Trang chủ VĂN HIẾN BẮC NINH - KINH BẮC

BẮC NINH - KINH BẮC, NƠI HỘI TỤ VÀ TỎA SÁNG VĂN HÓA VIỆT
10:29 | 07/01/2022

Là vùng đất cổ của người Việt, trải qua hàng nghìn năm vật lộn với thiên nhiên và kiên trì bảo vệ nền độc lập dân tộc, người dân Bắc Ninh đã tạo dựng nên đời sống vật chất và tinh thần trên mảnh đất của mình với những sắc thái riêng, dần dần đã trở thành nét văn hoá với những giá trị nhân văn mang tính đặc thù của người Bắc Ninh - Kinh Bắc. 

Bắc Ninh có trong mình đầy ắp truyền thống văn hoá dân tộc - Truyền thống của người xứ Bắc. Ngay từ thời Lý (1010 - 1225), trên đôi bờ sông Dâu đã có nghề trồng dâu - chăn tằm, ươm tơ dệt lụa. Trải qua các triều đại, nhiều làng nghề thủ công đã xuất hiện, mà sản phẩm của những làng nghề ấy đã góp phần tạo nên diện mạo văn hoá xứ Bắc - Văn hoá của người Việt. Đó là làng gò, đúc đồng Đại Bái (Gia Bình), quê hương của Thái sư Lê Văn Thịnh; Làng gốm Phù Lãng (Quế Võ); Làng gốm Luy Lâu (Hà Mãn), làng Tranh dân gian Đông Hồ (Thuận Thành), quê hương của danh nhân văn hoá - văn học Ôn như Hầu Nguyễn Gia Thiều và cũng là quê hương của thi sĩ lãng mạn và cách mạng Hoàng Cầm với bài thơ Bên kia sông Đuống nổi tiếng; Làng chạm khắc gỗ Phù Khê, Đồng Kỵ (Từ Sơn) quê hương của các vị Vua triều Lý... Cùng với quá trình hình thành các làng nghề, nhiều chợ quê ở vùng Bắc Ninh - Kinh Bắc cũng sớm xuất hiện. Theo thư tịch cổ, thì chợ Dâu (vùng Dâu - Luy Lâu xưa), chợ Giầu (Phù Lưu), chợ Đình Bảng... ngay từ đầu thế kỷ 18 đã có quy mô khá lớn, thường gọi là chợ vùng/ miền, không những thu hút thương nhân trong nước mà còn hấp dẫn cả khách buôn/ thương nhân nước ngoài (như Trung Quốc, Ấn Độ...). Chính sự phát triển của làng nghề và chợ quê đã kích thích sự giao thương/ giao lưu kinh tế và văn hoá giữa Bắc Ninh - Kinh Bắc với các tỉnh bạn trong nước và với du khách nước ngoài.

Trong quá trình phát triển kinh tế, người dân lao động tất yếu xuất hiện nhu cầu thưởng thức hương sắc của những sản phẩm do chính bàn tay mình làm ra và đã trở thành những đặc sản mang một giá trị văn hoá ẩm thực vùng miền. Nổi tiếng và có nhiều các món ăn đặc sản được nhiều người biết đến, tiêu biểu như: Bánh xu xê, còn gọi là phu thê (Đình Bảng); Gà Hồ 7 món (giống gà tiến Vua), bánh cuốn Mão Điền, nem làng Bùi, đậu phụ Trà Lâm... (Thuận Thành); món cháo cá Thành phố.Bắc Ninh; rươu gạo Đại Lâm và rượu Quan Đình nổi tiếng gần xa... Những món ăn, thức uống đặc sản này cũng góp phần hình thành nên nét văn hoá xứ Bắc, trở thành đặc sản phục vụ thú ẩm thực không thể bỏ qua và khó quên của du khách khi đến với Bắc Ninh.

