Trang chủ VĂN HIẾN BẮC NINH - KINH BẮC

LỄ HỘI DU XUÂN KẾT CHẠ TỨ YÊN
16:28 | 28/04/2023

1. Đôi nét về vùng Tứ Yên.

Yên Phụ, Yên Hậu, Yên Vĩ, Yên Tân là tên gọi của bốn làng xưa thuộc tổng Phương La, huyện Yên Phong, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ngày nay xã Yên Phụ gồm 5 thôn: Cầu Gạo, An Ninh, An Tập, Đức Lân, Cầu Giữa còn thôn Yên Tân, Yên Vĩ, Yên Lộc thuộc xã Hòa Tiến. Rồi như để nhớ tới một thời kỳ chung lưng đấu cật, giúp đỡ nhau sản xuất, bảo vệ xóm làng, bốn làng Yên còn gọi là Tứ Yên. Theo các bậc cao niên trong vùng giải thích, thì “Yên” có nghĩa là yên ổn, an yên, thanh bình. Trước thời An Dương Vương, vùng Tứ Yên có tên là trại  An Ninh thuộc bộ Vũ Ninh, vì có công đánh giặc Xích Quỷ trên sông Hoàng Giang (sông Ngũ Huyện) nên lấy chữ “An” hay “Yên” làm tên đầu tiên, chữ “Ninh” là lấy chữ cuối của bộ Vũ Ninh mà ghép lại. Sau khi An Dương vương diệt được Bạch kê tinh ở trên núi, xây xong thành Cổ Loa, nhà vua có về trại An Ninh, nhà vua đổi chữ Ninh lấy chữ Khang có ý nói đất nước thanh bình, làng xóm khang trang tươi vui và đổi trại thành trang. Từ đó trại An Ninh có tên là trang An Khang và tên này tồn tại đến thế kỷ XI. Sau cuộc kháng chiến chống Tống 1077 vì trang An Khang có công giúp nhà Lý nên đổi chữ Khang thành chữ Phụ và làng Yên Phụ có từ đây và tồn tại, phát triển đến ngày nay.

Trên thực tế về vùng Tứ Yên, với cách tiếp cận của khảo cổ học thì còn nhiều điều phải xem xét. Thế kỷ XI, vùng Tứ Yên đã được nhiều người ngưỡng mộ bởi nằm ngay cạnh đường trảy từ kinh đô Cổ Loa, sau này là kinh đô Thăng Long lên phía Bắc gọi là đường cái quan. Yên Phụ - Yên Vĩ - Phương La Đông - Như Nguyệt qua đó sang Bắc Giang và Yên Phụ - Thụy Lôi - Vân Điềm - Thiết Lĩnh - Thiết Úng - Dục Tú về Thăng Long. Đây còn là đường giao thông hàng hóa của cư dân vùng Bắc sông Cầu xuống Nam sông Cầu và ngược lại. 

Nói đến Tứ Yên là nói đến một vùng non nước sơn thủy hữu tình, ôm gọn trong mình bảy trái núi với tên gọi Thất Diệu Sơn nổi tiếng linh thiêng và thần kỳ. Các dòng sông Như Nguyệt, sông Cà Lồ uốn lượn bao quanh hòa nối với dòng Nhị Hà (sông Cầu) tại Ngã Ba Xà. Chính tại mảnh đất thiêng liêng này chứa đựng biết bao huyền thoại về nền văn hóa văn minh thời đại Hùng Vương được dân gian đúc kết bằng câu phương ngôn: 

Thứ nhất Cổ Bi.

Thứ nhì Cổ Loa.

Thứ ba Thất Diệu Sơn.

Thất Diệu Sơn là tên núi thuộc xã Yên Khang, sau đổi là Yên Phụ được sử sách ghi chép. Sách Đại Nam nhất thống chí viết: “Núi Thất Diệu ở xã Yên Phụ cách huyện lỵ Yên Phong 15 dặm về phía Tây Bắc. Núi đất liên tiếp nổi vọt lên 7 ngọn. Sử chép: An Dương Vương đắp Loa thành, thành thường bị đổ, An Dương Vương bèn trai giới cầu đảo để đắp lại, có thần nhân bảo rằng: Đợi Thanh Giang sứ đến! Ngày hôm sau thấy con rùa vàng bơi từ ngoài sông vào nói tiếng người và tự xưng là “Giang sứ”. Vương hỏi duyên cớ thành đổ, Giang sứ trả lời rằng: Đấy là con vua đời trước muốn báo thù, nay ẩn ở núi này, phụ vào tinh khí núi để làm yêu quái, quán Ma Lôi bên cạnh có gà trắng là yêu khí hóa ra cùng nhau làm tai nghiệt, cho nên thành bị đổ. Do đấy Vương cùng Kim Quy đi trừ yêu quái, tìm con gà trắng giết đi, đào núi lấy được nhạc khí và hài cốt đem đốt thành tro, từ đấy yêu quái mất tích. Công việc đắp thành nửa tháng là xong” 

