Trang chủ TÁC GIẢ - TÁC PHẨM

CẢM NHẬN ĐỌC TUYỂN THƠ KÝ ỨC TRƯỜNG SƠN
10:09 | 18/10/2019

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thấm nhuần chân lý "Không có gì quý hơn Độc lập Tự do" mà lớp lớp gái trai ở khắp mọi miền Tổ quốc đang ở độ tuổi phơi phới thanh xuân đã trùng trùng lên đường vào Nam chiến đấu, "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" để giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước.

Thực hiện lý tưởng cao cả ấy biết bao người con ưu tú của dân tộc đã chấp nhận, đối mặt với vô vàn gian khổ, khốc liệt của chiến tranh, đối mặt với đạn bom diễn ra từng ngày, từng giờ mà sự sống chết chỉ cách nhau gang tấc. Chúng ta đã biết cái giá phải trả của chiến tranh qua các tác phẩm văn học, nghệ thuật được phản ánh qua báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng khác; chúng ta cũng được tiếp cận với những chiến sỹ từng chiến đấu ở chiến trường Miền Nam kể lại. Tất cả sự gian nan khốc liệt ấy, sự dũng cảm hy sinh phi thường ấy được phác họa bằng những vần thơ chân thực, dung dị phản ánh vô cùng sinh động cuộc sống chiến trường mà các chiến sỹ cầm súng đã viết bằng cả trái tim mình, viết bằng mồ hôi và máu khiến người đọc phải bồi hồi, xúc động rưng rưng. Mặc dù thời gian đã trôi qua hơn nửa thế kỷ, những vần thơ ấy được viết ngay tại chiến trường hoặc viết sau chiến tranh của các chiến sĩ một thời đã làm nên tập thơ KÝ ỨC TRƯỜNG SƠN.

Tuyển thơ KÝ ỨC TRƯỜNG SƠN được sưu tầm tuyển chọn qua những thi phẩm dày dặn toàn quốc, qua những ấn phẩm cá nhân được cấp phép xuất bản của các nhà xuất bản, qua những bài được công bố trên các báo, tạp chí của Trung ương và địa phương. Ngoài ra, còn có những bài được viết bằng mồ hôi và máu của một số chiến sỹ còn nằm ở đáy ba lô, chưa hề có mặt trên báo chí mà chỉ để chia sẻ với đồng đội mỗi khi gặp nhau. Đơn cử như chiến sĩ Nguyễn Đăng Độ (Bắc Giang), anh đã chiến đấu 7 năm liền ở chiến trường miền Nam có tới trên 100 bài thơ ở tuyến đầu ác liệt, gần đây tôi mới khai thác được nhờ bạn bè giới thiệu. 

Thơ KÝ ỨC TRƯỜNG SƠN rất phong phú về cung bậc phản ánh. Cuộc sống chiến đấu ở chiến trường rất xúc động, cũng đầy gian nan, hiểm nguy:

Vác mang nặng nhọc nắng mưa

Mồ hôi mặn chát sớm trưa đi hoài.

 

...Vượt qua thác lũ mưa ngàn

Sống cùng muỗi vắt vô vàn hiểm nguy.

(Trích thơ Hành quân của chiến sỹ Nguyễn Quang Khuyên - Bắc Giang)

Với chiến sỹ Phạm Huy Liệu quê Hải Dương ở bài thơ Trường Sơn ngày ấy thì:

Mưa như tưới mỡ đường trơn

Cả tuần chống chọi mấy lon gạo vàng...

 

Nào là mìn lá, bom bi

Từ trường nổ chậm lợm lì bủa vây.

Chiến sỹ Vũ Ngọc Thư (Hải Dương) đã nói lên sự nhọc nhằn của cuộc hành quân qua bài "Vượt dốc":

Quay mặt về sau - ba lô ở trên đầu

Quay mặt về trước - ba lô ở sau lưng

Ba lô đè nặng vào hơi thở ...

