Trang chủ VĂN HIẾN BẮC NINH - KINH BẮC

DẤU XƯA LINH SƠN
18:03 | 19/10/2023

Chùa “Linh Sơn” còn gọi là chùa Cao, nằm trên địa bàn phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh. Đây không chỉ là công trình tín ngưỡng Phật tiêu biểu trên địa bàn; mà còn là nơi in dấu của danh nhân Nguyễn Phúc Xuyên khi hành đạo và y thuật đương thời. Đặc biệt, chùa từng là nơi san khắc và bảo lưu hàng trăm bộ ván in kinh, sách thuốc thời Lê - Nguyễn, trong đó có bộ mộc bản “Hải Thượng Y tông tâm lĩnh” được công nhận là bảo vật quốc gia. 

Giữa những ồn ào phố phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh, ngôi cổ tự mang tên Linh Sơn giống như một khoảng lặng tách biệt. Ở đây, sự thanh vắng luôn bao trùm khắp không gian, cảnh vật.  Âm thanh duy nhất thường gặp, có lẽ là tiếng chuông mõ tụng niệm kinh Phật của trụ trì trong mỗi buổi chiều tà. Nhưng đằng sau vẻ cô tịch của cảnh vật, sau nắng mưa thời gian hằn dấu nơi cổ tự là bao câu chuyện lịch sử, là quá khứ huy hoàng của một trong những chốn danh lam từng nức tiếng trên vùng Kinh Bắc. Điều đó khiến chúng tôi - trong lần tìm đến - đã không khỏi ngỡ ngàng.

Chùa Linh Sơn là gọi theo tên núi nơi ngôi chùa này toạ lạc. Ngọn núi là điểm cao quân sự có vị trí quan trọng trong kiểm soát hệ thống giao thông nối vùng Đông Bắc nước ta với vùng đồng bằng sông Hồng. Vậy nên, khi quân Pháp chiếm đóng Bắc Ninh, chúng đã biến chùa Linh Sơn thành khu vực đồn trú, với hệ thống lô cốt phòng thủ kiên cố, mà dấu tích vẫn còn trong không gian di tích. Đó là khu cổng chùa được biến thành toà tháp canh, có hệ thống lỗ châu mai rải rác trên tường; rồi những lô cốt xây tại khu vườn tháp và trong sân chùa. Nó phần nào làm biến dạng cảnh quan của một danh lam thờ Phật vốn trọng coi thanh tịnh, u nhã, cho con người gột rửa lòng trần.

Có lẽ cũng từ vị trí toạ lạc trên gò núi mà chùa Linh Sơn còn được người trong vùng gọi tên chùa Đống Cao, hay đơn giản là Chùa Cao. Theo các tài liệu về danh nhân Nguyễn Phúc Xuyên - người được dân gian vinh danh Thiên sư Thánh tổ Bồ tát, hay Phật sống - từng có thời gian mở trường giảng đạo, dạy nghề làm thuốc, chữa bệnh tại chùa - thì chùa Cao có từ thế kỷ XV, do một số sư tăng của thiền phái Trúc Lâm xây dựng. Thiền phái Trúc Lâm được coi là dòng Thiền thuần Việt, có tầm ảnh hưởng rộng rãi trong đời sống và sinh hoạt tâm linh của dân chúng với tư tưởng dẫn nhân nhập đạo, hướng con người tu thân theo Phật chính tại lòng mình. Giáo lý ấy đã cho đại đa số dân chúng bình dân con đường tiếp cận chân thiện mỹ, gột rửa bản thân để sống đời trần một cách tốt đẹp hơn. Chính điều đó cũng được danh nhân Nguyễn Phúc Xuyên vận dụng trong Gia đạo của mình, nhằm tập hợp dân chúng, hướng ngả chân thiện trong cuộc sống thường ngày. 

Cùng với những biến cố lịch sử, chùa Linh Sơn đã được trùng tu tôn tạo nhiều lần. Thời Hậu Lê, vào các năm 1649 - 1652 chùa được trùng tu lớn; sang thời Nguyễn, vào các năm 1845, 1938, 1944 chùa tiếp tục được trùng tu. Tới gần đây, chùa vẫn thường được sửa sang, tu bổ, nhưng cơ bản vẫn giữ được dấu ấn kiến trúc của thế kỷ XVIII - XIX. 