Nhà sử học Phan Huy Chú cũng viết: “Núi Thất Diệu Sơn ở xã An Khang, huyện Yên Phong, thời An Dương Vương trong núi có hồn người thợ nhạc không giải thoát vẫn quanh quẩn ở đây, quán bên núi có con gà trắng, yêu quái hay làm đổ thành. Vua nghe theo lời Rùa vàng mới đến quán giết con gà trắng và đào núi lên nhặt được đồ nhạc cổ và xương tàn, đem đốt đi hết, loài yêu quái mới được trừ hết. Thành đắp nửa tháng thì xong”.

Đó là câu chuyện (truyền tích) về Bạch Kê tinh ở vùng Yên Phụ từ xa xưa đến nay vẫn được nhân dân lưu truyền, kể về thời kỳ dựng nước và giữ nước của dân tộc ta thời đại Hùng Vương và An Dương Vương, gắn bó mật thiết với sự kiện An Dương Vương xây Loa Thành. Đặc biệt với sự tồn tại của di tích miếu Bạch Kê với tục thờ thần Bạch Kê phải chăng đã minh chứng Yên Phụ là một vùng đất có người Việt cổ sinh sống từ những buổi đầu bình minh của lịch sử dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống năm 1077, Thái úy Lý Thường Kiệt với con mắt của nhà quân sự thiên tài đã chọn mảnh đất Yên Phụ làm Đại bản doanh, chỉ huy phòng tuyến sông Như Nguyệt, lãnh đạo nhân dân làm nên chiến thắng oanh liệt trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc và đã để lại nhiều giai thoại truyền thuyết cũng như nhiều dấu tích vật chất in đậm sự kiện này, như: Đền Núi, Điếm Trung Quân, Cầu Gạo, đồng Cổng Trại, cánh đồng Dinh... Đặc biệt, người anh hùng dân tộc đã để lại sự ngưỡng mộ của dân chúng làng Yên Phụ nói riêng, nhân dân huyện Yên Phong nói chung bởi sự viếng thăm của ông ở đền Núi. Tại đền Núi hiện có một đôi câu đối nội dung như sau: 

Thoái lỗ trợ kỳ công Lý tướng binh hồi thu du mộng.

Trừ yêu dương chính khí, Diệu Sơn toàn hiện tráng thời quang.

 Nghĩa là: 

"Binh tướng nhà Lý trên bước đường đánh giặc đã được thần linh báo mộng. Trừ được giặc tà vùng đất Thất Diệu Sơn trở lại thanh bình". 

Xã Yên Phụ còn có một ngôi đình mang tên là đình Yên Phụ vốn từ xưa thờ Cao Sơn đại vương và được nhân dân sau này đưa vào thờ Lý Thường Kiệt, bức hoành phi chính giữa đình: “Thái úy linh từ” đã chứng tỏ sự trân trọng của nhân dân địa phương với ông. Đó còn là niềm tự hào của nhân dân vùng Tứ Yên nói riêng, nhân dân huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh nói chung vốn có truyền thống trọng nghĩa trọng tình, luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau bảo vệ xóm làng từ cổ xưa được minh chứng đậm nét, đã trở thành những phong tục tập quán và sinh hoạt văn hóa cộng đồng giàu bản sắc được thể hiện trong tục kết chạ Tứ Yên và để duy trì mối quan hệ kết chạ được lâu dài, bốn làng cùng tổ chức lễ hội, gọi là hội du xuân Tứ Yên. 

2. Nguồn gốc ra đời của tục kết chạ ở Tứ Yên.

Tục kết chạ Tứ Yên, tức bốn làng Yên Hậu, Yên Vĩ, Yên Tân và Yên Phụ kết nghĩa chạ em chạ anh vốn có từ lâu đời. Nguồn gốc ra đời của tục kết chạ Tứ Yên là do các làng Yên đều có chung một gốc là Yên Phụ còn gọi là Yên Phụ Thượng, sau đó mới tách ra thành lập các làng riêng: Yên Hậu là làng có sau và cư dân ở làng Yên Phụ xẻ xuống hai dòng họ Kiều và Phạm từ Yên Phụ di cư sang phía Tây núi Thất Diệu Sơn lập ra hai làng Yên Tân và Yên Vĩ. Chính vì có chung một cội nguồn cho nên khi tách ra từng làng độc lập, cư dân bốn làng vẫn không quên được nguồn gốc cổ xưa của làng mình, tên Yên được giữ để nhớ về làng gốc Yên Phụ và cùng kết chạ với nhau. 

