Trang chủ VĂN HIẾN BẮC NINH - KINH BẮC

NƠI LƯU DẤU VỀ MỘT DANH NHÂN
16:14 | 11/06/2020

Ẩn khuất sau sắc xanh cây cối bờ Đông Nam xóm 7 (nay là khu 7 phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) là ngôi Từ đường dòng họ Nguyễn - cũng chính là đền thờ danh nhân Nguyễn Phúc Xuyên - người nổi tiếng với nghề trị bệnh cứu người một cách dị thường và chủ thuyết Gia đạo - một giáo lý mà tầm ảnh hưởng còn đến hôm nay trong đời sống tinh thần của con cháu dòng tộc.

Con người tiền nhân khuất bóng đến nay đã mấy trăm năm, nhưng những câu chuyện về ông, những việc ông đã từng làm, có lẽ cũng giống như gốc rễ của loài cây cối, hoa lá bên ngôi Từ đường, nuôi dưỡng sự sống xanh suốt 4 mùa, qua thời gian mãi bừng sắc hương thơm thảo cho đời. Chúng tôi đã nhận ra điều đó, cũng như hiểu thêm về vị danh nhân họ Nguyễn qua những dấu tích còn lưu mãi với thời gian trên đất phường Đại Phúc cũng như thành phố miền Quan họ trong hành trình đổi mới và phát triển hôm nay.

Đền thờ danh nhân Nguyễn Phúc Xuyên có tên gọi Bồ Tát Linh Từ, dựng trên khu đất rộng giữa làng Đông Pheo xã Đại Vũ, Tổng Đỗ Xá, huyện Sóc Giang, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc ngày trước. Đền quay hướng Đông Nam, trước mặt là dải đồng chiêm trũng mang tên Đồng Nhân; có sông Ngũ Huyện uốn khúc bao quanh, xa hơn là núi Ba Huyện, Mộc Hoàn, Bát quả Bồ Sơn. Sau lưng là núi Vũ Sơn bên dòng Như Nguyệt. Đây vốn là sinh từ và sinh phần của Thiên sư đại Bồ tát - đạo hiệu của danh nhân Nguyễn Phúc Xuyên - được con cháu dòng họ quan nhiều đời góp công sức tạo dựng được như ngày hôm nay, thành nơi thờ ngài cũng như hội họp của người trong họ những dịp kỵ nhật - hội đền.

Giờ đây, con đường thiên lý Lạng Sơn - Hà Nội mới được xây dựng đã chạy qua ngay trước mặt ngôi đền, cắt khu đồng và làng mạc về hai bên, khiến từ đây, ta không thể phóng tầm mắt về bên vùng đồng trũng, nhưng lại cho ngôi đền trở nên gần gũi với quần thể nhà cửa của cư dân trong khu vực bao quanh.

Theo những tư liệu lịch sử, đền thờ Nguyễn Phúc Xuyên được xây dựng vào thế kỷ thứ XVIII. Gia phả dòng họ cho biết, ban đầu đền là ngôi nhà của cụ Nguyễn Phúc Xuyên, sau khi cụ mất, ngôi nhà trở thành đền thờ. Năm 1768, cháu 4 đời ngành Quý chi là Nguyễn Phúc Giám cho sửa chữa lại. Qua thời gian, di tích này đã được trùng tu sửa chữa nhiều lần, ngày càng khang trang tố hảo với quy mô gồm: Cổng tam môn uy nghi, đẹp đẽ; toà chính gồm 5 gian tiền tế, 3 gian hậu cung; hai bên bố trí tả vu, hữu vu, nhà mẫu, phía sau là lăng mộ của ngài. Lại có hồ nước trước mặt, mùa về rực sắc sen, súng, nơi vẫn sóng sánh sắc áo liền chị liền anh Quan họ in cùng câu hát mỗi dịp hội đền.. Tất cả đã tạo nên một tổng thể cảnh quan đẹp đẽ, trữ tình và thơ mộng giữa lòng thành phố miền Quan họ. 

