Trang chủ VĂN HIẾN BẮC NINH - KINH BẮC

DI SẢN TRÊN VÙNG QUÊ CÁCH MẠNG
08:59 | 03/11/2020

Những huyền thoại trên vùng đất in tích Phật dấu tiên dắt chúng tôi về với làng quê cổ kính và thơ mộng, có bề dày lịch sử, văn hiến và cách mạng Long Khám, thuộc xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Nơi đây hiện vẫn lưu giữ nhiều di sản vật chất và tinh thần hết sức giá trị, phản ánh chiều sâu quá khứ lịch sử vùng đất, con người. Đồng thời có tầm ảnh hưởng quan trọng trong đời sống tinh thần cộng đồng trong giai đoạn xây dựng, phát triển quê hương hiện nay. Trong đó, tiêu biểu phải kể tới hệ thống đình, chùa, gắn với những sự kiện cách mạng hào hùng của địa phương; cùng những sinh hoạt lễ nghi tín ngưỡng mang đậm bản sắc riêng có của quê hương Long Khám. 

Làng Long Khám nằm ven chân núi Rồng, núi Hổ... trông ra những cánh đồng màu mỡ. Phía xa có dãy Nguyệt Hằng sơn cong cong tựa như cánh cung che chắn vững chắc. Từ bao đời nay, cư dân Long Khám chủ yếu lấy sản xuất nông nghiệp làm nghề để duy trì cuộc sống. Họ đã khai phá những cánh rừng Lim giữa địa bàn hai xã Việt Đoàn và Hiên Vân, rừng thông ở núi con Rồng... biến các vạt rừng này thành làng mạc và cánh đồng trồng cấy lúa, trồng màu và các loại cây đặc sản của địa phương như trám, sấu... Cuộc sống lao động sản xuất, đấu tranh với thiên nhiên và ngoại xâm đã tạo nên sự cố kết cộng đồng làng bền chặt. Đồng thời cũng góp phần hình thành bao giá trị văn hóa vật chất và tinh thần được bảo lưu và phát huy qua thời gian. Trong số các di sản còn đến hôm nay trên quê hương Long Khám, ngôi chùa Bách Môn và đình làng Long Khám không những là những công trình kiến trúc nghệ thuật vô cùng giá trị, mà còn gắn lịch sử đấu tranh cách mạng trên vùng quê anh hùng này. 

Chùa Bách Môn ở thôn Long Khám có tên chữ là Linh Cảm tự được xây dựng từ đời Nhà Lý, thế kỷ thứ 11. Đây là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo - có thể nói vào bậc nhất - trong hệ thống chùa tháp trên đất Bắc Ninh. Chùa nằm giữa lưng chừng núi Rồng (còn gọi núi Long Khám) - một trong những dải đồi núi sót của huyện Tiên Du. Theo con mắt các nhà địa lý - phong thủy - đó chính là trán Rồng. Ngày trước, nơi chùa tọa lạc tách hẳn về phía Đông làng Long Khám, giáp với làng Kiều, xã Hiên Vân cùng huyện. Còn nay, xóm thôn bao bọc, nhà cửa cận kề, tạo nên vẻ gần gũi, thân mật giữa thế giới thực và chốn tâm linh này. Theo một số nguồn tài liệu, vào các năm 1556, 1612, chùa Bách Môn từng được sửa sang. Đến các năm 1757 đến 1762 được đại trùng tu với sự đóng góp quan trọng của Tuyên phi Đặng Thị Huệ - người được Chúa Trịnh Sâm hằng yêu mến. Lần đại trùng tu này được xây cất công phu, độc đáo theo dạng tháp và đồ sộ khi hoàn chỉnh, trở thành công trình kiến trúc văn hóa nghệ thuật chùa tháp độc đáo bậc nhất ở Đông Dương theo như một số học giả đánh giá. Chùa khi ấy thiết kế theo hình chữ điền, bốn mặt giống nhau, mỗi mặt 7 gian, tổng chiều dài 30,4m, có nối với tòa chính điện ở trung tâm bằng chuôi vồ. Tổng diện tích mặt bằng công trình rộng gần 1000m2. Mỗi góc là một lầu tháp hai tầng đặt chuông, khánh, mõ và trống. Tòa chính giữa là điện thờ Phật xây hai tầng cao hơn hẳn so với xung quanh. Bốn góc phía trong chùa có bốn bể cạn khá sâu có lối thoát nước. Giữa các bể cạn trồng các loại cây cảnh quý hiếm tôn thêm vẻ đẹp, trang nghiêm. Đặc biệt chùa có trăm cửa đi lại thông thoáng, nội thất hài hòa, hợp lý, cách xử lý không gian tài tình. 

