Trang chủ VĂN HIẾN BẮC NINH - KINH BẮC

ĐÌNH LÔI CHÂU VÀ LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG ĐẬM NÉT MIỀN SÔNG NƯỚC LỤC ĐẦU GIANG
16:00 | 26/09/2023

Lôi Châu là một trong bảy thôn của xã An Thịnh, xưa gọi là làng Bòng. Xã An Thịnh trước đây là Tổng An Trụ thuộc huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Năm 1893, phủ Nam Sách giải thể, 3 tổng gồm An Trụ, Hoàng Kênh (tức Trung Kênh ngày nay) và Lại Thượng (gồm hai xã Lai Hạ và Mỹ Hương ngày nay) được sáp nhập vào huyện Lương Tài tỉnh Bắc Ninh. 

Thôn Lôi Châu nằm ở phía Bắc xã An Thịnh, có diện tích đất tự nhiên là 76.760m2, với  trên 500 hộ và 1.557 nhân khẩu, là một thôn thuần nông. Suốt mấy trăm năm qua, cộng đồng dân cư gồm gần 20 dòng họ của Lôi Châu đã cùng nhau khai thôn mở ấp, cố kết lên truyền thống cần cù lao động, chiến thắng thiên tai địch họa.

Cùng với nhân dân xã An Thịnh, Lôi Châu là quê hương giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Vào thế kỷ XVII, tại vùng Đồ Sơn (Hải Phòng) nổ ra cuộc khởi nghĩa Nguyễn Hữu Cầu thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Khởi nghĩa nhanh chóng lan tới vùng Kinh Bắc. Tại đây, Nguyễn Hữu Cầu chọn vùng Ba Tổng làm căn cứ quân sự, hàng trăm trai đinh tổng An Trụ tự nguyện gia nhập nghĩa quân.

Năm 1929, vùng Ba Tổng có cuộc khởi nghĩa do Chánh Tuyên (Nguyễn Văn Tuyên) lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa ấy lấy làng An Phú làm căn cứ. Lúc bấy giờ tổng An Trụ có khoảng 20 thanh niên  trai tráng tham gia trong đó có nhiều người làng Lôi Châu. 

Tổng khởi nghĩa Tháng 8/1945. Chiều ngày 19/8/1945, hàng nghìn quần chúng, hàng trăm tự vệ vũ trang vùng Ba Tổng cùng nhân dân khắp nơi kéo về huyện lỵ Lang Tài cướp chính quyền, làm nên cuộc cuộc cách mạng long trời lở đất, xóa bỏ ách thống trị gần 100 năm của thực dân Pháp và hàng ngàn năm phong kiến áp bức. Trong chín năm kháng chiến, An Thịnh là vùng quê có phong trào du kích phát triển mạnh. Hàng trăm trận đánh diễn ra trên đất này, hàng trăm tên giặc phải đền tội. Xã An Thịnh được phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong đó, Làng Lôi Châu có nhiều cán bộ hoạt động cách mạng, được công nhận là Lão thành Cách mạng, cán bộ Tiền Khởi nghĩa, nhiều gia đình là cơ sở nuôi giấu cách mạng. Trong kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, hàng trăm thanh niên Lôi Châu tòng quân tham gia chiến đấu khắp các chiến trường. Cả thôn có 35 liệt sĩ, 19 thương bệnh binh, 4 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Tổng kết hai cuộc kháng chiến, cán bộ và nhân dân Lôi Châu đã được Đảng và nhà nước đã tặng hàng trăm huân, huy chương, Bằng khen các loại.

Giống như nhiều làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ, Lôi Châu có đủ các công trình văn hóa tín ngưỡng là Đình và Chùa. Căn cứ các thư tịch cổ lưu giữ tại đình cho biết đình Lôi Châu thờ Tam vị Đại vương là Định Công, Hoàng La và Đào Lỗ, đều là những người có công giúp Lý Nam Đế đánh giặc Lương từ thế kỷ thứ VI và âm phù vận nước để các triều đại Trần, Lê khai sáng cơ đồ. Ba Ngài được nhà Vua gia phong mỹ tự là “Phúc Thần” và cho nhân dân hương hỏa thờ cúng.