Nét độc đáo của di tích chính là ở lối kiến trúc: Trước là đền, sau là lăng mộ. Lối kiến trúc này bắt đầu có từ thời Lê. Đó là hình thức chịu ảnh hưởng của thứ đạo “tiêu dao” quên lãng cảnh trần ai. Nguyên thuỷ của nó là sinh từ, sau đó dần dần trở thành sinh phần. Toà thờ chính có kiến trúc hình chữ Đinh gồm 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung, bộ khung gỗ lim, kết cấu vì nóc theo kiểu giá chiêng, vì hai gian bên theo kiểu chồng giường. Trên các cấu kiện kiến trúc đều được chạm khắc rồng mây, hoa lá nghệ thuật và được bài trí hệ thống đại tự, hoành phi, các bản khắc chữ Hán dầy dầy tầng lớp, như bao câu chuyện được thêu dệt xung quanh hành trạng kỳ bí, dị thường của bậc thánh nhân được thờ phụng nơi đây.

Trong phong phú tài liệu, hiện vật có giá trị nghệ thuật cao, với phần lớn có niên đại Lê - Nguyễn, như bộ cửa võng, y môn, hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng.. hậu thế có thể thấy rõ sự trân trọng, đồng thanh ca ngợi công tích của danh nhân họ Nguyễn và tinh thần hành đạo của ngài. Tượng chân dung của ngài đặt trong khám thờ, với kích cỡ thực, cho thấy có sự giải phẫu cơ thể hoàn chỉnh, không ước lệ chung chung, mà là sự thể hiện chân dung chân thực. Cùng với đó, là các bình hương, chuông đồng, choé sứ, các tượng hầu bằng đá có niên đại Tây Sơn. Đặc biệt là 13 đạo sắc của các triều đại phong kiến Lê - Nguyễn ban tặng... đã cho thấy bề dày và giá trị lịch sử, văn hoá nơi linh từ. Người ta đã thống kê có tới 35 loại tài liệu, gia phả, thánh tích, thánh phả, bia ký, phả lục, diễn ca, truyền tích... ở cụm di tích liên quan đến Nguyễn Phúc Xuyên rải khắp trên địa bàn phường Đại Phúc. Tất cả đều chỉ dẫn ta về hành trạng và công đức của người được thờ. Theo đó, ta được biết: Nguyễn Phúc Xuyên - tự là Tế An, đạo hiệu là Thiên sư đại Bồ tát, còn có đạo hiệu là Hàn Thiết, sinh năm Quý  Sửu, niên hiệu Hoằng Định thứ 13 đời vua Lê Kính Tông và Chúa Trịnh Tùng (1613), trong một gia đình dòng dõi Nho học, hâm mộ đạo Thiền và làm thuốc tại làng Đông Pheo, xã Đại Vũ, tổng Đỗ Xá, huyện Sóc Giang, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc (nay là phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh). Tổ năm đời của ông là Cử nhân Nguyễn Tiến Tư, hiệu là Thuần Chính, cha của ông là Nguyễn Phúc Khánh. Theo thế phả và truyền kể của dòng họ, tiền tổ của họ Nguyễn Phúc ở Đông Pheo là danh nhân văn hoá - quốc sư triều Lý Nguyễn Minh Không - một tên tuổi lớn trong làng Thiền Việt Nam, với khá nhiều huyền tích xung quanh hành trạng được dân gian thêu dệt về việc chữa bệnh cho vua Thần Tông và quyên đồng đúc chuông, tạo nên 1 trong An Nam tứ đại khí. 

Cũng theo thế phả: Thánh tổ Nguyễn Phúc Xuyên lúc mới sinh diện mạo khôi ngô, lớn lên tư phong đĩnh đạc, khí chất thông minh, là người điềm tĩnh, trong sạch, đoan chính, không làm việc gì khác ngoài việc học hành. Qua đó, tri thức dần mở rộng, vượt xa hẳn người thường. Nhưng ông không lấy đó làm đường tiến thân, mà chuyên chăm theo đạo Phật, sớm chiều đèn nhang thành kính. Cùng với đó, việc để tâm nghiên cứu về triết học Lão Tử đã cho ông sự thông tuệ những huyền vi của tạo hoá, và biết nhiều phương pháp thần bí trong hành thuật chữa bệnh cứu người sau này. Ông được triều đình Lê - Trịnh phong là Hộ quốc Thiền sư Thánh tổ Bồ Tát, được người đời tôn là Hoạt Phật (tức Phật sống). Sách Đại Nam nhất thống chí có chép: “Đời Lê có người trong thôn (thôn Đồng Phá, xã Đại Vũ, huyện Võ Giàng) họ Nguyễn tên Xuyên, khi mới sinh ra có sắc sáng chiếu rực nhà, lớn lên ứng vào triệu “thần kê”, bèn có phép thiêng, nhân dân xa gần ai có bệnh tật đến cầu liền được khỏi bệnh, người ta đều gọi là Phật sống. Sau khi mất, thường hiển hiện anh linh, nhân dân địa phương lập đền thờ”.

