Trang chủ VĂN HIẾN BẮC NINH - KINH BẮC

QUAN HỌ "TRÙM ĐẦU" Ở LÀNG DIỀM
15:37 | 18/08/2020

 Trong tâm thức của những người chơi Quan họ mà hầu hết là các Quan họ cựu thì tục hát trùm đầu chỉ có ở Diềm (Viêm Xá). Tục hát này cũng chỉ thịnh hành cho đến khoảng giữa thế kỉ XX. Những nghệ nhân lớn tuổi còn sống như cụ Bàn chỉ biết về hát trùm đầu qua lời kể lại từ mẹ và không biết tục hát này đã diễn ra thế nào khi cụ bắt đầu đi chơi Quan họ. Những nghệ nhân nhiều tuổi hơn còn lưu giữ một vài ký ức không đầy đủ về tục hát này đều đã mất. Điều này khiến cho hát trùm đầu đến nay vẫn là vấn đề cần tiếp tục khai thác làm rõ để hoàn thiện hơn nữa bức tranh văn hóa Quan họ.

Vào những năm đầu thế kỉ XX, cứ tối đến, con trai làng Diềm đang trong độ tuổi học “chơi” Quan họ sẽ tìm đến các nhà chứa quan họ nữ. Họ đứng bên ngoài, trùm một chiếc khăn hoặc chiếc áo trên đầu và hát vọng vào trong nhà. Các liền chị khi nghe thấy tiếng hát sẽ tụ tập ở sân nhà chứa đối đáp lại. Ở làng Diềm, các nghệ nhân đều không công nhận lối hát này là hát Quan họ. Chẳng hạn như theo cụ Bánh - một trong những nghệ nhân Quan họ có tiếng bậc nhất xứ Kinh Bắc thì hát ở ngoài trời, dưới trăng những khi vui chơi là hát Ghẹo, ở ngày hội có đưa khăn mời trầu thì gọi là hát Đúm, chỉ khi hai làng kết nghĩa ngồi hát với nhau từng đôi trong nhà hay ngoài trời (ý chỉ hát canh) thì mới gọi là hát Quan họ. Trong khi đó, cụ Thảng lại cho rằng: “Không gọi là hát Quan họ vì hát Quan họ phải theo lề lối”. Hầu hết các lão nghệ nhân ở Diềm đều chỉ công nhận một hình thức hát duy nhất giữa quan họ kết bạn khác làng ở nhà chứa là quan họ, những hình thức ca hát còn lại dù vẫn sử dụng những làn điệu Quan họ cổ thì đều gọi bằng những tên gọi khác (hát Đúm, hát Ghẹo). Cụ Thảng cũng giải thích về sự xuất hiện của cái tên trùm đầu một cách rất đơn giản: “Sở dĩ gọi là hát Trùm đầu vì các anh con giai trùm kín đầu, chẳng biết ai vào ai, chỉ nghe tiếng hát”. Về bản chất, hát trùm đầu vẫn sử dụng những làn điệu quan họ cổ tuy nhiên các liền anh, liền chị chỉ hát những bài thuộc giọng Vặt, luyện tập đối đáp với nhau mà không hát các bài thuộc chặng Lề lối hay các bài dùng khi cầu đảo ở đền Vua Bà. Động từ “trùm đầu” từ chỗ là hành động tiêu biểu của một lối hát Quan họ (lấy khăn/áo trùm lên đầu) trở thành tên gọi để phân biệt với các dạng thức hát Quan họ khác. Đến đây, khi đặt tục hát này trong tổng thể không gian văn hóa Kinh Bắc, một câu hỏi đặt ra là tục hát này chỉ là một dân tục hay đã nâng lên thành lối chơi, thành hình thức ca hát khi chơi Quan họ ở vùng Quan họ xưa.
Qua những kí ức của các nghệ nhân, người vùng Quan họ nói chung chỉ thực sự công nhận Quan họ khi các bọn Quan họ nam nữ khác làng có kết bạn gặp nhau và tuân thủ theo lề lối chơi Quan họ gồm 3 chặng: chặng Lề lối, chặng giọng Vặt và chặng Giã bạn. Trong khi đó, các hình thức hát khác trong các không gian khác nhau sẽ gọi bằng các tên khác nhau dù vẫn sử dụng các làn điệu Quan họ. Như vậy, việc xuất hiện cái tên trùm đầu chỉ là cách gọi để phân biệt với hát canh, hát hội, hát chúc, hát thờ chứ không phải sự ra đời của một loại hình dân ca mới. Tuy nhiên, sự xuất hiện của nghi thức trùm khăn hay áo lên đầu trong rất nhiều loại hình dân ca ở Bắc Bộ đã minh chứng cho sự xuất hiện và giao thoa lẫn nhau của nhiều dân ca trên mảnh đất Kinh Bắc nói riêng và lan tỏa ra cả vùng Bắc Bộ nói chung. 