Nói đến nét riêng có của văn hoá và giá trị nhân văn Bắc Ninh, cũng cần đề cập đến giá trị và lợi thế địa - Văn hoá của vùng quê này. Tỉnh Bắc Ninh có nhiều con sông chảy qua và có nhiều những ngọn núi “sót” -  Thiên thai, Phật Tích... Bắc Ninh là thế đó - Vùng chuyển tiếp của núi lớn (Ngân Sơn, Bắc Sơn, Đông Triều) với vùng đồng bằng lớn (đồng bằng sông Hồng). Ai về nơi đây - Bắc Ninh - Kinh Bắc đều cảm nhận được ngay cái chất thơ “Sơn thuỷ hữu tình” của một xứ sở cổ kính vào bậc nhất đất nước: Thuỷ tổ Kinh Dương Vương, Nam Giao học tổ, Tổ đình Phật Giáo Việt Nam, Thuỷ tổ Quan họ... Trong ngôn ngữ của rất nhiều dân tộc đều dùng từ cái nôi để chỉ địa bàn phát tích của dân tộc và Văn hoá dân tộc ấy. Cố Tiến sỹ Nguyễn Văn Huyên đã khẳng định: Bắc Ninh là cái nôi sinh thành dân tộc Việt Nam và Giáo sư Trần Quốc Vượng đã nói: Luy Lâu, Siêu Loại, Thuận Thành, Bắc Ninh là trung tâm lõi Văn hoá Việt, còn nhà thơ Tố Hữu, biết nhà thơ Nguyễn Phan Hách quê vùng Luy Lâu, Thuận Thành, Bắc Ninh, đã thốt lên: “Quê cậu thật vĩ đại đó”... Trong đáy sâu tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, người dân Bắc Ninh xưa và nay, ai mà không yêu mến và hãnh diện về cái nôi và về cái hồn cốt dân tộc mình - nơi sinh ra và nuôi dưỡng mình. Gần 1.000 năm trước, trên bờ Nam sông Như Nguyệt, bài thơ thần của tướng quân Lý Thường Kiệt đã vang lên bản tuyên ngôn về quyền dân tộc trên dải đất này: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư...”. Các con sông lớn, như: sông Đuống (Thiên Đức) đỏ nặng phù sa, sông Cầu (Nguyệt Đức) nước chảy lơ thơ và sông Thương (Nhật Đức) nước chảy đôi dòng... cả ba sông này hội lại ở Phả Lại thành sông Lục Đầu đã nuôi dưỡng và góp phần bồi đắp lên một vùng đất Bắc Ninh - Kinh Bắc trù phú, văn hiến, và sự giao hoà của núi sông ấy như được thiên nhiên tạo xếp ngay trên vùng đất này:

Trời đất khéo đặt

Non sông vốn thiêng

Nơi đây lộng lẫy

Giúp nên đất nước bình yên

                                        (Lý Tử Tấn)

Theo cách nhìn của thuật phong thuỷ phương Đông thì đất ấy phía sau là núi, phía trước là sông/ là biển/ là nước thì thật là một thế đất trắc địa. Tinh hoa của tự nhiên và bề dầy của trầm tích văn hoá như những lớp phù sa cứ dồn về phía cửa sông - Sông Đuống, sông Cầu, sông Thương - cái đức của mặt trăng, mặt trời, của thiên nhiên đã bao bọc, buông dải nước xanh trong giữa lòng vùng đất Bắc Ninh - Kinh Bắc, phải chăng đều là tạo hoá sắp đặt nên vùng đất phát tích của Văn hoá xứ Bắc - Việt Nam!

Các triều đại phong kiến Việt Nam, hầu như vẫn giữ nguyên đơn vị hành chính các cấp của xứ Bắc - Kinh Bắc - Bắc Ninh. Điều kiện tự nhiên và không gian văn hoá làng nghề cùng hệ thống các di sản vật thể và phi vật thể đã tạo nên cảnh quan đầy thơ mộng, hữu tình, tạo nguồn cảm hứng cho các thi nhân qua các thời kỳ, đồng thời còn là nơi lưu giữ nhiều huyền tích, truyền tích và những câu chuyện tình mang đậm giá trị nhân văn của người Việt. Đó là những dòng sông, như: Tiêu Tương với chuyện tình Trương Chi - Mị Nương, sông Cầu “nước chảy lơ thơ”, sông Đuống “nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”, và sông Dâu cổ - Với câu chuyện tình của cô gái hái dâu Nguyên Phi Ỷ Lan... Mỗi con sông đều mang một sắc thái riêng, làm say đắm lòng người và thực sự đã luôn hấp dẫn du khách mỗi lần về với Bắc Ninh.

Một trong những yếu tố quan trọng làm nên sắc thái riêng có của văn hoá Bắc Ninh - Kinh Bắc là sự sớm tiếp nhận văn hoá Phật giáo, Nho giáo và sự xuất hiện của những trung tâm Phật giáo - Nho giáo lớn qua nhiều thế kỷ. Đó là trung tâm Luy Lâu - Dâu; Trung tâm Phật tích; Trung tâm dạy chữ Hán - Nho giáo “Nam Giao học tổ” có niên đại từ thế kỷ I (trước Công nguyên) đến thế kỷ II (sau Công nguyên)... Chính từ những trung tâm này, nhiều tăng sĩ đã đắc đạo và có nhiều đóng góp lớn vào nền văn hoá dân tộc. Sự xuất hiện của những trung tâm Phật giáo, Nho giáo lớn còn là điều kiện cho nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc phát triển, đạt được những thành tựu có ý nghĩa thời đại và đã để lại những dấu ấn của các niên đại khác nhau, đó là: Tượng Phật A di đà chùa Phật Tích, cột đá chùa Dạm; tượng Quan âm thiên thủ, thiên nhãn - Phật bà nghìn mắt, nghìn tay và tháp đá Bảo Nghiêm chùa Bút Tháp; hệ thống tượng tứ Pháp vùng Dâu - Luy Lâu; Ba pho tượng đá tam thế và hàng trăm các di tích lịch sử - Văn hoá cổ khác, trong đó có hơn 300 di tích đã được nhà nước xếp hạng... 