Không những giỏi cả Phật học, Nho học và triết học Lão Tử; mà ông còn hợp nhất  tư tưởng 3  đạo Phật - Lão - Nho mà đề xướng đạo mới - gọi là Đạo nhà, hay Gia đạo. Đây là một sáng tạo của Nguyễn Phúc Xuyên nhằm thông qua sự vận dụng tinh thần tu nhân, hành thiện, mà nhập thế giúp đời trong hoàn cảnh lịch sử thời Lê - Trịnh đầy rối ren, loạn lạc. Chính tư tưởng nhân nghĩa, chủ trương tu - tề - trị - bình của Nho đạo; đạo đức và tinh thần cứu nhân độ thế của đạo Lão; chủ nghĩa từ bi bác ái của đạo Phật mà Nguyễn Phúc Xuyên vận dụng linh hoạt trong Gia đạo; cũng như việc nhập thế cứu dân, chữa bệnh bằng linh đan, mật chú cộng với cầu cúng theo đạo giáo dân gian... đã khiến ông tập hợp được lòng tin của đông đảo quần chúng đương thời. Theo gia phả dòng họ: Thời kỳ chính đạo (Gia đạo của Nguyễn Phúc Xuyên) đang thịnh, con cháu chi nhánh phồn vinh, ba vị đại sư (tức là ba người con của ông, mà ông lập gọi Trưởng cả, Trưởng hai và Trưởng ba) đều phát triển Thiền tâm, đạo thông tế độ, trải qua nhiều năm tiếng tăm lẫy lừng, nhiều đạo tràng ở khắp mọi nơi theo về, kể có hàng vạn người. Sự nổi danh của Nguyễn Phúc Xuyên chính là bởi sự kết hợp giữa Đạo và Y, khi đồng thời với việc hành nghề chữa bệnh cứu người, ông cũng thực hành liệu pháp An Tâm, hướng con người đến sự giải thoát khỏi những dục vọng bản thân - điều quan trọng nhất khiến tâm sinh bệnh, và những hành vi sai trái của con người trong cuộc sống. Chính ông đã tổng hợp được những tôn giáo chính thống đương thời với tín ngưỡng dân gian, trên cơ sở vận dụng được những mặt tích cực nhất của nó phục vụ cho cuộc sống con người. Do vậy, Gia đạo của ông, dẫu không độc lập thành một dòng tư tưởng đựơc cụ thể hoá trong hệ thống tư tưởng triết học thời phong kiến thế kỷ thứ XVII, nhưng ta có thể bắt gặp việc hành đạo như thế trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người dân khi tu thân dưỡng tính, làm điều tốt cho đời. 

Những dấu ấn về con người và tư tưởng của Thánh tổ Nguyễn Phúc Xuyên - như đương thời và hậu thế người trong họ cũng như đệ tử  Gia đạo vẫn gọi - giờ vẫn hiển hiện trong khắp không gian Bồ Tát linh từ. Và ở nơi Lăng đền linh hiển từ xưa - như một phần lời câu đối ghi tại đền, tấm lòng thành kính của người trong họ và đạo tràng các nơi vẫn thường trực được bày tỏ trong hương thơm thắp trước anh linh của ông. Đó là điều mà trong rất nhiều danh nhân lịch sử, không phải ai cũng có được.

Ngoài đền thờ chính, tại khu 7 hiện cũng tồn tại 3 Từ đường thuộc 3 chi Trưởng con cháu của Nguyễn Phúc Xuyên, đều là những công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật và lịch sử từ thời Lê - Nguyễn để lại, và là nơi con cháu 3 chi bày tỏ lòng tôn kính Thánh tổ Nguyễn Phúc Xuyên. Tại đây, tồn tại đến hôm nay cả hệ thống tài liệu hiện vật vô cùng giá trị. Đó là những lư hương thời Mạc và thời Lê - Nguyễn; khám thờ; chuông đồng đúc năm 1779; bia đá niên đại 1847 khắc ghi việc hưng công tái tạo từ đường; bia hậu... Cùng với đó là hệ thống đại tự, hoành phi, câu đối khẳng định tính linh và chất thiêng của vùng đất sinh bậc thánh nhân như một ứng chiếu điềm trời của danh nhân Nguyễn Phúc Xuyên - người được coi là hậu tổ của quốc sư triều Lý Nguyễn Minh Không: Kê tường ứng thuỵ thiên khai đạo/ Cù mạch chung linh thế tác sư. Hay Siêu phàm nhập thánh sinh tiền Phật/ Hộ quốc tí dân tử hậu thần... là những câu đối cổ ca tán về điềm sinh thánh trên đất linh này; và những khả năng siêu phàm của Nguyễn tiên sinh trong cứu người, giúp đời mà được tôn thành thần phật. Tại những địa chỉ này, ngoài những người trong chi họ, con hương đạo tràng nhiều nơi trong cả nước cũng thường về trước anh linh của Thánh tổ để mong được sự phù trì qua khỏi bệnh tật. 

