Trang chủ VĂN HIẾN BẮC NINH - KINH BẮC

LỄ HỘI LÀNG XUÂN Ổ XƯA VÀ NAY
15:21 | 27/10/2021

Xuân Ổ vốn là một ngôi làng cổ nằm trên dải đất cao, cách trung tâm thành phố Bắc Ninh khoảng 4km về phía Tây Nam. Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945 Xuân Ổ là một xã của tổng Khắc Niệm, huyện Võ Giàng, phủ Từ Sơn, gồm 2 thôn: Ứng Xá (Ó Chợ) và Đống Trà (Ó Chè). Ngày nay là hai khu phố Xuân Ổ A và Xuân Ổ B, thuộc phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh.                                                                                

Làng Xuân Ổ có lịch sử phát triển từ lâu đời cho nên tổ chức làng xóm, dân cư ở đây khá ổn định, các phong tục tập quán, tục lệ khá chặt chẽ với những quy định do chính những chủ nhân của làng đặt ra, họ là những người nông dân sống đoàn kết, hòa thuận cùng nhau xây dựng, kế thừa và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống của làng. Các mối quan hệ trong và ngoài cộng đồng được thiết lập chặt chẽ theo phong tục của xứ Bắc xưa, ngoài mối quan hệ dòng tộc, làng xã - Xuân Ổ còn có mối quan hệ bền chặt trên bình diện cộng đồng mà các thành viên trong làng phải tuân theo. Xuân Ổ còn là địa phương có truyền thống sinh hoạt văn hóa Quan họ từ lâu đời. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Xuân Ổ là một trong 49 làng Quan họ gốc của xứ Kinh Bắc xưa. Cũng như các làng Quan họ khác việc hát Quan họ, giao tiếp Quan họ đã trở thành một phong tục, một nét văn hóa đặc sắc được hình thành và phát triển từ xa xưa ở làng. Đặc biệt là trong các ngày diễn ra lễ hội của làng.

Lễ hội làng Xuân Ổ xưa được tổ chức trọng thể vào dịp tháng Giêng (âm lịch) hàng năm, bắt đầu từ ngày mùng 4 Tết là ngày hội chợ, mùng 6 hội chùa và từ ngày mùng 8 đến ngày 11 tháng Giêng là ngày hội đình. Năm nào “phong đăng hòa cốc” - mưa thuận gió hòa thì hội được mở to hơn, thường ở 3 mức: tiểu trà 3 ngày (từ mùng 8 đến 11), trung trà 7 ngày (từ mùng 8 đến 15) và đại trà 13 ngày (từ mùng 8 đến 21). Hội do 6 giáp trong làng tham gia lo liệu, tổ chức việc rước thần và tế lễ ở đình; mỗi giáp cử ra 2 người, những người này phải trong khoảng từ 18 tuổi đến 40 tuổi. Đồ tế thần gồm: xôi trắng, gà đen, trầu, rượu, mỗi ngày một tuần tế, mỗi tuần tế 6 giáp có 12 cỗ xôi, 12 con gà luộc chín cánh dang thẳng, cổ thẳng đứng, 6 cơi trầu (mỗi cơi 6 quả cau gọt vỏ, bổ làm đôi), 6 be rượu. Như vậy để tế đại lễ trong một ngày mỗi giáp phải góp 2 cỗ xôi, 2 con gà, 1 cơi trầu, 1 be rượu. 

Việc tổ chức rước thánh ở Xuân Ổ bắt đầu từ sáng ngày mùng 8 nhưng các hoạt động phục vụ cho đại lễ bắt đầu từ ngày mùng 4. Làng Xuân Ổ từ xưa có tục tế Thành hoàng bằng gà đen nên cũng hình thành chợ bán gà đen vào lúc chạng vạng tối ngày mùng 4 đến rạng sáng ngày mùng 5, nhân dân trong làng, trong xã đem gà đen đến chợ bán mong sao cho gà nhà mình được làm lễ tế thần để cầu may, cầu lộc. Buổi chợ này còn bán các đồ mã nên cũng gọi là chợ âm dương. Đặc biệt chợ mùng 4 ở Xuân Ổ còn diễn ra cuộc trao đổi mua bán các đồ vật cũ kĩ không có sự mặc cả gọi là “mua may, bán rủi” - cũng nhằm mục đích cầu may. Việc trao đổi mua bán diễn ra nhanh chóng rồi tan, và bắt đầu một đêm giao lưu Quan họ của nhân dân trong làng và các địa phương khác trong vùng. 

