Trang chủ TÁC GIẢ - TÁC PHẨM

MỐI TÌNH THƠ MỘNG BÊN SÔNG CẦU VÀ BÀI CA ĐI CÙNG NĂM THÁNG
14:16 | 28/07/2020

Sông Cầu, con sông của người Quan họ đã dệt nên mối tình nồng thắm giữa chàng trai Xứ Đoài với cô thôn nữ Xứ Bắc, mối tình thơ mộng ấy đã xe duyên giữa thơ và nhạc để lại cho đời một nhạc phẩm sống mãi cùng thời gian.

Trong cuộc gặp mặt giới thiệu xuất bản tập thơ mới của một người bạn, biết tôi là người Bắc Ninh, Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo thân mật kể về hoàn cảnh ra đời của ca khúc Tình yêu bên dòng sông Quan họ, một ca khúc gắn liền với tên tuổi của Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Hoa và chính Thanh Hoa đã chắp cánh cho thơ và nhạc trong Tình yêu bên dòng sông Quan họ bay cao, bay xa, nhẹ nhàng len lỏi vào tâm khảm và đọng lại trong lòng thính giả, khán giả cả nước suốt hai thập niên cuối của thế kỷ trước. 

Ông cho biết: Bài hát Tình yêu bên dòng sông Quan họ, do Phan Lạc Hoa phổ nhạc bài thơ Đêm sông Cầu của Nhà thơ Đỗ Trung Lai. Nhạc sĩ Phan Lạc Hoa chuyển cho vợ là Thanh Hoa hát và in vào đĩa, nhưng từ lần phát hành đĩa hát đầu tiên, tên tác giả phần lời đã bị in nhầm trên cả bìa đĩa và vòng đĩa là... Chu Lai, có lần Thanh Hoa giao lưu tại Nhà văn hóa Học sinh - Sinh viên Hà Nội, cũng giới thiệu tác giả là... Chu Lai, sau khi hát xong, Thanh Hoa phải trở lại sân khấu để “đính chính”  với khán giả.

 Nhà thơ Đỗ Trung Lai quê huyện  Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây cũ, sông Cầu là nơi ghi dấu mối tình thơ mộng của ông. Đó là mối tình giữa ông với người mà ông đã ghi trên đầu bài thơ “Tặng Thoa”, chính là vợ ông bây giờ.

Cuối thập kỷ 70, ông đang là giáo viên dạy Vật lý ở Trường Văn hóa quân đội đóng tại Lạng Sơn, Thoa là tân binh, được cử lên học bổ túc văn hóa tại trường. Một lần bạn ông nói khích: “Cô kia xinh quá, thách mày tán được đấy”. Ông nghĩ mình cứ liều “cưa”, không ngờ nàng “đổ” thật. Yêu nhau 6 năm, nhiều lần gặp nhau, đúng là lần nào cũng vội, nên chẳng đủ gần mà giận dỗi. Ba năm đầu, Thoa là lính nghĩa vụ đóng ở Bắc Ninh, ông toàn phải giả vờ xuống đơn vị ấy thăm một anh bạn, nhờ anh ấy “nháy” Thoa ra gặp. Mấy lần dạo chơi ven đê sông Cầu, con sông êm đềm, nước trong xanh nhìn rõ những hòn đã cuội và những hạt cát mịn màng, những đêm trăng sáng sao trời lấp lánh rơi đầy mặt sông…hình ảnh lãng mạn ấy như chắp thêm đôi cánh cho tình yêu đôi lứa thăng hoa, đằm thắm, mặn nồng. Năm 1980, khi đang ngồi trên chuyến tàu hỏa từ Hà Nội lên Bắc Ninh thăm người yêu, tâm hồn ông rạo rực, nhớ về những kỷ niệm đã hằn sâu trong ký ức, thôi thúc ông viết nên bài thơ Đêm sông Cầu,  lời thơ chân thực giản dị, mô tả khá chi tiết “lộ trình” đi tới trái tim: “Anh qua sông Hồng, sông Đuống/Mùa mưa bọt nước đỏ ngầu/ Không biết ở nơi em ở/ Êm êm một khúc sông Cầu…” và “Sao trời lọt qua mắt lưới/ Rơi đầy xuống cả mặt sông/ Con sông của người Quan họ/ Suốt đời nước chảy lơ thơ/ Em ơi! Em là cô gái / Từ lâu anh đợi anh chờ”...