Trước hết, ta thấy rõ ràng trong tục hát trùm đầu có sự ảnh hưởng từ hát Đúm. Đó là lối hát huê tình rất phổ biến ở các làng xã nông thôn Bắc Bộ trước Cách mạng tháng Tám. Nguyễn Hùng Vỹ khi thống kê về nguồn gốc Quan họ qua ký ức bản quán của những người chơi Quan họ cho chúng ta biết về sự xuất hiện của Quan họ có liên quan đến hát Đúm như sau: “Ông Tập ở Viêm Xá kể: Cách đây 12 đời, có hai người làm quan thị vệ ở trong triều, một người quê ở Diềm, một người quê ở Bịu... Hồi làm quan, hai người chơi với nhau, đến khi về hưu thì giao ước kết bạn đi lại, nếu ở làng ai có vui như cưới xin, khao lão thì mời cả hai họ về dự. Thời đó nhân dân vẫn có hát Đúm, nhưng từ khi hai họ này kết bạn thì người ta đem những câu hát Đúm vào để ca hát trong những ngày vui đó. Từ đấy lưu truyền thành tục lệ này, cứ hội Diềm tháng 8, hội Bịu tháng 1, người ta lại tụ họp, ngồi xung quanh một ngọn đèn lớn để ca hát và Quan họ do đó sinh tên, từ đấy gọi “Quan họ” thay thế cho hát Đúm (1). Đồng thời, dấu vết của tục che mặt và “hội mở mặt” vẫn còn tồn tại trong hát Đúm ở vùng cửa sông Bạch Đằng cùng sự xuất hiện của hai giọng Thơ Đúm, Đàn Đúm trong bài vè về 36 giọng Quan họ cổ lưu truyền ở Viêm Xá (2) càng cho thấy có một mối liên hệ xa xưa giữa hát Đúm và hát Trùm đầu (thực chất là Quan họ). Rất có thể, những nghệ nhân chơi Quan họ “có tiếng” trong vùng cũng đồng thời là những nghệ nhân am hiểu về những lời ca hát Đúm và ít nhất đã từng hát một lần vào ngày hội. 
Bên cạnh đó, khi nhìn sang các loại hình giao duyên khác, ta cũng thấy sự xuất hiện của hành động lấy khăn/ áo trùm lên đầu khi hát với nhau của trai gái. Trong lối hát Ghẹo cổ, vào những đêm trăng sáng, khi đã thu hoạch xong, trai gái đều rủ nhau bơi thuyền đi hát Ghẹo, trai một thuyền, gái một thuyền hát đối đáp với nhau. Trong khi hát, họ dùng khăn che kín mặt. Thuyền nào không đối được thì phải chạy, thuyền thắng đuổi theo để xem mặt người hát thua. Hình thức hát này được tìm thấy ở vùng Hà Bắc và Nghệ Tĩnh trước đây (3). Có thể khẳng định rằng, không chỉ riêng Quan họ, mà lối hát lấy khăn trùm đầu đã xuất hiện từ rất sớm và lưu hành phổ biến trong nhiều loại hình dân ca khác nhau. Sự xuất hiện của lối hát Trùm đầu trong Quan họ là kết quả của những giao thoa giữa các loại hình dân ca phổ biến trong làng xã từ thế kỉ XX trở về trước. 
