Trang chủ VĂN HIẾN BẮC NINH - KINH BẮC

PHÉP MÀU CỦA DÂN CA QUAN HỌ
08:42 | 13/04/2020

Về Bắc Ninh ai cũng muốn được nghe câu Quan họ ngọt ngào của các liền anh với chiếc áo the khăn xếp và liền chị áo mớ ba mớ bảy nón thúng quai thao. Nhưng ít người biết được canh hát Quan họ đã làm nên một phép màu nhiệm để cứu sống một con người. Chuyện kể rằng trước lúc chị đi xa, vẫn muốn nghe những câu Quan họ.

Chị là Nguyễn Thị Lâm sinh năm 1958. Chị hai Lâm sinh ra tại Làng Quan họ cổ Châm Khê (tên gọi nôm là làng Bùi), xã Phong Khê, huyện Yên Phong, tỉnh Hà Bắc nay là khu Châm Khê, phường Phong Khê, thành Phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Chị lớn lên với những câu Quan họ của bà của mẹ. Mới mười hai tuổi chị đã theo cô ruột đi hát mỗi tối. Những đêm ngồi nghe hát canh thâu đêm chị không bao giờ thấy chán hay buồn ngủ. Câu hát thấm vào chị một cách tự nhiên như cơm ăn nước uống. Chị trở thành chị hai bé trong bọn Quan họ làng Bùi. Từ nhỏ chị đã yêu ca hát nhất là những làn điệu dân ca Quan họ Bắc Ninh được các Cụ nghệ nhân làng Châm Khê truyền dạy, chị có giọng hát hay, ngọt ngào, mượt mà vang rền nền nảy, diễn xuất tự nhiên nên được người nghe hết lòng khen ngợi. 

Yêu Quan họ, chị đã từng cùng một số chị hai trong làng đi biểu diễn từ Bắc đến Nam. Chị sẵn sàng đi hát nếu được mời và hát không cát xê. Chị từng biểu diễn ở cung văn hoá Hữu nghị Việt Xô, rồi sang Viện Âm nhạc hát minh hoạ… Chẳng những thích hát Quan họ mà chị còn hát rất hay. Chị đạt nhiều giải khi tham gia hội diễn: Giải A hội thi của huyện, giải Khuyến khích thi hát đối đáp 150 bài năm 2012 và được công nhận là giọng ca vàng năm 2017…

Yêu Quan họ, sống chan hoà thân thiện chị được mọi người quý mến. Ai muốn hát Quan họ là chị dạy ngay, đến lúc nào dạy lúc đó. Khi ấy chị có hiểu bảo tồn là thế nào đâu. Chị nghĩ đơn giản mỗi câu hát lời lẽ ý tứ da diết ngọt ngào hay đến thế thì mình biết đến đâu truyền lại đến đó vì đặc thù của loại dân ca này là truyền khẩu. Vừa dạy hát chị vừa giảng giải về lối chơi Quan họ làm cho người học thêm mê say. Ở nhà chị dạy cho các cháu thanh thiếu niên, rồi mỗi tuần hai buổi tối đạp xe sang Tam Tảo dạy hát. Chị bảo có lần đêm mưa đường trơn bị ngã xe ướt hết cả người.  Chẳng những dạy hát ở nhà và các làng bên cạnh, chị còn sang tận Hà Nội dạy hát khi các cụ hưu bên đó yêu cầu. Năm 2006 chị đã đi xe buýt sang bến xe Mỹ Đình dạy các cụ hưu. Năm 2008 chị dạy CLB phụ nữ phường Nghĩa Tân - Cầu Giấy, CLB hưu trí gần vườn bách thú Hà Nội. Chị cứ vậy, cần mẫn như con ong chăm chỉ, tuần hai buổi đi xe buýt sang dạy rồi về nhà con trai ngủ. Mấy năm sang trông cháu nội ở Hà Nội chị cũng dạy cho mọi người ở khu phố. Các thành viên CLB người Thủ đô với niềm yêu thích và đam mê dành cho Dân ca Quan họ không chỉ được giao lưu, hát cho nhau nghe những làn điệu Dân ca Quan họ cổ mà còn chỉ bảo cho nhau những cái đẹp, cái duyên dáng của người Quan họ, những nét tinh tế trong sinh hoạt văn hóa Quan họ của người xưa. Đến nay CLB vẫn thường sang nhà chị giao lưu mỗi khi có lễ hội.