Tuy nhiên lại có giai thoại kể rằng: Bấy giờ là vào mùa xuân có một bọn giặc mũi đỏ từ vùng Sóc Sơn tràn sang cướp bóc, phá hoại mùa màng của dân. Trước thảm họa đó, dân bốn làng Yên đã hợp sức đánh đuổi bọn thảo tặc. Sau khi đánh tan bọn cướp, dân bốn làng cùng nhau mở hội ăn mừng, rồi tổ chức làm lễ kết chạ với nhau gọi là chạ Tứ Yên. Để duy trì mối liên hệ lâu dài, hàng năm cứ vào ngày mồng 8 tháng Giêng, dân bốn làng Yên lại cùng nhau tổ chức lễ hội gọi là Hội du xuân Tứ Yên. 

Về vùng Tứ Yên tìm hiểu, chúng tôi được biết: Bốn làng Yên Phụ, Yên Hậu, Yên Vĩ, Yên Tân đều là những làng cổ có lịch sử lâu đời và truyền thống văn hiến. Cư dân ở đây có nền tảng kinh tế là nông nghiệp trồng lúa nước, đều có những nét chung về tín ngưỡng phong tục, tập quán và nếp sống. Tiêu biểu nhất là cả bốn làng đều cùng thờ đức thánh Cao Sơn đại vương làm thành hoàng làng. Người dân các làng “Tứ Yên” vẫn còn ghi nhớ và lưu truyền nhiều câu chuyện về các nàng Tiên giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa, câu chuyện về các làng Yên, về làng gốc Yên Phụ, về tục kết chạ giữa các làng, về các vị thần được thờ ở đình làng... trong đó có những câu chuyện, giai thoại kể về những tên làng, địa danh các gò đống, bến bãi, đường đi, tiêu biểu như: Núi Thất Diệu Sơn, Miếu Bạch Kê, Đền Núi, Điếm Trung Quân, Cầu Gạo, đồng Cổng Trại, cánh đồng Dinh, Văn Chỉ... Đó chính là cơ sở vật chất và nền tảng tinh thần để bốn làng cùng nhau tổ chức hội du xuân; để gia tăng mối giao lưu chạ anh chạ em với nhiều hình thức diễn xướng phong phú đa dạng, phản ánh truyền thống văn hóa nông nghiệp cổ xưa của người dân vùng Tứ Yên.

3. Hội du xuân Tứ Yên.

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Lễ hội Tứ Yên được tổ chức vào ngày mồng 8 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm là một trong những lễ hội nổi tiếng không chỉ về qui mô, cách thức tổ chức bài bản mà còn có nội dung, ý nghĩa sâu sắc, giàu bản sắc văn hóa huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. 

Để chuẩn bị cho lễ hội, cư dân bốn làng bầu ra một một ông chánh ước và 3 ông phó ước. Chức chánh ước bao giờ cũng dành cho Yên Phụ còn 3 chức phó ước dành cho 3 làng em. Đồng thời mỗi làng lại bầu một ông đội trưởng phụ trách đội hàng binh của mỗi làng. Trước ngày hội, dân các làng Yên đều mở cửa đình làm lễ nhập tịch để đến ngày chính hội làm lễ rước Thần từ đình mỗi làng về nhà Thánh ở khu trung tâm núi Yên Phụ tập trung làm lễ. Sau khi làm lễ bái yết thần Cao Sơn đại vương là lễ tuyên thệ của 4 làng. Tiếp theo 4 đội hàng binh hợp nhất thành một, theo thứ tự đi đầu là Yên Phụ, tiếp là Yên Hậu, rồi Yên Tân và cuối cùng là đội hàng binh của làng Yên Vỹ, lần lượt diễu binh đi khắp địa phận của bốn làng. Đội hàng binh đi đến đâu, dân làng hò reo, cổ vũ liên hồi tạo nên một khung cảnh thanh bình, no đủ. Trong thời gian hội, khắp các đường làng, di tích, đường đi… đều được dọn dẹp, sửa sang, tu tạo sạch sẽ, gọn đẹp. Sau các phần lễ là phần hội được diễn ra ở ngoài sân Thánh và cạnh đền Núi. Các trò chơi dân gian được diễn ra, như Tuồng, Chèo, vật, đu, thi dệt vải…  Dân các làng gặp gỡ vui vẻ, trao đổi với nhau về mùa màng, đồng áng, công việc đồng áng của làng nào chưa xong thì hỗ trợ, giúp đỡ nhau cho kịp thời vụ. Đặc biệt trong dịp hội các làng còn tổ chức những tục lệ gắn chặt với cuộc sống nông nghiệp cổ xưa của cư dân nông nghiệp, đó là những tục lệ tiêu biểu, đặc sắc, như: 

