Trang chủ VĂN HIẾN BẮC NINH - KINH BẮC

QUÊ HƯƠNG TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN VĂN CỪ VỚI TRUYỀN THỐNG HIẾU HỌC KHOA BẢNG
15:24 | 16/08/2019

Phù Khê - Đông Ngàn - Tử Sơn - những địa danh hanh chính xưa nay ít có sự thay đổi. Xã Phù Khê vẫn có 3 thôn - làng: Phù Khê, Tiến Bào và Nghĩa Lập. Thời kỳ nhà Nguyễn quy định nhất làng - nhất xã, ba thôn làng này gọi là xã, đều thuộc tổng Nghĩa Lập, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Phù Khê - quê hương Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ là địa phương có truyền thống hiếu học - khoa bảng vẻ vang tiêu biểu với 11 vị đỗ đại khoa. Riêng làng (thôn) Phù Khê đã có 9 vị đỗ đại khoa (họ Nguyễn có 3 vị, họ Quách có 5 vị và họ Ngô 1 vị) + với thôn Nghĩa Lập 2 vị đại khoa. Cụ thể như sau:

1. Các vị đại khoa họ Nguyễn (Gia tộc Nguyễn Văn Cừ): 

+ Nguyễn Quỳnh Cư (1514 - 1568)

Người xã Phù Đàm, huyện Đông Ngàn (nay là thôn Phù Khê, xã Phù Khê) là viễn tổ của Nguyễn Hồ, Nguyễn Trọng Đột. Năm 28 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân khoa tân sửu, niên hiệu Quảng Hòa 1 (1541) đời Mạc Phúc Hải. Ông làm quan tới chức Tham chính, tước Văn Khê Bá, tạ thế năm Mậu Thìn, thọ 55 tuổi. Có sách "Đại Việt lịch triều đăng khoa thực lục" ghi là ông sinh năm Đinh Sửu (1517). 

Đền thờ tổ và các tiến sỹ họ Nguyễn Phù Khê đã được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa năm 1998. 

+ Nguyễn Hồ (1664 - ?) sinh năm Giáp Thìn (sách "Đại Việt lịch triều đăng khoa thực lục" ghi là sinh năm Ất Tỵ 1665), quê xã Phù Khê, huyện Đông Ngàn (nay là thôn Phù Khê, xã Phù Khê), cháu huyền tôn của Nguyễn Quỳnh Cư, chú của Nguyễn Trọng Đột. Năm 25 tuổi ông thi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân, khoa Mậu Thìn niên hiệu Chính Hòa thứ 9 (1668) đời Lê Hi Tông. Ông làm quan tới chức Tham chính sứ Thanh Hoa. 

Cụ có ba người con trai đều thi đỗ và làm quan, trong đó có ông Nguyễn Hán  là người văn hay chữ tốt, làm quan tới chức Quốc tử giám giáo thụ, Khi cụ Nguyễn Hồ mất đã được vua ngự bút - danh quán thiên hạ, nên sau đó dân trong vùng có câu:

"Nguyễn Hồ, Nguyễn Hán

Danh quán thiên hạ". 

+ Nguyễn Trọng Đột (1695 - 1777)  tên tự là Trọng Đột, thụy Đạo Hằng, sinh năm Ất Hợi người xã Phù khê, huyện Đông Ngàn (nay là thôn Phù Khê xã Phù Khê), là cháu họ của Tiến sỹ Nguyễn Hồ. Ông đỗ cử nhân từ khi chưa đầy 20 tuổi, năm 54 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân khoa Mậu Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 9 (1748) đời Lê Hiển Tông, khi đó ông đang làm tri huyện. Sau đó ông được làm quan đến chức Hàn lâm viện thị chế tước Lĩnh Nam Bá rồi về trí sỹ năm Nhâm Ngọ (1762), tạ thế năm Đinh Dậu - 1777, thọ 83 tuổi. Gia phả họ ghi tước của ông là Ngạn Lĩnh Bá. Ông đã từng đứng lên tổ chức bảo vệ ba tổng khi địa phương có sự biến. 

Vì thế khi cụ vinh quy bái tổ, hay về hưu hoặc lúc tạ thế, các vị quan chức và dân chúng cả 3 tổng đều đến đông đủ, đưa đón trọng thể. Có lẽ ít người được như vậy. Cụ Quản xã Hương Mạc đã kính nể mà làm bài thơ ca ngợi rằng:

"Có ông Tiến sỹ thần tam tổng

Có cụ thơm quân tước một nhà

Con cháu công hầu xây sử ký

Mát tai nam tử đấy ai mà". 

2. Các Tiến sỹ họ Quách

+ Quách Toản (1452- 1524), tên húy là Tán, sinh năm Nhâm Thân, (Bia Văn Miếu Bắc Ninh và sách "Đại Việt lịch triều đăng khoa thực lục" ghi là Quách Tán), quê xã Phù Đàm, huyện Đông Ngàn (nay là thôn Phù Khê, xã Phù Khê), là thân phụ của Tiến sỹ Quách Điển. Năm 27 tuổi,   ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân, khoa Mậu Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 9 (1480) đời Lê Thánh Tông. Sau ông được triều đình bổ làm quan tới chức Hàn lâm, cử đi sứ sang nhà Minh. Rồi về trí sỹ, mất năm Giáp Thân, thọ 72 tuổi. 