Sự khốc liệt còn thể hiện qua bài thơ Sông Bồ của chiến sỹ Nguyễn Đăng Độ (Bắc Giang):

... Sau bảy ngày leo dốc             

Lại vượt qua sông Bồ               

Trực thăng Mỹ xuất hiện         

Bay quanh đảo một vòng         

Rồi điên cuồng xả đạn             

Vào đoàn quân vượt sông.        

Tốp thứ nhất lên cao

Tốp thứ hai sà thấp

Cành cây gãy răng rắc

Tiếng đạn nổ inh tai

Máu của anh em mình

Nhuộm đỏ hồng bến nước…

Sự đau thương của cuộc vượt sông Bồ hồi tháng 3/1968 cũng khốc liệt như cuộc vượt sông Thạch Hãn ở Quảng Trị 1972.

Ngoài những chặng đường hành quân gian khổ như thế chiến sỹ chúng ta chấp nhận cuộc sống vô cùng gian nan. Bài Gặp lại tuổi thơ của chiến sỹ Nguyễn Viết Bảo (Thái Bình):

... Băng sông, vượt núi, ngủ hầm

Mùa mưa chỉ nắm rau rừng chia nhau

 

Với chiến sỹ Hàn Hảo (Thanh Hóa) cuộc sống thực đạm bạc thiếu thốn:

... Cơm nắm rau rừng nơi trận tuyến

Gạo rang nước suối chốn biên cương

Cùng với sự đói cơm thiếu muối là sốt rét rừng hành hạ, thử thách với chiến sỹ Như bài Sốt rét rừng của chiến sỹ Nguyễn Văn Phớn (Tp. Hồ Chí Minh):

...Lạ lùng cái sốt ở đây

Sốt đêm không ngủ, sốt ngày không ăn

Giữa trưa ôm chặt tấm chăn

Mà trong lòng vẫn như băng giá trùm".

Tuy vậy:

"Dứt cơn không để bạn khiêng

Lại cùng đồng đội hành quân lên đèo

Cho dù dốc đá cheo leo

Đoàn quân hành tiến còn cao hơn đèo

Đối mặt với đạn bom hàng ngày, hàng giờ thể hiện trong bài Ký ức trong mơ của chiến sỹ Trần Xuân Cương (Quảng Ninh):

Chiến trường vang tiếng đạn cày

Sặc mùi thuốc súng lòng này hờn căm

... Đêm đêm xuống ngủ dưới hầm

Bom dù, bom tấn ầm ầm chuyển rung

Gian lao là vậy, ác liệt là vậy song chiến sỹ chúng ta đã xác định được lý tưởng rõ ràng, chiến đấu có mục đích. Bài Trường Sơn -Tiếng vọng mai sau của chiến sỹ Nông Tiến Dũng (Thái Nguyên):

... Ta đi vì một cơ đồ

Giang sơn gìn giữ lá cờ vàng sao

Cho dù vất vả gian lao

Vẫn vui tiếng hát đi vào Trường Sơn

Tinh thần lạc quan ấy và sự kêu gọi trả thù cho đồng đội đã là động lực tinh thần làm nên chiến thắng. Bài Ký ức người cựu chiến binh của chiến sỹ Nguyễn Trọng Bân (Hải Dương):

... Đắp anh tấm võng lên người

Tiếng hô dậy đất, vang trời "xung phong''

Xông vào đồn địch như không... 

Với chiến sỹ Phạm Văn Tam (Quảng Ninh) ý chí tiến công thật tuyệt vời, như bài thơ Nhớ rừng xưa:

... Vượt rào bộc phá tan lô cốt

Xốc tới liên thanh nát cả rồi

Cháo bẹ thay cơm mà vẫn tiến

Măng rừng đỡ bữa chẳng ai lui...

