Trang chủ TÁC GIẢ - TÁC PHẨM

NGUYỄN KHẮC ĐÀM - NỖI LÒNG VỚI THƠ LỤC BÁT
15:37 | 23/09/2021

Nhà văn Nguyễn Khắc Đàm (quê Thụy Mão, Mão Điền, Thuận Thành, Bắc Ninh) từng là thầy giáo dạy văn có uy tín, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Yêu nghề, yêu văn chương, đắm trong không khí văn chương biến thầy giáo dạy văn thành nhà văn luôn tràn đầy thi hứng, tràn đầy nhiệt huyết viết và viết. Viết nhiều lĩnh vực, nhiều thể loại. Tiểu thuyết Làng ven đê 2 tập đồ sộ. Thơ 5 tập. Phê bình tiểu luận 6 tập. Truyện ngắn 1 tập sắp in. Đang hoàn thành 2 tập tiểu luận. Trong số sách đã in, nhà văn Nguyễn Khắc Đàm dành riêng tình cảm cho thể loại thơ lục bát, tập phê bình tiểu luận Nỗi lòng trong thơ lục bát vừa phát hành quý II/2021.

Thơ lục bát là thể loại riêng của người Việt, phù hợp với lối ngắt hơi, ngắt nhịp của tiếng Việt. Bất kì người Việt nào cũng biết nói vần theo lối trên 6 dưới 8. Và nếu ghép chữ thành vần là thành lục bát liền. Kho tàng tục ngữ, ca dao thân quen với mọi người càng làm cho thi hứng theo thể lục bát. Đại thi hào Nguyễn Du là người nâng cao thể loại lục bát lên chót vót qua tác phẩm Truyện Kiều. Nhà văn Nguyễn Khắc Đàm có làm thơ lục bát, và ông còn lưu trữ, bình giá những thi phẩm lục bát hay, tích cóp thành tập sách dày gần 350 trang in. Với bạn đọc, cuốn sách cung cấp cho 116 thi phẩm. Và đáng quý hơn là 116 lời bình giá của người tuyển hợp. 

Trong kho tàng dân ca, ca dao, nhà văn Nguyễn Khắc Đàm chỉ tuyển chọn 4 bài. Trong đó 3 bài ca dao rất quen thuộc Tát nước đầu đình, Trèo lên cây bưởi hái hoa, Cày đồng. Bài thứ 4 là dân ca Mường Mười tay. Tuy không quen thuộc như 3 bài trên, nhưng nội dung lại rất ấn tượng. Dân ca Quan họ Bắc Ninh có Mười nhớ để thể hiện các cung bậc tình cảm nhớ nhung đã hay, thì Mười tay lại vô cùng nhân văn, vô cùng thương yêu con cái của người mẹ. Mẹ chỉ có hai tay thôi, nhưng mẹ đã làm được rất nhiều việc một lúc như người có mười tay vậy. Nào lao động làm ra sản phẩm nuôi gia đình, nào kiếm thức ăn hằng ngày, nào lo con ốm đau, nào lo cúng cầu, nào lo việc quan, nào lo chữa chạy con đau ốm, nào ôm ấp nựng con… Lời bình giá của tác giả sách cũng rất “đắt”: “Những giọt nước mắt không thể cưỡng lại được. Theo lời ru nước mắt chảy ra. Nước mắt của cảnh đời chua cay mặn chát”. “Người mẹ ấy gánh chịu tất cả. Dù phải lội sông lội biển, người mẹ ấy vẫn cam lòng miễn cho con mình khỏi đau khỏi đói. Sớm sớm chiều chiều và cả lúc canh khuya, tiếng ru ấy vẫn vang lên như từ trái tim mẹ”. “Sự lặp lại câu thơ ở phần kết tạo ra âm hưởng vừa da diết yêu thương, vừa ngân nga không bao giờ tắt về nỗi vất vả, khổ cực và tấm lòng của người mẹ. Đừng bao giờ quên công lao của mẹ”.

Với tác phẩm Truyện Kiều, nhà văn Nguyễn Khắc Đàm lấy 3 trích đoạn để bình giá: “Thúy Kiều cậy em trả nghĩa Kim Trọng”, “Kiều thương mình” và“Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều”.

Các nhà thơ cận đại, nhà văn Nguyễn Khắc Đàm giới thiệu thơ của Trần Tế Xương, Tản Đà và một tác giả thời Trung Đường của Trung Quốc là Trương Tịch qua bản dịch thơ lục bát của Ngô Tất Tố.

