Trang chủ TÁC GIẢ - TÁC PHẨM

NHỮNG TRANG VĂN NỒNG ẤM TÌNH NGƯỜI
15:12 | 10/01/2020

Nhà văn Đỗ Công Tiềm là một cây bút văn xuôi đã được định danh của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh. Ông đã xuất bản ba tập truyện ngắn, trong đó trên hai mươi truyện đã được in trên báo Văn nghệ và nhiều báo T.Ư khác, với nhiều giải thưởng văn học  trong và ngoài tỉnh. Một khuôn mặt văn xuôi dung dị, đôn hậu và chan chứa tình cảm. Tập truyện mới nhất của ông Ánh đèn bên nhà hàng xóm do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 2019 đã khẳng định Đỗ Công Tiềm là một cây bút văn xuôi viết về nông thôn đặc sắc và không thể nhòa lẫn. 

Nông thôn trong truyện của Đỗ Công Tiềm mang dấu ấn đậm đà của một vùng quê ven sông Đuống trước và sau năm 1975. Một vùng quê lam lũ, nghèo khổ, vất vả, xưa xưa cũ cũ mà vẫn ngập tràn tình nghĩa xóm làng. Ở đấy có những con người quá đỗi bình thường, thậm chí ít học, cần cù chịu khó và rất đỗi yêu thương lẫn nhau. Họ sẵn sàng chịu thua thiệt, chịu lam lũ vất vả, thậm chí hy sinh bản thân mình cho người thân, cho bạn bè, cho quê hương yêu dấu của mình. Họ có thể lầm lỗi, có thể phải trả giá nhưng cái đức hy sinh vì người khác, cái tâm Phật trong con người họ thật đáng nể trọng. Những vẻ đẹp khiêm nhường và lung linh ấy tỏa sáng trong những trang văn của Đỗ Công Tiềm qua những truyện ngắn ngỡ như bình dị, yên ả mà vẫn đầy vang vọng của ông. 

Đó là hình ảnh một chị Nhã xinh đẹp, đảm đang, mồ côi bố mẹ đã quên mình nuôi dạy đứa em trai nên người. Rồi lại hết lòng chăm sóc cho những đứa cháu đang tuổi ấu thơ. Tưởng như chị sẽ được thanh nhàn, no đủ với cửa hàng bún riêu cua nổi tiếng của mình. Ai ngờ chị lại dính vào yêu đương, lấy phải một gã chồng cờ bạc rượu chè trai gái. Nợ nần chồng chất. Bán hết cả nhà cửa ruộng vườn vì ông chồng cờ bạc. Rồi gã chồng gặp tai nạn giao thông, thành kẻ sống thực vật. Vợ chồng chị phải ra ở nhờ nhà quản trang bên cạnh nghĩa địa. Thế mà chị Nhã vẫn không hề oán trách, không hề than thân trách phận, vẫn hàng ngày bón cháo cho chồng, vẫn chăm sóc anh hết sức tử tế. Không nguyền rủa, không bỏ đi, không than thở. Người phụ nữ lú lẫn và mê muội vì tình yêu này có vẻ vừa đáng trách lại vừa đáng thương. Nhưng ánh sáng nhân văn từ tâm hồn chị thật là đáng trọng. Khi đã là vợ chồng thì thủy chung hết mức, thương người hết mức, dù có phải khuynh gia bại sản, thậm chí hủy hoại cả đời mình. Chị đúng là mẫu người có đức tâm của Phật. 

Hay như anh chàng thợ đấu khỏe mạnh, hiền lành, dũng cảm trong chiến đấu bỗng dưng dính vào vụ án vô tình làm cho cô vợ ngoại tình bị chết. Đi tù về cái tai tiếng giết vợ vẫn còn đeo đẳng. Rơi vào hoàn cảnh này người ta rất dễ hận đời, trả thù đời, sống buông thả và tàn ác. Nhưng anh chàng thợ đấu của Đỗ Công Tiềm không thế. Ngập chìm trong cô đơn và sự rẻ rúng của người đời, anh vẫn mở lòng mình, đón về nhà và nuôi dưỡng một cô bé ngẩn ngơ đang lang thang ngoài phố. Chính tình yêu thương và sự chăm sóc của anh đã cứu sống cô gái này. Và đến khi anh có nhiều khả năng được đền bù, được hưởng trái ngọt thì anh lại phải chối bỏ. Trái tim nhân hậu của anh muốn cho cô con gái nuôi của mình thật sự hạnh phúc. Anh nhận sự thua thiệt về phần mình là vì người khác. Tấm lòng nhân hậu và sự thánh thiện của anh làm cho mọi người, nhất là cánh đàn ông kính phục.