Niềm tin tất thắng luôn tồn tại trong tâm trí người chiến sỹ. Đó là bài Trên đỉnh Trường Sơn của chiến sỹ Hoàng Hữu Cát (Vũng Tàu):

... Ta đang đi vào Nam đánh Mỹ

Không đỉnh núi nào ngăn nổi bước quân đi

Bao gian nguy chẳng ngại ngần chi

Ta sẽ về trong ngày đại thắng

Bù lại sự hy sinh gian khổ là những chiến thắng lẫy lừng, vang dội chiến công. Như Một thời hoa lửa máu cờ của chiến sỹ Triệu Quỳnh (Quảng Bình):

... Trận đầu quét sạch lính dù

Thủy quân lục chiến chết khu Nhà Bằng

Tri Bưu diệt gọn xe tăng

Trâu điên lính ngụy nhăn răng sa lầy...

Cũng với niềm tin tất thắng ấy mà người chiến sỹ không cảm thấy bi lụy lại rất đỗi tự hào về sự hy sinh cao cả ấy.

Ở bài Nếu ngày chiến thắng vắng con chiến sỹ Mai Đình Túy (Thanh Hóa) viết:

... Ngày mai rợp ánh sao cờ

Con biết Mẹ khóc -Mẹ chờ đợi con

Ngày Mai dưới ánh cờ son

Đoàn quân chiến thắng thiếu con mẹ buồn

Hãy vui lên mẹ của con

Vắng con nhưng đất nước còn mẹ ơi

Bài thơ thật cảm động lòng người.

Cũng suy nghĩ ấy, chiến sĩ Nông Tiến Dũng (Thái Nguyên) đã viết trong bài Lá thư Trường Sơn gửi mẹ:

Mai ngày con có hề chi 

Mẹ đừng có khóc con khi không về

Ra đi con giữ lời thề

Hy sinh vì nước chẳng nề tuổi xanh…

Khi người chiến sĩ ngã xuống vì nước thì đó là một sự ra đi thanh thản, nhẹ nhàng, chiến sĩ Trần Đức Trí (Hải Phòng) đã thể hiện trong bài Hồn liệt sĩ:

Người đi trong ánh vàng sao

Tuổi tên gửi mẹ hồn vào thiên thu

Hoá thân làm gió nâng cờ

Làm hương đồng lúa ru bờ tre xanh

Sự hoá thân ấy thật trong sáng, thật thánh thiện. Và sự hy sinh cao cả ấy quả không uổng vì:

Máu xương bồi đắp đất lành

Sống làm ngọn lửa thác thành nước non.

Chiến sĩ cũng là một con người đầy đủ tính bản thiện, yêu gia đình, người thân, yêu quê hương đất nước. Anh buộc phải cầm súng để bảo vệ Tổ quốc; chúng ta đồng cảm chia sẻ với chiến sĩ Quản Trọng Bường (Thanh Hoá) khi một buổi chiều ngồi trên chiến địa nhìn cánh chim trời anh đã gửi lòng mình qua bài thơ Chiều nhớ nhà:

Chim ơi dừng đã nghỉ chân

Cho nhờ đôi cánh về thăm mẹ già

Ta về một phút ta ra…

Nhớ về ký ức Trường Sơn không thể không nói đến Cánh võng Trường Sơn - Người bạn chung thủy gắn bó với chiến sỹ:

Đấy là bài Cánh võng Trường Sơn của chiến sỹ Nguyễn Quang Huỳnh (Bình Dương).

Hành quân qua cánh rừng già

Đường xa thấm mệt võng đà ngả lưng...

