Trang chủ VĂN HIẾN BẮC NINH - KINH BẮC

CHẲNG ĐÂU THANH LỊCH BẰNG NGƯỜI Ở ĐÂY
15:48 | 20/11/2019

Hiện tại Bắc Ninh có 43 làng Quan họ gốc và 329 làng Quan họ thực hành. Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Người dân vùng quê Quan họ nền nã, thanh lịch, nặng nghĩa, nặng tình, tự hào đã sản sinh ra dòng dân ca đặc sắc đó.

Tôi đặt tên bài viết bằng một câu có vẻ không khiêm tốn lắm khi bàn về lối sống, cách ứng xử của người Kinh Bắc, nhưng xin thưa rằng đó là lời trong một bài dân ca Quan họ: “Anh đi khắp bốn phương trời/ Chẳng đâu thanh lịch bằng người ở đây”. Tôi nhớ, năm 1994, nhạc sỹ Hồng Thao - người thầy dạy tôi những hiểu biết về Quan họ đã bảo: “Ông hãy cứ học lấy khoảng một trăm lời hát Quan họ, ông sẽ học được cách ứng xử ở đời”. Lúc ấy tôi cứ nghĩ, ông nhạc sỹ già này vì quá đam mê Quan họ nên ông ấy nói quá thế thôi. Nhưng rồi theo dòng năm tháng, nghiền ngẫm những lời ca Quan họ, chứng kiến thú chơi Quan họ của người dân các làng Quan họ, tôi mới hiểu ra rằng nhạc sỹ Hồng Thao nói đúng, thời gian và tuổi tác không hề đánh mất đi cái thanh tao nền nã. Đến thăm các làng Quan họ cổ trên đất Bắc Ninh, ở đâu tôi cũng được đón tiếp niềm nở. Các nghệ nhân già của các làng Quan họ dẫu đã ngoài cửu thập, bát thập nhân xử thế. Tôi hơi ngạc nhiên khi nghe từ miệng những cụ ông, cụ bà một lời xưng “em”, hai lời xưng “em" với khách thập phương khi họ đến chơi nhà. Sau tôi mới hiểu đó đâu chỉ là một cách xưng hô khách sáo mà đó là một cách nói, một cách sống nhún nhường, khiêm tốn của những con người ở một vùng dân ca mang trong tâm hồn chất nghệ sỹ, biết tôn trọng bạn, quí mến bạn. Nếu có dịp bạn thử đi sâu tìm hiểu những lời ca Quan họ bạn mới thực sự ngạc nhiên. Những lời ca ấy là những tiếng lòng của người Quan họ. Dưới góc độ văn học thì nó cũng đẫm chất văn chương. Những con người sáng tác ra những lời ca, hay nói đúng hơn những bài thơ mượt mà, trữ tình ấy chẳng ai khác là người bình dân, mà ngày xưa họ làm gì được học nhiều, thậm chí mù chữ. Vậy mà: "Anh về em có dặn rằng/ Nơi hơn anh kết, nơi bằng đợi em". Chỉ là bằng thôi, không phải  kém đâu. Có lần tôi hỏi nhạc sỹ Hồng Thao: "Bác ơi, các lời hát Quan họ tập trung chủ yếu vào đề tài tình yêu trai gái, nhưng các liền anh, liền chị các làng Quan họ kết chạ với nhau không được phép lấy nhau thế chẳng phải tiếng hát của họ là nói dối lòng mình hay sao?”. “Không! Họ không nói dối lòng mình đâu. Nếu nói dối lòng mình thì sao có được lời hát đằm thắm, thiết tha, sâu nặng đến như vậy. Yêu thật đấy, yêu đến cháy lòng, nhưng vì tôn trọng bạn mà không bước qua khỏi lĩnh vực tình yêu mà thôi. Trong tình yêu trai gái, ông biết đấy, đến hôn nhân là coi như hết...”. Truyền thống của người dân xứ này là vậy: Khiêm nhường, tôn trọng, hết lòng với bạn bè, với mọi người. 

