Trang chủ TÁC GIẢ - TÁC PHẨM

DẤU ẤN CỦA MỘT THỜI HOA LỬA NHÂN ĐỌC TẬP THƠ "VỌNG TRƯỜNG SƠN" CỦA TRẦN CÔNG SẢN
15:17 | 27/10/2021

Tập thơ Vọng Trường Sơn của nhà thơ Trần Công Sản do Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành, xuất bản quý III năm 2018. Tập thơ in 62 bài, chủ yếu nội dung viết về đề tài kháng chiến chống Mỹ, mà tác giả trực tiếp trải qua. Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ nhưng những kỷ niệm, hồi ức và cả những nỗi đau buồn mất mát trong lòng nhà thơ Trần Công Sản không thể nào nguôi ngoai được. Ông hồi tưởng và viết lại “Những năm vượt suối băng đèo/ Trường Sơn một thuở gieo neo đã từng” bằng những vần thơ để nhớ lại những năm tháng hào hùng và tri ân đồng đội, những người lính cùng ông và cả dân tộc “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đầy gian nan vất vả. 

Những vần thơ trong “Vọng Trường Sơn” của nhà thơ Trần Công Sản như nốt nhạc vang vọng của Bài ca người lính mãi còn với thời gian. Có một thời “hoa lửa”, một thời ai cũng hừng hực khí thế muốn ra chiến trường “Hoa xinh tươi, lính xinh tươi/ Áo xanh như lá, miệng cười như hoa/ Trường Sơn thuở ấy chưa xa/ Cái thời ai cũng muốn ra chiến trường” (Lính Trường Sơn). Thời ấy, lớp lớp thanh niên, sinh viên trên mọi miền Tổ quốc viết đơn xung phong tình nguyện ra chiến trường, thể hiện một khát vọng lớn lao vì độc lập, tự do của dân tộc, thật đúng là “Áo xanh như lá, miệng cười như hoa” như nhà thơ Trần Công Sản hồi tưởng. Bản thân ông cũng từng một thời cống hiến tuổi trẻ trong quân đội, năm 19 tuổi, ông viết đơn xung phong và trúng tuyển nhập ngũ tháng 7 năm 1963. Sau 4 năm đóng quân ở Sơn La, đầu năm 1967 chuyển vào chiến trường miền Nam rồi sang chiến trường Lào (ở cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng). Những ngày hành quân vượt Trường Sơn vất vả gian lao đã để lại bao dấu ấn trong ông “Chon von đỉnh núi mây mờ/ Bàn chân rớm máu đến giờ chưa quên” (Nhớ Trường Sơn). Đói, khát, muỗi, vắt, sốt rét, thú dữ, rồi bom mìn, biệt kích... luôn rình rập, còn cả nỗi nhớ nhà da diết “Hành quân thức trắng đêm đêm/ Bom thù gầm rú nổ rền quanh ta/ Thèm nghe một tiếng canh gà/ Thèm nghe một khúc dân ca quê mình”. Khó khăn gian khổ là vậy nhưng tinh thần người lính, trong đó có nhiều người lính trẻ binh nhì mới ra chiến trận vẫn vô tư, hồn nhiên “Nhớ đêm đuổi giặc giữa rừng/ Hoa phong lan nở sáng bừng dưới thung/ Giặc tan lính hái mấy chùm/ Cài lên mũi súng vui cùng phong lan/ Lả lơi mấy cánh bướm vàng/ Vờn quanh mũi súng, thơm sang má người” (Lính Trường Sơn). Đọc những vần thơ này, ngoài việc nhà thơ Trần Công Sản truyền tải lại những tâm tư cuộc sống thường ngày, tinh thần lạc quan của những người lính trẻ đang hành quân trên dải Trường Sơn hùng vĩ, ta còn thấy nhà thơ đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên đẹp hiếm có trong chiến tranh. Kẻ thù đã trút hàng ngàn tấn bom đạn và chất độc hủy diệt con người và thiên nhiên xuống con đường Hồ Chí Minh huyền thoại xuyên rừng Trường Sơn hùng vĩ của đất nước ta, nhưng cuộc sống của những màu xanh thiên nhiên hùng vĩ trên dải Trường Sơn vẫn hồi sinh, phát triển, hoa vẫn nở rực rỡ khắp các dải đồi núi, bướm vẫn vờn quanh vui múa cùng chiến sĩ văn công, anh nuôi. Chim rừng hát ca líu lo và tiếng suối reo như bản nhạc quân hành theo từng đoàn, từng đoàn chiến sĩ hành quân ra chiến trận. 