Tục chơi Quan họ hay sinh hoạt văn hóa Quan họ bao gồm một hệ thống các chuẩn mực được phát triển và lề lối hóa qua nhiều thế hệ mang tính bản sắc và đặc trưng cho một cộng đồng làng xã mà cụ thể ở đây là các làng xã vùng Kinh Bắc. Theo đó, mỗi làng sẽ có những lối chơi Quan họ độc đáo tạo nên bản sắc riêng cho làng mình tuy nhiên phải đảm bảo một số nét chung trong toàn vùng. Trong các công trình nghiên cứu về Quan họ của mình, tập thể các tác giả Đặng Văn Lung, Hồng Thao và Trần Linh Quý đã liệt kê tám lối chơi Quan họ đó là: Hội Lim, Hội Ó, Hát Trùm đầu, Hát Cầu đảo, Hát Hiếu, Hát Kết chạ, Hát Nhồi, Hội Bùi (4). Trong khi đó, Lê Danh Khiêm lại cho rằng các lối hát cầu đảo hay hát Trùm đầu không thực sự phổ biến trong Quan họ truyền thống (5). Ở Viêm xá, khi khảo sát tầng lớp nghệ nhân Quan họ lớn tuổi (từ 70 đến 90 tuổi) thì có 3 lối chơi (hay hình thức chơi) tồn tại lâu bền và được thực hành thường xuyên nhất gồm: Hát canh, hát thờ, hát hội. Nhìn từ các lối chơi (hình thức chơi) này, ta thấy có sự không đồng nhất giữa các nghiên cứu về Quan họ. Phải chăng, cần có sự thống nhất tương đối trong việc đưa ra những yêu cầu để xác định các lối chơi Quan họ, chẳng hạn như: có sự giống nhau về âm nhạc trong các giọng cổ, có sự xuất hiện của các bọn Quan họ nam/ nữ, có các quy định giống nhau về thời gian, không gian, trình tự hát hay những thành phần tham gia khác. Xét theo ba yếu tố lớn đó, hát trùm đầu chưa thể được coi là một lối chơi, là một phần của sinh hoạt “chơi quan họ” trong toàn vùng Kinh Bắc. Tuy vẫn sử dụng các giọng Quan họ cổ nhưng nam nữ khi hát chỉ sử dụng các câu hát giao duyên để đối đáp qua lại. Đồng thời, xuất phát từ mục đích luyện tập nên tục hát này chỉ diễn ra đối với các bọn nam và bọn nữ trong làng (không kết bạn với nhau), họ cũng không giao tiếp mời chào nhau như khi gặp Quan họ kết bạn mà chỉ thể hiện tình cảm và tài năng qua câu hát. Trong khi đó, những kí ức của các Quan họ cựu lại cho thấy sự xuất hiện thường trực của hát Trùm đầu trong một cộng đồng làng xã. Trong bức tranh sinh hoạt văn hóa nói chung ở Diềm vào thế kỉ XX, có thể nói, Quan họ trở thành trung tâm của mọi hoạt động. Vì thế không khó hiểu khi hầu hết dân tục ở đây đều xoay quanh hoạt động ca hát Quan họ. Sự ăn nhập trong kí ức của các nghệ nhân và những quy định khắt khe khi chơi Quan họ giúp chúng ta có thêm cơ sở để khẳng định sự hình thành của một dân tục được duy trì trong một thời gian khá lâu dài và ổn định cho đến khoảng giữa thế kỉ XX ở làng Viêm Xá - đó là tục hát Trùm đầu. 
Trong mối quan hệ kết bạn, giao lưu với các làng khác, hiển nhiên, hát Trùm đầu không có mối liên hệ nào đặc biệt nhưng lại là sợi dây xuyên suốt trong quá trình duy trì các tục rủ bọn, ngủ bọn ở làng Diềm. Từ những em bé Quan họ chỉ 8, 9 tuổi bắt đầu biết đến Quan họ từ ông bà, bố mẹ, lớn hơn một chút được tham gia vào các bọn Quan họ, được các anh chị lớn dạy truyền cho mọi vốn liếng từ câu hát đến lời ăn tiếng nói đến khi mười bảy đôi mươi lại trở thành những liền anh liền chị Quan họ tham gia hát hội, hát canh, hát thi. Trong quá trình cả chục năm học tập ấy, hát trùm đầu như một bước đệm, bước chuẩn bị để trở thành các anh Hai, chị Hai Quan họ thực thụ dù không quá dài nhưng lại là khoảng thời gian quan trọng. Quan niệm “đủ lối, đủ câu” của các nghệ nhân không chỉ dừng lại ở việc thuộc tất cả các bài bản Quan họ mà còn phải có những hiểu biết cả về phong cách âm nhạc Quan họ cũng như thông thạo mọi lề lối, phong tục. 
Việc xuất hiện, lưu giữ ổn định một tục hát độc đáo chỉ có duy nhất ở làng Diềm cho đến giữa thế kỷ XIX cho thấy truyền thống và vị thế riêng của một làng Quan họ trong vùng. Ngày nay, dù không còn dấu vết trong sinh hoạt văn hóa Quan họ nhưng với lớp Quan họ cựu ở Viêm Xá từng đi chơi quan họ trong khoảng cuối thế kỉ XIX đến giữa thế kỉ XX, tục hát trùm đầu đã và mãi tồn tại trong tâm thức của họ để mỗi khi nhắc đến, họ luôn tự hào như sự thừa nhận của các làng Quan họ khác - ở đấy người ta có gỗc rễ, có lề thói truyền đời./.
 
                                                                                                                                                                                                                                 PHẠM THỊ THƠM