Trang chủ VĂN HIẾN BẮC NINH - KINH BẮC

NGƯỜI QUAN HỌ TRỌNG NHAU VÌ NẾT MẾN NHAU VÌ TÌNH
15:50 | 12/05/2021

Dân ca Quan họ (QH) là di sản văn hóa kết tinh những giá trị của nền văn hiến Kinh Bắc - Bắc Ninh. Dân gian lưu truyền Vua Bà được thờ ở Đền Vua Bà, tại làng Diềm (Khu Viêm Xá, phường Hoà Long, TP Bắc Ninh) là thủy tổ của lối sinh hoạt văn hóa QH. Quần thể các làng QH gốc gồm 44 làng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và 5 làng trên địa phận tỉnh Bắc Giang. Tại các làng QH gốc có nhiều nghệ nhân QH có bề dầy vốn liếng trong lề lối chơi QH, thuộc hàng trăm giọng QH khác nhau.      

Tập quán “Chơi QH” là một loại sinh hoạt văn hóa cộng đồng thể hiện mối quan hệ riêng của người Bắc Ninh, ở đó có những qui định chặt chẽ. Các liền anh, liền chị chỉ được phép “kết bạn” với nhau mà không dẫn tới hôn nhân. Đó là mối quan hệ gắn kết giữa “bọn QH” nam làng này với “bọn QH” nữ làng kia theo nguyên tắc “âm dương tương cầu”. Và họ kết thân với nhau song luôn hướng tới chuẩn mực đạo đức của xã hội phong kiến đề ra: “Trai thời trung hiếu làm đầu, gái thời tiết nghĩa làm câu răn mình”. 

Chơi QH là một sáng tạo nghệ thuật riêng có của người Bắc Ninh, đó là hình thức hát đối đáp giữa “bọn nam QH” làng này hát đối đáp đáp với “bọn nữ QH” làng kia. Họ chỉ hát với nhau khi đã kết bạn với nhau, không hát đôi đáp với những người chưa kết bạn (trừ trường hợp bọn QH này chưa có bạn kết muốn làm quen với bọn QH khác). Hiện nay các nhà nghiên cứu, các nhạc sỹ và các nghệ nhân thống kê có tới hơn 200 giọng dân ca QH (hay còn gọi là làn điệu), tương ứng với hơn 200 giọng đối lại, như vậy tổng số có gần 500 bài. 

Sự tinh tế trong lề lối chơi QH không những biểu hiện ở độ vang, rền, nền, nảy… hay ở cách buông câu, nhả chữ trong khi hát mà còn thể hiện ở cung cách ứng xử bạn chơi một cách rất trọng thị, nồng hậu, lịch lãm, luôn khiêm nhường và “nâng” bạn chơi lên. Do đó trong dân ca QH có câu hát rất mực tự hào về truyền thống văn hóa của địa phương mình:

Trong tứ trấn người đà chưa tỏ

Ngoại năm thành chỉ có Bắc Ninh

Yêu nhau trở lại xuân đình

Nghề chơi Quan họ có tinh mới tường.

Đó là một câu ca nói lên niềm tự hào của người Xứ Bắc, một vùng đất nổi tiếng với những con người thanh lịch, nơi sinh ra những làn điệu dân ca QH mượt mà, đượm chất trữ tình làm say đắm lòng người. 

Tại hội nghị ngày 8/3/1962 các đại biểu nghệ nhân QH lão thành và nổi tiếng ở Bắc Ninh cho biết có tất cả 49 làng, trong đó Bắc Ninh 44 làng, Bắc Giang có 05 làng. Các làng nếu đã kết chạ với nhau thì trai gái các làng này không được kết duyên thành vợ chồng, vì đã coi nhau như họ hàng. Tuy nhiên Bắc Giang có 05 làng QH, nhưng từ xưa đều gọi chung là QH Bắc Ninh, bởi địa lý văn hóa không bao giờ phụ thuộc vào địa giới hành chính. 

Hễ cứ đến mùa xuân là các làng QH ở xứ Bắc lại đua nhau tổ chức lễ hội. Trong các hội làng thường tổ chức các trò chơi dành cho con trai thi mạnh (như đánh vật, kéo co, cướp cầu…); Con gái thi mềm  (như thi dệt vải, thi nấu cơm…). Nhưng đặc sắc hơn cả là có phong tục hát đối đáp QH. Hội làng thực sự là nơi để người dân được giao lưu tình cảm và cũng là mảnh đất tươi tốt để cho nghệ thuật ca hát của các tầng lớp nhân dân được đề cao, khuyến khích và phát triển. Nếu như đạo đức phong kiến Nho giáo xưa thường cấm trai gái không được kết thân với nhau (nam nữ thụ thụ bất thân), thì trong những ngày hội làng ở vùng Kinh Bắc, nam nữ lại được phép quây quần, hội tụ bên nhau với nhiều trò chơi như đu bay, bịt mắt bắt dê, cờ người… Đặc biệt trong ca hát QH thì nhất thiết phải là nam QH làng này kết bạn với nữ QH làng kia mới được phép ca đối đáp với nhau. 