Chùa Linh Sơn hiện nay là một quần thể kiến trúc lớn, bố trí trên mặt bằng rộng, gồm nhiều hạng mục công trình như Tam bảo, nhà thờ Tổ, nhà Mẫu, nhà khách, gác chuông, vườn  tháp mộ. Tuy nhiên, có thể do những xâm hại trong thời gian quân Pháp chiếm đóng; cũng có thể xuất phát từ chính thế đất dựng chùa bám theo thế núi, các công trình được mở mang, xây dựng dần mà đồ hình kiến trúc của chùa cũng có những thay đổi, với những hạng mục nối nhau khá đặc biệt. Cảm giác về sự dích dắc trong bố cục với những lối đi khá ngoắt nghéo trong chùa cho thấy tính chất phòng thủ của công trình. Ở đây, có nếp nhà cổ mấy trăm năm, có phần chỉ mới xây dựng khoảng mươi năm trở lại đây. 

Chính yếu nhất của chùa Linh Sơn là ngôi Tam bảo vẫn giữ được kiến trúc truyền thống của chùa Việt, mang dấu ấn thời Lê - Nguyễn. Đây là công trình quy mô lớn, kết cấu kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 7 gian Tiền đường, 5 gian Thượng điện, với bộ khung gỗ lim to khoẻ vững chắc, đứng trên đá trụ kiển đôn ngồi. Trên các bộ phận kiến trúc như con rường, cốn, mê, bẩy hiên, đầu dư, đều được chạm khắc trang trí đẹp các đề tài "tứ linh", "tứ quý" và hoa lá cách điệu... Với các thủ pháp nghệ thuật chạm nổi, chạm kênh bong, các nghệ nhân đã tạo hình được những hoạt cảnh, linh vật sống động; qua đó góp phần làm đẹp, tăng thêm giá trị công trình.

Trong nhà Tam bảo, hai bên hồi có bài trí các bộ tượng Hộ pháp khuyến thiện, trừng ác, là những vị thần bảo vệ Phật pháp và Phật tử; tượng Đức Ông, đức Thánh hiền. Nối liền nhà Tam bảo là Thượng điện được làm theo kiểu chữ Đinh. Đây là nơi bài trí tượng chính của chùa, với hệ thống tượng được bố trí theo trục cao dần. Trong đó, đáng chú ý là các pho tam thế Phật, A Di Đà, Thích Ca Mâu Ni, A Nan đà; Đức Thế tôn; Phổ Hiền… được tạo tác đẹp, có thể coi là những bảo vật quý của chùa.

Cùng với Tam bảo và Thượng điện, các hạng mục nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà khách đều là những công trình kiến trúc nghệ thuật  mang dấu ấn thời Lê - Nguyễn, với bộ khung gỗ  vững chắc, chạm khắc trang trí công phu nghệ thuật các đề tài: rồng, mây, hoa lá. Riêng công trình Gác chuông là sản phẩm xây dựng gần đây bằng chất liệu xây dựng hiện đại, làm theo lối giả cổ. Tuy nhiên, trong không gian của chùa, gác chuông với 3 gian chồng diêm 2 tầng, 8 mái đao cong uốn lượn dường như cũng tìm được sự hoà hợp nhất định. 

Bao năm tháng thời gian, bao mưa nắng, tác động của thiên nhiên cũng như con người, nhưng Linh Sơn tự vẫn được gắng gỏi giữ gìn bởi những người con Phật. Bao sư tăng đã trụ trì, viên tịch và được tàng nơi vườn mộ tháp trước chùa chính là lời khẳng quyết cho sự tồn tại, tầm ảnh hưởng của một trung tâm Phật giáo lớn trên địa bàn Kinh Bắc - Bắc Ninh. Cũng nơi đây, vẫn đó những cổ vật là những di sản văn hoá vô giá như: hệ thống tượng chân dung các vị sư tổ (trong đó có tượng cụ Nguyễn Phúc Xuyên), y môn, cuốn thư, hương án, mâm bồng, hoành phi, câu đối, ván in kinh Phật và sách thuốc, 4 bia đá được khắc vào các năm: 1828, 1846, 1850, 1931 cho biết khá rõ về lai lịch của chùa, quá trình trùng tu, sửa chữa, công đức tín thí; chuông đồng và đặc biệt là 1.191 đơn vị mộc bản thuộc bộ y thư Hải Thượng y tông tâm lĩnh được Hòa thượng Thích Thanh Cao tổ chức sưu tầm nội dung rồi tiến hành san khắc tại chùa Cao (Đồng Nhân tự), cùng trong phường Đại Phúc và được tàng ở Linh Sơn và chùa Đồng Nhân. 

