Trang chủ VĂN HIẾN BẮC NINH - KINH BẮC

QUAN HỌ BẮC NINH TRÊN CAO NGUYÊN LÂM ĐỒNG
14:39 | 30/11/2018

 Dân ca Quan họ Bắc Ninh, loại hình nghệ thuật truyền thống của quê hương Kinh Bắc, đã được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Công lao đó thuộc về rất nhiều thế hệ cha anh, còn hôm nay, việc bảo tồn, phát huy và quảng bá rộng rãi, nhằm nâng cao giá trị và sức sống trường tồn của Dân ca Quan họ, đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo từ tỉnh tới các địa phương, của những người làm công tác quản lý, những nghệ nhân... Và không thể không kể đến niềm đam mê, ý thức trách nhiệm của những người con của quê hương Bắc Ninh đang sống và làm việc ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Một trong số họ, xin giới thiệu đôi nét về vợ chồng anh Ngô Sách Trung, suốt mấy chục năm qua đã miệt mài đưa tiếng hát Quan họ ngày càng bay cao, bay xa trên cao nguyên Lâm Đồng đầy nắng gió.

Tôi và nghệ sĩ Dân ca Quan họ Quý Thăng biết nhau đã gần 40 năm. Bẵng đi một thời gian, nghe nói anh vào thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp, thành lập được CLB Quan họ “Mười nhớ”, rồi Công ty Quan họ phát triển mạnh lắm. Bởi thế, anh đã nhận được sự mến yêu, khen ngợi không chỉ của đông đảo người yêu Dân ca Quan họ trên mảnh đất phương Nam, được lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh vào thăm và tặng Bằng khen.

Tháng 8 vừa qua anh ra Bắc rồi đến thăm tôi, đi cùng anh là một người đàn ông khoảng trên 50 tuổi, nhưng có khuôn mặt thư sinh phúc hậu, nước da hồng hào khỏe mạnh. Không để tôi phải hỏi thăm, Quý Thăng đã nhanh nhảu giới thiệu: “Đây là nghệ sĩ Dân ca Quan họ Ngô Sách Trung, đang sống và làm việc ở Lâm Đồng, còn quê ở xã Tam Sơn, Từ Sơn mình đấy!”. Lâu ngày gặp lại, tôi và nghệ sĩ Quý Thăng dành cho nhau nhiều thời gian để chuyện trò, thăm hỏi. Tuy nhiên, tôi cũng không bỏ lỡ cơ hội để tìm hiểu về người bạn mới quen, vừa từ cao nguyên Lâm Đồng về thăm quê cha đất tổ. Trong câu chuyện, Ngô Sách Trung cứ dè dặt như không muốn kể về mình, nhưng rất may, nghệ sĩ Quý Thăng đã không ngần ngại bổ sung cho tôi biết về “lý lịch” tương đối ấn tượng của người bạn cùng đi. Càng nghe, tôi càng thêm mến yêu và nể phục những người con Bắc Ninh quê mình, dù đi đâu, ở đâu cũng vẫn nặng lòng với quê hương bản quán. Ở đâu họ cũng đều phát huy bản chất tốt đẹp của con người Kinh Bắc, không ngừng phấn đấu vươn lên, làm được nhiều việc có ích cho gia đình và xã hội.

Vì hôm đó thời gian có hạn, nên trước khi Ngô Sách Trung trở lại Lâm Đồng, tôi đã nhờ nghệ sĩ Quý Thăng hẹn gặp anh một lần nữa, để tìm hiểu thêm về người nghệ sĩ nghiệp dư, nhưng hết lòng đam mê Quan họ này. Trong câu chuyện, Trung tỏ ra ngại ngùng ít nói, chỉ đến khi câu chuyện chuyển sang chủ đề về Dân ca Quan họ thì anh mới sôi nổi hẳn lên, rồi kể: Ngày mới vào trong này (Thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) anh đã phải đối mặt với biết bao khó khăn, thử thách. Trong hoàn cảnh “lạ nước, lạ cái”, và phải tìm kế mưu sinh cho cả gia đình, vợ chồng anh đã phải vất vả một nắng hai sương, bới đất vạt cỏ để trồng cà phê, trồng dâu nuôi tằm, rồi chăn nuôi lợn... lấy ngắn nuôi dài. Vất vả thì còn chịu được, nhưng ở một nơi đất rộng người thưa như Lâm Đồng, nhiều hôm nhớ nhà, nhớ quê mà buồn đến nẫu lòng, nẫu ruột, làm anh nhiều khi tưởng như không chịu nổi... 

