Trang chủ VĂN HIẾN BẮC NINH - KINH BẮC

ĐỀN ĐÔ
14:13 | 19/08/2022

Người ta bảo đất cũng có duyên với người cảm được đó, mỗi nơi tôi đi qua đều gắn vào ký ức những đong đầy kỷ niệm hay một niềm yêu mơ hồ nào đó trong tim. Đền Đô - Bắc Ninh nơi thờ tám vị Vua thời Lý là một nơi như thế!

Nhắc đến vùng đất địa linh nhân kiệt Cổ Pháp - Đình Bảng, Bắc Ninh, ngày nay là nhắc tới một trong “tam cổ” nổi tiếng lịch sử, thứ nhất Cổ Bi, thứ nhì Cổ Loa, thứ ba Cổ Pháp. Đất Cổ Pháp là nơi thắng địa bậc nhất Kinh Bắc, vượng khí linh thiêng. Đây là một vùng có nhiều hồ, đầm lầy, sông Tiêu Tương uốn khúc quanh co, sông Tiêu Tương có chàng Trương Chi thổi sáo làm xiêu lòng Mỵ Nương. Tiếng sáo hay nhưng buồn như kiếp phong trần mộng không như thực của cuộc đời. Vì thế nên nỗi buồn trái ngang của hai người kéo dài tới hậu thế còn đau đáu khi nhắc lại. Sông Tiêu Tương hiện nay không còn nữa nhưng trước kia là thế đất mang hình con nhện, xòe ra như cánh hoa sen. Đó là huyệt đất quý, phát tích đế vương - ứng với tám vị Vua nhà Lý, hưng thịnh kéo dài tới 216 năm. Hiện nay, tại làng Đình Bảng, Bắc Ninh, còn đậm dấu ấn anh linh của các vị đế vương. Nơi đó chính là đền Đô còn gọi là Cổ Pháp Điện hay đền Lý Bát Đế nơi thờ 8 vị Vua nhà Lý. Có đến thăm đền Đô, bạn mới thấy vì sao nơi này lại khắc đậm hào khí Thăng Long, ghi đậm dấu ấn lịch sử. 

Đền Đô được xây dựng vào thế kỷ XI, ngày nay nằm ở phường Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 20 km về phía Đông Nam. Đền được dựng trên nền đất mà xưa khi Vua Lý Công Uẩn đăng quang và trở lại thăm quê hương (trước đó Lý Công Uẩn đã mơ thấy rồng bay và rời đô về Thăng Long, Chiếu dời đô vẫn còn đó). Theo sử sách, dân làng Đình Bảng đã cho xây dựng một ngôi nhà lớn làm nơi nghênh tiếp nhà Vua. Khi Vua Lý Công Uẩn băng hà, Lý Thái Tông lên ngôi kế vị Vua cha, ông đã cho sửa sang lại ngôi nhà xưa và chọn làm nơi thờ tự Vua cha và cũng từ đó đền trở thành nơi thờ tự các vị Vua nhà Lý sau khi băng hà. 

Lần đầu tiên tôi đến đền Đô vào một buổi sáng cuối đông lạnh giá. Vì là buổi sáng nên đền khá vắng vẻ, cổng vào nội thành đền Đô gọi là Ngũ Long Môn với hai cánh cổng có trạm khắc hình năm con rồng. Tại đây có điện thờ Vua Lý Thái Tổ với hai con hạc trầu hai bên, điện thờ quanh năm nghi ngút khói hương trầm mặc. Bước vào điện chính, cũng là điện cuối thờ 8 vị Vua thời Lý, cảm xúc linh thiêng thật khó tả. Mỗi vị Vua tọa lạc trên đài với vẻ mặt khác nhau, nhưng tất cả đều toát lên vẻ tôn nghiêm. Tôi chắp tay cúi lạy chỉ mong hai chữ bình an trong lòng. Một mình đối diện, tự tình với 8 vị Vua, các vị như đã thấu hiểu cõi lòng thảo dân nhỏ bé. Những ngày sau đó mình cảm thấy một tâm thái an yên vô cùng, dù trước đó mình đang mang trong tâm nỗi buồn lớn, không biết cách gì gỡ bỏ nhưng sau đó mình cũng ngộ ra rằng tâm an tự khắc bình an. Dòng nước tĩnh lặng sẽ tự nhìn thấy đáy.