Ngày ấy, ta nghe thấy “Chú nai vàng ngơ ngác... hái một cánh hoa rừng cài lên mũ ta đi...” qua những nhạc phẩm trên Đài Tiếng nói Việt Nam và hôm nay đọc những vần thơ trong tập Vọng Trường Sơn của nhà thơ Trần Công Sản ta lại thấy những chùm phong lan tỏa hương sắc trên từng mũi súng của người lính trẻ. Thật xúc động và tự hào biết bao! Quả là một cây bút sắc sảo mới vận dụng uyển chuyển cách chọn vần, sắp chữ độc đáo để cho ra đời những tứ thơ hay như vậy.

Cũng viết về tinh thần lạc quan của những người lính trẻ ở bài Tết Trường Sơn nhà thơ Trần Công Sản lại cho chúng ta thấy sự tinh tế, sắc sảo trong cách sáng tạo của ông “Vô tư mấy cậu binh nhì/ Làm thơ xuân đọc trước khi vượt đèo/ Lời thơ như có pháo reo/ Có hoa đào nở giữa chiều mênh mang”. Đón Tết bằng thơ, lấy thơ thay pháo Tết và hoa đào đón Tết quả cũng thi vị và hiếm có. Vẫn là tinh thần lạc quan, vô tư, hồn nhiên của những người lính. Nói vậy nhưng vẫn là nỗi nhớ nhà khi Tết đến, người Việt là vậy, những người lính trẻ đón cái Tết đầu tiên mới xa nhà trên những chặng đường hành quân vất vả, gian truân vẫn luôn lạc quan bởi sau lưng họ là hậu phương vững chắc, quê hương, gia đình, người thân, người yêu... luôn đồng hành cùng họ trên mỗi bước hành quân. Khổ thơ tiếp theo trong bài Tết Trường Sơn được nhà thơ chia sẻ bằng những vần thơ khá hấp dẫn: “Lời thơ có ánh trăng vàng/ Có người con gái thường sang bên nhà/ Bé em có Tết áo hoa/ Bánh chưng xanh gói, mẹ già khéo tay”. Tâm trạng nhớ nhà, chia sẻ với hậu phương của người lính, nhớ mẹ, nhớ người yêu và không quên đến các em nhỏ quê nhà đón Tết có vui không được gửi theo “ánh trăng vàng” trên dải Trường Sơn hùng vĩ. Lời thơ mộc mạc nhưng rất chân tình. Hình ảnh sinh động, hấp dẫn đã làm nên những ý thơ hay trong bài Tết Trường Sơn.

Niềm vui đón Tết cũng chỉ thoảng qua, rồi những mất mát đau thương ập đến: “Lời thơ thơm ngát hương bay/ Bỗng bom thù nở hoa gầy tả tơi/ Câu thơ loang máu khoảng trời/ Cánh tay người lính bỏ nơi dốc đèo”. Chiến tranh là vậy! Thơ làm gì có “máu” mà loang? Quả là độc đáo trong chọn từ, sắp chữ của nhà thơ Trần Công Sản để đưa “lời thơ” thành những hình tượng là “pháo”, là “hoa”, lại có cả “mùi”: “Lời thơ thơm ngát”. Vì thế, “Câu thơ loang máu” cũng không có gì lạ, mỗi một chiến sĩ ngã xuống, hi sinh vì độc lập tự do của dân tộc, họ đã vẽ nên một Bài ca người lính bất diệt, họ chính là những “Câu thơ thơm ngát hương bay”, họ là những vần thơ đẹp nhất thời “hoa lửa”. Một bài thơ hay, lạ của Trần Công Sản, bài thơ đã in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2008, nay được tác giả đưa vào tập thơ Vọng Trường Sơn.

