Trang chủ VĂN HIẾN BẮC NINH - KINH BẮC

NGHỆ NHÂN QUAN HỌ NGUYỄN ĐỨC SÔI
14:48 | 28/03/2019

       Theo chân câu Quan họ "Nhớ mãi khôn nguôi" đầy ám ảnh, níu giữ đến day dứt lòng người do ông sáng tác; xuân nay - khi đất Bắc Ninh tưng bừng vào mùa hội - tôi bỗng muốn kể về ông - một con người đã đặt làn bẻ điệu cho bao câu Quan họ - cho dòng dân ca di sản trường tồn và lan toả trên vùng Kinh Bắc - Bắc Ninh. Đây cũng có thể coi như một lời tri ân, một vĩ thanh, một nén nhang thắp nhớ về ông giữa mùa đông hội.    

         Theo chân nghệ sĩ ưu tú Lệ Ngải, con gái thứ ba của nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi tôi về làng Ngang Nội, xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh - quê hương của nghệ nhân, nghệ sĩ sáng tác dân gian, người thầy truyền dạy Quan họ Nguyễn Đức Sôi. Căn nhà xưa của nghệ nhân vẫn được con cháu bảo lưu nguyên trạng như khi ông sống. Thắp nén nhang trước ban thờ và di ảnh của ông, lần giở những tấm ảnh gợi bao kỷ niệm về nghệ nhân trong ngôi nhà, câu chuyện về người đã xa cứ dần trở lại bên tách trà nóng, trong hơi xuân ấm nồng, thoảng hương trầm và mùi hoa bưởi, hoa chanh vườn nhà. Nghệ sĩ ưu tú Lệ Ngải  kể: Cho đến tận lúc cuối đời, Bố tôi vẫn đắm đuối với Quan họ. Bố tôi vẫn bảo anh chị em chúng tôi: Các con cố gắng mà gìn giữ những câu hát của cha ông. Quý lắm đấy. Mặc dù lúc đó, Quan họ chưa nổi như bây giờ, thế mà bố tôi vẫn bảo: Rồi đây cả thế giới sẽ phải biết đến Quan họ. Vì Quan họ nó hay lắm, độc đáo lắm..  

Ngang Nội là một trong 49 làng Quan họ gốc của đất Kinh Bắc, đồng thời cũng là làng Chèo. Người làng Ngang từ khi sinh ra đã được nuôi dưỡng bằng mạch nước, chất đất và ảnh hưởng truyền thống nghệ thuật ca hát của làng. Người xưa bảo, làng nằm trên phần đuôi dải đất của hình con Rồng, có nguồn nước chảy từ trên đầu rồng tụ lại ở phần cuối, nên các giếng của làng không bao giờ hết nước, luôn trong mát, ngọt lịm. Mạch thủy như dòng Cam lồ ấy là phúc phần tạo nên cuộc sống, tạo nên chất men nghệ thuật luôn dạt dào trong tâm hồn mỗi người dân nơi đây; đồng thời cho người làng Ngang chất giọng đặc trưng riêng có. Ngay từ khi còn trai trẻ, nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi đã có chân trong gánh hát Chèo của làng. Điều đó đã tác động và tạo nên bản sắc riêng trong các bài bản Quan họ do ông sáng tác, khi ông thường vận dụng các câu hát, làn điệu Chèo vào Quan họ. Với năng lực chuyên môn của mình, ông được mời dạy hát cho diễn viên Đoàn Dân ca Quan họ ngay từ khi đoàn mới thành lập. Tiếp đó, truyền dạy Quan họ tại Trường Văn hóa Nghệ thuật Hà Bắc. Bao lớp nghệ sĩ Quan họ thành danh, hoạt động chuyên nghiệp tại Đoàn DCQH Hà Bắc trước đây, Nhà hát DCQH Bắc Ninh hiện nay đều được thầy Sôi “cho vốn”; và họ luôn kính quý người thầy sống khiêm nhã nơi làng quê Ngang Nội. Nghệ sĩ ưu tú Phạm Đăng Mùi (Xuân Mùi) - lớp diễn viên đầu tiên của Đoàn Dân ca Quan họ Hà Bắc, cũng là lứa học trò đầu tiên được nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi truyền dạy bài bản Quan họ - đến giờ vẫn vô cùng trân trọng người thày của mình mỗi khi nhắc đến. Nghệ sĩ khẳng định: Nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi là một trong 3 nhân tố - mà tôi gọi là “cỗ xe tam mã” - chở Quan họ từ gốc đa, mái làng ra với công chúng trong nước và quốc tế bằng chính tâm huyết, mồ hôi nỗ lực của mình. Ba nhân tố đó là ông Hồng Dương - nguyên Gám đốc Sở VH Hà Bắc - người quyết định xây dựng Đoàn DCQH, cụ Nguyễn Văn Siêu, nguyên Trưởng đoàn DCQH Hà Bắc - người trực tiếp tuyển chọn các thành viên đầu tiên khi xây dựng Đoàn DCQH; và cụ Sôi với vai trò nghệ nhân truyền dạy, người sáng tác, và người truyền cảm hứng Quan họ tới các thế hệ học trò là các nghệ sĩ ca Quan họ trong Đoàn, cũng như các nghệ sĩ dân gian các làng quê trong tỉnh.. Họ đã thành người thiên cổ, nhưng di sản họ để lại vẫn toả sáng cùng dòng dân ca đã được cả thế giới vinh danh Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Box dữ liệu: 

Nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi (1912 - 1997), quê ở làng Ngang Nội, xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Đảng viên Đảng CS Việt Nam (từ 2/8/1948). Từng giữ chức Chủ tịch UBHC xã Hiên Vân, Bí thư Đảng uỷ xã Hiên Vân. Thành tích: Huân chương Kháng chiến hạng 3 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 25/1/1961; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng ký ngày 10/9/1966; Bằng khen của Bộ Văn hoá ngày 19/6/1973 cho công lao sưu tầm, truyền dạy Quan họ.

      Trong thời gian giảng dạy, và những năm tháng đã nghỉ ngơi, lòng ham say Quan họ đã đưa nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi tới nhiều làng Quan họ gốc để kiếm tìm, học hỏi, sưu tầm ở các nghệ nhân có tên tuổi, những anh hai, chị hai nổi tiếng. Do vậy, ông rất tinh hiểu về sinh hoạt văn hóa Quan họ và thông thuộc hàng trăm làn điệu Quan họ với những phong cách khác nhau. Chính những hoàn cảnh trên là điều kiện cơ bản tạo nên những thành công của nghệ nhân, nghệ sĩ sáng tác dân gian Nguyễn Đức Sôi. Từ những năm 60 (của thế kỷ XX) đến khi từ giã cõi đời, cùng với việc cải biên, ông đã sáng tác gần 40 bài Quan họ. Qua thời gian và không gian, những bài Quan họ ấy đã hòa nhập vào vốn cổ truyền, thành hợp phần của dòng dân ca di sản. Nghệ sĩ ưu tú Phạm Đăng Mùi chia sẻ: Nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi là một kỳ tài - tôi có thể nói như vậy. Với một người học hành cơ bản, phải hàng chục năm mới có thể nắm vững các kiến thức âm nhạc, chứ chưa nói đến là có thể sáng tác các tác phẩm âm nhạc. Vậy mà cụ Sôi - người chẳng hề qua trường lớp nào - chỉ bằng tình yêu,đam mê Quan họ và năng khiếu bẩm sinh của mình, lại có thể sáng tác mấy chục bài Quan họ. Mà đó hoàn toàn bằng lối nhập tâm, tức là cụ nghĩ ra ca từ, giai điệu và nhập lòng từng câu.. Đó là điều chúng tôi vô cùng kính phục cụ.

      Chắp nối qua câu chuyện và những điều đã được kể, được nói về nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi, có thể thấy đóng góp của ông với kho tàng Dân ca Quan họ thật không hề nhỏ. Nhà nghiên cứu văn hóa Quan họ Lê Danh Khiêm từ những năm 90 của thế kỷ trước đã cất công ghi âm toàn bộ các bài bản do nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi sáng tác mới, đặt lời, chỉnh lý.. đã cho biết về những đóng góp của nghệ nhân: Qua nghiên cứu, chúng tôi có thể chia thành 3 mảng: - Những bài sáng tác mới cả về lời và giọng (giai điệu âm nhạc);- Những bài bản sáng tác để đối lại những bài Quan họ cổ trước đó chưa có người đối; - Và nghiên cứu, chỉnh lý, cải biên một số bài Quan họ cổ. Trong đó, phần sáng tác mới tiêu biểu của nghệ nhân phải kể đến: “Ăn ở trong rừng”, “Con sông Vị Thuỷ”, “Nhớ mãi không nguôi”... Sáng tác đối có thể kể: “Réo rắt chim oanh” đối lại bài “Thân lươn bao quản lấm mình”. “Cạn chén trăng thề” đối lại bài “Đêm qua nhớ bạn”. Bài “Bóng xế non đoài” là sáng tác mới cho chặng giã bạn, đối lại bài “Con nhện giăng mùng”v.v… Trong nghiên cứu, chỉnh lý, cải biên một số bài Quan họ cổ, đáng nói và thành công nhất của nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi là bài “Ngồi tựa mạn thuyền”. Từ thể thơ 4-8, ông đã chỉnh lý thành thơ lục bát: Đêm qua ngồi tựa mạn thuyền/Trăng in mặt nước càng nhìn càng xinh/Nhác trông sơn thuỷ hữu tình/Thơ ngâm ngoài lái, rượu bình trong khoang/Đôi tay tôi dạo cung đàn/Tiếng tơ, tiếng trúc, tiếng trầm thiết tha… Ở đây, ông đã thêm vào các từ: Đêm qua, Nhác trông, Đôi tay trong các câu 6 chữ vốn trước đây chỉ gồm 4 chữ. Đồng thời, nâng cung sau cao hơn để thay đổi sắc thái biểu cảm của bài hát trong phần nhạc, khi mà trước đó các nơi đều hát ở trổ đầu cả trên và dưới đều một cung. Sự chỉnh lý, cải biên nói trên đã có hiệu quả thực tế, được sự tiếp ở tất cả mọi nơi, mọi người, kể cả diễn viên chuyên và không chuyên. Việc vận dụng nhiều câu ca dao, thơ Truyện Kiều và thơ của các truyện nôm khuyết danh nổi tiếng khác để đưa vào sáng tác của nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi là đặc điểm dễ thấy. Bên cạnh đó, ông còn tiếp thu và cải biên những làn điệu của Chèo để sáng tạo các bài bản Quan họ. Điều này phù hợp với đặc điểm chung, dễ tìm thấy ngay cả trong thủ pháp sáng tác nhiều bài Quan họ truyền thống. Bởi ở những mức độ khác nhau - thông qua vai trò của người sáng tạo - Dân ca Quan họ truyền thống vốn đã tiếp thu nhiều làn điệu, âm điệu, nét nhạc của các loại hình dân ca, nhạc cổ khác để làm giàu cho vốn của mình. Ví như tiếp thu từ Chèo, Tuồng, từ các điệu Lý vùng Trung và Nam Bộ, từ Chầu văn v.v… Nghệ sĩ Lệ Ngải kể: Cho đến tận những ngày cuối cuộc đời, cha tôi vẫn đau đáu nỗi niềm mong sao Quan họ không chỉ được phổ tầm ảnh hưởng rộng khắp trong đời sống tinh thần cộng đồng; mà luôn được các thế hệ người chơi Quan họ chải chuốt, làm đẹp, làm phong phú thêm bằng sự hiệu chỉnh cho đẹp hơn,và bằng những bài bản sáng tác mới, như cha tôi đã từng làm. 

