Làng Chân Lạc có tên nôm là làng Chóa, thuộc xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Xưa có tên là Chân Hộ, xa xưa nữa làng có tên là Hộ Hương sau tách ra thành 2 làng là Chân Hộ và Hộ Trung. Đến năm 1886 đổi Chân Hộ thành Chân Lạc, Hộ Trung thành Lạc Trung đều thuộc tổng Dũng Liệt, Phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc. Làng nằm ở phía Đông Bắc của huyện Yên Phong, cạnh con sông Như Nguyệt. Bên kia sông là huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Từ thời Hùng Vương, các cư dân người Việt đã đến đây lập làng, săn bắt, đánh cá, làm ruộng, dệt vải, tạo nên một làng quê đông đúc và trù phú. Cùng với thời gian phát triển của lịch sử Chân Lạc đã để lại nhiều trầm tích văn hóa và khoa bảng. Một làng quê hẻo lánh mà có tới 5 vị đỗ Tiến sỹ qua các khoa thi của nhà nước phong kiến Việt Nam (1433 - 1849). Theo "Địa chí Hà Bắc" xuất bản năm 1982, tại xóm Đông và xóm Chiền (Chân Lạc) kề với khu di chỉ Nội Gầm, năm 1973 Giáo sư Trần Quốc Vượng đã phát hiện và dẫn sinh viên trường Đại học tổng hợp khai quật một hố thám sát, tìm thấy một bộ sưu tập đồ đá, đồ đồng và đồ gốm gồm: 46 chiếc bôn đá tứ diện, chày nghiền đá cát kết, vòng trang sức bằng đá ngọc quý, quả cân đá sét kết, hàng chục bàn mài đá. Đồ đồng gồm: 1 đục móng đúc bằng khuôn, 1 vòng trang sức, 1 lưỡi câu đồng, 1 mũi tên đồng. Đồ gốm có hàng chục vạn mảnh gốm đồ đựng đủ loại bình, vò, nồi, bát, chậu được chế tạo bằng bàn xoay và trang trí nhiều loại hoa văn nung ở nhiệt độ cao. Như vậy chứng tỏ nơi đây là một làng cổ với sự phát triển phong phú của đời sống kinh tế xã hội, chế tạo công cụ, làm ruộng và làm các nghề thủ công, sản xuất đồ gốm, dệt vải, kéo sợi, săn bắt, đánh cá. Qua đó Giáo sư khẳng định khu di chỉ Nội Gầm có niên đại cuối Gò Mun - đầu Đường Cồ cách ngày nay từ 2.800 đến 2.500 năm.
Truyền kể: Vào thời Hùng Vương nơi đây đã là một vùng đồng bằng rộng lớn, bãi bồi ven sông Cầu bằng phẳng, bao la và màu mỡ đã xuất hiện một vị nữ nhân thần là Hoàng Hà Long Khiết phu nhân phát triển và truyền dạy nghề trồng dâu nuôi tằm cho nhân dân trong vùng. Khi bà mất được nhân dân hai làng Chân Lạc (Chóa Chợ) và Lạc Trung (Chóa Bến) tôn vinh là Bà Chúa, thủy tổ nghề trồng dâu nuôi tằm ở địa phương.
Theo thần tích Đền Chóa: Xưa ở làng Chân Lạc có một người con gái nhà nghèo nhưng dung nhan lại làm đắm nguyệt say hoa. Cô chuyên làm nghề trồng dâu nuôi tằm để kiếm sống. Một ngày kia theo thường lệ, cô lại ra nương dâu ven sông Cầu hái lá. Hôm ấy trời nắng như đổ lửa, khiến cô khát cháy cả họng, liền lội xuống sông uống nước. Lạ thay, cô lội đến đâu thì nước sông lại rẽ ra đến đấy, lấy lối cho cô đi. Cô cứ đi, đi mãi mà vẫn không uống được nước.