Võng còn có tác dụng:

Tải thương đồng đội ốm đau

Mối tình chung thủy trước sau vẹn toàn

Cánh võng không những thủy chung mà rất thiêng liêng:

... Lúc còn võng bạt là nhà

Chết rồi gói bọc ôm ta vào lòng

(Trích bài Võng bạt của Nguyễn Như Liễn - Hưng Yên)

Hết chiến tranh trở về với đời thường, Cánh võng Trường Sơn mãi là một ký ức da diết:

... Dù cho nắng nóng hay mưa

Ta cùng với võng sớm trưa chẳng sờn

Trường Sơn mây phủ sương mù

Nằm trên võng tưởng nhảy dù trên mây

(Bài Nhớ cánh võng Trường Sơn của chiến sỹ Hoàng Quốc Thắng - Nam Định)

Cánh võng Trường Sơn là đề tài rất tâm đắc của nhiều chiến sỹ. Bài Cánh võng và người chiến sỹ của Nguyễn Văn Hưng (Hưng Yên) đã nói lên khá đầy đủ giá trị của chiếc võng kỳ diệu này:

... Những cánh võng xanh vàng bất tận

Treo lắc lư trên đỉnh Trường Sơn

Như các Thiên Thân tỏa khắp chiến trường...

Và tác giả khẳng định:

... Võng là giường nằm của người chiến sỹ

Cùng vào sinh ra tử tung hoành

Võng thân thiết luôn bên cạnh các anh

Khi anh ngã xuống võng ôm anh trong lòng đất mẹ.

Võng còn là hình ảnh xúc động trong bài Tượng đài cánh võng của chiến sỹ Nguyễn Ngọc Thanh (Ninh Bình):

... Võng kia ai mắc khi nào

Treo cao đến thế làm sao lên nằm?

Và câu hỏi ấy được lý giải:

... Một cơn sốt rét bất ngờ

Giữ anh nằm lại trước giờ hành quân

Anh nằm đó cao dần lên mãi

Theo cây rừng dầu dãi gió sương

Trải qua mấy chục năm trường

Quê hương đồng đội người thương vẫn chờ

Một yếu tố tạo nên sức mạnh tinh thần đó là tình đồng đội, đoàn kết yêu thương nhau của những người chung một chiến hào:

... Bâng khuâng nhớ thuở chiến trường

Sống cùng đồng đội bốn phương tụ về

Mỗi người ở một miền quê

Mà sao chân chất tràn trề yêu thương.

Đó là tâm tư của chiến sỹ Phạm Văn Hải (Hà Nội) qua bài Nhớ một thời Hoa Lửa.

Kỷ niệm về đồng đội, chiến sỹ Lê Văn Lương (Đà Nẵng) viết trong bài Đồng đội:

... Lắm đận xông pha thời ác liệt

Nào khi hưởng thụ buổi thơm bùi

Quên sao được điếu thuốc tàn chia nửa

Nhớ mãi vuông chăn cũ xẻ đôi

Thời bình nỗi nhớ đồng đội luôn da diết khắc khoải:

... Nhớ ai chung một chiến hào

Mưa bom thấm máu biết bao nghĩa tình

Rồi:

... Đói no tình nghĩa trước sau

Củ năng củ chụp cọng rau qua ngày

Thuốc rê một điếu chuyền tay...

Đó là bài Về Miền Đông của chiến sỹ Nguyễn Xuân Oanh (Hà Nội)

Trước sự hy sinh của đồng đội đó là một sự tổn thương là mất mát lớn:

... Thương đồng đội ngã xuống mỗi hôm

Lúc đi xa nụ hôn đầu chưa biết

(Bài Hoa Trường Sơn của chiến sỹ Nguyễn Văn Tứ - Yên Bái)

Yêu thương nhau, nhường nhịn, nhận khó khăn về mình, dành cho bạn thuận lợi và sự sống, chia sẻ nhau những lúc khó khăn nhất. Bài Nắm cơm thiu của chiến sỹ Bàn Triều Tình (Bắc Kạn) thật xúc động:

... Ba ngày một nắm cơm chung

Ngoài thiu bọc lại trong bưng còn lành

Chúng tôi nhường nhịn em anh

Phần thiu chia sẻ, phần lành thương binh.