Đó còn là hình ảnh chị Hợi, con dâu trưởng trong một gia đình nghèo khổ và đông người. Người vợ liệt sỹ này vừa đảm đang, chung thủy vừa hết lòng chăm sóc cho gia đình nhà chồng. Khi em chồng lầm lỡ, chị sẵn sàng san sẻ tiền bạc và cả đất đai của mình cho các em. Và đây nữa, một người lính hết lòng với đồng đội, hết lòng với người thân, dù gặp bao nhiêu là oan gia, thua thiệt vẫn nỗ lực vượt lên, để sống và chăm lo cho đứa cháu bị tật nguyền vì chất độc da cam. Hình ảnh anh Tính trong truyện Tháng ngày vẫn trôi thật là cao thượng và ngời sáng. 

Một truyện ngắn hay và đầy sức cảnh báo, in ngay ở đầu sách có tên là Ngăn cách. Chuyện kể về một người anh không những đùn đẩy việc đi lính cho em trai mình, mà còn lấy tranh người yêu của em mình về làm vợ. Quá ích kỷ và vụ lợi, tưởng là được nhiều nhưng hóa ra anh ta đã mất đi những điều trân quý nhất. Đó là tình yêu thương nể trọng của bố mẹ và vợ con. Sự hèn hạ đến mức đốn mạt của anh ta đã tạo ra sự ngăn cách không gì san lấp nổi. Kể cả khi đã lìa đời, đã được tha thứ thì sự ngăn cách càng khủng khiếp hơn giữa trần gian và cõi âm. Tác giả muốn cảnh báo một điều: những kẻ lừa dối và vụ lợi, thụ hưởng sung sướng trên nỗi đau của người khác, trước sau gì cũng sẽ phải trả giá. Luật nhân quả của Phật pháp vẫn hiện hữu trong cõi đời này.  

Truyện ngắn Đỗ Công Tiềm hầu như chỉ viết về nông thôn và người nhà quê, không gian của truyện tuy không rộng lớn nhưng dung lượng thời gian của nhân vật lại rất dài, nhiều khi là cả một đời. Nhà văn như một người đang thủ thỉ kể những chuyện về làng quê mình, với những con người cần cù, lam lũ, nghèo khổ, thua thiệt đủ điều nhưng vẫn sống đầy yêu thương và đùm bọc lẫn nhau. Ánh sáng nhân văn từ phẩm hạnh của họ ngời sáng và vô cùng đáng trân trọng. Những con người có trái tim Phật sưởi ấm và làm nên vẻ đẹp của văn xuôi Đỗ Công Tiềm.

Có thể góp ý với tác giả nhiều điều về cấu trúc truyện ngắn, về xây dựng nhân vật, về tư tưởng chủ đề, về sức khái quát của tác phẩm… nhưng tôi xin dành phần này cho các nhà phê bình chuyên nghiệp. Bởi vì, những thông điệp mà Đỗ Công Tiềm gửi gắm trong Ánh đèn bên nhà hàng xóm đã đủ để bạn đọc yêu quý và trân trọng ông. Đã đủ để tập truyện ngắn mới này của ông đáng được biểu dương và ghi nhận. Cái tình đã làm nên cái tài văn chương của Đỗ Công Tiềm. Cũng như tính nhân văn cao cả từ các nhân vật của ông đã làm nên giá trị và vẻ đẹp lung linh của Ánh đèn bên nhà hàng xóm. 

                                                                                                                                                                                                                                              NGUYỄN ANH THUẤN