Trang chủ VĂN HIẾN BẮC NINH - KINH BẮC

SẮC TỘC TRONG ĐỜI SỐNG CÁC VÙNG MIỀN
09:30 | 18/10/2019

Mỗi dân tộc đều cư trú ở những vùng miền có đặc điểm địa lý, điều kiện khí hậu khác nhau, phong tục tập quán không giống nhau và có những cảm quan về màu sắc khác nhau.

Chính với những lý do đó mà hoà sắc trong tranh của các hoạ sĩ ở các vùng miền và các sân tộc có cách sử dụng khác nhau, với những nét độc đáo riêng.

Đối với mỗi dân tộc, có lối sống, phong tục tập quán, chính trị khác nhau cũng để lại dấu ấn trong cách sử dụng hoà sắc trong tranh của các hoạ sĩ vùng miền. Ví dụ: Màu vàng - lơ đối với người châu Âu là sang quý do vậy tranh thánh hay dùng cặp màu này.

Hội họa phương Đông vẽ chủ yếu là gợi. Điều cốt yếu là thâu tóm cho được cái thần của sự vật. Cho nên các hoạ sĩ phương Đông thường kết hợp giữa cảnh và ý, giữa miêu tả và biểu hiện, giữa hình và thần...

Xem tranh Thuỷ mặc của Vương Duy, Mã Viễn, Hạ Khuê người ta có cảm giác là ánh sáng và không khí chan hoà, do tác giả khéo dùng một màu mực đen với nhiều sắc độ, gợi ra ảo giác lung linh của ánh sáng.

Các hoạ sĩ Nhật Bản vẽ tuyết mà không phải tuyết, mưa mà không phải mưa, họ gợi mà không tả, chỉ bằng các nét gỗ tinh xảo cùng với màu nhẹ mang gợi cảm. Bức tranh Trở về nhà trong buổi hoàng hôn, cảnh vật như chìm trong bóng chiều. Hokusai chỉ gợi những chấm lá phong đỏ ối trong hoàng hôn. Ông đã gợi cả mùa thu về.  Phương Tây dùng sắc thái màu diễn tả ánh sáng, hoà sắc của tranh luôn phù hợp với nội dung đề cập. Nội dung nhẹ nhàng sẽ có hoà sắc để phản ánh trạng thái hoà hợp đồng điệu. Với nội dung có tính đấu tranh, đối chọi, mạnh mẽ, sẽ sử dụng hoà sắc tương phản, gay gắt.

 Tranh sơn dầu Vệ Nữ ngủ của hoạ sĩ Giorgione vẽ cô gái khoả thân rất đẹp đang nằm ngủ giữa thiên nhiên bao la với hoà sắc ấm áp đẹp đẽ, thần Vệ Nữ là bài ca mà cảnh trí thiên nhiên là nhạc nền, tất cả tạo nên một khúc hát tuyệt vời ca ngợi con người, ca ngợi vẻ đẹp mà tạo hoá đã ban cho người phụ nữ... Thế kỷ XVII các hoạ sĩ châu Âu có ý hướng thiên về cảm xúc hơn là suy lý, và trong nghệ thuật diễn tả bao giờ cũng tỏ ra tinh nhậy trước sự rung động của ánh sáng, mầu sắc cùng các chất thể, làm cho tranh của họ luôn luôn hiện ra những hiệu quả tạo hình rất kỳ diệu. 

Quan niệm về cách sử dụng hoà sắc màu của các hoạ sĩ phương Tây, theo Kandinsky: ở mức độ cao, những sự vật, vật thể và sự tồn tại này chứa đựng một giá trị tinh thần, thậm chí nó có tiếng nói nội tâm của nó nếu ai đó chỉ dừng lại ở mức độ cảm nhận tinh thần, mức độ thấp sẽ chỉ có thể sáng tạo được cái hời hợt, mang tính bề mặt và hiệu ứng sẽ biến mất ngay khi sự tác động ngừng lại. Thậm chí trong giai đoạn này hiệu ứng đơn giản có thể biến đổi. Con mắt sẽ bị cuốn theo những màu rực rỡ hơn, rồi sẽ bị cuốn theo những màu ấm hơn, sáng hơn nữa. Màu đỏ son cũng thoả mãn con mắt như màu lửa, đó là màu sắc mà con người ham muốn. Màu vàng chanh sẽ làm cho con mắt khó chịu sau một thời gian ngắn, giống như những nốt cao của cây kèn. 