 

Trong cuộc sống ở chiến trường còn có những giai thoại cười ra nước mắt như bài thơ Vay gạo của chiến sỹ Nguyễn Đăng Độ (Bắc Giang).

Một khi thuộc về chính nghĩa nó có một sức mạnh lạ kỳ, diệu huyền mà kẻ thù dù mạnh mấy cũng không sao có được. Đó là tinh thần lạc quan qua Tiếng hát át tiếng bom để làm nên chiến thắng. Bài Véo von tiếng sáo Trường Sơn của chiến sỹ Nguyễn Hữu Điện (Bắc Ninh) đã nói lên điều đó:

... Leo Trường Sơn đến đỉnh đèo

Vi vu tiếng sáo vút theo lên đường

Véo von ngọn suốt, cuối rừng

Quyện vào mây núi trùng trùng quân đi...

Lời thơ, tiếng sáo, tiếng cười

Thành màn hợp xướng lưng trời ngân nga

Giữa ngút trời đạn bom, chiến sỹ Trường sơn vẫn có những giây phút thư giãn tuyệt vời:

... Nếu không có những phút giây thư giãn

Trong hai đợt bom dội xuống rừng già

Nằm dưới hầm vẫn ngân nga tiếng hát

Để xem thường lũ "Thần sấm", "Con ma"

Đó là bài Những phút giây thư giãn của chiến sỹ Lê Văn Hy (Nam Định)

Đạp lên gian lao khốc liệt chiến sỹ Nguyễn Ánh Quang (Hưng Yên) cũng viết trong bài Một thời để nhớ như sau:

... Trận chiến hai bờ ác liệt

Bom đạn đan nhau đỏ loè

Tiếng cười vang như nắc nẻ

Xung trận đâu còn biết ghê

Lính trẻ chúng ta thật vô tư hồn nhiên qua bài Lính Trường Sơn của chiến sỹ Trần Công Sản (Bắc Ninh):

... Nhớ đêm đuổi giặc giữa rừng

Hoa phong lan nở sáng bừng dưới thung

Giặc tan lính hái mấy chùm

Gài lên mũi súng vui cùng phong lan

Làm nên chiến thắng thần kỳ chính là nhờ sự phát huy sức mạnh tổng hợp của nhiều đơn vị, nhiều bộ phận kiên cường anh dũng càng gian khổ càng khó khăn lại phát huy mạnh mẽ tinh thần sáng tạo, thông minh vô cùng để phục vụ chiến đấu hiệu quả. Trong kháng chiến chống Pháp có bếp Hoàng Cầm để giữ bí mật trước con mắt nhòm ngó của địch. Trong kháng chiến chống Mỹ thì cái "cọc mồi" còn gọi là cọc phụ là một phát minh tuy nhỏ nhưng lại có tác dụng rất lớn với đời sống chiến sỹ vì nhờ nó mà chiến sỹ ta chống chọi với những cơn mưa rừng dữ dội an toàn trong chiếc võng của mình. Bài Cái cọc mồi của chiến sỹ Nguyễn Xuân (Bắc Ninh) đã nói lên điều đó.

Đọc tuyển thơ KÝ ỨC TRƯỜNG SƠN chúng ta quý yêu hình ảnh Anh nuôi tiền tuyến mà chiến sỹ Nguyễn Thế Hợp (Hà Nội) đã phác họa:

Đêm nay anh đưa cơm

Giữa trời mưa xối xả

Càng nhanh bước chân hơn

Mau ra ngoài trận địa

... Tấm ni lông bọc kín

Ngoài cái bồng bạt dù

Áo quần anh ướt sũng

Mà cơm vẫn dẻo khô.

Những cô gái giao liên đã góp phần làm nên chiến thắng được nhiều chiến sỹ ghi nhận:

... Gian lao bất chấp đường dài

Trường Sơn xẻ dọc leo đèo dốc cao

Vượt bao núi đá tai mèo

Hết lòng phục vụ dẫn đường quân đi.