 Theo các bậc cao niên trong thôn, đình Lôi Châu là công trình văn hóa tín ngưỡng có lịch sử hình thành từ lâu đời nằm ở hạ lưu sông Đuống thuộc vùng sông nước Lục Đầu Giang. Trải mấy trăm năm, Ngọc phả truyền kỳ, bia đá tri ân biết bao cá nhân, gia đình phát tâm công đức dựng xây, tôn tạo nhiều lần. Mười tám bi ký trước tiền đình minh định cho đình làng dấu ấn nền văn minh lúa nước thuần nông sông Hồng rực rỡ. Sử thi đậm chất bi hùng của đất và người Lôi Châu qua các thời kỳ lịch sử từ thủa lập làng, di ngôn vẫn còn truyền tiếp đến tận bây giờ. Đình Lôi Châu ngày xưa to đẹp nhất vùng, tòa Đại đình cột lim lớn cả người ôm không hết sơn son thếp vàng, phù điêu tứ linh bốn mặt, thượng đương tám mái đao cong, ngói cổ, tả hữu phượng ngự rồng chầu, thênh thang sân hội, rợp bóng đề đa.Trước tiền đình là thủy hồ bán nguyệt, bình phong tụ khí thiêng. Đình làng tọa lạc trên nền thắng địa. Xuân thu, tuyết hạ, đông về, quanh năm bốn mùa nhang khói phụng thờ. Đình là trung tâm văn hóa, lưu giữ, bảo tồn, truyền sử bao tích cổ kim. Đình là nơi dân thôn bàn bạc việc nước việc làng, là nơi người dân Lôi Châu gửi gắm tâm linh, nguyện cầu ước vọng. 

Trong thời kỳ chống Pháp, đình bị phá hủy chỉ còn lại hậu cung. Khi hòa bình lập lại, nhân dân góp công góp của xây dựng lại tòa Hậu cung, đến năm 2010 xây dựng lại tòa Đại đình như hiện nay trên nền đất cũ. 

Căn cứ về giá trị nhiều mặt, Đình Lôi Châu đã được xếp hạng Di tích lịch sử Văn hóa cấp tỉnh năm 2014. Cứ vào dịp từ  ngày 12 đến 15 tháng 3 âm lịch hàng năm, dân làng Lôi Châu mở hội Đình để tri ân các vị Thành hoàng và những người có công với quê hương đất nước. Kể từ khi đình được xếp hạng, cán bộ và nhân dân Lôi Châu càng xác định nhiệm vụ giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích. Tòa đại đình đã được tôn tạo uy nghi, còn mấy gian hậu cung lâu ngày bị xuống cấp trầm trọng, cần sớm được tu bổ. Cấp ủy, chính quyền thôn đã bàn bạc lập tờ trình xin chủ trương của lãnh đạo các cấp. Song nguồn kinh phí nhà nước cấp chỉ có giới hạn. Lãnh đạo thôn ra chủ trương huy động sức dân.

Đúng là: Mái đình che chở hồn dân tộc/ Nếp sống muôn đời của Tổ tông. Chủ trương vừa phát ra được toàn thể nhân dân hưởng ứng. Của ít lòng nhiều, ai cũng muốn đóng góp cho công trình tu bổ tôn tạo Đình làng. Công trình đã được xúc tiến rất khẩn trương. Toàn bộ phần hậu cung được xây dựng lại, tòa đại đình, cổng đình được sơn vẽ làm mới, hệ thống lan can ven hồ được dựng lên nhằm đảm bảo an toàn với hồ nước. Những công việc cuối cùng của công trình tu bổ tôn tạo đình làng vừa được hoàn tất trước ngày khai hội truyền thống năm 2023.

 Ngày 12 tháng 3 năm Quý Mão, tức ngày 1/5/2023, dân làng Lôi Châu từng bừng mở hội truyền thống và khánh thành công trình tu bổ tôn tạo Đình làng.

