Trang chủ VĂN HIẾN BẮC NINH - KINH BẮC

KHOẢNH KHẮC LÀNG
15:44 | 18/01/2023

Kinh Bắc - Bắc Ninh nổi tiếng trong lịch sử là một vùng đất cổ có nền văn minh sớm phát triển. Đây được coi là chốn "Tổ đình" của Phật giáo Việt Nam. Hệ thống chùa chiền nơi đây từng được biết tới qua sự phân vùng di tích của người xưa: Cầu Nam - Chùa Bắc - Đình Đoài. Tuy nhiên, bên cạnh những ngôi chùa cổ kính mang nhiều giá trị lịch sử, văn hoá, nghệ thuật đặc sắc; thì Kinh Bắc - Bắc Ninh cũng là địa bàn có nhiều ngôi đình quý giá. Câu ca xưa còn đó: "Thứ nhất là đình Đông Khang/ Thứ nhì đình Báng, vẻ vang đình Diềm". Câu ca dẫu nhắc tới những ngôi đình cụ thể, trở thành niềm tự hào về mái đình quê của người xứ Bắc, nhưng nó cũng như một ngầm ý về chiều sâu văn hóa được kết tinh nơi mỗi làng quê trên vùng đất cổ kính này. Bởi ở đó, có biết bao giá trị vật chất và tinh thần đã được con người tạo dựng bằng sức lao động và sáng tạo bền bỉ qua thời gian. Câu chuyện về ngôi đình cổ - nơi lưu dấu thờ phụng các danh nhân khoa bảng của làng Lương Xá, xã Phú Lương, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh là ví dụ chứng minh cho điều đó.

Đợt lạnh cuối mùa những ngày áp tết Quý Mão khiến cho đất trời vùng quê Lương Xá ngày tôi về trở nên ảo mờ với mưa bụi giăng mắc, đem hơi lạnh phủ dày trên từng cành cây ngọn cỏ, trên cánh đồng và cả không gian làng quê này. Nó cũng khiến mái đình Lương Xá thêm bàng bạc phong sương như trong bức tranh thuỷ mặc, với hai nét màu đen trắng loang vệt đến phiêu hình:

Sương sa nhuộm trắng mái đình quê

Tiếng Nhạn từng không bỗng lạc về 

Thấp thoáng bóng người sau màn nước

Hỏi chốn Bồng lai có khác chi?

Lương Xá chẳng phải chốn Bồng Lai, nhưng vẻ đẹp cảnh vật thì có thừa. 

Làng quê này có cái tên dân gian vẫn gọi là làng Lường, hay Lường Xá. Tìm tên làng trong những trang sách cũ, thấy nói rằng, những làng quê có gắn với chữ Xá cơ bản đều là các làng Việt cổ xuất hiện từ thuở Hùng Vương. Trước Cách mạng tháng Tám, đây là làng đầu Tổng Lương Xá. Và nay, Lương Xá vẫn được coi là làng lớn, có lịch sử và bề dày truyền thống nhất của xã Phú Lương, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Làng nằm phía Nam huyện, có mặt tiếp giáp với đất Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Người làng vẫn truyền nhau rằng, đất làng được coi là linh địa mang hình thể cô Tiên. Hiện tại vẫn còn nhiều địa danh trong làng gọi theo, như giếng cô tiên, đống cô tiên... Vốn ở giữa vùng trũng, ngày trước, cuộc sống của người làng vẫn lam lũ nổi trôi từng mùa nước úng. Nghề nông là nghề chủ yếu của người làng, mà sản xuất trong điều kiện phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, vậy nên, sự nghèo khó cứ bám trong đời sống của mỗi gia đình suốt nhiều năm tháng trước đây. Nhưng giờ, về với Lương Xá, ta dường như không thể hình dung nổi dáng làng lam lũ xưa kia. Bởi đường xá, nhà cửa, những công trình phúc lợi xã hội được hoàn thiện đã tạo vẻ khang trang, cho thấy cuộc sống đang lên của vùng nông thôn mới. 