Có lẽ tín ngưỡng dân gian cho rằng nếu cấm tiệt các trò chơi có mối quan hệ âm dương tương cầu trong lễ hội sẽ ảnh hưởng đến mùa màng (mất mùa) và đời sống sinh hoạt của cộng đồng trong cả năm. Thế cho nên ở các làng QH không những người ta cho phép trai gái kết bạn với nhau. Nhưng trong văn hóa ứng xử người QH luôn có tinh thần tôn trọng phụ nữ. Mặc dù xã hội phong kiến xưa cấm đàn bà con gái tham gia vào việc tế lễ, người ta sợ phụ nữ tham gia vào phần lễ sẽ bị xúi (xái), nhưng tại các làng QH, các liền chị cùng với các liền anh lại được vào đình làng để hát thờ thành hoàng. Các liền anh QH không bao giờ gọi các liền chị QH là em, là cô… mà gọi bằng chị Hai, chị Ba, chị Tư… bằng người ngoan, người ơi, hay QH ơi… Rồi xưng “em” với các liền chị. 

Người ta không gọi là đi “hát QH” mà gọi là đi “chơi QH”. Chơi QH ngoài mục đích ca đối đáp nam nữ, còn để giao lưu tình cảm lâu dài và duy trì các mối quan hệ trong cuộc sống. Sinh hoạt QH là thể hiện tình cảm thủy chung trước sau như một giữa các cặp kết bạn, kết nghĩa. Những chuẩn mực đạo đức Nho giáo cũng được đưa vào lời ca QH “Trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết nghĩa làm câu răn mình”. Kết bạn mà không được yêu nhau, càng không được dẫn đến hôn nhân, nếu như các làng đó đã kết chạ với nhau. Cặp đôi nào vi phạm một trong những điều này sẽ bị dư luận làng xã lên án, sẽ phải từ bỏ cuộc chơi vĩnh viễn, không có “bọn QH” nào (từ dùng trong QH cổ) dám kết nạp lại người đã vi phạm (luật chơi) vào bọn QH của mình nữa vì sợ bị xái (xúi). Chính vì thế mà các liền chị luôn được cha mẹ đẻ, cha mẹ chồng hoặc chồng tạo điều kiện thuận lợi để được đi chơi hội. “Chơi xuân kẻo hết xuân đi/ Cái già xồng xộc nó thì đến nơi”. Chơi QH cho dầy vốn liếng,  đến khi tuổi cao sức yếu không đi chơi được nữa thì làm bà “chứa”(1), làm bà “trùm”(2)  truyền dạy cho con cháu trong họ, ngoài làng… Được làng xã tôn trọng, nhưng các liền anh, liền chị rất ý tứ trong từng đường ăn, ý ở, từ ánh mắt, nụ cười cho đến cách đi đứng, nói năng. Các chị luôn nhắc nhở nhau phải xử sự sao cho thật nền nã. Vậy nền nã không chỉ biểu hiện trong lời ca tiếng hát mà còn thể hiện ở sự tình tứ, sự vừa độ trong văn hóa ứng xử của người phụ nữ Việt nói chung, của các liền chị QH nói riêng.

Hát hay chỉ là một trong những tiêu chuẩn của các liền anh, liền chị QH, tham gia chơi QH đòi hỏi các liền anh, liền chị luôn đối xử với nhau thật chân thành, trong sáng, lành mạnh mới có thể hòa mình vào cuộc chơi. Có như thế các liền chị mới không bị gia đình và làng xã ngăn cấm, các chị luôn được khuyến khích, động viên để tham gia vào cuộc chơi. Người dân xứ Bắc từ xưa đến nay vẫn cho rằng chơi QH là thú chơi tao nhã, quan hệ giữa các “bọn QH”  luôn trọng nhau vì nết, quý nhau vì tình, đó là giá trị gốc của nền văn hiến Kinh Bắc. 

Du khách bốn phương khi về Bắc Ninh tham dự lễ hội tại các làng QH luôn tỏ bày những cảm nhận thật chí nghĩa, chí tình: 

Tôi đi khắp bốn phương trời

Không đâu thanh lịch bằng người ở đây

Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, cho đến nay dân ca QH Bắc Ninh vẫn được nhiều khán, thính giả trong nước và nước ngoài ưa chuộng. Dân ca QH ngày nay không dừng lại ở 49 làng như trước đây mà đã lan tỏa ra nhiều làng xã trong tỉnh cũng như các địa phương ngoài tỉnh tìm hiểu, học hát và nghiên cứu. Với những giá trị quí báu đó, Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 30/9/2009.

                                                                                                                                                                                                                           ĐỖ HỮU BẢNG

 

 

(1) “Chứa”: Là những từ ngữ cổ của người Việt, chứa là người có nhà rộng rãi cho một “bọn” Quan họ (cách gọi một tổ chức Quan họ cơ sở) trong làng thường xuyên đến tập luyện, rồi ngủ bọn tại đó.

(2)“Trùm”: Là người đứng đầu bọn Quan họ đó.