Đi được một chốc, chợt thấy một dấu bàn chân dưới đáy sông, lấy làm lạ, cô liền đặt thử chân mình vào. Vừa ướm xong thì tự dưng nước sông dâng lên, cuốn cô đưa vào thủy cung. Vua Thủy Tề vui vẻ đón tiếp nồng hậu rồi lấy cô làm vợ.
Ăn ở với vua Thủy Tề một thời gian, bà đã có thai. Thân thể ngày càng xanh xao vàng vọt. Biết rằng bà không thể sống dưới thủy cung được. Vua Thủy Tề liền đưa bà lên trần. Trước khi tiễn biệt, Vua dặn rằng:
- Nàng phải ghi lòng tạc dạ hai điều: Một là, nếu sau này sinh con thì nàng nuôi, đẻ trứng thì nàng thả xuống nước. Hai là, về trên ấy nàng không bao giờ được nói*.
Bà ưng thuận và lên khỏi mặt nước, lại về quê sinh sống.
Ít lâu, bà đẻ ra hai quả trứng, nhưng vì tình mẫu tử bà đã không thả xuống nước. Rồi sau đó nở thành hai con…
Khi bà mất dân làng thương tiếc người đàn bà hái dâu nuôi tằm, chịu khó lam làm, lại cảm động trước tình mẫu tử của mẹ con bà mới xây đền thờ, tạc tượng, lập linh vị tôn là Bà Chúa, thủy tổ nghề trồng dâu nuôi tằm. Triều đình cũng phong sắc là: Hoàng Hà Long Khiết phu nhân.
Đồng thời phối thờ các vị thủy thần: Thủy tộc Long Quân và 1 người con của hai vị là Tam Giang công chúa. (Còn một ngườị con nữa sau khi chết được dân làng dưới thờ gọi là Long cung thủy tộc). Việc thờ các vị thủy thần là tín ngưỡng dân gian liên quan đến bộ lạc Rồng của người Việt. Tương truyền Thủy tộc Long Quân là con Lạc Long Quân, một Lạc hầu quản lãnh vùng sông Như Nguyệt. Tục thờ thủy thần của Người Việt nói chung và Chân Lạc nói riêng xuất phát từ quan niệm: Nước là nguồn sống, là phương tiện chuyển tải sự sống. Nước không chỉ phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày như ăn, uống, lao động sản xuất, tưới tiêu mùa màng, giúp vạn vật sinh sôi mà nước còn có thể hủy diệt, tàn phá. Những cơn lũ lụt, bão tố thiên tai luôn là nỗi lo rình rập con người. Chính vì sự cần nước, và sự sợ nước mà người Việt sùng bái thủy thần.
Cũng từ đó, vì thờ bà làm Chúa nên dân làng nói chệch "Chúa" thành "Chóa", do đó làng này mang tên Làng Chóa. Làng Lạc Trung bên cạnh cùng chung đền, cũng thờ bà nên có tên là "Chóa Bến".
Đền làng Chóa, nơi thờ 3 vị Thánh nói trên là ngôi đền còn giữ được vẻ nguyên sơ, cổ kính với nghệ thuật kiến trúc, các tài liệu Hán Nôm, hoành phi câu đối và các đồ thờ cúng phong phú là các tác phẩm tuyệt tác từ thời Lê - Nguyễn. Hiện còn giữ được 19 đạo sắc phong từ năm 1740 - 1924 của các triều đại phong kiến Việt Nam.
Như vậy, qua câu chuyện trên về bà Chúa Chóa, thì nghề trồng dâu nuôi tằm được nhân dân ở đây phát triển từ rất sớm. Trong suốt chiều dài lịch sử mấy nghìn năm cho đến thời gian gần đây nghề này vẫn luôn được lưu truyền và sản xuất với trữ lượng lớn. (Tỉnh Hà Bắc còn xây dựng nơi đây 1 trại tằm (Doanh nghiệp nhà nước) với hàng trăm công nhân sản xuất tơ tầm trong thập niên 70 -80) Vì thế đã tạo nên một làng quê sầm uất, giàu có. Đời sống nhân dân vô cùng sung túc. Ca dao xưa còn để lại câu:
Muốn ăn cơm trắng cá trôi
Thì về làng Chóa dệt sồi với anh
Trong khi các làng khác thuần nông, sản phẩm của họ chỉ là tự cung tự cấp và thường thiếu đói mỗi khi giáp hạt thì nơi đây thóc không thiếu - "Thóc Kẻ Chóa, mã Đông Hồ’’ mà tiền cũng rất nhiều. Tục ngữ còn để lại câu: "Đinh (Trai) kẻ Triền, tiền làng Chóa".