Theo tương truyền của người xưa, nơi họp chợ âm dương trước kia là bãi chiến trường do đó có nhiều người chết trận. Chợ họp là để tạo cơ hội cho người chết và người sống gặp nhau. Chợ bắt đầu họp vào lúc lên đèn, trên một bãi đất trống cạnh ngôi miếu cổ có tiếng là linh thiêng của làng. Chợ không có lều, quán, không sử dụng đèn nến, người đến chợ thường mang theo gà đen để bán. Trong chợ cũng có cả những dãy hàng mã, hương, nến, cau trầu. Ở đầu chợ, người ta đặt một chậu nước để thử tiền âm hay tiền dương. Có người sớm hôm sau xem trong túi đựng tiền toàn là vỏ hến, lá đa, thậm chí có cả mẩu yếm sồi. Tuy nhiên mọi người đều rất vui vẻ vì coi đó là dịp làm điều phúc, điều thiện với người đã chết, chợ tan khi trời vẫn còn tối. 

Với người dân nơi đây, chợ âm dương cũng chẳng khác một lễ hội cầu mùa ở các địa phương khác, bởi nó mang đậm nét văn hóa dân gian vùng Kinh Bắc và đã tồn tại cách đây ngót gần ngàn năm. Vào dịp đầu Xuân năm nào cũng vậy, mọi người đến hội chợ chỉ cốt được cầu may; những điều rủi ro, phiền muộn sẽ được xóa tan khi vào đêm hội chợ, có như thế việc làm ăn, mùa vụ năm đó mới thuận lợi, được mùa bội thu. 

Bây giờ, cũng không ai còn nhớ phiên chợ âm dương đầu tiên bắt đầu từ khi nào, chỉ biết rằng ngày xưa, làng Ó còn nghèo lắm; thiếu ăn, thiếu mặc nên con cháu phải kéo nhau đi làm thuê ở những tỉnh xa. Dẫu có đi nơi đâu, nhưng nhớ ngày hội chợ âm dương, họ lại rủ nhau về dự đêm hội chợ và để có cơ may gặp lại người đã mất. Họ tin rằng, hòa lẫn trong dòng người đến phiên chợ đêm nay sẽ có cả hương hồn của ông cha, người thân hiện về để tìm gặp lại gia đình, bạn bè. Để an ủi, động viên nhau xua tan nỗi buồn, nhớ tiếc người thân đã mất, họ cùng ca những làn điệu dân ca Quan họ của quê mình. Hát mãi, buồn hóa thành vui, nỗi tiếc nhớ hóa thành niềm hạnh phúc khi có thêm bạn bè làm trà, rượu, bạn tâm tình. Chợ tan khi đến canh ba. Trong sương sớm, khúc giã bạn như làm các liền anh, liền chị thêm nghẹn lời, lưu luyến hẹn đến phiên chợ lần sau. 

Theo tục lệ của làng, sau khi phiên họp chợ tối ngày mùng 4 kết thúc thì cũng là lúc bắt đầu cho buổi hát Quan họ. Như đã được chuẩn bị sẵn, tại chợ các bà già ngồi bán trầu nước, các bọn con trai, con gái kéo đến và mời nhau vào uống nước xơi trầu. Tại đây 2 bên chủ khách mời chào nhau bằng những câu hát Quan họ, chúc cho nhau một năm mới có nhiều tài lộc, an thịnh. Nhiều khi các bọn Quan họ chủ nhà trải chiếu ngồi hát ở giữa chợ và các thửa ruộng gần đó. Buổi hát kéo dài suốt đêm đến sáng thì kết thúc. Đến sáng ngày mùng 5, Quan họ chủ làng Xuân Ổ mời các bọn Quan họ kết bọn là Đào Xá, Lũng Sơn, Hoài Thị, Thị Cầu về nhà chứa xơi trầu, uống nước, dự hội xuân và đến tối thì hát canh Quan họ. Hát canh trong nhà chứa giữa các bọn Quan họ Xuân Ổ với các bọn Quan họ kết bạn là cuộc hát đối đáp qua đủ các chặng lề lối thường kéo dài 1 ngày, một đêm, những năm làng mở hội to có khi khéo dài đến 2 đêm liền. Sang đến ngày mùng 6 các bọn Quan họ chủ mời Quan họ khách ra xem hội chùa, lễ thánh, lễ phật và hát đối đáp ở sân chùa Hồng Phúc.