Nếu nói về ứng xử có văn hoá xin hãy học những người dân Kinh Bắc xưa. Truyền thống lễ hội và những câu hát Quan họ cổ còn để lại cho chúng ta những hậu sinh của các liền anh, liền chị ngày xưa nhiều điều phải học lắm. Điều đáng trân trọng nhất, đáng khâm phục nhất là những liền anh, liền chị Quan họ và người nông dân Kinh Bắc xưa học vấn thấp, đa số không biết chữ, cuộc đời của họ lam lũ vì đường cày, mảnh ruộng vậy mà trong cách ứng xử với làng với nước họ là những người thật tuyệt vời. Hoá ra lâu nay không ít người đã có sự nhầm lẫn giữa học vấn và văn hoá. Học vấn là tri thức học được thông qua nhà trường. Đó là những kiến thức về tự nhiên, xã hội, con người được đúc kết lại qua những bộ sách giáo khoa, những bộ giáo trình. Đó là cái nền để tạo ra cái "phông" văn hoá của từng người, là một điều kiện tạo nên văn hoá của từng cá nhân. Còn văn hoá, nhất là văn hoá ứng xử thì phải học ở đời, phải học ở mọi người, phải học ở truyền thống đạo lý của cha ông. Có học vấn là điều kiện thuận lợi để  tiếp thu văn hoá nói chung, văn hoá ứng xử nói riêng. Nhưng văn hoá ứng xử còn là sự thể hiện tính cách mỗi cá nhân, sự tiếp thu có chọn lọc tinh hoa đạo lí và văn hoá truyền thống. 

Người Bắc Ninh mỗi khi đến bất cứ tỉnh nào trong cả nước đều được bạn bè chào đón với con người của quê hương Quan họ. Tự hào lắm chứ. Đâu dễ một di sản văn hoá phi vật thể của một miền quê mà ai cũng biết, ai cũng trân trọng. Khi được coi là người con của quê hương Quan họ, lập tức trong ta phải tạo cho mình một tâm thế của những anh hai, chị ba lịch lãm. Nếu không cất lên được vài làn điệu Quan họ thì người Bắc Ninh cũng phải có cách ứng xử theo lối Quan họ. Có thể nói truyền thống đã góp phần tạo cho ta nhân cách, một cách sống đẹp. Khi đã trở thành truyền thống thì nó bén rễ sâu vào lòng người và được tiếp nối từ thế hệ này đến thế hệ khác. Tức là nó trở thành văn hoá mà văn hoá là cái không bao giờ mất đi dù có bao nhiêu biến thiên cuả xã hội và lịch sử.

Người Bắc Ninh ngày nay vẫn đang tiếp nối truyền thống ấy. Cứ mỗi năm, mùa xuân về, đến các hội làng khắp trong các địa phương trong tỉnh, khách du xuân lại được một lần thấy rõ truyền thống hiếu khách, sự ngọt ngào, trân trọng trong lời ăn tiếng nói của các cụ ông, cụ bà, các liền anh liền chị. 

Khi nền kinh tế thị trường gõ cửa đến từng làng quê, xóm ngõ, từng con người trên đất nước ta nói chung, tỉnh Bắc Ninh nói riêng, người Bắc Ninh đang phải đối mặt với một thực tế là ở một số nơi, ở một số người, nhất là lớp trẻ đang đánh mất đi truyền thống thanh lịch đó. Chúng ta không quên nỗi đau được báo chí nhắc nhiều trong dịp hội Lim những năm trước: Quan họ ngửa nón xin tiền. Có lẽ không ai không phải chứng kiến những điều chướng tai gai mắt, không thể chấp nhận được trong cung cách ứng xử hàng ngày giữa những con người với nhau. Không thiếu những cảnh vì tranh chấp đất đai mà bố từ con, anh em vác dao chém nhau, họ hàng không thèm nhìn mặt nhau. Không thiếu những cảnh vì được một ít tiền đền bù đất đai mà nhiều kẻ ăn chơi đập phá, khinh người, đưa nhau vào tệ nạn xã hội để rồi kết thúc cuộc đời khi mái đầu vẫn còn xanh. Không ít những kẻ có tí chức quyền thì bất chấp luật pháp tham ô, tham nhũng để dẫn đến con đường tù tội. Rồi một nghịch cảnh mà tôi phải đau lòng chứng kiến đó là có những người gốc gác là nông dân, bố mẹ ông bà là những người nông dân chân lấm tay bùn một nắng hai sương tạo cho họ được học hành, được làm cán bộ, khi đã thành ông nọ bà kia, họ lai dè bỉu, chê bai, thậm chí phụ bạc xóm làng, coi khinh người lao động. Phải chứng kiến những cảnh buồn như thế, nhiều lúc tôi tự hỏi đâu rồi truyền thốg một vùng quê văn hoá, đâu rồi những anh hai chị ba nền nã, khiêm nhường, thanh lịch, nặng nghĩa nặng tình, đâu rồi những con người biết sống, biết hy sinh vì bạn bè, vì mọi người và biết dừng lại đối với những việc mà mình cho là không nên làm. 