Đó là bài Cô gái giao liên của chiến sỹ Cao Xuân Song (Đà Nẵng)

Cũng đề tài này chiến sỹ Trần Thiết (Bắc Ninh) viết:

... Dốc trơn suối chảy dặm dài

Trường Sơn quên tuổi hôm mai cho mình

Mũ tai bèo dáng xinh xinh

Như con sóc nhỏ chuyển tình nước non.

Mở đường, thông đường cho các chuyến xe qua là những đơn vị thanh niên xung phong. Đó là những cô gái rất trẻ, anh dũng phi thường, bất chấp hiểm nguy. Bài thơ Cọc tiêu trắng của chiến sỹ Nguyễn Anh Vân (Vĩnh Phúc) đã viết:

... Đêm nay đoàn xe chở hàng ra trận

Vượt qua ngầm nước dâng cuồn cuộn

… Hai hàng cọc tiêu trắng toát ngang tầm

Những cô thanh niên xung phong âm thầm

Nắm tay nhau đứng ghì dưới nước

Xe nối đuôi nhau tiến về phía trước

An toàn đi giữa hai hàng cọc tiêu...

Những hình ảnh dũng cảm phi thường của các cô gái Trường Sơn được phác hoạ rất đẹp trong bài thơ Cô gái đếm bom mở đường của chiến sĩ Đỗ Thị Thuận (Vĩnh Phúc):

Bom rơi đâu át tiếng cười

Vẫn bên nhau - vẫn trọn đời kiên trung

Xe đi đường núi trập trùng

Có cô em gái luôn cùng làm tiêu.

Những cô gái Trường Sơn kiên cường, anh dũng ngẩng cao đầu nhìn thẳng vào lũ giặc trời:

Bóng em gái nhỏ trong sương

Đếm bom ghi dấu coi thường hy sinh

Những người con gái Việt Nam nhỏ nhắn anh hùng dũng cảm kiên cường chúng ta thường gặp ở những cung đường huyền thoại như ở Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn. Chiến sĩ Trần Đăng Phú (Thanh Hoá) đã dành cho các cô gái Trường Sơn sự ghi nhận công lao:

… Em chắn bom thù để mở lối anh đi

Cung đường bom rơi đạn cày sỏi đá.

(Trích bài thơ Nhớ Trường Sơn)

Còn chiến sĩ Đặng Văn Tâm cũng có câu thơ tặng những cô gái Trường Sơn anh hùng:

Khó khăn em chẳng ngại gì

Tay em phá đá quản chi nhọc nhằn.

Ở nơi chiến địa đầy máu và lửa vô cùng ác liệt: Lúc ăn nghe thấy tiếng đạn bom, lúc ngủ cũng thấy tiếng đạn bom quanh mình, tử thần luôn rập rình nhưng các chiến sỹ vẫn thản nhiên với cái nhìn lạc quan, với tâm hồn thi sỹ để cho ra những vần thơ chúng ta được đọc hôm nay.Đó là bài Đêm ngủ rừng của chiến sỹ Bùi Ngọc Toàn (Hải Phòng). Đây là bài thơ đầy tính trữ tình, thật êm ái, dịu ngọt, đối nghịch với cảnh khốc liệt của chiến tranh:

Rừng xanh vang tiếng chim ca

Suối trong thánh thót ngỡ là tiếng thơ

Trăng lồng bóng trúc ngẩn ngơ

Hoa đưa hương ngát như chờ đợi ai

Gió lùa cành trúc cành mai

Trăng khuya in bóng hoa cài lung linh

Nhẹ đưa bên cánh võng xinh

Nâng niu giấc ngủ chiến binh giữa rừng.

