị mai một nhiều, song những người yêu Tuồng vẫn quyết tâm gìn giữ giá trị quý báu ông, cha truyền lại. Khi dịch Covid-19 được kiểm soát ổn hơn, các đoàn Tuồng bắt đầu khởi động tập luyện và nhận biểu diễn ở một số chương trình.

Thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các đoàn Tuồng như: Tam Lư, Tấn Bào, Đồng Kỵ (thành phố Từ Sơn); Phú Mẫn, Nghiêm Xá, Ngô Nội (thị trấn Chờ, Yên Phong) đều dừng hoạt động. Đến lúc dịch được kiểm soát thì các đoàn Tuồng cũng chỉ nhận lời mời biểu diễn được khoảng vài chục buổi, giảm 50% so với các năm trước chưa có dịch Covid -19. Không được đứng trên sân khấu, nhớ nghề, nhiều diễn viên Tuồng tự tập luyện tại nhà hay ôn lại các kỷ niệm biểu diễn trước đó bằng hình thức đăng lên trang facebook cá nhân để cùng nhau bình luận, chia sẻ, động viên, khích lệ vượt qua thời kỳ khó khăn vì dịch bệnh. Trước nguy cơ bị mai một, thiếu đất diễn và bị khán giả trẻ quay lưng những người đam mê với Tuồng vẫn âm thầm gìn giữ và đau đáu nỗi niềm truyền dạy, phát huy. Dù ngày nay nhiều loại hình nghệ thuật khác lên ngôi thì đi đến nhiều làng quê ở thành phố Từ Sơn, huyện Yên Phong, vẫn còn những đêm diễn Tuồng làm nức nòng khán giả hâm mộ. Hàng năm, các CLB Tuồng trên địa bàn tỉnh biểu diễn khoảng gần 100 buổi phục vụ lễ hội, ngày giỗ tổ các dòng họ, liên hoan, tổng kết… Nhiều tên tuổi nổi tiếng trong làng sân khấu Tuồng không chuyên trong tỉnh hiện nay như: Nghệ nhân Đàm Xuân Trung, Đức Thư, Quốc Oai (CLB Tuồng Tiến Bào, Phù Khê, thành phố Từ Sơn); NSƯT Đức Tú, NSƯT Thanh Vân, Nghệ nhân Thu Hương (CLB Tuồng Đồng Nguyên, thành phố Từ Sơn)… vẫn gắn bó, nhiệt huyết với bộ môn nghệ thuật này. Theo các nghệ nhân, nghệ sĩ thì cái hay, cái đẹp trong nghệ thuật sân khấu truyền thống Tuồng khó mà nói hết được. Ở mỗi vở diễn thường có chất bi hùng, tinh thần trung quân ái quốc hay phản ánh những vấn đề đạo đức xã hội thông qua số phận của từng nhân vật, từ đó góp phần bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách con người. Bắc Ninh hiện có gần 10 đoàn Tuồng hoạt động, một số CLB được các địa phương mời đi biểu diễn thường xuyên khi không có dịch, một số hoạt động cầm chừng, chủ yếu phục vụ lễ hội tại quê hương mỗi năm vài buổi. Điều đáng lo ngại hiện nay ở các CLB đó là số thành viên đều ở tuổi từ gần 50 đến ngoài 70, thế hệ trẻ chiếm tỉ lệ rất thấp. Đây không chỉ là thực trạng riêng của bộ môn Tuồng mà còn là khó khăn chung của nghệ thuật truyền thống khi thời đại 4.0, nhiều hình thức giải trí khác được giới trẻ quan tâm.

Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Đức Tú cho biết thêm: Hiện nay nghệ thuật truyền thống thưa vắng khán giả, thiếu đội ngũ kế cận do rất nhiều nguyên nhân, việc phổ biến nghệ thuật truyền thống thì chưa được quan tâm đúng mức. Với Tuồng, giới trẻ khó tiếp nhận vì đây là thể loại khó, sự bùng nổ công nghệ thông tin, sự đa dạng, hấp dẫn của nghệ thuật giải trí đang lôi cuốn giới trẻ. Bên cạnh đó, do áp lực công việc, cuộc sống, thế hệ trẻ đều lo học tập, làm việc không có thời gian, đây là một rào cản lớn khiến nghệ thuật truyền thống khó khăn trong việc tiếp nối, kế cận.

Trước sự mai một của nghệ thuật truyền thống, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch); Viện Nghiên cứu Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc; Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng tổ chức một số Hội diễn sân khấu truyền thống không chuyên nhằm gìn giữ, phát huy nghệ thuật Tuồng. Một số CLB Tuồng Bắc Ninh cũng nhiệt tình tham gia, hưởng ứng các hội thi, hội diễn và đạt được nhiều Huy chương Vàng, Bạc… Tuy nhiên để sân khấu Tuồng truyền thống được “sống khỏe” tiếp tục được gìn giữ, phát huy trong đời sống đương đại, rất cần những cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp./.

                                                                                                                                                                                                           MINH HƯỜNG