Trang chủ VĂN HIẾN BẮC NINH - KINH BẮC

NGHỆ NHÂN TRANH ĐÔNG HỒ - NGUYỄN THỊ OANH ĐƯỢC VINH DANH
14:08 | 13/01/2021

Tranh dân gian Đông Hồ là một dòng tranh lâu đời của Việt Nam với những giá trị nội dung và nghệ thuật độc đáo. Những bức tranh Đông Hồ vừa chân chất, dân dã, vừa sâu sắc, triết lý được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, đến nay đã trở thành một nét bản sắc của văn hóa dân tộc. Với lịch sử phát triển gần 5 thế kỷ, tranh dân gian Đông Hồ có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của mỹ thuật truyền thống, tạo nguồn cảm hứng cho các sáng tạo nghệ thuật đương đại, đi vào văn chương, thi ca, nhạc họa của Việt Nam. Qua mài giũa của thời gian, tranh dân gian Đông Hồ ngày nay đã trở thành một viên ngọc sáng lấp lánh của mỹ thuật dân tộc, thứ ánh sáng được tạo nên bởi trí tưởng tượng bay bổng, tư duy nghệ thuật thuần khiết và đôi tay tài hoa của các nghệ nhân dân gian. 

Nghệ nhân tranh Đông Hồ Nguyễn Thị Oanh đón nhận danh hiệu nghệ nhân ưu tú 

tại Cung văn hóa Lao động Hữu hghị Việt - Xô

Về nội dung tư tưởng, tranh dân gian Đông Hồ vừa đáp ứng những nhu cầu văn hóa tinh thần, tín ngưỡng, tâm linh và cảm thụ nghệ thuật của nhân dân, vừa chứa đựng những nội dung giáo dục lịch sử, phong tục, tập quán, đạo đức, nhân cách của con người trong cuộc sống thường ngày.

Về nghệ thuật, tranh dân gian Đông Hồ thể hiện những quan niệm nghệ thuật và đặc trưng thẩm mỹ rất riêng của đồ họa dân gian với cách tạo hình mộc mạc, giản dị, đậm đà bản sắc. Về kỹ thuật chế tác, tranh dân gian Đông Hồ hoàn toàn được làm bằng phương pháp thủ công, sử dụng các chất liệu sẵn có trong thiên nhiên, thân thiện với môi trường. Giấy làm tranh được làm từ cây dó ở trên rừng, người ta lấy vỏ cây dó cạo sạch lớp vỏ ngoài, lột bỏ lớp vỏ trong sau đó đem phần còn lại của cây dó ngâm xuống nước vài ngày, vớt lên mang về bẻ nhỏ lấy chân đạp kỹ, vỏ cây tiết ra bột nước rồi seo lên thành giấy. Mầu trắng được chế từ mai con Điệp ở dưới biển, đặc điểm của mầu trắng Điệp óng ánh, lấm tấm như vẩy bạc. Mầu đỏ vang được chế từ cây gỗ vang trên rừng,mầu son lấy từ  hòn son nhặt trên núi tán nhỏ, mầu vàng được chiết xuất từ hoa hòe  hoặc hạt cây dành dành, mầu đen lấy từ than lá tre khô…

Với những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc như vậy, tranh dân gian Đông Hồ thực sự là một di sản văn hóa quý giá của dân tộc, rất cần được quan tâm bảo vệ, giữ gìn và phát huy.

 Trong những năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều chủ trương, biện pháp bảo tồn và quảng bá nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, như tiến hành kiểm kê, tổ chức sưu tầm bản khắc in tranh phục vụ cho công tác nghiên cứu và trưng bày, ban hành các chính sách hỗ trợ nghề thủ công truyền thống, tuyên truyền, giới thiệu về nghề làm tranh dân gian Đông Hồ tại các Hội chợ, triển lãm, trên hệ thống thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương…

 Ngày 7/12/2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định số 5079/QĐ - BVHTTDL về việc Công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt 1) gồm 33 di sản, trong đó có nghề làm tranh dân gian Đông Hồ. Ngày 7/2/2013, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có Văn bản số 472/BVHTTDL - DSVH về việc Xây dựng hồ sơ khoa học Di sản văn hóa phi vật thể “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Để tiếp tục tuyên truyền, quảng bá nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh năm 2013 đã xuất bản cuốn sách “Bảo tồn văn hóa làng tranh dân gian Đông Hồ”. Đến năm năm 2019, Sở tiếp tục phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức triển lãm “Tranh dân gian Đông Hồ: Xưa và Nay” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ và phát huy giá trị tranh dân gian Đông Hồ trong đời sống đương đại” tại thành phố Bắc Ninh. Hiện nay Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh đang triển khai xây dựng Trung tâm bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ tại thôn Đông Khê (làng Đông Hồ xưa), xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Chung tay cùng với chính quyền và các cơ quan hữu quan, các nghệ nhân của làng tranh Đông Hồ cũng có nhiều đóng góp công sức, trí tuệ trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa nghề làm tranh dân gian, trong đó tiêu biểu là nghệ nhân Nguyễn thị Oanh, nữ  nghệ nhân ưu tú đầu tiên của làng tranh dân gian Đông Hồ, nữ nghệ nhân ưu tú đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh về lĩnh vực thủ công mĩ nghệ.

 Nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh sinh năm 1960 tại làng Đông Hồ thôn Đông Khê xã Song Hồ huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh, sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm tranh dân gian lâu đời, lúc còn nhỏ được mẹ đẻ dìu dắt hướng dẫn, khi trưởng thành được bố chồng chỉ bảo truyền dạy do đó bà đã thành thục và nắm chắc quy trình sản xuất tranh dân gian Đông Hồ. Là người yêu nghề và gắn bó với nghề nhiều năm, 60 tuổi bà đã có 50 năm sưu tầm, sáng tạo, sản xuất tranh dân gian.

 Từ năm 2010 nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam (bố chồng nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh) tuổi cao sức yếu đã giao lại cho nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh toàn quyền điều hành cơ sở sản xuất tranh dân gian của gia đình. Bà vừa điều hành chỉ đạo, tổ chức duy trì các hoạt động sưu tầm và sản xuất tranh dân gian, vừa sáng tác một số tranh theo đề tài mới như: tranh chùa Dâu, tranh chùa Bút Tháp, tranh phật A di đà... Bà còn tích cực tham gia một số hoạt động lớn của quốc gia và quốc tế như: Tham Gia trưng bày sản phẩm tiêu biểu và trình diễn nghề làm tranh dân gian Đông Hồ tại Bảo tàng dân tộc học phục vụ các đại biểu dự hội nghị APEC năm 2006, đã tham dự Festival Quảng Nam lần thứ V năm 2013 (có nhiều nước trên thế giới tham gia); Tham dự triển lãm Quốc tế Các sản phẩm từ giấy của các nước ASEAN năm 2013, trưng bày các sản phẩm tiêu biểu và trình diễn nghề làm tranh dân gian Đông Hồ tham dự chương trình hoạt động nhân sự kiện Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới IPU- 132 tại làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, tham gia trưng bày các sản phẩm tiêu biểu và trình diễn làm tranh dân gian Đông Hồ trong chương trình giao lưu văn hóa với Nữ Đại sư và phu nhân Đại sứ tại Tiên Du - Bắc Ninh năm 2015… Bà đã có tranh tham dự thi và nhiều lần lọt vào vòng chung khảo và đã đạt một số giải thưởng lớn như:” sản phẩm được nhiều người yêu thích nhất” tại triển lãm làng nghề năm Du lịch quốc gia Đồng Bằng Sông Hồng- Hải Phòng năm 2013; giải vàng Fesival Bắc Ninh năm 2014; đoạt giải A báo Nông thôn ngày nay năm 2015, đoạt giải nhì (cuộc thi không có giải nhất) cuộc thi thiết kế sản phẩm du lịch năm 2019. Bà đã được Bộ trưởng Bộ VHTT& DL tặng kỉ niệm chương, được phong tặng “nghệ nhân làng nghề Việt Nam”, “Nghệ nhân tỉnh Bắc Ninh”. Được tặng nhiều bằng khen: “Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL”, “Bằng khen của chủ tịch UBMT Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Bắc Ninh”, “Bằng khen của Chủ tịch UBNN tỉnh Quảng Nam”, “Bằng khen của Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh”. Được tặng nhiều giấy khen và giấy chứng nhận khác.

 Đặc biệt ngày 29 tháng 10 năm 2020 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CH XHCN Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã kí quyết định số 1886/QĐ-CTN vê việc phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” cho 72 cá nhân trong đó có nghệ nhân tranh dân gian Đông Hồ Nguyễn Thị Oanh. Tối 15 tháng 12 năm 2020 Bộ Công thương tổ chức lễ truy tặng, phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” cho 77 nghệ nhân một số tỉnh thành trong cả nước. Tỉnh Bắc Ninh có 11 nghệ nhân ưu tú được vinh danh trong đợt này, trong đó có nghệ nhân tranh dân gian Đông Hồ Nguyễn Thị Oanh và bà trở thành nữ nghệ nhân đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh trong lĩnh vực thủ công mĩ nghệ./.

                                                                                                                                                                                                                                        NGUYỄN HỮU HOA