Trang chủ VĂN HIẾN BẮC NINH - KINH BẮC

ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN VỀ DÂN CA QUAN HỌ BẮC NINH
14:43 | 30/11/2018

Em đi khắp bốn phương trời

Không đâu thanh lịch bằng người ở đây

Chỉ hai câu thơ thôi đã gói gọn những lời hay ý đẹp về người quê Quan họ rồi. Không biết câu ca ấy là sự nhận xét tinh tế của người tỉnh khác về con người xứ Bắc Ninh - Kinh Bắc hay của chính người dân xứ sở Quan họ này tự hào về quê hương yêu dấu của mình. 

"Trong sáu tỉnh người đà chưa tỏ

Ngoại năm thành chỉ có Bắc Ninh

Yêu nhau trở lại xuân tình

Nghề chơi Quan họ có tinh mới tường"

(Dười giờ mấy kẻ biết ra)

Trong các loại hình dân ca tiêu biểu, có thể nói dân ca Quan họ Bắc Ninh được đánh giá là loại hình dân ca đặc sắc và được nhiều người yêu thích nhất. Điều đó được khẳng định không chỉ bởi những làn điệu ngọt ngào, đằm thắm; những ca từ mộc mạc nhưng rất tinh túy mà còn bởi nghề chơi Quan họ độc đáo, đầy sức cuốn hút. Xưa kia, người Quan họ không gọi là hát Quan họ mà gọi là chơi Quan họ, một thú chơi dân dã, tao nhã, nhưng có sức quyến rũ mãnh liệt người chơi và người được thưởng thức. Vào canh hát, người Quan họ như tỉnh như say, canh hát càng về khuya càng trầm, càng bổng, càng mặn nồng thiết tha. 

Từ khi còn trong nôi, lời ru của bà, của mẹ đẫm chất Quan họ đã thấm sâu vào hồn tôi để rồi mỗi ngày lớn lên, cái chất dân ca đằm say ấy nó lại càng ngấm vào từng mạch máu, hơi thở của tôi. Càng đi sâu vào những làn điệu, những câu ca Quan họ cổ, tôi càng mường tượng ra một không gian Quan họ xưa kia sao mà bao la, ngút ngát nhưng cũng gần gũi, bình dị làm sao. Ẩn chứa trong sự mộc mạc, dung dị của dân ca Quan họ là những nét thanh cao, kiêu sa đến ngưỡng mộ. Có những câu ca rất giản dị, gần gũi mà ăm ắp tình người:

"Dưới giời mấy kẻ biết chơi

Chơi cho lở đất, long giời mới hay

Chơi cho sông cạn lại đầy

Cho thuyền về bến, cho mây gặp rồng

Chơi cho loan phượng trùng phùng

Chơi cho nên nghĩa nên tình đôi ta".

(Dưới giời mấy kẻ biết chơi)

Có những câu ca lại sâu sắc, ẩn chứa những tâm sự đầy vơi nỗi niềm mà người đời xem chừng khó có thể diễn đạt: 

"Sầu riêng em vẫn âm thầm

Vui này cho bõ đau ngầm ngày xưa 

Ai làm gan héo dạ sầu

Em ngồi, em nghĩ càng cay đắng lòng.

Người về tựa chốn loan phòng

Em về thắp ngọn đèn chong canh dài".

(Trống Rồng)

 Những nỗi niềm gửi trao, những hờn ghen, trách cứ trong câu ca được giãi bày hết sức tế nhị mà sâu sa đến thế: 

"Anh tư đã có chốn để em chờ đợi luống công

Chữ chung tình đã hẹn từ xưa".

(Lòng vẫn đợi chờ)

Hoặc: 

"Yêu hoa phải giữ lấy màu cho hoa

Xin đừng chê xấu chê xa,

Chê em vụng nói cửa nhà neo đơn.

Trong làng cũng có nơi hơn,

Trái duyên chẳng thuận phải sang quê người".

(Người ngoan)

Bao nhiêu làn điệu, bao nhiều lời ca cũng chỉ gói gọn trong chủ đề tình yêu, nhưng đề tài này nói sao cho vừa, nói sao cho hết; một đề tài vô tận để người quan họ khai thác, thế mới thấy sự tài tình xưa kia của người quê Quan họ khi sáng tạo loại hình dân ca quý báu này. 

Lối chơi tao nhã, phóng khoáng mà lại khiêm nhường của người Quan họ càng làm nổi bật cốt cách của mình. Người Quan họ có nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng mà không nơi nào có được. Giữa bộn bề công việc thường nhật của mình, họ đã tạo ra một không gian riêng biệt, một thú chơi lôi cuốn mọi tầng lớp trong xã hội xa xưa ở xứ sở này đều muốn vào cuộc chơi một cách tự nguyện và hết sức say sưa. Sau những giờ lao động vất vả, họ lại tụ họp bên nhau để ca hát, đặt lời, bẻ giọng những câu ca mới. Họ ca với nhau những canh Quan họ thâu đêm, rạng ngày; cho tàn canh mãn võ để vui dân, vui xóm, vui bầu, vui bạn. Và rồi lúc chia tay họ cứ mãi dùng dằng, dan díu mà chẳng nỡ dứt dây sao cho đành. 

Ngoài những lúc thư nhàn cùng nhau sinh hoạt văn hóa Quan họ, họ lại gần gũi, động viên, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống khó khăn hàng ngày của mình. Điều đặc biệt quan trọng là họ thực hiện hết sức nghiêm cẩn những gì đã đề ra trong lối chơi Quan họ khi đã  thành quy tắc. Người Quan họ luôn cẩn trọng trong trang phục, giao tiếp và mọi hành vi ứng xử của mình. Tất cả những gì mà quê hương Quan họ đã khởi nguồn và gìn giữ cho đến ngày nay thật xứng với thành quả mà họ đã gặt hái được. Chính vì vậy mà vào ngày 30 tháng 9 năm 2009, dân ca Quan họ Bắc Ninh chính thức được tổ chức Unesco công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sau thời điểm này, dân ca Quan họ Bắc Ninh có thể nói đã đạt đến đỉnh cao về nhu cầu của cộng đồng người nghe cũng như những người muốn tự mình ca lên được những làn điệu dân ca quan họ. Khắp trong và ngoài tỉnh rộ lên phong trào ca hát Quan họ. Nhiều nơi thành lập những câu lạc bộ Quan họ và có nhu cầu học hỏi về loại hình dân ca này. Thật tự hào về nét văn hóa đặc sắc của quê hương và một niềm tin trong tôi cũng như người dân nơi đây chắc chắn sẽ không bao giờ phai: Dân ca Quan họ Bắc Ninh sẽ mãi mãi trường tồn và lan tỏa./. 

                                                                                                                                                                                       SƠN CA