Trang chủ VĂN HIẾN BẮC NINH - KINH BẮC

LÀNG ĐẠI MÃO - XƯA VÀ NAY
15:02 | 21/12/2021

Làng Đại Mão - thường gọi là làng Giữa, tên chữ là Trung thôn (thôn Giữa), thuộc xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh là một ngôi làng cổ, có bề dày lịch sử và truyền thống văn hiến lâu đời. Người dân nơi đây luôn tự hào với danh xưng: “Văn vật khả quan”, ghi trên bức hoành phi ở hậu cung ngôi Đình Chợ, khẳng định đây là đất “văn vật” xứng danh được mọi người tham quan, chiêm ngưỡng! 

Đình làng Đại Mão nằm vào vị trí trung tâm, ngôi đình được xây dựng vào thời Lê. Theo thần phả và các đạo sắc phong hiện còn lưu giữ thì thành hoàng được thờ tại đình làng Đại Mão là đức Lạc thị đệ nhị Đại vương, một trong ba vị thần thuộc dòng dõi Lạc Long Quân từng hiển linh giúp Hai Bà Trưng đánh giặc Đông Hán năm xưa, đang được thờ ở các làng Đại Mão, Đông Miếu (Hoài Thượng) Thụy Mão (Mão Điền). Lễ hội đình làng Đại Mão được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng 2 âm lịch hàng năm, và quy định vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu  làng mở hội lớn, có tổ chức lễ rước thành hoàng về nghè Đại Mão công đồng ở khu Đường Cầu, tương truyền là nơi Hai Bà Trưng lập đàn cầu đảo thánh thần giúp sức, nay dân vẫn truyền trong lễ công đồng có tục thi chạy ngựa giữa 3 thôn với nhau, một hình thức diễn xướng tưởng nhớ đánh trận ngày xưa theo thần phả còn ghi lại. Đặc biệt, nét đẹp hội làng còn giữ lại là tục thi đọc Mộc dục trong ngày chính hội mùng 10 tháng Hai âm lịch. Nội dung bản mộc dục có câu: 

“Ở ăn hoà thuận quây quần

Nhún nhường niềm nở xa gần mến yêu

Tu nhân tích đức ở đời

Là điều mong ước mọi người chớ quên…”

Đại Mão là một trong những làng quê vốn có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, với nhiều phong tục đẹp, tiến bộ, nhất là trong việc cưới, việc tang, sinh hoạt dòng họ và tình nghĩa xóm làng. Người dân Đại Mão cần cù tài khéo với nghề dệt cổ truyền, cùng với vẻ đẹp đặc trưng của một làng quê Việt Nam, nên từ lâu đã gọi là làng Văn hiến, đất văn vật. Tên gọi quý mến ấy là niềm tự hào của mỗi người dân Đại Mão xưa và nay. Làng Đại Mão từ xưa có câu ca: “Đại Mão có lịch, có lề/Có ao tắm mát, có nghề cửi canh/ Là đất ham học, ham hành...” Nhiều khoa thi Hán học xưa kia, làng Đại Mão có người đỗ đạt, trong đó có 4 cụ đỗ Tiến sĩ là: Nguyễn Đình Khuê (1556), Trịnh Đức Vận (1683), Lê Doãn Giản (1743) Lê Doãn Thân (1748); một Phó bảng (khuyết danh), còn có 35 Cử nhân, 30 Tú tài. Làng có Văn Chỉ với hàng bia khắc tên ghi danh những người đỗ đạt từ Tú tài trở lên. Hiện nay, Đại Mão được mệnh danh là một trong những làng Đại học nổi tiếng của tỉnh Bắc Ninh. Hàng năm, bình quân thôn Đại Mão có tới hàng chục học sinh đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng...

Sinh hoạt dòng họ (tại nhà thờ họ) - một hình thức tưởng nhớ cội nguồn, nơi giáo dục về cương thường đạo lý, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Người dân Đại Mão thường tự hào về quê hương nói chung, về dòng họ của mình nói riêng. Ngày xưa ở đây có 12 dòng họ, ngày nay ở Đại Mão có 17 dòng họ. Những người trong cùng một dòng họ sống với nhau theo tổ chức chặt chẽ, nghĩa tình. Cùng chung cội nguồn, máu mủ ruột già, họ cùng nhau nêu cao, giữ gìn truyền thống tốt đẹp của cha ông để lại. Mười bảy cửa họ trong làng hiện nay, hầu hết  đều có nhà thờ, là nơi họp bàn giải quyết những công việc chung của họ và tiến hành nghi lễ ngày giỗ tổ hàng năm. Nơi đây có một tục lệ (có thể là duy nhất ở Việt Nam) cả làng thống nhất, các dòng họ cung tổ chức xuân tế Tổ vào ngày 10 tháng Giêng hằng năm. Nếu bạn có dịp vào thăm các ngôi nhà thờ họ ở đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những bức hoành phi, câu đối, nghe/ đọc những lời gia huấn mang tính giáo dục rất thâm túy, sâu sắc. Như ở nhà thờ họ Nguyễn Viết có bức hoành phi, ghi: “Nhân bản hồ tổ” (Người ta vốn có tổ tiên ); ở nhà thờ họ Lê Nho có bức hoành phi “Bắc sơn đức thụ” (Cây đức ở núi phương Bắc), ca ngợi công đức tổ tiên; hay ở nhà thờ họ Nguyễn Hữu có đôi câu đối: “Nhất bản tư bồi vinh đức thụ/ Tam chi phồn diễn triển gia phong” (Một gốc vun trồng xanh tươi cây đức/ Ba chi thịnh vượng rạng rỡ gia phong).