Trên chuông chùa làng Chóa được đúc vào thời Tây Sơn cuối thế kỷ 18 có khắc bài minh cho thấy làng Chân Lạc là một vùng tằm nhộn nhịp, giàu có vào bậc nhất trong vùng:
Bãi dâu tươi tốt
Nhà tằm đầy nong
Thoi đưa rộn rã
Lụa tơ óng vàng
Vì làng Chóa nuôi tằm, ươm tơ nên thương lái các nơi đổ về buôn bán, cất hàng. Chợ Chóa 5 ngày 2 phiên vào ngày 3 và 8 âm lịch, khách đến chợ trao đổi mua bán tơ tằm và đủ thứ mặt hàng làm cho cảnh thôn quê náo nức. Đời sống vật chất đầy đủ, đời sống tinh thần lúc nào cũng đông vui. Người dân nắng thì làm, mưa thì nghỉ, chẳng việc gì phải vội. Ca dao xưa còn để lại câu:
Ai ơi chớ lấy chồng đâu
Lấy chồng kẻ Chóa chẳng giàu cũng vui
Nắng lắm thì được xem bơi
Mưa lắm thì được thảnh thơi đường vòng.
Chính vì đời sống làng quê no ấm, hạnh phúc, họ lại càng biết ơn bà Chúa Chóa đã truyền dạy nghề dâu tằm nên quanh năm lễ cầu, lễ tạ, suốt bốn mùa đèn hương, ân đức của bà càng vang vọng thiêng liêng.
Ở Chóa muôn đời ngát khói hương
Cổ cổ, kim kim vẫn lệ thường
Thần thượng có công phù vận nước
Thủy quốc Long vương mẫu thanh nương…
(Dân gian lưu truyền)
Vào thời Lý, Chân Lạc xuất hiện rất nhiều các đại trí thức Phật giáo. Họ vừa là các thiền sư phổ độ hàng trăm tăng chúng, mà còn là các thầy thuốc chữa bệnh đại tài và là nhà thơ nổi tiếng, được triều đình ban chiếu được phép ra vào cung cấm để tiện việc cầu cúng, chữa bệnh cho Hoàng gia.
Theo "Địa chí Hà Bắc" trong bảng vinh danh tên tuổi các tác gia có tác phẩm văn học đóng góp cho nền văn học quốc gia của tỉnh Hà Bắc tính từ thế kỷ thứ X đến trước năm 1945 có tổng số 101 tác gia thì ở Chân Lạc có 2 người (Trong bảng đó có các tác gia nổi tiếng như: Lê Văn Thịnh, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều, Cao Bá Quát, Nguyễn Huy Tưởng…). Ở số thứ tự 17 là Âu Đạo Huệ (? - 1173) và số 18 là Nguyễn Nguyên Học (? - 1181).
Về 2 tác gia thiền sư ở Chân Lạc, sách "Thiền uyển tập anh" do Thông Biện thiền sư khởi thảo từ thời Lý, sau đó rất nhiều thiền sư biên soạn kế tiếp đến thiền sư Ấn Không hoàn tất vào năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715) ghi chép như sau:
- Thiền sư Đạo Huệ (? -1073): "Người hương Chân Hộ, quận Như Nguyệt, họ Âu, tướng mạo đoan chính, giọng nói trong trẻo, từ năm 25 tuổi xuất gia theo hầu sư Ngô Pháp Hoa học hỏi được nhiều điều huyên ảo của cửa huyền, sau trụ trì chùa Quang Minh, giữ nghiêm giới luật, chuyên tu thiền định. Trong vòng 6 năm lưng không bén chiếu, hiểu sâu phép Tam quán Tam ma địa. Học trò đông đến hơn một nghìn người. Tiếng sư tụng kinh ngày đêm cảm hóa cả khỉ vượn trong núi, khiến chúng kéo từng đàn đến nghe kinh. Vì thế tiếng của sư vang truyền đến kinh đô’’.