      Tôi đã nghe nhiều lần câu Nhớ mãi khôn nguôi của nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi sáng tác do Nghệ sĩ Nhân dân Thuý Hường ca. Ở đó, câu Chèo luyện cung (lề lối) và sự liên kết, cải biên hợp lý âm điệu của các bài Quan họ cổ trong chặng giã bạn.. đã được chuyển hoá, kết hợp để tạo nên những cung bậc tình cảm phong phú, tạo hiệu quả nhớ thương da diết khi dứt áo ra về. Đó là cái tình cảm bâng khuâng dở tỉnh dở say “tỉnh ra mới biết là mình chiêm bao” của người Quan họ đối với người bạn hát của mình.

       Nói đến dân ca là nói đến loại hình nghệ thuật ra đời bởi tâm hồn, tình cảm và trí tuệ dân gian.. hình thành trong quá trình sống, định hình và lưu truyền qua thời gian và không gian. Những sáng tạo này thường mang tính tập thể cao, và hầu như không xác định được cụ thể tên tác giả. Tuy nhiên, trường hợp những sáng tác của nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi lại rất đặc biệt, được nhiều người biết đến. Hoạt động sáng tác, cải biên chỉnh lý của nghệ nhân đã chứng tỏ lòng yêu say và sự am hiểu sâu sắc về văn hóa Quan họ, từ lề lối sinh hoạt tới ca hát; sự thông thuộc, thông hiểu bài bản Quan họ cổ của ông. Đồng thời, cũng tường minh một cách sinh động rằng: Ông cũng như bao nghệ nhân dân gian trên vùng quê Kinh Bắc hoàn toàn có đầy đủ điều kiện và khả năng để giữ gìn và làm giàu thêm vốn tài sản văn hóa tinh thần vô cùng quý giá của quê hương.

      Xuân nay, thắp nén nhang tưởng nhớ nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi nơi quê nhà Ngang Nội, nghe nghệ sĩ Lệ Ngải và các liền anh, liền chị từng theo học ca những câu Quan họ do ông sáng tác, chợt như hư ảo trong khói hương hay sương mỏng xuân nồng hình ảnh ông trong thước phim ngày nọ tôi từng ghi khi ông ngồi nắn câu Quan họ cho các thế hệ học trò theo học: Sa chân bước xuống mạn đò/ Sông sâu sào ngắn khôn dò tới nơi.. Ông bảo, chữ mạn ấy phải hát sao cho ra, phải nghiêng giọng, như sự chòng chành của con đò khi chân người lữ khách bước lên.. Bất giác, tôi thầm hỏi, con đò nào đã đưa ông trên dòng sông vô định về miền xa khuất ấy? Và bước chân người lữ khách là ông giờ phiêu diêu chốn cõi tiên nào?. Đời người như bóng chớp, như giọt sương đầu ngọn cỏ trước gió. Nhưng trong cái hữu hạn ngắn ngủi đời người, ông đã để lại cho chúng ta một di sản không hề ít ỏi; để góp vào, định hình, định giá một dòng di sản trên vùng đất Quan họ Kinh Bắc - Bắc Ninh.

                                                                                                                                                                             LÊ THỤ ÂN