Với chiến sỹ Nguyễn Khắc San (Hải Phòng) nhìn trăng chiến trường với ánh mắt trìu mến thân thương qua bài Đẹp những mùa trăng: 

… Trăng theo ta khắp chiến trường

Trăng đi lên những bản Mường xa xôi

Nước buồn nước phải chia đôi

Vầng trăng vằng vặc giữa trời soi chung

Rồi:

Trăng bơi giữa dải Ngân Hà

Con thuyền trăng chở bao là chiến công

Chiến sỹ Vũ Ngọc Tùng (Phú Thọ) rất dí dỏm với trăng trong bài Hành quân:

Hành quân qua dốc qua đèo

Luôn luôn có mảnh trăng treo trên đầu

Quân vô trăng cũng đòi theo

Bảo trăng quay lại trăng nheo mắt cười

Rằng trăng tôi cũng như người

Muốn đi giải phóng đất trời miền Nam

Một lần nữa lại chứng minh tinh thần lạc quan của người chiến sỹ giải phóng.

Nói về ký ức Trường Sơn là đưa ta về một miền ngập tràn kỉ niệm. Đúng như chiến sĩ Hoàng Tuyết (Hà Tĩnh) đã viết trong bài Gia tài người chiến sỹ:

… Chiếc ba lô rất đỗi thân thương

Lấm bụi đạn bom, căng phồng kỷ niệm

Còn chiến sĩ Nguyễn Xuân Chí (Hà Nam) nhận định qua bài Mùa xuân với người CCB:

Thơ dẫu viết trăm bài

Chẳng bao giờ nói hết

Một chặng đường oanh liệt

Trên các chiến trường xa.

Và ngày tất yếu của lịch sử đã xảy ra - Ngày 30/4 - Ngày toàn thắng là ngày vui lớn của cả dân tộc trong sự hân hoan mừng mừng tủi tủi. Chiến sĩ Phạm Thế Hoàn (Bắc Ninh) không nén được cảm xúc vỡ oà đã viết trong bài Chúng con đã về:

Những điều mong ước bao ngày

Hôm nay rợp bóng cờ bay con về

Đi trong hương lúa đồng quê

Đi trên đường phố bốn bề cờ hoa

Chiến sỹ Đỗ Viết Khoa (Tp. Hồ Chí Minh) cũng thể hiện rất cảm động trong bài Con về mẹ ơi:

Đi theo tiếng gọi nước non

Cái ngày mẹ mất con còn nơi xa

Và bây giờ người chiến sĩ trở về thì:

Chắp tay con gọi mẹ ơi

Hồn thiêng xin mẹ mừng vui con về

Con luôn giữ trọn lời thề

Đánh tan hết giặc mới về quê hương

Đi qua cả chặng đường vô vàn gian lao khốc liệt nhưng vẫn gồng mình lên để sống và chiến đấu. Mỗi chiến sĩ chúng ta ai nấy đều có những kỷ niệm không thể nào quên nhưng luôn luôn tự hào với ba tiếng "Lính Trường Sơn". Còn với chúng ta, lính Trường Sơn đều là anh hùng, là dũng sĩ, rất xứng đáng được tôn vinh, được trân trọng. Chúng ta yêu thương những chiến sĩ Trường Sơn, dành nhiều câu từ đẹp nhất để tỏ lòng mến phục, song chúng ta không thể không nhắc đến những nam nữ thanh niên xung phong - những con người đã mở đường Trường Sơn huyền thoại mang tên Bác Hồ kính yêu - đường Hồ Chí Minh lịch sử.

Ở bài thơ Hồi ức Trường Sơn, chiến sĩ Nguyễn Xuân Ngọc (Hải Dương) viết:

Mở đường giải phóng miền Nam 

Trường Sơn xẻ dọc vắt ngang lưng trời 

Trường Sơn bao ngọn chân mây

Mở đường chiến đấu qua đây “thần kỳ.