"Năm Đại Đinh thứ 20 (1159) Đời Lý Anh Tông, Hoàng phi Thụy Minh bị ốm, Vua sai sứ vời sư đến xem bệnh. Ngày sư lên đường khỉ vượn gào khóc quyến luyến. Khi sư vào cung, vừa đến cửa phòng của Hoàng Phi thì bệnh của phi bèn khỏi. Vua Lý Anh Tông mừng lắm, mời sư nghỉ lại ở Tân quán trong chùa Báo Thiên. Trong khoảng 1 tháng, các quan công khanh, đạo hữu hâm mộ danh tiếng đến tham thỉnh không kể xiết. Từ đó sư không về núi nữa. Tăng chúng các nơi đến xin làm đệ tử rất đông".
Tác phẩm trong Thiền Uyển tập anh có 2 bài thơ, xin chép 1 bài phần dịch như sau:
Loạn ly lan rộng, do đâu mà xảy ra ?
Đất, nước, lửa, gió, thức
Hết thảy vốn đều "không’"
Như mây tan rồi tụ
Phật nhật chiếu không cùng.
Đây là bài thơ thể hiện tư tưởngPphật giáo, "Sắc tức thị không, không tức thị sắć" của nhà thơ thiền sư đã là những tác phẩm bất hủ sống mãi trong nền văn học Việt Nam.
- Thiền sư Nguyên Học (? - 1181) cũng trong Thiền uyển tập anh chép như sau:
“Thiền sư trụ trì chùa Quảng Báo, (Nay là Thiệu Khánh Tự) hương Chân Hộ, quận Như Nguyệt, họ Nguyễn, người hương Phù Cầm, thuở nhỏ thụ pháp với thiền sư Vân Trì, lĩnh hội được yếu chỉ. Rồi sư đến ẩn cư ở núi Vệ Linh, chuyên chú tu tập phạn hạnh, ròng rã 12 năm trời, mỗi lần tọa thiền nhập định ngồi liền 3 ngày mới đứng dậy. Sư thường trì tụng bài chú Hương hải đại bi Đà La Ni, cầu mưa trị bệnh luôn ứng nghiệm. Vua Lý Anh Tông cảm phục sư có phép thần thông linh nghiệm, ban chiếu chỉ cho sư được phép ra vào cung cấm để tiện việc cầu cúng, chữa bệnh. Sau sư cáo lão về chùa cũ trụ trì. Môn đồ xin thụ pháp đến hơn trăm người"...
Tác phẩm để lại có nhiều, xin chép 1 bài kệ phần đã dịch:
"Đạo không hình ảnh/ Trước mắt chẳng xa/ Xoay lại tìm ta/ Chớ tìm đâu khác/ Dẫu có tìm được/ Được chẳng phải chân/ Dù có được "chân’"/ "Chân" là gì vậy’’.
Bài thơ cũng mang tư tưởng của Bát Nhã Tâm Kinh, cái nhìn tuệ nhãn của nhà sư giải thích sự sống chết là quy luật. Mọi vật có hình tướng do nhân duyên tạm bợ nương gá vào nhau mà thành, hết duyên lại trở về hư không.
