Trang chủ VĂN HIẾN BẮC NINH - KINH BẮC

Khoảng lặng chốn danh lam
15:39 | 14/01/2022

Nằm ở trung tâm vùng đồng bằng Kinh Bắc trù phú, Tam Sơn là một làng cổ có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng của đất Đông Ngàn, Kinh Bắc xưa (thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh hiện nay). Theo các nguồn tư liệu và các công trình nghiên cứu của một số nhà khoa học, làng Tam Sơn có nhiều mối quan hệ mật thiết với nhà Lý - Vương triều mở đầu cho kỷ nguyên Thăng Long rực rỡ. Dấu tích nổi bật nhất của mối quan hệ mật thiết đó chính là ngôi chùa làng mang tên chữ Cảm Ứng Thánh tự - một trong những ngôi chùa cổ xưa nhất trong hệ thống chùa chiền từng góp phần định danh nên Bắc Ninh quê hương chùa tháp trong câu ca “Cầu Đông - chùa Bắc - đình Đoài”. 

Trải bao mưa nắng thời gian, chiến tranh tàn phá, chùa Cảm Ứng Thánh giờ đây dẫu không còn nguyên nếp, vẻ đẹp và sức hút tâm linh cũng chẳng được như xưa. Nhưng đọng mãi trong ký ức lịch sử vẫn đó một danh lam từng vang bóng ngày nào, tỏa ánh Phật quang nhuần thấm trong đời sống tâm linh con người trên vùng đất “ba gò” nói riêng, đất Bắc Ninh nói chung.

Chùa Cảm Ứng Thánh, gọi theo tên làng là chùa Tam Sơn (hay chùa Ba Sơn) nằm trên núi Chùa, một trong ba ngọn núi của xã Tam Sơn gồm núi Chùa, núi Giữa và núi Vường.

Tam Sơn ba núi, sáu làng

Chùa trên, chợ dưới rộn ràng đông vui

Đó là cái rộn ràng, đông vui ngày trước của một Tam Sơn nức tiếng sầm uất, dồi dào sản vật nông nghiệp, phong phú mặt hàng tơ lụa, đông đúc lái thương gần xa đến mua bán, trao đổi hàng hoá nơi bãi chợ họp trước cổng chùa Cảm Ứng Thánh. Còn bây giờ, nơi cổng chùa xưa thường xuyên vắng vẻ. Và ngôi cổ tự dường như cũng càng thêm tịch mịch trên ngọn núi đầy cây cối bao quanh, với bao lớp lá nối mùa theo nhau phủ trên những sườn núi, mái chùa, trên cả những bậc gạch của con đường dẫn lên chốn thiền môn. Ai đến thăm, vãng cảnh, lễ Phật xin gọi cửa. Còn bình thường cửa chùa chẳng mở. Vậy nên vẻ thâm u, cũ kỹ và cảm giác trễ nải như đè nặng mái chùa, gác chuông, cũng như các công trình kiến trúc khác; thậm chí ngay cả khi nhà chùa thỉnh chuông cầu kinh trong những buổi chiều tà. 

Ngược tìm các trang sử liệu, các thư tịch cổ, thì muộn nhất chùa Cảm Ứng cũng được xây vào năm có niên hiệu Ứng Thiên (995 - 1007). Sách “Thiền uyển tập anh” - thư tịch cổ chép chuyện vườn Thiền Việt Nam có ghi lại: Cuối thời Tiền Lê, đầu thời Lý (thế kỷ X, XI) Chùa Cảm Ứng của làng Tam Sơn (khi đó là chùa Ba Sơn) đã là trung tâm Phật giáo lớn của cả nước. Với vị trí thuận lợi là nằm sát với hương Diên Uẩn - quê hương nhà Lý - nên chùa đã sớm nhận được sự quan tâm chú ý đặc biệt của các vua đầu triều Lý và các cao tăng đến trụ trì hành đạo. Tại trung tâm Phật giáo này, nhiều vị cao tăng đã đắc đạo và có những đóng góp đáng kể vào việc tạo lập củng cố vương triều Lý và phát triển nền văn hóa dân tộc. Tiêu biểu phải kể tới các thiền sư Lã Định Hương, Viên Chiếu, Bảo Tính, Minh Tâm. Theo sách “Việt sử lược” thì thời Lê Long Đĩnh, chùa Cảm Ứng là nơi được nhà sư Vạn Hạnh chọn để đưa Lý Công Uẩn (vua Lý Thái Tổ sau này) về lánh nạn, tránh sự truy đuổi của vua Lê Ngọa Triều. Năm 1063, Lý Thánh Tông cho xây dựng lại chùa với quy mô to lớn. Dấu vết vật chất của lần xây dựng này đến ngày nay còn thấy qua những viên gạch hoa nổi hình lá đề, gạch đất nung quanh chùa. Dưới thời Lý, chùa Tam Sơn là chốn các cung phi, công chúa nhà Lý thường đến thưởng ngoạn cảnh sắc. Nhiều người coi Tam Sơn như một mảnh đất lành, an toàn để tìm sự cân bằng tâm linh những khi gặp khó khăn, thậm chí có người còn đến tu hành. Ngày nay, trong khuôn viên chùa, chúng ta còn thấy dấu vết Am hoa viên, tương truyền là nơi công chúa nhà Lý là Thuận Dương, nguyên phi Thần Châu, nguyên phi Bảo Liên từng đến dạo chơi; và ở hành lang phía Tây của chùa hiện có tượng và ban thờ các bà. Điều đó cho thấy quy mô, tầm vóc và ảnh hưởng của ngôi cổ tự này trong đời sống tôn giáo đương thời. Năm 1519, sau khi đỗ Trạng nguyên, Ngô Miễu Thiệu cho trùng tu lại chùa. Lần trùng tu này, chùa được mở rộng với quy mô rất lớn, gồm nhiều công trình như: Tam quan, Tiền đường, Trung đường, hành lang, nhà Tổ... được xây cất, tu bổ và mở rộng tới hàng trăm gian, vì vậy nhân dân vẫn quen gọi là Chùa Trăm Gian. Vào các năm 1672, 1693,1697 chùa tiếp tục được tu bổ và xây dựng gác chuông với sự hưng công của Tiến sĩ Ngô Sách Tuân và phu nhân là Nguyễn Thị Ngọc Vĩnh. Năm 1826, chùa lại được trùng tu và đúc quả chuông lớn cao 1,3 mét, nặng 300kg. Hiện tại chùa còn 12 công trình xây dựng được bố trí theo kiểu “nội công ngoại quốc”, trong đó tác phẩm kiến trúc đặc sắc là “gác chuông”. Trong chùa cũng còn nhiều hiện vật quý. Đó là khánh đá, tạo vào năm 1672, cây hương đá được dựng vào năm 1697, chuông đồng, tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay được tạo tác rất công phu, tài nghệ; tượng các thiền sư Lã Đinh Hương, Bảo Tính, Minh Tâm. Các pho tượng đều có thể coi là những di sản nghệ thuật điêu khắc đặc sắc.        