Nghệ sĩ Dân ca Quan họ Ngô Sách Trung sinh năm 1963 tại xã Tam Sơn (thị xã Từ Sơn) quê hương giàu truyền thống cách mạng và khoa bảng. Ngay từ ngày còn học phổ thông, những làn điệu ngọt ngào, đằm thắm của Dân ca Quan họ đã làm cậu bé Trung đêm ngày mê mẩn. Ban đầu thì học lỏm người ta mà hát, sau này thì học hát ở trường, ở các lớp Quan họ do địa phương tổ chức... Thế rồi Trung mang cả niềm đam mê Quan họ vào môi trường quân đội. Năm 1982, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, anh trúng tuyển vào Trường sĩ quan chỉ huy Phòng không - Không quân, rồi ra trường về công tác tại trung đoàn 280, sư 631 của Quân chủng. Có thể nói, những năm trong quân ngũ không chỉ tôi rèn trong anh phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng, đây còn là dịp để Ngô Sách Trung phát huy năng khiếu Quan họ của mình, trở thành hạt nhân văn nghệ xuất sắc, không ít lần “mang vinh quang” về cho đơn vị qua các kỳ liên hoan hội diễn. Và cũng chỉ vì yêu Quan họ nên Ngô Sách Trung nhất quyết chọn người vợ sau này phải biết hát Quan họ và yêu Quan họ. Thế là cô giáo mầm non Ngô Thị Minh Phương là người cùng quê, dạy ngay trường làng, vừa nết na, xinh đẹp lại có giọng hát Quan họ rất hay, đã lọt vào “tầm ngắm” của chàng sĩ quan quân đội. Mỗi lần gặp nhau, họ “như cá gặp nước, như rồng gặp mây”, để rồi tiếng hát Quan họ cứ vang vọng, thánh thót bên nhau tưởng chừng như không muốn dứt...

Năm 1990, vì lý do sức khỏe, thượng úy Ngô Sách Trung phải rời xa quân ngũ khi mới tròn 27 tuổi, cái tuổi sung sức nhất của cuộc đời, nên khát vọng, ước mơ được khám phá các miền đất mới đã trở thành động lực để anh quyết định đưa cả nhà “Nam tiến”. Từ nơi đây, chính Dân ca Quan họ đã khơi dậy quyết tâm trong anh, trở thành động lực để anh sống và làm việc. Vất vả là thế mà vợ chồng anh vẫn không quên những làn điệu Dân ca Quan họ, lấy Quan họ làm điểm tựa tinh thần để vơi bớt những nhọc nhằn năm tháng. Và chẳng bao lâu, cái tin: “Vợ chồng nhà Trung - Phương là người Bắc Ninh có khác, hát Quan họ hay lắm!” đã lan truyền đến nhiều nơi. Trước tiên là các bạn đồng hương Bắc Ninh, sau đến Hà Nội, Nam Định, rồi Nghệ An, Hà Tĩnh... cho đến những người bạn ở thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương... họ đều là những người xa quê lên Lâm Đồng lập nghiệp, cũng chỉ vì yêu quan họ mà tìm đến với vợ chồng anh. Có người đến chỉ để được nghe anh chị hát, hoặc nhờ anh chị dạy hát, nhưng phần lớn họ đều đến với anh chị để cùng được hát, cùng được thỏa mãn niềm đam mê Quan họ. Nhờ tình yêu Quan họ mà từ những người xa lạ, họ đã trở thành bạn bè thân thiết của nhau, vui buồn chia sẻcùng nhau.

Không thể để những người yêu Dân ca Quan họ hoạt động thiếu tổ chức, tháng 11/2015, vợ chồng anh cùng với một số bạn bè, quyết định đứng ra thành lập “CLB Dân ca Quan họ Bắc Ninh”. Trung tâm Văn hóa - Thể thao thị trấn Nam Ban cũng đã ra quyết định công nhận và ủng hộ về mọi mặt cho CLB Quan họ do Ngô Sách Trung làm chủ nhiệm. Từ đó, gần ba chục thành viên CLB đã xây dựng quy chế và kế hoạch hoạt động cụ thể. Bên cạnh lịch luyện tập vào hai ngày trong tuần, các chương trình giao lưu hoặc biểu diễn phục vụ hội nghị và bà con địa phương, CLB còn đề ra phương án bồi dưỡng, kết nạp hội viên mới, xây dựng CLB ngày càng lớn mạnh. 