Giống như mọi người dân đất Việt, người làng Lương Xá, xã Phú Lương, huyện Lương Tài luôn tự hào về vùng đất mình đang sống. Điều đó không chỉ xuất phát từ tinh thần yêu và gắn bó với quê hương thuần tuý, mà còn được hình thành từ chính lịch sử đấu tranh với thiên nhiên, ngoại xâm, và truyền thống lao động cần cù của bao thế hệ con người trên mảnh đất thân thuộc này. 

Ngôi đình làng mang mỹ tự Thưởng Xuân đình chính là công trình ghi lại sự tích và để tưởng nhớ Đại vương Tô Hiến Thành - vị danh nhân quan trọng đã góp mặt trong lịch sử xây dựng và bảo vệ đất nước thời Lý. Điều đó đã khẳng định sự xuất hiện và tồn tại của làng quê cổ này trong lịch sử với cả nghìn năm. Tô Hiến Thành là một trong 4 đại thần phò tá đắc lực triều đình nhà Lý, làm quan dưới hai triều vua Lý là: Lý Anh Tông và Lý Cao Tông. Tài năng, trí tuệ và nhân cách sáng người của ông đã được lưu trong sử sách, được nhân dân ta ngưỡng vọng, tôn thờ. Không chỉ là võ quan có tài, ông còn là nhà chính trị, tổ chức, ngoại giao kiệt xuất, có nhiều đóng góp vào việc xây dựng triều chính, củng cố lực lượng quân đội, tăng cường sức lãnh đạo của bộ máy hành chính nhà nước, đào tạo và tuyển chọn nhân tài… Khi ông mất, nhân dân nhiều nơi đã lập thờ làm Thành hoàng, trong đó có Lương Xá. Tại đây hiện vẫn lưu giữ được nhiều đạo sắc của triều đình phong kiến ngày trước phong tặng Thành hoàng Tô đại vương thượng đẳng thần, và sức cho người làng thường niên, theo lệ thờ cúng tưởng nhớ. Cùng với thành hoàng Tô Hiến Thành, đình Lương Xá cũng là nơi phối thờ các vị Tiên hiền đỗ đại khoa; Tiên triết làm quan có chức tước; Tiên chính được ấm phong Đại phu, Trúng thức có nhiều đóng góp trong lịch sử làng xã, dân tộc.  

Lương Xá xưa là thôn đầu Tổng, nên hệ thống Đình, Chùa, Nghè, Văn chỉ được xây dựng hoàn chỉnh cả về quy mô, lẫn bề thế. Đó là đình sắc (còn gọi đình trong), đình ngoài (Thưởng Xuân đình), chùa Phúc Lâm, nghè, văn chỉ. Nhưng trong kháng chiến chống Pháp, hệ thống này đã bị phá huỷ hầu hết, chỉ còn lại chùa Phúc Lâm, và phế tích đình ngoài. Dấu tích đình ngoài còn lại có thể thấy qua bệ đá chân cột, và cây bia đá tứ diện mang tên Thưởng Xuân đình bi dựng năm Chính hoà thứ 21 (1700) ghi lại quá trình xây dựng đình xưa, phong thổ làng xã và tên tuổi các đại khoa trong làng. Theo đó, đình làng Lương Xá được khởi dựng từ thời Lê: Vũ Hành, con út thượng thư Vũ Cẩn, làm quan đến Triều liệt đại phu, Nho sinh trúng thức, kiêm Tri huyện Lương Tài... là người khởi xướng hưng công đình làng. Đình xưa dựng trên khu đắc địa về phong thuỷ, với huyền vũ, chu tước, minh đường... đều chỉnh tề. Không gian thoáng đãng với hồ nước, vườn cây bao quanh cho cảm nhận rõ rệt về thực thể "cây đa, giếng nước, sân đình" nơi làng quê nông thôn Bắc Bộ. Đình có quy mô kiến trúc to lớn, gồm đại đình 3 gian 2 chái, kiến trúc kiểu "bình đầu 4 mái đao cong", hệ chịu lực bằng gỗ lim chắc khoẻ, mỗi bộ vì có 6 hàng chân cột; gian giữa lòng thuyền, hai bên đóng sàn. Hậu cung 3 gian liên kết với đại đình thành tạo thành mặt bằng kiến trúc hình chữ Nhị. 