Như thường lệ, từ sáng sớm, đoàn rước đã tập trung tại đình làng. Hàng trăm người với đủ các thành phần nam phụ, lão ấu trang phục đẹp đẽ tham gia đoàn rước. Đi đầu là đội múa lân, tiếp là cờ thần, cờ hội, Đèn, Biển, Bát bửu, chiêng, trống, phường bát âm, 7 mâm lễ vật, Kiệu Bát cống rước long ngai Thành Hoàng, quan viên đội Tế Nữ cung kính theo sau, tiếp đến các giới chức đoàn thể và đông đảo quần chúng nhân dân. Đoàn rước Thánh đi từ đình làng, qua trục đường chính của làng đến chùa, rồi vòng qua các trục đường chính của làng, sau trở lại Đình làng. 

Làng xóm Lôi Châu hôm nay như được thay áo mới, dọc trục đường vào làng nhất là khu vực Đình, Chùa cờ biển rợp trời. Tiếng chiêng trống trầm hùng hòa quyện cùng phường bát âm tưng bừng, náo nhiệt. Đoàn rước Thánh tuần du thưởng lãm quanh làng chính là cuộc biểu dương sức mạnh truyền thống, tinh hoa hội tụ của quê hương Lôi Châu ngàn năm văn hiến. Là sự trân trọng, kế thừa và phát huy quá khứ vẻ vang, là ý chí nghị lực vươn lên trong thời đại mới. 

Đến dự hội, các đại biểu và dân làng được nghe khái quát lịch sử ngôi đình làng và Lễ hội truyền thống hàng năm. Các đoàn đại biểu lần lượt dâng hương Thành Hoàng. Ông Trưởng thôn, trưởng ban Tổ chức lễ hội báo cáo kết quả công việc trùng tu tôn tạo đình làng. Những tập thể, cá nhân và gia đình tiêu biểu được thôn tặng thưởng ghi nhận sự đóng góp xuất sắc đối với phong trào quê hương nói chung với công trình đình làng nói riêng.

Buổi chiều, dân làng được thưởng thức chương trình hát quan họ trên thuyền và tham dự các trò chơi dân gian đi cầu thùm, bắt vịt, cờ tướng và bịt mắt bắt lợn. Tối hôm trước, dân làng đã được thưởng thức một đêm văn nghệ rất ấn tượng tại sân đình. Các tiết mục múa, hát Quan họ, hát chèo, khiêu vũ… do các diễn viên quần chúng biểu diễn. Các bà, các cô quanh năm chân lấm tay bùn mà bước lên sân khấu hội làng như tiên sa cá lặn, hát múa như văn công. Tiết mục nào cũng được dàn dựng rất công phu. Người xem kéo đến chật hết cả sân đình. Khán giả không ngớt vỗ tay cổ vũ. Nhiều người lên tận sân khấu tặng hoa, tặng quà, xin được chụp ảnh với ca sĩ. 

Sau hai ngày diễn ra các hoạt động lễ và hội, người dân nào cũng hả hê. Gặp ai cũng nói cười vui vẻ. Người ở quê quanh năm vất vả được vui chơi mấy ngày thỏa thích. Con em xa quê lâu ngày trở về làng không ngớt lời ca ngợi sự đổi thay của làng quê, ai cũng muốn tranh thủ dùng điện thoại ghi lại những hình ảnh lễ hội để khoe với bè bạn.

Lễ hội truyền thống Đình Lôi Châu khép lại nhưng dư âm còn đọng mãi trong tâm khảm mỗi người dân trong thôn và ấn tượng sâu sắc đối với mỗi du khách qua đây về nét đặc sắc của hội làng vùng sông nước Lục Đầu Giang. Ấn tượng về mảnh đất Lôi Châu nghĩa nhân thuần hậu; một Lôi Châu quật cường trong kháng chiến chống ngoại xâm; cần cù, sáng tạo trong lao động; dũng khí, nghị lực vươn lên. Làng nông thôn mới nâng cao Lôi Châu hôm nay đang là động lực để nhân dân đồng lòng cùng tiến về đích làng Nông thôn mới kiểu mẫu. Câu ca dao về làng Bòng xưa như còn vang vọng mãi trong tâm khảm mỗi người dân Lôi Châu hôm nay:

Giếng chùa Bòng vừa trong lại mát

Đường Lôi Châu đá lát dễ đi

Làng trên xóm dưới thầm thì

Hội làng bên ấy không đi sao đành!

 
                                                                                                                                                                                                                              VŨ NGỌC HÒA