Mùng 5 còn là ngày hội chợ, chợ Xuân Ổ đầu xuân chủ yếu bán các sản phẩm của địa phương như giấy, lụa… Vào ngày này các trò chơi dân gian như đánh đu, chọi gà… cũng được tổ chức sôi nổi, khách thập phương đến dự hội, mua sắm tấp nập - trong đó hát Quan họ là hoạt động không thể thiếu.  

Ngày mùng 6 hội chùa - nhân dân tổ chức thắp hương lễ phật, tưởng niệm bà Lý Huệ Nương là người đã có công dạy dân nghề dệt lụa được thờ hậu ở chùa, làm trò nhà phật ở trong chùa và hát Quan họ ở sân chùa. Các nghi thức của ngày hội chính được chuẩn bị chu đáo đầy đủ trong ngày mùng 7. Sáng ngày mùng 8 hai thôn Ứng Xá và Đống Trà nghênh rước thần về đình chung tế lễ, dự hội (xưa đình không thờ riêng vị thần nào mà chỉ là nơi rước thần từ các nghè, đền về tế lễ). Đám rước của hai thôn đều theo một quy lệ chung: đi đầu là 5 lá cờ ngũ hành rồi đến cờ bát quái, cờ tứ linh, cờ lệnh và cờ hộ quốc thêu 4 chữ Hán lớn “Hộ quốc tí dân”, trống cái, chiêng đồng, tiếp đến là 8 thanh niên mặc áo nậu cầm gươm, bát bửu, phường bát âm và đến kiệu long đình để hòm sắc và bát hương, 2 bên long đình có 2 tán che, đi sau long đình của thôn Xuân Ổ A (Ứng Xá) là kiệu bát cống của bà Quý Minh, ngựa thờ có đầy đủ yên cương, bàn đạp, chuông nhạc. Đi sau long đình của Xuân Ổ B (Đống Trà) là ngựa của đức thánh Thiên Cang, mỗi ngựa đều có tán che. Đám rước của mỗi thôn bắt đầu từ nhà ban sắc, rước sắc ra nghè làm lễ rồi rước lên đình đợi nhau ở con đường cái quan dẫn vào đình. Khi hai đám rước gặp nhau các quan viên trong đình (do các giáp trong làng bầu ra) tiến lên phía trước gặp nhau, đốt pháo và đến vái trước long đình cung kính mời các vị thần về hội sở để dân làng dâng lễ cầu phúc cho cả năm. Sau đó đám rước tiếp tục được cử hành theo thứ tự, đám rước long đình của bà Quý Minh và Tiền Lộ tướng quân đi trước, đám rước lạc tướng Thiên Cang đi sau. Đến đình các hòm sắc được đặt kính cẩn trên các bệ thờ trong hậu cung đình đã được quy định, các quan viên làm lễ yên vị và bắt đầu tế lễ. Mỗi tuần tế có một bài văn tế nội dung ca ngợi công đức của các vị thần, việc soạn văn tế do một người có chức sắc trong làng (gọi là chưởng văn). Ngày 11 làng tế giã đám và rước thánh hoàn cung. Trong những ngày hội làng tổ chức đón chạ long trọng với các nghi thức đón rước, cúng lễ thần, phật, dự tiệc, ăn cỗ, giao lưu văn nghệ tình cảm đầm ấm, thân thiết. Đây cũng là một dịp để củng cố khối cộng đồng làng xã, thiết chặt thêm tình đoàn kết vốn có từ bao đời giữa Xuân Ổ và các chạ anh em, cùng nhau xây dựng, bảo vệ quê hương. Các trò chơi dân gian, hát Tuồng ở đền thượng, hát Ca trù ở đình chung cũng diễn ra suốt trong thời gian hội. Ngoài sân đình chùa, nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như hát Quan họ, chơi đu, đấu vật, đánh cờ… Cảnh hội Ó đông vui ngày trước còn vọng lại trong một bài Quan họ cổ được người làng Ó lưu giữ “… Mùng 5 hội Ó, Quan họ dồn về, hội vui lắm lắm… trầu chưa kịp têm, cau chưa kịp bổ, miếng lành miếng sổ, miếng lại quên vôi, người có yêu tôi, thì xin cầm lấy”. 