*  *

*

Được biết về chị qua lời kể của một người bạn. Chúng tôi tìm đến ngôi làng nằm bên dòng Ngũ Huyện Khê, cũng như bao làng Việt cổ xứ Kinh Bắc - Bắc Ninh hàm chứa trong mình nhiều huyền tích văn hoá đặc sắc. Đến đây tôi không khỏi ngạc nhiên với rất nhiều ngôi nhà to có sân rộng và cổng đồ sộ như biệt phủ. Làng không chỉ làm ruộng mà còn là một làng nghề giàu có xứ Kinh Bắc. Tuy vậy con người lại rất thân thiện và gần gũi, một người đàn ông đưa chúng tôi đến tận ngôi nhà có cánh cổng màu xanh đồ sộ: Nhà chị hai Lâm, một chị hai nức tiếng làng Bùi. Những năm gần đây chị không may mắc phải căn bệnh hiểm nghèo và những tháng gần đây sức khỏe của chị ngày càng giảm sút. Đối mặt với bệnh tật nhưng lòng yêu Quan họ của chị vẫn không hề vơi đi mà ngày càng yêu Quan họ hơn.

Chị đón chúng tôi bằng nụ cười tươi rói. Sau khi biết chúng tôi đến để nghe hát Quan họ thì chị gọi con gái trải chiếu hoa giữa nhà tiếp khách theo đúng phong cách của người Quan họ. Đưa tay nhận chén nước tôi mới nhìn kỹ chị. Nếu không thấy phần dưới bụng rất to thì có lẽ tôi không nghĩ chị bị bệnh nan y. Chị tiếp chuyện chúng tôi vẫn rất cởi mở thân tình như người quen cũ. Khi tôi hỏi chị dạy Quan họ nhiều năm như thế thì có được tiền bồi dưỡng không. Chị bảo chưa lấy tiền dạy hát bao giờ. Năm 2009 Dân ca Quan họ được Unesco ghi danh là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại thì chị lại càng phấn khởi, mong muốn bảo tồn và giữ gìn những giá trị vốn có của làng Quan họ gốc, từng nức danh xứ Kinh Bắc xưa, đồng thời nâng cao phong trào văn hóa, văn nghệ cho những người yêu thích Dân ca Quan họ cũng như tạo cho những người con Bắc Ninh có niềm đam mê với những làn điệu Quan họ có một sân chơi bổ ích và mong muốn sẽ cùng các CLB khác trên địa bàn tỉnh chung tay cùng mọi người bảo vệ, giữ gìn và phát triển nền Dân ca Quan họ của cha ông để lại.

Chị có nhiều thuận lợi bởi chồng chị anh Lê Duy Lơ sau khi phục viên rất ủng hộ việc chị dạy và hát Quan họ. Anh nói chị không biết đi xe nên anh đưa chị đến câu lạc bộ, dạy xong anh lại đến đón. Anh rất thích mỗi tối ăn cơm xong mẹ cùng con gái hát cho bố nghe. Sau một ngày làm việc mệt mỏi được nghe vợ và con gái hát là một hạnh phúc vô bờ. Tiếng hát hai mẹ con hoà vào nhau ngọt ngào da diết làm anh mê mẩn. Hôm nay chúng tôi được nghe hai học trò nhí của chị hát rất rền mặc dù các cháu còn ngượng nghịu khi có khách lạ. Sau đó chị hát tặng chúng tôi bài Quan họ cổ “Ăn ở trong rừng” mà chồng chị rất thích.

Khi tôi muốn biết chuyện canh hát Quan họ đã làm chị hồi sinh từ một người bị bệnh viện trả về thập tử nhất sinh. Chị trầm ngâm cho biết mình mắc căn bệnh u động mạch chủ trong gan. Đã đi chữa ở rất nhiều bệnh viện không khỏi. Khi các bác sĩ gặp gia đình cho biết chỉ còn một cách cuối cùng là phẫu thuật cắt bỏ buồng gan bên phải may ra kéo dài sự sống cho chị. Khi gia đình chị chưa dám quyết định thì được bác sĩ hội chẩn báo lại cũng không chắc chắn một bên gan còn lại đảm nhận chức năng cho cả buồng gan và quyết định cuối cùng là bệnh viện trả chị về. Mặc dù gia đình chị ai mách thuốc nam ở đâu đều đi lấy. Nhưng khối u không thuyên giảm mà còn phát triển lớn hơn. Tháng 7/2019 da, mắt chị vàng kinh khủng, chị kém ăn và bụng cứ to dần. Bụng to như bà bầu đến tháng đẻ khiến chị mệt, đi lại khó khăn. Bà con lối xóm đến thăm ai ai cũng lắc đầu thương xót. Tuy mệt nằm bẹp trên giường nhưng sắp đến kỷ niệm 45 năm ngày cưới. Bao kỷ niệm ùa về khi cô thôn nữ mười tám tuổi kết duyên cùng anh bộ đội Cụ Hồ năm 1974 làm chị xốn xang.