Qua trường kỳ lịch sử, với mưa nắng, chiến tranh tàn phá, chùa cũ không còn... Mãi tới giai đoạn cuối những năm 90 thế kỷ XX, thập kỷ đầu thế kỷ XXI, hậu thế mới hoàn tác lại công trình tâm linh vô cùng ý nghĩa và giá trị này với chính yếu gồm các hạng mục: Cổng Tam quan, gác chuông, tòa Tam bảo, nhà mẫu, nhà tổ, nhà khách... Trong đó, gác chuông chùa với thiết kế kiến trúc bề thế, đẹp đẽ, nổi bật trên trục tâm linh dẫn từ Tam quan lên chùa. Từ gác chuông, ngắm xa về phía Nguyệt Hằng sơn, thấy cả vùng huyền thoại Tiên Du, Phật Tích. Trong số hiện vật còn lưu, giá trị nhất có thể kể tới bộ chuông, khánh đúc bằng đồng, được đúc dưới thời Nguyễn được treo hai bên hồi Tam bảo. Trên thân chuông, khánh đều có ghi chép niên đại tạo tác, cùng một số nội dung về công đức tín thí, danh lam Linh Cảm tự. Hiện tại, chùa đang được phục dựng theo đồ án kiến trúc hồi thế kỷ thứ XVIII hình chữ điền, bốn mặt giống nhau.

Chùa Bách Môn không chỉ là di sản văn hóa tâm linh, mà còn là di tích cách mạng trên quê hương Long Khám, Việt Đoàn. Nơi đây, trong giai đoạn từ 1943 - 1945, nhiều chiến sỹ cách mạng của Đảng đã từng hoạt động, gây dựng cơ sở và khu an toàn cách mạng. Chùa cũng là địa điểm tổ chức đào tạo cán bộ chính trị, quân sự của lực lượng vũ trang tỉnh. Để từ đây, phong trào cách mạng được phát triển, lan tỏa với đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945.

Cùng với chùa Bách Môn, đình làng Long Khám là di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng cấp quốc gia. Đình được dựng ngay đầu xóm Đình, dưới chân núi Rồng - một trong năm quả núi trên địa bàn xã Việt Đoàn, trên khu đất rộng hơn 7000m2. Theo các sách ghi chép, đình Long Khám được dựng thời kỳ nhà Lê (khoảng thế kỷ XVII). Hiện nay, chỉ còn tòa Tiền tế (được trùng tu dưới thời nhà Nguyễn, đời vua Duy Tân) kiến trúc kiểu chồng diêm 8 mái. Đây là công trình kiến trúc đẹp, với nghệ thuật chạm khắc gỗ trên các cấu kiện kiến trúc khá điêu luyện và tinh xảo. Phần lớn điêu khắc trang trí ở tòa Tiền tế nằm trên hệ thống cốn, với các bức chạm nổi đề tài hoa lá, tứ linh, tứ quý... Phía sau nhà Tiền tế, trên nền Đại đình cũ, Nhân dân dựng ngôi nhà 5 gian nối liền làm nơi thờ Thành hoàng. Đình Long Khám thờ thờ 4 vị Thành hoàng là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Dực Thánh vương, Đông Chinh vương, Vũ Đức vương là những người có công đánh giặc giúp nước. Hiện trong đình còn lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật giá trị như một số đồ thờ tự cổ, sắc phong của các vị Vua triều Nguyễn… Ngày trước, trong ngày lễ hội đình và cũng là hội làng Long Khám ngày 15/8 âm lịch hàng năm, người dân nơi đây vẫn có tục trò cướp cây mộc tất. Theo nhiều bậc cao niên trong làng, tục trò là biểu hiện của tinh thần thượng võ của con người trên đất này tự ngàn xưa. 