Ngô Sách Trung tâm sự: “Dân ca Quan họ mang lại cho mình nhiều nguồn vui lắm, trở thành sợi dây vô hình kết nối biết bao tình cảm bè bạn xa gần, tiếp thêm cho mình nghị lực sống để làm việc, xây dựng tổ ấm gia đình đủ đầy, hạnh phúc. Và đặc biệt, Dân ca Quan họ đã làm cho bọn mình luôn nhớ về người thân, nhớ về quê hương Từ Sơn, Bắc Ninh sau mấy chục năm xa cách...”

Như để minh chứng cho thành quả lao động và niềm đam mê Quan họ của anh chị Trung - Phương sau mấy chục năm miệt mài phấn đấu trên mảnh đất cao nguyên này, nghệ sĩ Quý Thăng còn cho tôi biết thêm: “Từ hai bàn tay trắng vào đây lập nghiệp, đến nay vợ chồng nghệ sĩ Ngô Sách Trung đã có cơ ngơi là một cửa hàng kinh doanh điện máy, cho thu nhập cao và ổn định, có điều kiện chăm lo cho các con ăn học và trưởng thành, đều có nhà riêng ở thành phố Hồ Chí Minh. Cũng từ đó, họ càng say mê, bỏ nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để đầu tư cho luyện tập và biểu diễn Dân ca Quan họ. Những chương trình biểu diễn của anh chị và CLB không chỉ phục vụ bà con địa phương, còn có dịp lan xa tới các buôn làng xa xôi, tới các công trường nhà máy, các đơn vị bộ đội... Đi tới đâu, CLB cũng nhận được nhiều lời ngợi khen, thán phục. Riêng anh chị Trung - Phương còn được nhận giải Nhất song ca tại “Liên hoan Dân ca Quan họ” do Công ty Quan họ Phương Nam tổ chức năm 2018, được Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh mời về thu băng và phát sóng.” Được biết, không chỉ yêu Dân ca Quan họ và làm kinh tế giỏi, Ngô Sách Trung còn tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương. Anh đã được UBND và Hội CCB huyện Lâm Hà nhiều lần tặng Giấy khen. Gia đình anh cũng nhiều năm liền được tặng danh hiệu: “Gia đình văn hóa tiêu biểu”. 

Trước lúc chia tay, tôi không quên gửi lời chúc anh chị gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong cuộc sống, tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê, để Dân ca Quan họ Bắc Ninh ngày càng có sức lan tỏa hơn nữa trên quê hương thứ 2 của mình. Còn Ngô Sách Trung, anh cứ nắm chặt tay tôi mà nói những lời gan ruột: “Tất nhiên, tất nhiên rồi! Mình là người Dân ca Quan họ, là người con của quê hương Bắc Ninh thì nhất định phải sống và làm việc cho xứng đáng với quê hương chứ!”

Tôi cứ suy nghĩ miên man về câu nói ấy, câu nói của một người con xa quê đã mấy chục năm nên rất nặng tình, nặng nghĩa. Và phải chăng, đối với vợ chồng anh, hát Dân ca Quan họ và truyền cảm hứng cho nhiều người hát, nhiều người yêu Quan họ, để ngày càng thêm yêu thương quê hương Bắc Ninh giàu truyền thống văn hiến và cách mạng, không chỉ là trách nhiệm, còn là tình cảm, sự trả ơn, trả nghĩa với quê hương đã sinh ra và nuôi mình khôn lớn. Và trong tôi, bất chợt hiện lên hình ảnh của những liền anh, liền chị CLB Dân ca Quan họ Bắc Ninh thị trấn Nam Ban, họ đang từng ngày, từng ngày say sưa với lời ca tiếng hát, đưa những làn điệu Dân ca Quan họ Bắc Ninh ngày càng bay cao, bay xa trên mảnh đất cao nguyên Lâm Đồng mộng mơ và nắng gió./.

                                                                                                                                                                                         HOÀNG NGỌC BÍNH