Đến thời Trần, Chân Lạc lại xuất hiện một vị anh hùng góp phần cứu dân hộ quốc, sống là danh tướng, thác là thần đó là Ngô Công Hiệu, một vị quan võ có công phò vua giúp nước đánh đuổi ngoại xâm, trấn giữ mặt trận Đông Bắc. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2 và thứ 3, ông đã chiến đấu dũng cảm và hy sinh anh dũng, được nhân dân 2 làng Chân Lạc và Lạc Trung ngưỡng mộ lập đình tôn là Thành Hoàng làng. Tại đình thờ ông hiện còn đôi câu đối ca ngợi như sau:
Tự cổ Trần triều chân học sỹ
Vu quy thủ thổ ô linh từ
Dịch:
Từ thời Trần vốn là học sĩ
Nay là thần thiêng giữ đất này.
Ngôi đình thờ Tướng công được nhân dân xây dựng vào thời Lê và trùng tu vào thời Nguyễn với nhiều công trình đồ sộ (Tòa đại đình 5 gian 2 chái, 2 dãy tảo mạc mỗi dãy 5 gian) cùng với nhiều đồ thờ cúng, tài liệu Hán Nôm quý. Bài vị ghi mỹ tự: "Đương cảnh thành hoàng Tướng quân Ngô công Đại Vương" Hiện đình còn giữ được 4 đạo sắc phong do các triều đại Lê - Nguyễn phong tặng. Đình đã được xếp hạng di tích quốc gia năm 1990.
Có lẽ chính vì bề dày truyền thống văn hóa, xã hội, kinh tế làng nghề phát triển, dân cư ổn định và trù phú nên việc học nơi đây được quan tâm. Mặt khác về giao thông cũng là yếu tố quan trọng. Vào thời Lê, con đường cái quan từ Hương La lên Ải Nam Quan đi qua Chân Lạc (Tổng Dũng Liệt) mà có lần Lê Quý Đôn qua đây đã có bài thơ: "Trên Sông Dũng Liệt" nhắc tới:
Đường quan khuất khúc theo sông
Gió đưa sóng biếc khiến lòng chơi vơi
Xa xa Tam Đảo ngất trời
Cái nhìn khắp cả núi đồi tiễn đưa
(Trích làng cổ Yên Phong - Ngô Thực)
Qua đó có thể khẳng định đây là con đường quốc lộ (có tài liệu nói là con đường thiên lý) thông thương từ Thăng Long qua Yên Phong, sang Bắc Giang đi theo thung lũng sông Thương sang Trung Quốc. Do đó cũng là yếu tố để Chân Lạc có điều kiện phát triển giáo dục.
Vào thời Lê, Chân lạc xuất hiện một loạt trí thức Nho giáo, trở thành làng có nhiều người đỗ Tiến sỹ đứng thứ 2 của huyện Yên Phong (làng đứng đầu là Vọng Nguyệt, Tam Giang với 9 Tiến sỹ).
Mở đầu là Nguyễn Thanh Cần, sinh năm 1463, người xã Chân Hộ, tổng Dũng Liệt. Năm 28 tuổi đỗ Đệ nhị giáp, Tiến sỹ xuất thân, tên đứng thứ 2, khoa Canh Tuất (1490) niên hiệu Hồng Đức năm thứ 21 đời Lê Thánh Tông. Ông được cử đi sứ phương Bắc. Làm quan đến chức Thừa chính sứ.
Tiếp là Ngô Phúc Tinh, người xã Chân Hộ, xuất thân từ chân giám sinh. Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân, tên đứng thứ 7 khoa Ất Mùi (1535) niên hiệu Đại Chính thứ 6 đời Mạc Đăng Dung, làm quan đến chức Thừa chính sứ, được về trí sỹ. (Ngô Phúc Tinh là cha của Ngô Khánh Nùng).
Tiếp là Nguyễn Nghiêu Tá, người xã Chân Hộ, xuất thân từ chân giảng luận. Ông đỗ Đệ nhất giáp Tiến sỹ cập đệ, Đệ tam danh (Thám Hoa) khoa Bính Thìn (1556) niên hiệu Quang Bảo thứ 3 đời Mạc Phúc Nguyên. Ông làm quan đến chức Thừa chính sứ.