Hoà sắc trong tranh Đông Hồ phản ánh những màu sắc ưa dùng của dân tộc. Màu của đất đai, cây cỏ. Trên đó điểm vào những mảng vui tươi của ngày lễ tết, ngày hội: Màu của trang phục... đã hình thành những bức tranh đẹp và đi vào trong ca dao:

Hỡi cô thắt lưng bao xanh

Có về làng Mái với anh thì về

Làng Mái có lịch có lề

Có ao tắm mát, có nghề làm tranh.

Đời sống văn hóa Việt Nam đã đượm màu sắc tạo hình. Tranh dân gian cũng tiếp thu và phản ánh màu sắc trữ tình đó. Hoạ sĩ Nguyễn Văn Tỵ có nói trong “Câu chuyện Mỹ thuật - Nghệ nhân dân gian”: Màu sắc trong tranh dân gian cũng phản ánh những màu sắc ưa dùng của dân tộc. Màu sắc bao quanh người nông dân; màu sắc trong vườn hoa, phong cảnh đất nước, màu nâu của ruộng đồng, mầu lục của núi rừng. Y phục chàm, nâu, đen, xen lẫn trong đời sống lao động hàng ngày. Cái nền màu đất đai, cây cỏ ấy quện lấy người hai sương một nắng. Trên đó điểm vào mảng vui tươi của ngày tết, ngày hội, màu xanh lục, đỏ, tím trên áo mớ ba mớ bẩy, áo tía, quần lĩnh hoa chanh, dải yếm đào, thắt lưng xanh, khăn hồng, quạt lụa đã có sẵn trong bức tranh đẹp trong đời sống. Nhà thơ Hoàng Cầm viết:

Quê hương ta lúa nếp thơm nồng

Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong

Mầu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp

(Bên kia sông Đuống)

Đặc biệt dòng tranh Đông Hồ sử dụng các chất màu cổ truyền gọi là “thuốc cái” như: Son đỏ thắm được nghiền ra từ đất đồi, màu vàng ấm được tiết ra từ hoa hoè hay hoa dành dành, mầu xanh chàm được lấy ra từ lá cây chàm... Tất cả những màu sắc cổ truyền ấy được các nghệ nhân tạo nên những tác phẩm có hoà sắc tươi vui hoặc đầm ấm và tinh tế đến thần kỳ, tạo nên cái “có hồn” của tranh. Vẻ đẹp còn nguyên vẹn cho đến nay và là nền tảng cho việc nghiên cứu để phát triển nền nghệ thuật dân tộc. Chính vì vậy tranh dân gian Việt Nam đã lưu lại ở người xem những ấn tượng thẩm mỹ sâu sắc và đã được đánh giá cao ở trong nước và trên thế giới.

Thuật ngữ sử dụng hoà sắc rất tài tình, có thể nói đã đạt tới mức chuẩn mực tuyệt mỹ, mỗi tranh đẹp mỗi vẻ. Những tranh tô màu phẩm xanh, đỏ, vàng, nâu...thì có hoà sắc tương phản rực rỡ mà không sặc sỡ, loè loẹt.

Trong tranh “Đánh ghen”, toàn bộ cảnh kịch chiến đã được đặt trên nền đỏ tươi, hoà sắc tranh là hoà sắc nóng, làm tăng thêm sức mạnh của chủ đề.

 Hội hoạ Việt Nam hiện nay ưa dùng những hoà sắc  khái quát hơn là phân tích: Từ những hoà sắc nâu trầm ấm của tranh lụa Nguyễn Phan Chánh chuyển qua lam xanh của núi rừng rồi đến những hoà sắc sáng dần trên tranh sơn mài hiện nay đều diễn tả theo sắc màu tổng hợp.

Cách dùng hoà sắc trong tranh của hoạ sĩ Việt Nam ảnh hưởng nhiều của những sắc màu dân tộc. Sắc màu của trang phục cổ truyền, áo the, khăn xếp... gồm những màu tươi (sen, lục, vàng...) ở trong, màu đậm ở ngoài (nâu, tím đậm, đen), và chỉ ở trong tranh Việt Nam mới thường có những màu cánh sen, hồ thuỷ. Hoạ sĩ Việt Nam hay sử dụng hoà sắc tươi tắn, dịu dàng, rất ít hoạ sĩ sử dụng hoà sắc gay gắt hoặc bi ai.

Hoà sắc của bức tranh là khuynh hướng, đặc trưng, hiệu quả chung của sự phối hợp màu sắc mà tác giả tạo nên, nhằm hình thành một sắc cảm trong nhận thức thị giác của người xem./.

                                                                                                                                                                                                   PHÚC OANH