Làm được một việc khó khăn ấy, thanh niên xung phong gặp đâu ít gian lao khổ cực:

Bom nổ chậm, pháo đài bay

Sự sống cái chết hằng ngày diễn ra

Con đường huyền thoại thần kỳ ấy, đã khiến kẻ thù phải ngạc nhiên, thán phục bởi vì:

Đường đi tới mọi chiến khu

Luồn trong lòng đất, căm thù tiến công

Đường ngang, đường dọc, cầu vồng

Đường chôn Mỹ, Nguỵ đường gồng nước non.

Trích bài thơ  Sức mạnh con đường của chiến sĩ Lê Đình Nghĩa (Thanh Hoá)

Với những nhà thơ lớn như nhà thơ quân đội Phạm Tiến Duật từng được mệnh danh là Nhà thơ của Trường Sơn có những bài thơ bất hủ: Tiểu đội xe không kính; Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây...Còn chiến sỹ (liệt sĩ) Lê Anh Xuân (Bến Tre) thì Dáng đứng Việt Nam là một bài thơ tuyệt hay, ấn tượng để đời.

Hãy bỏ qua sự khắt khe đòi hỏi cao về nghệ thuật vì các chiến sỹ của chúng ta trước khi bước vào trận chiến có học làm thơ ở trường lớp hoặc bài bản nào đâu, nhưng vẫn viết thành thơ vì nó được bật lên từ trái tim, từ cuộc sống chiến đấu mà thành. Đó là những bài thơ chân thực nhất, xúc động nhất của một thời oanh liệt mà chỉ có những người trong cuộc - những chứng nhân lịch sử mới viết được những vần thơ sống động như thế. Nếu không qua khói lửa thử thách, không có khí chất anh hùng, không có lý tưởng cao cả, nhất quyết không có những vần thơ đi vào lòng người đến thế. Những bài thơ mộc mạc ấy, chân thực ấy, tuy có bài còn thô ráp nhưng có sức truyền cảm mãnh liệt rung động con tim người đọc, khiến ta phải xúc động bùi ngùi, xót xa, thương cảm, song cũng vô cùng cảm phục, trân quý. 

Khép trang cuối cùng của tuyển thơ  KÝ ỨC TRƯỜNG SƠN chúng ta thấy hiển hiện lên 8 chữ vàng mà Đảng và nhà nước đã tặng cho chiến sĩ Trường Sơn: Trường Sơn anh hùng - nghĩa tình đồng đội.

Ta muốn nghiêng mình cảm tạ những nhà thơ chiến sỹ của một thời hoa lửa, muốn chắp tay cúi đầu kính cẩn, tri ân, tưởng nhớ những anh hùng liệt sỹ đã hiến trọn đời mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho sự thống nhất non sông. 

Tiếc rằng tôi chưa thể sưu tầm hết những bài thơ của một thời máu lửa còn nằm đâu đó mà tôi chưa được tiếp cận để đưa vào tuyển tập thơ KÝ ỨC TRƯỜNG SƠN. Song tôi tin rằng với hơn 200 gương mặt chiến sỹ làm thơ, ở 33 tỉnh thành khắp cả nước, với trên 300 bài thơ ở trong tuyển thơ này sẽ được nâng niu, trân trọng, mãi là di sản văn hóa vô giá để các thế hệ mai sau hiểu được ông cha của chúng đã sống và chiến đấu như thế nào. Hiểu được giá trị cuộc sống hạnh phúc đủ đầy như hôm nay đã phải đổi bằng xương máu của bao lớp người. Có thể xem đây là những khúc bi tráng - đồng thời là những khúc tráng ca hào sảng, là thiên anh hùng ca để góp phần vào trang sử hào hùng vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

KÝ ỨC TRƯỜNG SƠN sẽ đi cùng năm tháng, cùng với trang sử hào hùng vẻ vang của dân tộc và sẽ sống mãi với cảm xúc người đọc./.

                                                                                                                                                                                                            QUÝ HOA