Đến với Linh Sơn tự, du khách sẽ cảm nhận được tính linh và chất thiêng bao trùm khắp không gian nội tự ngoại viên. Điều này có lẽ cũng xuất phát từ chính lịch sử ngôi chùa từng xuất hiện từ cách nay cả mấy trăm năm lịch sử. Trong đó, có ảnh hưởng nổi bật của trụ trì là Lưỡng quốc Hoà thượng Thích Thanh Cao, và Thiên sư Thánh tổ Bồ tát Nguyễn Phúc Xuyên. Về Hoà thượng Thích Thanh Cao, y cứ vào tư liệu nội chứng tại chùa Linh Sơn, hành trạng của Hoà thượng được tổng kết trong bia Thanh Cao tháp bi ký, đặt trong khám tháp Thanh Cao thuộc khuôn viên chùa cho biết: Thiền sư họ Nguyễn, tên Tam Tỉnh, hiệu là Thanh Cao, người làng Mạc Xá, xã Thanh Lâm, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Ông chính là vị Thiền tổ khai sơn chùa Linh Sơn, chùa Đồng Nhân, núi Bàn Cầu, trên địa hạt phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh ngày nay. Văn bia cho biết, ông là người thâm sâu huyền học, trong đó nhiều điều mật yếu, không phải ai cũng hay. Hành trạng thì có khắc lại các bộ kinh tạng, khắc in Y thư của Lãn Ông. Lại gom xây mộ nghĩa, lập miếu nghĩa, cứu đời vớt người, vô vàn công đức. Tại nhà tổ chùa Linh Sơn, hương dân, Phật tử đã trang trọng dựng tượng Hoà thượng Thích Thanh Cao như một sự ghi nhận, tri ân công lao của ngài với công cuộc xiển dương Phật pháp, bảo tồn bộ y thư Hải Thượng Y tông tâm lĩnh. 