Tuy nhiên sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, cũng như bao làng quê khác lễ hội làng Xuân Ổ đã được thay đổi rất nhiều từ phần lễ đến phần hội. Ngoài ra do chiến tranh, thiên tai cho nên các công trình tín ngưỡng ở Xuân Ổ cũng phần nào bị tàn phá, mất mát theo thời gian. Cũng chính vĩ lẽ đó mà lễ hội làng Xuân Ổ đã được đơn giản hóa đi rất nhiều, phiên chợ âm dương tổ chức vào đêm mùng 4 rạng sáng mùng 5 tháng Giêng đã không còn được tổ chức từ lâu. Thời gian tổ chức lễ hội làng Xuân Ổ cũng rút ngắn lại hơn trước kia nhằm phù hợp với thời cuộc, tuy vậy vẫn phải đảm bảo yếu tố tâm linh và các nghi lễ thờ cúng các vị thần Thành hoàng diễn ra đầy đủ. Hiện nay lễ hội làng Xuân Ổ diễn ra trong hai ngày mùng 4 và mùng 5 tháng Giêng (âm lịch), tuy không còn phiên chợ âm dương nhưng ngay từ ngày mùng 4 ban khánh tiết, ban tổ chức lễ hội cùng toàn thể các cụ cao niên ở hai khu phố Xuân Ổ A, B tập trung đông đủ tại các công trình tín ngưỡng ở địa phương dọn dẹp vệ sinh khuôn viên xung quanh di tích, bao sái đồ thờ tự… chuẩn bị cho tế lễ tại đình vào ngày hôm sau mùng 5 tháng Giêng. Đặc biệt vào dịp đầu xuân Canh Tý (2020), khu phố Xuân Ổ A tổ chức lễ rước và tế thần được diễn ra trong ngày mùng 5 tháng Giêng, đám rước bắt đầu xuất phát từ Nghè tả nằm ở phía Tây khu phố Xuân Ổ A thờ Tiền Lộ tướng quân. Đoàn rước thánh với đầy đủ nghi trượng, siêu đao, bát bửu, ngựa, long đình, kiệu… theo sau là đội tế và dân làng. Hội rước thánh xuất phát từ Nghè tả đến đền thờ bà Quý Minh thì dừng lại vào bái yết rồi cùng rước thánh về làm lễ tế tại đình, xong xuôi lại rước các vị thánh hoàn cung. Bên cạnh phần lễ, phần hội cũng được tổ chức khá công phu, nhiều trò chơi dân gian được tái hiện như: đánh đu, chọi gà, chơi cờ tướng… và đặc biệt là hát Quan họ được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau như: hát Quan họ trên thuyền, hát Quan họ tại các công trình tín ngưỡng, hát canh tại các nhà chứa… bởi Xuân Ổ vốn là một trong 49 làng Quan họ gốc của vùng đất cổ văn hiến Bắc Ninh - Kinh Bắc, chính vì lẽ đó mà trong ngày hội các bọn Quan họ kết bạn với Xuân Ổ có dịp thử sức thử tài với các liền anh, liền chị Quan họ sở tại. 

Làng Xuân Ổ xưa giờ đang khởi sắc từng ngày nhằm hoà cùng nhịp sống tấp lập của người dân thành phố Bắc Ninh. Trong sự sôi động ấy, các giai tầng tín ngưỡng, văn hoá luôn được trân trọng gìn giữ và phát huy. Do đó để bảo tồn và phát huy giá trị của những hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng như lễ hội, hội thi hát Quan họ, các trò chơi dân gian cổ truyền… phải thường xuyên được tổ chức, thông qua đó góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá đặc sắc của quê hương, đất nước./.

                                                                                                                                                                                                               NGUYỄN VĂN AN