Các họ trong làng hầu hết vẫn giữ được gia phả, có những họ ghi chép nguồn gốc, sự kiện từ cách đây 4 - 5 trăm năm, như họ Lê Doãn, Lê Nho, Nguyễn Hữu, Đỗ Trọng, Trịnh Đức, Nguyễn Đình. Muộn nhất  thì cũng 300 năm, như họ Lê Đình. Gia phả có ghi chép nguồn gốc của dòng họ, công đức của tổ tiên, cùng những bài gia huấn, tộc ước, gia giáo ngâm... răn dạy cháu con. Ví dụ, như: Gia giáo ngâm  của họ Lê Doãn có đoạn: ... Vô tại tửu sắc/ Vô nịch cầm kỳ/ Vô hiếu tranh tụng/ Vô ký thị phi... (Chớ ham mê rượu chè, sắc đẹp/ Chớ đắm chìm vào đàn hát, cờ bạc/ Chớ ham việc tranh giành kiện tụng/ Chớ thích việc đặt điều thị phi...). Bài Gia huấn của cụ Lê Chu Kiều (họ Lê Nho), dạy con cháu:

- Tình nghĩa cha con: Cha phải hiền, con phải hiếu.

- Tình nghĩa vợ chồng: Phu xướng, phụ tùng.

- Tình nghĩa anh em: Anh hòa, em kính ; trên hòa dưới thuận.

- Tại hương lân: Phải hết lòng yêu thương mà không yêu ghét.

- Nếu làm quan: Phải giữ thanh khiết, cẩn thận, cần mẫn làm đầu.

Một nét văn hoá khác trong sinh hoạt dòng họ ở thôn Đại Mão là: Các dòng họ dù to dù nhỏ, đều rất tôn trọng, quý mến, đoàn kết với nhau, không chia bè kéo cánh, cậy thế cậy quyền. Các dòng họ đều gần gũi, thân thiết nhau, chung sức xây dựng một miền quê mà người dân các vùng xung quanh từ xưa đã yêu mến và ca ngợi là đất văn hiến.

 

Với truyền thống cần cù lao động,  chăm lo xây dựng gia đình, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh. Đại Mão đã phấn đấu đạt tiêu chí Nông thôn mới từ năm 2016. Trong 10 năm gần đây, nhờ cơ chế kinh tế - xã hội được đổi mới, nền kinh tế thị trường phát triển mạnh, gắn kết với phong trào xây dựng làng văn hoá, xây dựng nông thôn mới trên khắp các làng quê ở tỉnh Bắc Ninh, làng Đại Mão đã vươn lên phát triển mạnh mẽ không ngừng và đổi thay nhanh chóng. Người Đại Mão chịu khó làm và giỏi nhiều nghề: Ngoài nghề làm ruộng cấy lúa, đã dư thóc gạo ăn cả năm, người dân còn trồng ngô, trồng mía, trồng đỗ, trồng đay, các loại rau màu ở đồng bãi ven làng phục vụ sinh hoạt, giao buôn và xuất khẩu. Gần đây nhất, là đã khôi phục lại nghề trồng dâu nuôi tằm. Duy trì và phát triển nghề thủ công, xưa dệt vải vuông khổ hẹp băng khung dệt thủ công, nay đã đầu tư máy dệt khổ rộng bán tự động, những nhà bám mặt đường làng hầu như đều mở của hiệu, xưởng may, nơi giao dịch mua bán... Sản phẩm hàng hoá hiện nay không phải là màn đố, vải diềm bâu, vải phim bằng sợi bông khổ nhỏ như xưa, mà là màn tuyn, màn gió, vỏ chăn, rèm cửa, khăn mặt bông, khăn tắm... chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Người cất hàng mua bán trao đổi nhộn nhịp trên khắp tuyến đường làng được quy hoạch mới và đầu tư nâng cấp trải nhựa khang trang, sạch đẹp. Hơn 10 năm trước chỉ có một vài hộ sản xuất hàng xuất khẩu, thì nay toàn xã đã có tới gần 150 hộ may màn xuất khẩu (riêng làng Đại Mão có gần 100 hộ, trong đó có 4 công ty), tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương và các vùng lân cận. Vốn cần cù, cơ chỉ làm ăn, chi tiêu có kế hoạch cho nên ở đây đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội khá phát triển, hầu hết các gia đình đã xây được nhà kiên cố 2,3 tầng, một số nhà đã có biệt thự hiện đại, trong đó có những chủ nhân trẻ chỉ hơn 30 tuổi. Phương tiện đi lại, sinh hoạt vật chất và đời sống văn hoá tinh thần, việc học hành của con em nhân dân Đại Mão nói chung thuộc loại khá trong vùng.

Phát huy truyền thống quê hương, Đại Mão đang tiếp tục phát triển không ngừng, cuộc sống mới văn minh, hiện đại đã tràn về nơi đây chẳng kém gì cuộc sống phố thị. Tự hào về một làng quê có truyền thống Văn hiến lâu đời với danh hiệu Nông thôn mới, quê hương Đại Mão đã không ngừng đổi mới đi lên và làng quê ven sông Đuống hôm nay đang tiến dần tới cuộc sống “Đô thị hoá” tiến bộ, hiện đại, văn minh./.

                                                                                                                                                                                                  NHO THUẬN