Bước ra Thủy đình, không gian tĩnh lặng, mặt hồ yên ả, mấy chiếc lá vàng rơi rơi trước gió lạnh, lá rụng về cội, đất thêm màu mỡ. Nơi đất thiêng đã chứng kiến bao đổi thay, thăng trầm của lịch sử mình thấy bản thân sao nhỏ bé. Nhớ Hoàng tử Lý Long Tường cùng đoàn tùy tùng đã phải rời quê sang đất nước Cao Ly xa xôi vào năm 1226 khi nhà Trần chiếm ngôi thay thế nhà Lý, chấm dứt một triều đại lớn cũng không thay đổi được quy luật xoay vần của đất trời, thịnh rồi suy, sinh rồi tử… Nghe nói sang nước Cao Ly nhưng Hoàng tử vẫn thể hiện khí chất của dòng dõi nhà Vua, giúp nước Cao Ly đánh giặc Nguyên Mông. Một vị tướng cưỡi bạch mã đánh thắng giặc nhưng Hoàng tử vẫn khôn nguôi nỗi nhớ quê nhà, ngày ngày lên Vọng Quốc Đàn tưởng nhớ về quê hương mà khóc mà thương.

Năm 1994 hậu duệ đời thứ 26 của Hoàng tử - ông Lý Xương Căn đã trở về Việt Nam. Cuộc gặp gỡ tại đền Đô có sự chứng kiến của biết bao người gây xúc động khôn nguôi. Ngày ra đi và ngày trở về quá xa xôi, phủ lên biết bao tầng lớp đổi thay của lịch sử, biết bao thế hệ sinh ra và mất đi. Chỉ có đền Đô, mảnh đất địa linh nhân kiệt vẫn còn đó đợi đứa con dòng tộc bao năm trở về ôm vào đất mẹ. Sau đó ông Lý Xương Căn đã sinh sống và ở lại Việt Nam từ đó. Có năm hội đền, khi tiếng trống khai hội cất lên, nhìn lên trời, 8 đám mây trắng xuất hiện như hình ảnh của 8 vị Vua ghé thăm. Hình ảnh ấy vẫn còn lưu lại trong bảo tảng của đền, ai đi qua một lần cũng nên ghé vào thăm để cảm nhận mảnh đất linh thiêng và niềm tự hào của đất Kinh kỳ xưa cũ.

Thủy đình hôm nay không thấy tiếng hát Quan họ của các liền anh, liền chị. Chắc do trời lạnh mọi người còn nấn ná thời gian đủng đỉnh cùng mặt trời. Không gian thật sáng trong như giọt nước tý tách rơi vào vào lòng hồ từ mái đền cong vút. Hạt nước còn sót lại từ cơn mưa đêm qua, rơi tý tách trong không gian tĩnh mịch bảng lảng sương khói. Tôi rất muốn làm dâu nơi đây bởi tôi đã trót yêu người con Đình Bảng. Tôi nguyện sẽ ra đền mỗi ngày ngồi trên ghế đá ngắm mây bay, lá rụng buổi chiều tà, lòng hướng về cội nguồn lịch sử, biết đâu 8 đám mây lại bay ngang qua thăm nhân tình thế thái xoay vần. Chỉ có điều mong ước vốn không mấy khi thuận theo lòng người. Anh ấy đã bỏ tôi đi vào một ngày hội đền tháng 4 năm ấy. Khi tiếng trống khai hội lại vang lên thúc giục lòng dân quay về hội tụ. Nhưng tôi thì phải ra đi, tôi quặn thắt nỗi niềm đau đớn bởi đã trót yêu anh, yêu mảnh đất nơi đây mất rồi…

   Con người luôn yêu thích hoài cổ như tôi được trở lại Đền Đô hơn mười năm sau vào một ngày đầu xuân. Hoa mai hoa đào nở rộn rã quanh đền, tuy nhiên đền không còn yên tĩnh như xưa mà đông đúc hơn nhiều, các vị khách thập phương nô nức đi lại. Câu Quan họ ngân vang câu người ơi người ở đừng về ở Thủy đình. Níu kéo vậy thôi, nhưng phải về chứ, Quan họ tình tứ vậy mà họ có lấy nhau đâu. Phải chăng những gì dang dở nơi trần thế đều đẹp, đều nhớ và đều buồn…

                                                                                                                                                                                                           THANH NGA