- Tục nấu chè đất sét ở làng Yên Phụ:  Nguyên liệu dùng để nấu chè gồm có đỗ xanh, lạc, vừng nấu chín rồi giã nhỏ đem nhào với đường mạch nha tiếp đó đem nấu bằng lửa nhỏ vừa phải, khi nguội có độ mịn và màu như đất sét thẫm để được rất lâu. Tương truyền trong thời gian Lý Thường Kiệt đóng đại bản doanh ở Yên Phụ, ông đã được dân làng thết món quà đặc biệt này. Ông nhận thấy món ăn vừa có giá trị dinh dưỡng cao lại để được lâu, nên đề nghị dân làng giúp đỡ để làm lương khô cung cấp cho quân sỹ.

- Tục kéo dây lấy lửa ở Yên Vỹ: Đây là một hình thức lấy lửa rất nguyên thủy, đó là kéo thanh giang vào một đoạn xoan phơi khô, làm bật ra những tia lửa bén cháy vào tấm bùi nhùi. Hơn thế nữa, những người thi ở không gian và thời gian thật đặc biệt: vào đúng 12 giờ đêm ngày mồng 3 Tết trong khi các cụ tắt hết đèn nến  trong đình.

- Trò giấu be diễn ra tại sân đình làng Yên Vỹ vào sáng mồng 4 giữa 4 giáp như sau: Sau 3 hồi trống, ông chủ khảo châm lửa đốt hương, hương bắt đầu cháy thì các trai làng của 4 giáp chạy đi tìm be (chỗ giấu be được qui định trước ở một cánh đồng hoặc ở một bờ ao gần làng) ai tìm ra trước và múc được nước mang về thì được thưởng. Phần thưởng là một vuông lụa điều gọi là lộc đầu năm mới. 

     - Tại Yên Hậu diễn ra trò đánh lốc hay còn gọi là trò đánh kích cầu. Quả cầu được làm bằng trái báng. Cuộc chơi được diễn ra ở thửa ruộng đầu làng. Người chơi phân thành 2 phe, mỗi phe 10 người. Trên thửa ruộng đó người ta đào sẵn hai lỗ tròn vừa đủ cho quả cầu lọt vào. Một lỗ bên đông và một lỗ bên tây, mỗi lỗ thuộc một phe. Người chơi cầm trong tay mỗi người một gậy tre, đầu dưới có nghéo để đẩy cầu và gạt cầu gọi là cầm phết. Sau một hồi trống, mỗi phe ra sức đẩy cầu vào hố không phải của đối phương mà vào hố của phe mình để giành phần thắng, chỉ cần cầu lọt vào hố một lần là cuộc vui chấm dứt. Thắng - thua đã rõ ràng. Do vậy mà cuộc tranh giành giữa 2 phe diễn ra vô cùng sôi nổi, hào hứng vì họ quan niệm rằng giáp nào thắng, mọi thành viên của giáp ấy sẽ được may mắn trong cả năm.

      Có thể nói, tục kết chạ Tứ Yên mà hình thức nổi bật còn được lưu giữ lâu dài là hội du xuân Tứ Yên vốn ra đời từ việc bốn làng đều có chung một nguồn gốc, có nền kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước lâu đời, lại nằm ở một vùng có liên quan nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, cho nên chạ và hội du xuân với những hình thức diễn xướng của nó phản ánh truyền thống đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của người Tứ Yên xưa./.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh. Các di tích lịch sử văn hóa Bắc Ninh. Năm 2004

2. Khổng Đức Thiêm - Nguyễn Đình Bưu. Phương ngôn xứ Bắc. Sở VH-TT&Thể thao Hà Bắc. Năm 1994.

3. Văn hóa làng xã Yên Phong. Nhà xb Thanh Niên. Năm 2009.

 

                                                                                                                                                                                                         LÊ THỊ CHUNG