Trong kháng chiến chống Pháp, ngôi đình Lương Xá đã bị hạ giải hoàn toàn. Năm 1976, với tấm lòng hướng về tổ tiên, nhân dân địa phương dựng lại toà hậu cung 2 gian. Năm1994, bằng sự hưng công của dân làng, thập phương, và hỗ trợ của nhà nước, toà đại đình đã được xây dựng trên nền xưa, nếp cũ. Dẫu không được quy mô bề thế như ngày trước, nhưng đủ cho nhu cầu sinh hoạt văn hoá tinh thần của mỗi người dân trong làng. Đồng thời xây dựng nhà bia. Tiếp đó, lại tu bổ hậu cung thành 3 gian, nối với đại đình thành hình chữ nhị; xây dựng dần hệ thống sân tường, cổng, nhà tạo soạn... Đến năm 2018, được sự quan tâm của chính quyền các cấp, ngành văn hóa và sự hưng công của nhân dân địa phương, Lương Xá đã dựng lại tòa đại đình trên nền xưa đất cũ, với quy mô 186m2, ba gian hai chái, kết cấu khung gỗ lim, tường xây, kinh phí lên tới gần 4 tỷ đồng. Ngoài công năng của một công trình tín ngưỡng tâm linh, nơi sinh hoạt văn hoá, hội họp của chính quyền đoàn thể và nhân dân địa phương, một phần nội đình làng Lương Xá còn được bố trí làm nơi lưu danh các vị đại khoa của quê hương, nhằm giáo dục truyền thống hiếu học và khoa bảng cho các thế hệ người làng. Trong đó, có những tên tuổi lớn như Trạng nguyên Vũ Giới, bên cạnh người cha Vũ Kính, người chú Vũ Cẩn, những vị đại khoa từng làm quan đến Thượng Thư các triều đại phong kiến ngày trước. Cùng với đó là tên tuổi  những Thám hoa, Hoàng Giáp, Tiến sỹ... người làng như: Đào Phùng Thái, Phương Kính Trung, Lương Phùng Thời, Phạm Quang Tiến, Trần Danh Tân...

Về với Lương Xá, chúng tôi đã được nghe nhiều câu chuyện về thuở ông cha trong làng đèn sách, học hành và đỗ đạt, để tiếng thơm muôn đời cho con cháu noi theo; cũng như về lịch sử vùng đất, con người nơi đây. Ở đó, có niềm tự hào không giấu giếm của những người dòng họ Vũ, họ Phương, họ Lương, họ Phạm.. khi ông cha họ ngày trước, dẫu lam lũ nơi đồng chiêm khó nhọc, vẫn nuôi chí vươn lên, cố công đèn sách, thăng hoa văn chương chữ nghĩa và tài năng của mình trên con đường khoa cử và hoạn lộ. Theo đó, Lương Xá là mảnh đất trù phú về khoa bảng, có nhiều người tài kinh bang tế thế. Tiêu biểu là gia đình, dòng tộc Trạng nguyên Vũ Giới. Thân sinh của Vũ Giới là Vũ Kính (đỗ Hoàng giáp năm 1544), làm quan đến chức Tả thị lang Bộ Lễ, Chưởng Hàn lâm viện sự - tước Hầu; chú ruột Vũ Trạng nguyên là Vũ Cẩn đỗ Tiến sỹ khoa thi Bính Thìn (1556), làm quan đến chức Thượng Thư và cũng được phong tước Hầu; ông ngoại là Nguyễn Thu cũng là một Thượng Thư trong triều. Đến Vũ Giới, ông thêm lần làm sáng danh dòng họ, gia tộc bằng tài học và thi đậu Đình nguyên. Đồng thời, tham gia đóng góp trí tuệ, công sức cho công việc triều đình, và sự nghiệp xây dựng, phát triển về mọi mặt của đất nước, làm quan tới chức Lại bộ Thượng thư. Tiếp nối truyền thống ông cha, những năm gần đây, Lương Xá ngày càng có thêm người theo học ở các bậc học cao. Con em những dòng họ Lương, họ Vũ, họ Phương... cũng như những chòm họ ngày càng quần cư đông đúc trong làng, giờ vẫn duy trì được truyền thống học hành, có thêm nhiều người thành danh trên con đường khoa cử và sự nghiệp. Có cả những gia đình, dù kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn hàng ngày cặm cụi ruộng đồng, làm thuê làm mướn để thêm tiền nuôi con ăn học. Cả làng giờ đã có nhiều Cử nhân, Thạc sỹ, Tiến sỹ, công tác ở nhiều cương vị khác nhau. Những người thành đạt trên con đường học tập, công tác, vẫn không quên nguồn cội quê hương đã nuôi dưỡng mình trưởng thành bằng việc về bái yết tổ tiên, tiền nhân tại ngôi đình chung của làng, báo cáo về những nỗ lực của bản thân. Đó là nét đẹp đầy ý nghĩa nhân văn - mà truyền thống ông cha là nguồn dưỡng chất vô cùng quý báu góp phần đem lại.