+ Quách Điển (1485 - 1524): có tài liệu ghi là Quách Đình Khiết, sinh năm Ất Tỵ, quê quán ở Phù Khê (Từ Sơn). Ông là con trưởng của Quách Toản. Năm 21 tuổi, ông thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Ất Sửu, niên hiệu Đoan Khánh thứ 1 (1505) đời Lê Uy Mục. Sau được triều đình bổ làm quan tới chức Hình bộ thượng thư cử đi sứ sang nhà Minh, đến lần thứ 2 thì bị mất trên đường đi, năm Giáp Thân, thọ 40 tuổi. 

+ Quách Đồng Dần (1567 - 1650) tên thụy là Phúc Giang, sinh năm Đinh Mão, (quê quán xã Phù Khê, Từ Sơn), là thân phụ của Quách Đồng Đức. Năm 68 tuổi Ông mới thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân, khoa Giáp Tuất, niên hiệu Đức Long thứ 6 (1634, đời Lê Thần Tông. (Ông có lẽ là người đỗ tiến sỹ cao tuổi nhất Việt Nam thời phong kiến). Sau đó Ông được triều đình bổ nhiệm làm quan tới chức Tham chính sứ, rồi lên Lễ bộ Hữu thị lang, về trí sỹ, tạ thế năm Canh Dần, thọ 84 tuổi. Dân gian có thơ ca ngợi ông rằng:

"Già còn thi đỗ đời thấy lạ

Nước Nam đều biết lão không suy

Quốc thước sánh ngang Lưu Mã Viện

Giúp nước đâu thua Tống Hân Kỳ".

+ Quách Đồng Đức (1611- ?): Tên thụy là Đoan Hùng, sinh năm Tân Hợi, (quê quán xã Phù Khê), là con của Quách Đồng Dần. Năm 30 tuổi, ông thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân, khoa Canh Thìn niên hiệu Dương Hòa thứ 6 (1640) đời Lê Thần Tông, sau được làm quan tới chức Thừa chính sứ

+ Quách Giai (1660 - 1730): sinh năm Canh Tý (quê quán xã Phù Khê), là cháu xa đời của cụ Quách Toản, Quách Điển. Năm 24 tuổi ông thi đỗ đệ tam giáp đồng tiến sỹ cập đệ đệ tam danh (Thám hoa) khoa quý Hợi, niên hiệu Chính Hòa thứ 4 (1683) đời Lê Hy Tông, sau ông được triều đình bổ nhiệm làm quan tới chức Thái thường tự khanh, tạ thế năm Canh Tuất, thọ 71 tuổi. 

+ Thôn Phù Khê còn có Tiến sỹ Ngô Lôi, sinh năm 1440 (còn có tên là Ngô Lộc), năm 27 tuổi thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Bính Tuất, niên hiệu Quang Thuận thứ 7 (1466) đời Lê Thánh Tông. Ông từng được cử đi sứ sang nhà Minh, sau chuyển sang ngạch quan võ, được thăng chức Tổng binh thiêm sự, Năm 71 tuổi ông được về trí sỹ. 

3. Các vị tiến sỹ thôn Nghĩa Lập (2 vị):

+ Nguyễn Hữu Thường (1521 - 1590)  là chú của Nguyễn Gia Mưu. Năm 30 tuổi, ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân, khoa Canh Tuất niên hiệu Cảnh Lịch thứ 3 (1550 - ) đời Mạc Phúc Nguyên. Ông làm quan đến chức Tả thị lang bộ binh, tạ thế năm Canh Dần, thọ 70 tuổi. 

+ Nguyễn Gia Mưu, người xã Phù Khê, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Kỷ Mùi, niên hiệu Quang Bảo thứ 6 (1559) đời Mạc Phúc Nguyên, sau làm quan đến chức Tham chính, thăng Phú hộ. Gia phả họ Ngô ở Tam Sơn ghi: Nguyễn Gia Mưu là học trò của thầy Ngô Miễn Thiệu, được thầy mến mà gả con gái cho. Sau khi thi đỗ Nguyễn Gia Mưu chuyển về Tam Sơn ở, rồi đổi sang họ Ngô nhưng lấy tên đệm là Nguyễn (Ngô Nguyễn). Sau con cháu ông đều học giỏi - có tới 4 người đỗ đại khoa.

Các vị đại khoa (Tiến sỹ) của quê hương Phù Khê nêu trên là những tấm gương sáng cho thế hệ sau tiếp bước noi theo. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là một trong những người kế tục phát huy xuất sắc truyền thống hiếu học vẻ vang của cha ông. Từ thời niên thiếu Nguyễn Văn Cừ đã học giỏi xuất sắc, khi trưởng thành - mới 26 tuổi đã là Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam./.

                                                                                                                                                                             LÊ VIẾT NGA