Các nhà thơ hiện đại ta thấy có nhà thơ Hồ Chí Minh qua áng thơ Thơ chúc Tết năm 1969. Ở đây ta gặp lại hơi thơ hào sảng có thể hát lên được. Nhà văn Nguyễn Khắc Đàm viết: “Bài thơ mang tư tưởng lớn, quyết tâm lớn. Độc lập tự do là khát vọng của cả dân tộc. Tư tưởng ấy Bác đã gửi vào lời kêu gọi chống Mĩ cứu nước, vang lên trong thơ đi vào lòng người Việt Nam không chỉ hôm qua, hôm nay và mãi mãi mai sau”. Nhà thơ Tố Hữu tác giả chọn bình 4 bài: Bầm ơi, Mẹ Suốt, Đường vào, Kính gửi cụ Nguyễn Du. Hầu hết các nhà lớp lớp đầu nền thơ mới đều có mặt: Nguyễn Bính, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Cầm, Tế Hanh, Xuân Diệu. Lớp nhà thơ thời chống Mĩ cũng khá đông đảo: Vũ Quần Phương, Bằng Việt, Thanh Hải, Lê Anh Xuân, Phan Thị Thanh Nhàn, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Duy… Thần đồng thơ Trần Đăng Khoa tác giả chọn bình 4 bài: Ảnh Bác, Mẹ ốm, Gửi theo các chú bộ đội, Em dâng cô một vòng hoa. Bài Ảnh Bác Trần Đăng Khoa làm năm 1966, thời điểm Mĩ tăng cường ném bom bắn phá miền Bắc. Nhà văn Nguyễn Khắc Đàm nhận xét: “Sự vĩ đại và bình thường kết tinh qua ảnh Bác và những gì xung quanh. Ở đây không có sự phân biệt lãnh tụ tối cao với cuộc sống người dân. Không gian ngoài sân, trong nhà và cảnh vật ở vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ giúp người đọc nhận ra lòng ngưỡng mộ, kính yêu của mọi người dân với lãnh tụ của mình”. Nhà thơ Lê Đình Cánh, “cây lục bát” được tác giả chọn bình 2 bài Xúy Vân, Phía sau. Bài thơ Phía sau nhà văn Nguyễn Khắc Đàm viết: “Phía sau thuộc về quá khứ của mỗi người. Quá khứ ấy nhiều khi làm cho con người tựa vào nó để cho sự sống tồn tại cho dù có nhiều thay đổi. Hoài niệm nhiều khi thêm cho con người tĩnh tâm hơn để sống”. Bài thơ có câu rất đắt: “May đời còn có phía sau/ Để nhìn phía trước đỡ đau tuổi già”. Những tác giả gần đây cũng được nhà văn Nguyễn Khắc Đàm chú ý như Đồng Đức Bốn, Nguyễn Long, Nguyễn Thị Mai, Trương Nam Hương, Nguyễn Thế Kiên (kienlucbat), Nguyễn Văn Song, Đinh Hạ…

Điều đáng chú ý là nhà văn Nguyễn Khắc Đàm đã dành gần nửa số trang bình thơ của các tác giả quê hương Bắc Ninh. Lớp xây nền thơ mới đã có Hoàng Cầm. Lớp đánh Mĩ đã có Nguyễn Phan Hách, Nguyễn Văn Chương, Nguyễn Hồng Hà… Lớp thơ sau này còn có đến 43 tác giả góp mặt. Riêng các nhà thơ quê hương Thuận Thành góp mặt đến 20 người. Bài thơ Với người hàng xáo đoạt giải Nhất thơ Bắc Ninh năm 2006 của Duy Hợp ta gặp những câu thơ đầy tính triết lí và khái quát: “Cuộc đời như thúng gạo đầy/ Đong đong bán bán mỗi ngày một vơi/ Đói nghèo đeo bám lấy người/ Xoay tròn số phận chưa thôi xoay tròn” và “Trăng thu vầng sáng hao gầy/ Mẹ đong sao bạc đổ đầy sông Ngân”. Tác giả Phạm Thuận Thành, người đoạt giải Ba thơ Văn nghệ Quân đội 2002 - 2004 (không có giải Nhất) góp mặt với bài Nhà ta. Nhà văn Nguyễn Khắc Đàm nhận xét: “Đằng sau hình ảnh nhà ta và nhà lầu, Phạm Thuận Thành mang đến tâm trạng bâng khuâng trước bộn bề cuộc sống. Ngôi nhà ba gian hai chái là hình ảnh biểu hiện cuộc sống của ông cha xưa dù khó khăn thiếu thốn vẫn cưu mang đùm bọc, chăm lo giữ gìn mọi mặt tốt đẹp. Trong dòng chảy của làng lên phố, của đô thị đừng để mất mát truyền thống văn hóa, ứng xử của người quê xưa”. Thuận Thành, miền quê văn hiến, nơi có Lăng Kinh Dương Vương, nơi phát tích Phật giáo, phát tích nền Hán học, quê hương của Sái Thuận, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Quyền, Hoàng Cầm quả là lắm tài văn thơ kế tiếp.

Với Nỗi lòng trong thơ lục bát nhà văn Nguyễn Khắc Đàm đã thể hiện rõ “nỗi lòng” với thơ lục bát, với các tác giả tiêu biểu của thơ ca Việt Nam hiện đại, với các tác giả quê hương Bắc Ninh và quê hương Thuận Thành. Hãy trân trọng tấm lòng ấy và mong có thêm nhiều tấm lòng yêu quý thơ lục bát thể hiện như thế!

                                                                                                                                                                                                   PHẠM THUẬN THÀNH