Hiện tại, Lương Xá có gần 240 hộ, với khoảng 730 khẩu, thuộc hơn chục dòng họ quần cư trong làng và một vùng trại vừa chuyển đổi sang nuôi thuỷ sản, làm VAC kết hợp. Mặc dù sản xuất nông nghiệp vẫn là hoạt động kinh tế chủ yếu của người dân trong làng, nhưng thời gian qua, người nông dân nơi đây đã có nhiều cố gắng trong thay đổi cách nghĩ, cách làm, chuyển dần theo hướng sản xuất hàng hoá - thông qua việc áp dụng tiến bộ KHKT, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Qua đó đã từng bước nâng dần năng suất, sản lượng và giá trị thu nhập trên mỗi đơn vị diện tích canh tác. Mức sống của người dân cũng được nâng lên qua từng năm. Hiện tại, ở Lương Xá, số hộ khá và giàu chiếm tới hơn 60%. 

Như bao làng quê khác của đất Bắc Ninh vốn vượt trội về hội hè đình đám, hội làng Lương Xá không chỉ là nếp sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng thường niên, mà đã trở thành mỹ tục đẹp nơi làng quê cổ này. Có lẽ. sau cả năm dài vất vả lao động, bươn trải làm ăn trong làng, ngoài nước, phút giây hoà chung niềm vui đón Hội nơi quê nhà trong tiết xuân ấm nồng hương lúa thì con gái thật ý nghĩa và đáng nhớ với mỗi con người. Và trước đấng Thành Hoàng nơi mái đình chung, bao niềm mong cầu thầm kín đã được bày tỏ cùng nén nhang thơm dẫn dụ tâm linh. Niềm mong cầu cũng thật giản dị như chính con người đang sống nơi làng quê nông thôn chưa hết khó nhọc này; đó là mong sao cho mưa thuận gió hoà - cây cối tươi tốt - mùa màng bội thu - gia súc dồi dào - nhân  khang vật thịnh. Ngày hội cũng chính là dịp để người làng làm ăn mọi nơi tụ về, là dịp đón bạn ngày xuân, tăng cường nghĩa tình liên kết cộng đồng trong một vùng văn hoá gần gũi; để hình thành nên sức mạnh nội sinh , giúp con người vượt qua mọi thử thách trong xây dựng và phát triển quê hương.

Thời gian vẫn trôi. Cùng với đó là sự thay đổi trong cuộc sống của con người trên mỗi vùng đất. Hình ảnh về làng với những nếp ngói rêu phong xưa cũ, luỹ tre đùm bọc rồi sẽ chỉ còn trong ký ức. Nhưng có lẽ những bản sắc văn hoá, sinh hoạt tín ngưỡng ở mỗi vùng nông thôn trong tỉnh nói chung, ở Lương Xá nói riêng sẽ còn mãi qua những lớp người trong làng. Đó là nét đẹp tạo nên những nếp làng đủ sức bền, chống lại những tác động của thời gian, của những tác động không lành mạnh trong xã hội hiện đại đem lại./.

 

                                                                                                                                                                                                                        LÊ QUANG THUẬN