Chùa Tam Sơn không chỉ thuần tuý là nơi thờ Phật, mà còn mang chức năng như ngôi đình làng để người trong vùng thờ các vị Thành hoàng như Sơn Thần, Trạng nguyên Nguyễn Quán Quang, Tiết nghĩa đại vương Ngô Tự Cường. Chùa cũng là nơi thờ các danh khoa Tiến sỹ của làng và một vài thân vương nhà Lý đã đặt hậu cho làng. Đó là biểu hiện của sự kết hợp tín ngưỡng dân gian với đạo Phật, Đạo giáo và Nho giáo khá độc đáo, mang nhiều giá trị nghiên cứu về lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng, văn học và dân tộc học.

Trong thời kỳ cách mạng và kháng chiến, chùa Cảm Ứng từng là một cơ sở hoạt động của đồng chí Ngô Gia Tự và các đảng viên Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Trong những ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945, chùa là địa điểm ra mắt của tổ chức Mặt trận Việt Minh xã Tam Sơn, nơi tập hợp quần chúng vùng dậy đấu tranh, xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng. Đặc biệt, chính trên nền cũ của chùa Tam Sơn, ngày mùng Một tết Đinh Mùi (1967), hai mùa xuân trước ngày đi xa, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã về nói chuyện, chúc Tết cán bộ, đảng viên và nhân dân Hà Bắc lúc ấy. Dấu xưa còn lại vẫn toả bóng mát xanh từ cây đa Bác trồng trước cổng chùa. Tháng 12 năm 1972, chùa bị bom Mỹ phá huỷ gần như hoàn toàn. Người trong vùng thu nhặt những vật liệu còn sót lại và góp công sức dựng lại ngôi chùa. Qua vài lần tu bổ, dần có được nếp chùa như hôm nay với mặt bằng kiến trúc gồm 12 công trình, bố cục theo kiểu nội công, ngoại quốc, với chùa Hộ (hay còn gọi Tiền Đường), Thiêu hương - Điện thờ Phật. Từ đây có lối mở vào sân trong với hai dãy Tả vu, Hữu vu, chạy tới nếp chùa cuối thành vành đai kín bao bọc quanh gác chuông, và phía trước đó là nền xưa của Thượng điện. Chùa Cảm Ứng đã được Bộ văn hóa - Thông tin công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật tại quyết định số 138/BVH ngày 31/01/1992.

Những năm qua, nhân dân Tam Sơn đã được nhà nước quan tâm đầu tư nhiều tiền của để trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, trong đó có chùa Cảm Ứng. Tuy nhiên, những lần tu bổ dường như chưa thực sự hiệu quả và đảm bảo chất lượng. Ngay như gác chuông chùa, chỉ sau tu bổ một thời gian ngắn đã tỏ ra quá yếu ớt, đến nỗi nhà chùa chẳng dám cho chúng tôi trèo lên để chụp ảnh quả chuông quý giá. Rồi những dãy hành lang sập sệ, vắng vẻ - nơi vẫn cô đơn những pho tượng danh nhân, cung phi trong phủ thờ đơn sơ, dường như chẳng mấy ai ngó tới - càng tăng thêm vẻ hoang lạnh đến nao lòng.

Chúng ta đang tiến những bước dài trên con đường CNH - HĐH quê hương, đất nước. Trong quá trình đó, Đảng và nhà nước ta vẫn xác định nhiệm vụ bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống văn hoá dân tộc, bao gồm cả những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể. Với Tam Sơn - làng quê văn hiến và cách mạng -  những giá trị lịch sử, văn hoá, tín ngưỡng và vẻ đẹp kiến trúc của ngôi chùa làng còn mãi trong tâm thức bao người cũng là một trong rất nhiều giá trị cần lưu giữ, cần có những động thái tích cực trong bảo vệ, tôn tạo và quảng bá hình ảnh của di sản này, để các thế hệ sau được gặp gỡ tâm hồn cha ông trong những hiện vật hiện hữu qua thời gian./.

                                                                                                                                                                                      LÊ QUANG THUẬN