Tiếp là Ngô Khánh Nùng, sinh năm 1528, người xã Chân Hộ. Năm 29 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân, tên đứng thứ 9 khoa Bính Thìn, (1556) niên hiệu Quang Bảo thứ 3 đời Mạc Phúc Nguyên. Ông làm quan đến chức Đô Đài. Khi mất được tặng chức Thượng thư, tước Hầu (Ngô Khánh Nùng là con của Phúc Tinh)
Tiếp là Nguyễn Long Bảng, sinh năm 1652, người xã Chân Hộ. Trước khi đi thi từng làm Huấn đạo. Năm 32 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân, tên đứng thứ 13 khoa Quý Hợi (1683) niên hiệu Chính Hòa thứ 4 đời Lê Hy Tông. Ông làm quan đến chức Quốc Tử giám Tư nghiệp.
Qua danh sách trên, Chân Lạc có tới 5 người đỗ Tiến sỹ chủ yếu thời Lê - Mạc (Trong đó có 1 người đỗ vào bậc Tam khôi (Thám Hoa) và 1 khoa thi có 2 người cùng thôn đều đỗ Tiến Sỹ).
Trước đây Chân Lạc còn có 1 ngôi Văn Chỉ ở phía đông của làng, có tường rào bao quanh thờ Đức Khổng Tử và các bậc khoa bảng của làng (Nay không còn) Đủ thấy Chân Lạc xứng đáng vào hàng các làng văn hiến của nước ta.
Cũng qua đó thấy rằng nơi đây con người thông minh và luôn có ước mơ hoài bão lớn. Tuy những người đỗ đạt thành danh, được ghi tên trên bảng vàng bia đá chỉ là mặt nổi mà lịch sử và người đời biết đến, chắc hẳn đằng sau đó làng quê này phải có phong trào học tập sôi nổi, biết bao những người khác là khóa sinh, tú tài, cử nhân, ông đồ, ông cống và cả các phụ huynh cùng chăm lo giáo dục, họ không thành danh nhưng chắc chắn phải là có học, đất học, biết chữ thánh hiền, sống nhân hậu, từ thiện, coi trọng đạo lý. Đặc biệt sự cố kết làng xã, sự bình quân, bình đẳng, tôn trọng quyền con người cao cả hơn bao giờ hết.
Tấm bia đá ở đền Chân Lạc tạo dựng vào năm 1704 có bài văn với những lời thấu tình đạt lý như: "Trong hương ước có lời giao ước là để làm sáng tỏ sự tôn kính công việc và cũng là để làm đẹp phong tục vây…’’.
Trong đó có những điều thể hiện sự tôn trọng kỷ cương, tôn trọng lẽ công bằng, khuyến khích làm việc thiện và ngăn chặn nạn cường quyền, tham nhũng. Xin trích đôi dòng: "Các thửa ruộng mua ở trước miếu để đào hồ đèn nhang lễ thần, nếu người nào cậy thế tranh chiếm thì các bậc trên dưới không cho… Hàng năm cứ đến tháng 3 xã trưởng lấy tiền ở nhà thủ quỹ là 5 quan để mua cá thả xuống hồ, không được chi quá... Ngày 10 tháng 4 hàng năm, bản xã có lệ đánh cầu khi đó các bậc trên dưới đánh cá chia đều cho 6 giáp..."
Cho đến ngày nay, cùng với sự phát triển của đất nước, làng Chân Lạc vẫn tồn tại và phát triển với nhiều thành tựu về kinh tế, văn hóa, xã hội. Khu Công nghiệp Yên Phong đã và đang xây dựng trên cánh đồng làng Lạc Trung. Tới đây bộ mặt nông nông sẽ đổi thay, những khu đô thị hiện đại sẽ mọc lên nhưng sẽ còn đó cái tên Làng Chóa. Những mái đình, mái đền, mái chùa cổ kính, thâm nghiêm sẽ mãi mãi là nơi lưu giữ những ký ức vẻ vang, đầy hào khí để trở thành động lực và điểm tựa vững chắc cho một làng quê giàu có, văn minh và hiện đại./.
MAI KHÁNG