Tại chùa Vũ, tên chữ là Linh Sơn tự (hay còn gọi chùa Cao) nằm trên núi Linh Sơn thuộc địa phận phường Đại Phúc hiện nay, những dấu ấn về danh nhân Nguyễn Phúc Xuyên cũng hiện hữu khá rõ nét. Nơi tôn nghiêm khu nhà tổ sau chùa hiện vẹn nguyên tượng Thiên sư Thánh tổ Nguyễn Phúc Xuyên. Tương truyền, chùa Linh sơn chính là nơi ngày trước Lưỡng quốc Hòa thượng Thích Thanh Cao - một nhân vật đặc biệt có mối liên hệ gần gũi với danh nhân Nguyễn Cao - từng in các Y thư (Bộ Hải Thượng y tông tâm lĩnh của danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác), để truyền cho hậu thế nghề thuốc và cách chữa bệnh. Và chùa đã được Nguyễn Phúc Xuyên chọn để mở trường giảng đạo, dạy nghề làm thuốc, chữa bệnh. Cả hai vị danh y đã để lại cho đời một số lượng các ván in sách thuốc, thuật chữa bệnh lên tới hàng vạn bản. Mặc dù trong truyền thoại dân gian, Nguyễn Phúc Xuyên chủ yếu chữa bệnh bằng 3 phương pháp: Linh đan, phù chú và điểm huyệt; nhưng từ kho ván in sách thuốc chùa Vũ và sự hành nghề của con cháu nối tiếp ở đời sau không thấy ghi và truyền miệng theo phù chú, ấn quyết, nên có thể xác nhận quan điểm duy vật của ông trong hành trị bệnh tật cho mọi người.

Dẫu sinh ra lớn lên trong thời đất nước có nhiều rối ren, loạn lạc, là người tài, nhưng Nguyễn Phúc Xuyên không đua chen trong chốn quan trường, không màng danh cầu lợi như nhiều kẻ sỹ đương thời, mà tự khẳng định tầm vóc của một nhà tư tưởng, một danh y thông qua sự tận tâm với việc cứu nhân độ thế. Điều đặc biệt cũng đáng nói thêm về Nguyễn Phúc Xuyên, là ông cũng chính là nhà thơ Thiền cuối cùng trong dòng chảy văn học Thiền Việt Nam. Mà tinh thần thi nhân kết hợp siêu nghiệm hành đạo của Nguyễn Phúc Xuyên có thể thấy qua câu: Giai nhân vũ trụ tàng huyền bí - Tối vi vĩ hoá phép quy mô (Con người hiểu vũ trụ cùng vũ trụ chứa nhiều huyền bí - Và sự chuyển hoá nhỏ to trong vũ trụ cũng rất vô cùng). Phải chăng, những vô cùng đó của vũ trụ - mà con người muốn hiểu, cần rất nhiều đến sự chuyên tâm học hành theo đạo, tịnh tiến bằng hoạt động tu thân và công đức với đời.

Hội lệ tưởng nhớ ngày sinh - hoá của danh nhân Nguyễn Phúc Xuyên từ xưa đã không nằm trong ranh giới của con cháu dòng họ, mà là sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng chung của hương dân nhiều khu phố của Đại Phúc cũng như con hương đạo tràng nhiều nơi trong cả nước tìm về. Trong dịp này, các hoạt động tế lễ, rước xách diễn ra trang trọng bên cạnh sinh hoạt văn hoá sôi động, nhiều màu sắc. Điều đó đã chứng minh sức hút tâm linh từ di tích và nhân vật được thờ phụng tại đây với cộng đồng trong và ngoài khu vực. Đó là nét đẹp mang giá trị văn hoá đáng được gìn giữ và phát huy trong quá trình phát triển kinh tế xã hội hiện nay./.

                                                                                                                                                                                                                                                  LÊ TRI SƯ