Trải trường kỳ lịch sử, mái đình xưa đã nhiều lần được tu sửa, dựng lại. Nhưng trong tâm thức người dân trên quê hương Long Khám, những truyền kể về ngôi đình - nhất là về những năm tháng cách mạng hào hùng vẫn mãi còn. Theo lịch sử cách mạng địa phương ghi lại, thôn Long Khám vốn là an toàn khu của Tỉnh ủy Bắc Ninh, Xứ ủy Bắc Kỳ những năm tiền khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945. Nơi đây. Nhân dân có truyền thống yêu nước, đấu tranh chống ngoại xâm, lại sớm được giác ngộ cách mạng. Với địa thế bám quanh sườn núi Rồng, Long Khám là nơi thuận lợi trong việc xây dựng căn cứ và tổ chức hoạt động cách mạng. Nhận thấy điều đó, Xứ ủy Bắc Kỳ đã chủ trương xây dựng liên làng Long Khám - Văn Trinh - Chè Dọc làm An toàn khu của Xứ ủy. Từ đây có thể mở rộng phong trào cách mạng sang các khu vực xung quanh. An toàn khu Long Khám Văn Trinh - Chè Dọc - Trung Màu - Dương Húc đã đan thành một vùng khép kín tạo vành đai “An toàn khu của Trung ương”. Những năm 1943 - 1944, các cán bộ Đảng của Xứ ủy, của Ban cán sự Đảng tỉnh Bắc Ninh thường xuyên về đây theo dõi và chỉ đạo hoạt động cách mạng. Tháng 5/1944, dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự Đảng tỉnh Bắc Ninh, đội tự vệ chiến đấu đầu tiên ở khu Long Khám được thành lập gồm 12 đội viên với nhiệm vụ bảo vệ cán bộ, bảo vệ cơ sở cách mạng, trấn áp bọn phản động. Đồng thời làm nòng cốt phát triển lực lượng chuẩn bị đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị trên địa bàn làng xã. Lịch sử Đảng địa phương ghi nhận, dưới mái đình Long Khám cổ kính, ngày 20/8/1945, Ban lãnh đạo khởi nghĩa và hơn 400 tự vệ vũ trang huyện Tiên Du được phiên chế thành các đại đội, trung đội... đã làm lễ tế cờ, tuyên thệ rồi dương cao lá cờ đỏ sao vàng, phối hợp với lực lượng các huyện Yên Phong, Võ Giàng (nay thuộc huyện Quế Võ), Thuận Thành... tiến về thị xã tỉnh lỵ Bắc Ninh giành chính quyền từ tay thực dân, phong kiến và đế quốc. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, cùng các địa phương trong cả nước, Nhân dân và cán bộ thôn Long Khám bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; ra sức lao động sản xuất, góp sức người, sức của cho tiền tuyến. Với những đóng góp cho cách mạng, Nhân dân và cán bộ Long Khám được Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng “Bằng có công với nước” năm 1965; xã Việt Đoàn cũng vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân năm 1999.

Hơn 70 năm đã trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng về cuộc cách mạng trên quê hương Long Khám vẫn sống và lưu truyền qua các thế hệ con người trên đất này; trở thành niềm tự hào để mỗi người dân nơi đây tích cực hơn trong mọi hoạt động lao động sản xuất, học tập và công tác... góp phần xây dựng quê hương cách mạng Long Khám ngày càng giàu đẹp, văn minh. Đến Long Khám, Việt Đoàn hôm nay, có thể nhận thấy những đổi thay rõ rệt. Làng xóm thay da đổi thịt, với nhà kiên cố, cao tầng ngày càng nhiều. Hệ thống đường giao thông nông thôn được trải nhựa và bê tông hoá sạch đẹp tạo đà cho phát triển kinh tế. Trong phong trào xây dựng Nông thôn mới, địa phương đã phát huy sức mạnh nội lực của Nhân dân thông qua hoạt động xã hội hóa để xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn, phục vụ chính nhu cầu cuộc sống, sinh hoạt của Nhân dân. Các phong trào đều được quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội và mỗi người dân. Địa phương thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 20 và 22 của HĐND tỉnh, tổ chức tốt các lễ hội truyền thống, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Duy trì hoạt động các CLB như Thể dục dưỡng sinh, CLB thơ, CLB phụ nữ không sinh con thứ ba, CLB gia đình hạnh phúc... Điều này đã góp phần cùng xã Việt Đoàn và huyện Tiên Du hoàn thành tất cả các tiêu chí và được Chính phủ công nhận là địa phương đạt chuẩn Nông thôn mới.

Có thể nói, với tinh thần cách mạng của quê hương anh hùng, Nhân dân và cán bộ thôn Long Khám, xã Việt Đoàn hôm nay đã và đang khẳng định sức vươn lên của mình trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển về mọi mặt. Cùng với đó, thông qua việc góp công sức để tu bổ hệ thống tâm linh đình, chùa - những di sản vật chất mang giá trị tinh thần của con người Long Khám, đã khẳng định cách ứng xử đầy văn hóa với quá khứ lịch sử và cách mạng của quê hương. Đến giờ, đình Long Khám, chùa Bách Môn vẫn là những nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng chung của cộng đồng; đồng thời cũng là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa tinh thần cho Nhân dân trên địa bàn. Qua đó, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trên quê hương Long Khám, Việt Đoàn./.

                                                                                                                                                                                                                                                    LÊ QUANG THUẬN