Mang hình bóng người thiếu nữ duyên dáng, hiền thục đậm đà bản sắc Kinh Bắc ra mặt trận, con tim nhà thơ luôn rộn lên những hoài niệm, trào dâng tình cảm thiết tha và sâu lắng. Bên dòng sông ấy “Tình đã trao nhau êm đềm/Mà vẫn mắt nhìn bối rối / Sông Cầu khi đầy khi vơi/ Chảy ngang qua câu quan họ/ Ướt đầm vạt áo bao người/ Vạt thương ướt cùng vạt nhớ/ Em nói nhẹ như hơi thở/ Anh nghe để nhớ suốt đời… Ngày mai chắc là nhiều nắng/ Nên sao giăng khắp trên đầu/ Ngày mai trấn miền ải Bắc/ Tựa lưng vào đêm sông Cầu”.

 Mấy bạn đồng nghiệp là phóng viên quân đội khuyên ông gửi báo Văn Nghệ, ông “liều” gửi, không ngờ may mắn được đăng. Đêm 30 Tết năm Tân Dậu (1981), ông đang luộc bánh chưng, nghe chương trình ca nhạc chào Xuân của Đài tiếng nói Việt Nam thì bất ngờ nghe phát thanh viên giới thiệu ca khúc Từ phương anh - Từ phương em của Văn Thành Nho, phổ thơ Đỗ Trung Lai, do ca sĩ Lê Dung hát. Bài hát được sáng tác theo âm hưởng ca trù nên về mặt kỹ thuật khó hát. Ngoài NSND Lê Dung, hình như không ca sĩ nào hát nữa. Ngoài ra, các nhạc sĩ Trần Thanh Tùng, Đoàn Bổng cũng phổ nhạc Đêm sông Cầu, nhưng không bài nào trở nên nổi tiếng như bài Tình yêu bên dòng sông Quan họ của Phan Lạc Hoa. 

Cuối năm 1982, Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho ông biết Phan Lạc Hoa đã phổ nhạc bài thơ Đêm sông Cầu, nhưng ông chưa một lần gặp Nhạc sĩ Phan Lạc Hoa. Tình yêu bên dòng sông Quan họ ra đời trong hoàn cảnh hết sức tình cờ: Một hôm Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đến chơi, nhà hết trà, Nhạc sĩ Phan Lạc Hoa phải chạy ra quán mua một gói trà về tiếp khách. Trong khi chờ trà ngấm, chủ khách mở tờ giấy gói trà ra đọc. Thật tình cờ, đó chính là trang nhất tờ Văn nghệ, in trọn vẹn bài Đêm sông Cầu tác giả Đỗ Trung Lai, kèm tranh minh họa do nhạc sĩ Văn Cao vẽ một cô gái chít khăn mỏ quạ. Đọc một lượt Nhạc sĩ Phan Lạc Hoa thích quá,  ông vội vã lấy cây đàn ghi ta và nói với Nguyễn Trọng Tạo: “Tôi có bài đối trọng với bài hát của anh rồi” (hồi đó, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã rất nổi tiếng với bài Làng quan họ quê tôi phổ thơ Nguyễn Phan Hách). Một tuần sau, bài hát hoàn tất và được ca sĩ Thanh Hoa thu đĩa. Cũng năm ấy, ca sĩ mang bài này đi tham gia Liên hoan Nhạc nhẹ quốc tế ở LaHabana, Cuba.

Bài thơ Đêm sông Cầu gồm 9 đoạn, 36 câu, nhạc sĩ Phan Lạc Hoa đã chọn những câu thơ chân thực nhưng lãng mạn “Tình yêu có từ nơi đâu. Êm êm một khúc sông Cầu. Sao trời lọt qua mắt lưới. Soi dài xuống dòng sông sâu”. Bên dòng sông ấy đã chứng kiến mối tình đầu thơ mộng giữa người lính “lên miền biên giới” làm nhiệm vụ giữ gìn biên cương Tổ Quốc với người phụ nữ ở “Làng quê em đợi em chờ”, “Nhà xa, mặt trận càng xa. Tình yêu có từ hai ta...”. 

Bài hát được Phan Lạc Hoa chuyển cho vợ là ca sĩ Thanh Hoa biểu diễn và lập tức được thính giả yêu mến, sau đó đưa vào đĩa nhựa Tiếng hát Thanh Hoa do Nhà xuất bản Âm nhạc phát hành 40.000 bản, một con số nhiều nhạc sĩ mơ ước. Nhà xuất bản trả nhuận bút 30.000 đồng và tặng kèm một đĩa hát, Nhà thơ Đỗ Trung Lai đem tặng nhà văn Chu Lai, người tình cờ được làm cha đẻ của đứa con tình thần mà ông đã nặng lòng sinh ra.

Năm tháng đã trôi qua, Tình yêu bên dòng sông Quan họ vẫn là một trong những nhạc phẩm được đông đảo công chúng yêu thích và trân trọng./. 

                                                                                                                                                                                                                                                       TÂN HUYỀN