Cùng với trụ trì Thích Thanh Cao, chùa Linh Sơn còn là di tích gắn với tên tuổi danh nhân Nguyễn Phúc Xuyên. Tượng chân dung của ngài nơi nhà Tổ được đặt trong khám thờ, với kích cỡ thực, cho thấy có sự giải phẫu cơ thể hoàn chỉnh, không ước lệ chung chung, mà là sự thể hiện chân dung chân thực. Người ta đã thống kê có tới 35 loại tài liệu, gia phả, thánh tích, thánh phả, bia ký, phả lục, diễn ca, truyền tích... ở cụm di tích liên quan đến Nguyễn Phúc Xuyên rải khắp trên địa bàn phường Đại Phúc, trong đó có chùa Linh Sơn. Theo đó, ta được biết: Nguyễn Phúc Xuyên - tự là Tế An, sinh năm Quý  Sửu, niên hiệu Hoằng Định thứ 13 đời Vua Lê Kính Tông và Chúa Trịnh Tùng (1613), trong một gia đình dòng dõi Nho học, hâm mộ đạo Thiền và làm thuốc tại làng Đông Pheo, xã Đại Vũ, tổng Đỗ Xá, huyện Sóc Giang, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc (nay là phường Đại Phúc - thành phố Bắc Ninh). Tiền tổ của họ Nguyễn Phúc ở Đông Pheo là danh nhân văn hoá - quốc sư triều Lý Nguyễn Minh Không - một tên tuổi lớn trong làng Thiền Việt Nam, với khá nhiều huyền tích xung quanh hành trạng được dân gian thêu dệt về việc chữa bệnh cho Vua Thần Tông, và quyên đồng đúc chuông, tạo nên một trong An Nam tứ đại khí. Cũng theo thế phả: Thánh tổ Nguyễn Phúc Xuyên là người khí chất thông minh, điềm tĩnh, trong sạch, đoan chính, chăm chỉ học hành. Qua đó, tri thức dần mở rộng, vượt xa hẳn người thường. Nhưng ông không lấy đó làm đường tiến thân, mà chuyên chăm theo đạo Phật, sớm chiều đèn nhang thành kính. Cùng với đó, việc để tâm nghiên cứu về triết học Lão Tử đã cho ông sự thông tuệ những huyền vi của tạo hoá, và biết nhiều phương pháp thần bí trong hành thuật chữa bệnh cứu người sau này. Ông được triều đình Lê - Trịnh phong là Hộ quốc Thiền sư Thánh tổ Bồ Tát, được người đời tôn là Hoạt Phật (tức Phật sống). Sách Đại Nam nhất thống chí có chép: Đời Lê có người trong thôn (thôn Đồng Phá, xã Đại Vũ, huyện Võ Giàng) có người họ Nguyễn tên Xuyên, khi mới sinh ra có sắc sáng chiếu rực nhà, lớn lên ứng vào triệu "thần kê", bèn có phép thiêng, nhân dân xa gần ai có bệnh tật đến cầu liền được khỏi bệnh, người ta đều gọi là Phật sống. Sau khi mất, thường hiển hiện anh linh, nhân dân địa phương lập đền thờ". Không những giỏi cả Phật học, Nho học và triết học Lão Tử; mà Nguyễn Phúc Xuyên còn hợp nhất  tư tưởng 3 đạo Phật - Lão - Nho mà đề xướng đạo mới - gọi là Đạo nhà, hay Gia đạo. Đây là một sáng tạo của Nguyễn Phúc Xuyên nhằm thông qua sự vận dụng tinh thần tu nhân, hành thiện, mà nhập thế giúp đời trong hoàn cảnh lịch sử thời Lê - Trịnh đầy rối ren, loạn lạc. Chính tư tưởng nhân nghĩa, chủ trương tu - tề - trị - bình của Nho đạo; đạo đức và tinh thần cứu nhân độ thế của đạo Lão; chủ nghĩa từ bi bác ái của đạo Phật mà Nguyễn Phúc Xuyên vận dụng linh hoạt trong Gia đạo; cũng như việc nhập thế cứu dân, chữa bệnh bằng linh đan, mật chú cộng với cầu cúng theo đạo giáo dân gian… đã khiến ông tập hợp được lòng tin của đông đảo quần chúng đương thời. Theo gia phả dòng họ: Thời kỳ chính đạo (Gia đạo của Nguyễn Phúc Xuyên) đang thịnh, con cháu chi nhánh phồn vinh, ba vị đại sư (tức là ba người con của ông, mà ông lập gọi Trưởng cả, Trưởng hai và Trưởng ba) đều phát triển Thiền tâm, đạo thông tế độ, trải qua nhiều năm tiếng tăm lẫy lừng, nhiều đạo tràng ở khắp mọi nơi theo về, kể có hàng vạn người.  

Cảnh Phật trang nghiêm mõ sớm gõ tan hồn mê muội.

Cửa chùa thanh tịnh chuông chiều khua rã mộng ba sinh. 

Những hương dân địa phương, thập phương bao năm qua vẫn hướng lòng chân thiện, quy tụ chốn tâm linh Linh Sơn tự trong niềm mong cầu an lạc. Và người hành hương về đây đều tin cầu được ứng nghiệm, phúc xin ắt được cảm thông. Trước Tam bảo - điện Phật uy linh, hay cửa Mẫu, ban tổ.. trong chùa, ở đâu cũng lắng được điều lành, lời lời Phật dạy: Tích thiện tu thân, thành tâm sám hối, bỏ thói sân si, thoát lìa cõi mê mà tìm về bến giác. Trải bao biến cố lịch sử, đến hôm nay, người dân địa phương Đại Phúc và các cấp, ngành liên quan vẫn trân trọng gìn giữ di tích cùng bao giá trị vật chất, tinh thần trên quê hương mình. Chùa Linh Sơn vẫn là địa chỉ tâm linh hằng hướng của hương dân địa phương và phật tử tìm về. Đồng thời, vãng cảnh chùa Linh Sơn, thả lòng mình cùng với thiên nhiên cây cối nơi cổ tự, thưởng ngoạn đường nét kiến trúc và chiêm nghiệm những giá trị mãi tồn của lịch sử... cũng cho con người hiểu lịch sử và truyền thống, phong tục tập quán làng xã, những con người khi xưa; để thông qua đó, phát huy những tinh hoa truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc hôm nay./.

                                                                                                                                                                                                                  LÊ QUANG THUẬN