Chúng ta thường nói đến truyền thống và bản sắc văn hoá của những con người ở những vùng quê khác nhau. Bắc Ninh từ xa xưa đã nổi tiếng là hiếu học và khoa bảng. Mà hiếu học và khoa bảng đâu chỉ riêng Bắc Ninh mới có. Cho nên chỉ có thể nói hiếu học và khoa bảng chỉ là truyền thống của Bắc Ninh và nhiều vùng quê khác. Ngay việc tiếp nối truyền thống hiếu học của cha ông, lâu nay chúng ta cũng có hai mặt phải bàn. Mặt tích cực là thế hệ trẻ ngày nay hàng năm thi đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng rất đông. Theo thống kê của ngành Giáo dục bình quân mỗi năm có khoảng 30% học sinh tốt nghiệp lớp 12 THPT thi đỗ Đại học. Hàng năm có hàng ngàn thanh niên Bắc Ninh trở thành ông cử, bà cử. Hầu hết trong số họ đã tìm được việc làm, có thu nhập cao. Bắc Ninh hiện nay cũng có nhiều làng quê, nhiều dòng họ, nhiều gia đình có nhiều con em đã hoặc đang ngồi trên giảng đường của các trường Đại học trong và ngoài nước. Nhưng chúng ta cũng nhìn vào mặt hạn chế của việc tiếp nối truyền thống hiếu học này. Một thực tế đáng quan tâm là kì thi Đại học năm 2008, Bắc Ninh có 3 em đỗ thủ khoa. Cả ba em đều là người Lương Tài, Yên Phong, những nơi đang có khó khăn về kinh tế, xã hội cũng như giáo dục. Hai trong ba em đó xuất thân là gia đình nông dân, điều kiện học hành còn nhiều thiếu thốn. Còn ở trường THPT Hàn Thuyên, thành phố Bắc Ninh một ngôi trường giàu truyền thống nhất nhì của tỉnh, mấy năm nay không có học sinh đỗ thủ khoa. Ai cũng biết, điều kiện học hành của học sinh Hàn Thuyên hơn hẳn học sinh các huyện nghèo. Cho nên khi đời sống vật chất và tinh thần của con người khá hơn chưa hẳn con em chúng ta lo nhiều đến học hành, nghĩ nhiều đến truyền thống hiếu học đâu.

Có một thực tế không thể phủ nhận là muốn tìm truyền thống và bản sắc của con người trên một vùng quê nào đó thì phải tìm từ di sản văn hoá. Di sản văn hoá vật thể và di sản văn hoá phi vật thể trên mảnh đất này phong phú lắm. Phát hiện được bản sắc của người dân sống trên một vùng quê là chỉ ra được cái gì chỉ những con người ở vùng quê ấy mới có được, nó không giống bất cứ nơi nào đó là điều không phải dễ. Bản sắc một vùng quê có thể có trong quá khứ, còn hiện tại và tương lai có lẽ không còn, bởi thời chúng ta đang sống là thời hoà nhập, thời bùng nổ thông tin. Chúng ta đón nhận văn hoá thế giới, văn hoá của nhiều vùng miền. Bản sắc văn hoá của một quốc gia một dân tộc có thể có nhưng bản sắc văn hoá một vùng quê trong một cộng đồng văn hoá một quốc gia, trong xu thế hội nhập hiện nay thì khó xây dựng và giữ gìn lắm và thậm chí không có được. Điều quan trọng nhất đó là hãy giữ gìn và phát huy được truyền thống thanh lịch của người Kinh Bắc xưa cho người Bắc Ninh ngày nay. Đã là người Kinh Bắc thì đi đâu, đến đâu cũng phải nghĩ mình là người Quan họ, nền nã, thanh lịch, nặng nghĩa, nặng tình./.

                                                                                                                                                                                       NGUYỄN ĐÌNH TÙNG