Ngày ấy cưới xong chồng trở về đơn vị để lại người vợ trẻ với bao thương nhớ. Xa chồng nhưng chị không buồn bởi câu Quan họ chị gửi vào nỗi nhớ trong mỗi tối chị dạy hát cho các em nhỏ và hát cùng mọi người trong làng. Chị là người yêu Quan họ nên đã đề nghị anh hai Cau - Chủ nhiệm Câu lạc bộ một nguyện vọng: Muốn tổ chức canh hát Quan họ tại nhà để kỷ niệm ngày cưới. Nguyện vọng của chị được chồng con hết lòng ủng hộ. Thấy sức khoẻ chị suy yếu nên không ai nỡ nhận lời. Chị vẫn kiên quyết với nguyện vọng cuối cùng nên một vài chị hai thân thiết nhận lời còn những người khác không dám đi. Chồng chị nhờ ông bạn quay phim ghi lại canh hát ông ấy cũng không dám nhận lời. Nghe anh năn nỉ ông bạn đồng ý nhưng đi không mang máy. Ông cho biết: Cứ đến xem tình hình thế nào đã, nếu sức khoẻ chị khá lên sẽ về lấy máy quay cũng không muộn.

Tối ngày 28/8 âm lịch nhằm ngày 13/10, các con cháu chị có mặt đầy đủ để tổ chức canh hát cho chị theo yêu cầu với bánh cưới ba tầng. Chị được con gái trang điểm mặc đồ Quan họ và chồng áo the khăn xếp. Lúc này nhìn chị gầy guộc như một đứa trẻ cả gia đình đều quay mặt đi giấu giọt nước mắt. Các chị hai trong câu lạc bộ đến một số nhưng họ không trang điểm và mặc quần áo Quan họ như mọi khi. Họ đến để làm chị vui chứ nghĩ chị còn mấy hơi sức mà nghe Quan họ. Được mặc chiếc áo tứ thân chít khăn mỏ quạ, chị bỗng thấy khoẻ ra. Chị ngồi trên ghế với bốn cái gối, một cái đệm dưới ba cái dựa lưng. Chị ngồi dậy tươi cười chào mọi người và lúc này người quay video cũng vội về lấy máy. Ngay câu Quan họ đầu tiên chị đã hát cùng mọi người, cứ thế từng đôi một hát hết bài này đến bài khác. Hôm nay vì kỷ niệm ngày cưới nên các anh hai chị hai toàn hát những bài tình tứ về tình yêu đôi lứa. Chị say sưa hát theo và nhìn anh tình tứ với nụ cười lấp lánh. Câu Quan họ đưa anh chị về thời tuổi trẻ, tay trong tay đôi vợ chồng tràn trề hạnh phúc yêu thương. Nhìn chị ai nghĩ chị đã nằm bẹp bao ngày. Các chị hai miệng hát mà mặt buồn rười rượi, thậm chí bốn học trò chị dạy vừa hát vừa khóc nức nở. Tiếng hát canh Quan họ vang xa khắp làng khiến các anh hai chị hai lúc đầu lo lắng giờ cũng đến đầy đủ. Họ ngồi chiếu trong nhà, ngồi tràn cả ra ngoài sân. Chồng chị tâm sự: Không hiểu sức lực ở đâu mà vợ tôi ngồi rất lâu và hát say sưa đến thế. Canh hát của chị đã thành công tốt đẹp.

Canh hát được tổ chức ngoài dự kiến của mọi người không có sự chuẩn bị trước cho cả người hát lẫn người quay phim nên chất lượng có nhiều hạn chế nhưng dù sao cũng vẫn thể hiện được tinh thần bất tử của Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Đêm ấy người bạn quay dựng phim ngay để sớm mai mang đến cho chị. Chị nằm trên giường xem lại bỗng thấy khoẻ hơn cả hôm qua. Từ không muốn ăn giờ chị thấy đói, đòi ăn. Chị xuống giường tập đi và đi lại như chưa hề bị bệnh. Da chị dần hết vàng, sức khoẻ tốt lên trông thấy. Tết đến ai đến chơi cũng mừng cho chị. Quan họ quả là một phép màu nhiệm, kỳ tích đã đến với chị. Chị cho chúng tôi xem video canh hát thì thấy rằng hôm nay chị đã khoẻ hơn rất nhiều. Thể theo nguyện vọng của con gái chị Lê Thị Hương muốn đăng video “Dân ca Quan họ Bắc Ninh bất tử” lên Youtube để mọi người cùng chia sẻ, để Dân ca quan họ Bắc Ninh trường tồn và lan tỏa sống mãi với thời gian./.

                                                                                                                                                                                                                                            LƯU LAN PHƯƠNG