Bắc Ninh - Kinh Bắc là thế, nơi ra đời những truyền thuyết huyền thoại và lịch sử cổ xưa nhất, nơi phát sinh và thăng hoa nền học vấn khoa bảng, xứ sở của chùa tháp, hội hè đình đám với những ngôi chùa, pho tượng kiến trúc điêu khắc hàng đầu... đã và mãi là một miền cổ tích trên quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc.

Nói đến Văn hoá tinh thần xứ Bắc - Kinh Bắc - Bắc Ninh, phải kể đến dân ca Quan họ - là sản phẩm sáng tạo tinh tế của người dân lao động nơi đây, đã có hàng trăm năm nay với hơn 40 làng Quan họ cổ - mang đậm sắc thái dân gian và giá trị nhân văn sâu sắc, với các làn điệu làm say đắm lòng người, tình người trong và ngoài nước. cùng với Dân ca Quan họ, nhiều loại hình văn nghệ dân gian khác cũng nở rộ trên đất Bắc Ninh - Kinh Bắc. Tiêu biểu, như: Các làng Tuồng, làng Chèo nổi tiếng ở Từ Sơn, Quế Võ, Yên Phong... Ca trù ở làng Thanh Tương, hát Trống Quân ở làng Bùi Xá, múa Rối nước ở làng Đồng Ngư (Thuận Thành)... Bắc Ninh cũng được nhiều du khách gần xa biết đến với tư cách là quê hương có nhiều lễ hội. Vào mùa xuân gần như làng nào cũng mở hội, mỗi làng đều có phong tục tập quán, nét văn hoá lễ thức hội riêng. Hội làng ở Bắc Ninh - Một hình thái sinh hoạt văn hoá cộng đồng làng xã cổ xưa, hội đã gắn bó với đời sống sinh hoạt văn hoá tâm linh, nhu cầu biểu dương, củng cố ý thức cộng đồng, nhu cầu nghỉ ngơi giải trí, giao duyên và thưởng thức những giá trị văn hoá truyền thông - Những giá trị nhân văn đặc sắc, độc đáo của “Hội xứ Bắc”. Tiêu biểu, như: Lễ hội Kinh Dương Vương (ngày 16 - 18 tháng Giêng); Hội đền bà Chúa Kho (ngày 14 tháng Giêng); Hội pháo Đồng Kỵ (ngày13 tháng Giêng); Lễ hội Đền Đô và Hội Đình - làng Đình Bảng (ngày 14 -16 tháng 3 âm lịch); Hội chùa Bút Tháp (ngày 23-24 tháng 3 âm lịch); Hội chùa Dâu với lễ tắm Phật, cướp nước và rước Phật tứ pháp (ngày 7 - 8 tháng 4 âm lịch), Hội “Tạ ân” làng Xuân Quan và Đại Trạch (ngày 12 - 15 tháng 5 âm lịch) và “Mồng bảy hội Khám, mồng tám hội Dâu, mồng chín đâu đâu trở về hội Gióng”... Bắc Ninh - Kinh Bắc vẫn bảo lưu, duy trì và phát huy những giá trị văn hoá Hội truyền thống phục vụ đắc lực, có hiệu quả phát triển kinh tế - Văn hoá và dịch vụ, trọng tâm là Du lịch văn hoá.

Nếu văn hoá là thực tại cuộc sống, thì cuộc sống quanh ta đang diễn ra sôi động biết bao. Tất cả những gì được nêu trên đây đều là những nhân tố nội sinh tạo cho Bắc Ninh có nhiều điều kiện thuận lợi trở thành điểm đến, một nơi đáng sống - Địa chỉ du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, góp phần tạo đà phát triển đi lên, hoàn thiện những tiêu chí đô thị loại I, với định hướng xây dựng một đô thị kết hợp giữa sự phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao và kinh tế tri thức, song hành với phát triển văn hóa và bảo vệ môi trường, sớm trở thành phố trực thuộc Trung ương./.

                                                                                                                                                                                                                 NHO THUẬN