“Câu thơ loang máu”  ấy đã nói lên những nỗi đau mất mát của biết bao người lính, trong đó có những người đồng đội của nhà thơ. Nỗi đau này ông đã viết trong bài Đoản khúc tháng Tư: “Tháng Tư nào mẹ cũng nhắc tên anh/ Nó đi mãi sao không về cưới vợ/ Tuổi tám mươi mẹ lúc quên lúc nhớ/ Đôi mắt có mờ vẫn rõ hình con”. Bài thơ đã khắc họa hình ảnh người mẹ gần đi hết cuộc đời (ở tuổi 80) biết con đã nằm lại nơi chiến trường nhưng lòng mẹ vẫn luôn đau đáu nhớ về con, nhớ về một lời hứa trước khi nhập ngũ anh hứa với mẹ khi chiến thắng trở về sẽ “cưới vợ” đẻ một đàn cháu để mẹ bế mẹ bồng... nhưng “viên đạn lạc loài, anh thành ánh sao băng”. Người mẹ vẫn nhớ lời hứa ấy, vẫn ấp ủ những hoài niệm đứa con mình nó chỉ đi xa thôi: “Cau trong vườn mẹ bảo vẫn còn non/ Giàn trầu vàng mẹ không cho người hái/ Mẹ cứ thì thào thằng bé còn thơ dại/ Biền biệt tháng ngày không một lá thư thăm”. Đây là một bài thơ hết sức xúc động, tác giả viết về những mất mát đau thương của cuộc chiến tranh, bài thơ in trên báo Nhân dân hằng tháng năm 2007 và được nhà thơ đưa vào tập thơ Vọng Trường Sơn. 

Với 62 bài thơ trong tập Vọng Trường Sơn, nhiều bài đã đăng trên Tạp chí Người Kinh Bắc, Báo Bắc Ninh và các báo Trung ương, địa phương. Có tác phẩm được trao giải thưởng như Chị tôi, giải Nhất cuộc thi thơ đề tài “Lực lượng vũ trang” của Hội VHNT tỉnh Hưng Yên năm 2012. Bài thơ nói lên một nhân vật phụ nữ chỉ làm vợ có 7 ngày rồi sau đó chồng ra trận, mãi mãi không về, nỗi khát khao làm mẹ không bao giờ thành hiện thực. Lời thơ lục bát nhuần nhuyễn, hình ảnh thơ đẹp và giàu tính hội tụ, hình tượng thơ điển hình cho hàng trăm, hàng ngàn phụ nữ trong và sau chiến tranh “...Thèm ru một tiếng à ơi! Hàng tre xõa tóc tơi bời gió rung/ Trường Sơn đá núi chập trùng/ Đá nào nghe thấu tiếng lòng chị tôi”. Vẫn mạch nguồn người lính, một bài ca bất diệt còn mãi với thời gian.

Trần Công Sản từng tham gia chiến trường miền Nam và bên nước bạn Lào, cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng gần 8 năm, đã từng hành quân trên dải Trường Sơn hùng vĩ. Năm 1974, ông được phục viên chuyển ngành về học Đại học Sư phạm trở thành thầy giáo dạy văn. Với lợi thế của một thầy giáo văn học và từng đi qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhà thơ Trần Công Sản đã cầm bút sáng tạo nên những vần thơ giàu hình ảnh và ý nghĩa, ông đã có nhiều tập thơ như Ngõ xưa, Tơ vương, Thư Đôi đất mẹ và ở tuổi ngoài 70, ông vừa ra mắt tập Vọng Trường Sơn, một tập thơ mà ông từng ấp ủ bao năm kể từ hồi còn trong quân ngũ.

Vọng Trường Sơn của nhà thơ Trần Công Sản đã đóng góp công sức không nhỏ viết về những Bài ca người lính của một thời hoa lửa để lại cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau hiểu rõ hơn về những năm tháng hào hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại của dân tộc Việt Nam; góp phần làm giàu thêm kho tàng thi ca, cho sự nghiệp VHNT quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc và cả nước. Chúc ông mạnh khỏe, an lành, bách niên giai lão và tiếp tục có những đóng góp mới cho sự nghiệp VHNT của tỉnh nhà và cả nước./.

                                                                                                                                                                                             NGUYỄN CÔNG HẢO